Các Vấn Đề Căn Bản, bài 20

Côlôse 2:8–15

Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhì vào năm 1945, tức là sau khi đế quốc Nhật Bản, nước cuối cùng của ba nước phe Trục: Đức-Ý-Nhật, đầu hàng phe đồng minh do Mỹ cầm đầu, người ta tưởng rằng cuộc chiến tranh ấy đã hoàn toàn kết thúc; vì phía chiến bại đã đầu hàng vô điều kiện.

Nhưng vài chục năm sau đó, người ta khám phá ra một số binh sĩ người Nhật, thuộc các đơn vị chiếm đóng Philippines bị quân Mỹ đánh tan tác trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, vẫn còn sống sau khi rút vào lẩn trốn trong các khu rừng rậm.

Những binh sĩ nầy vẫn hiếu chiến, tấn công những người tình cờ gặp họ, vì họ không biết quân đội Nhật đã đầu hàng và cuộc chiến tranh đã chấm dứt lâu rồi. Các phái đoàn Nhật phải đến tìm, giải thích và đem họ về nước.

Câu chuyện trên là hình ảnh y hệt sự hiểu biết, kiểu suy nghĩ, cách hành xử, và tình trạng thuộc linh của rất nhiều con cái Chúa ngày nay.

Nghĩa là có nhiều người vẫn chưa biết rằng một khi họ thật lòng tiếp nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus, “đã được chôn với Ngài trong báp-têm” thì họ đã “được sống lại với Ngài bởi đức tin nơi quyền năng của Đức Chúa Trời” (12).

Những người chưa hiểu sự thật nầy vẫn giữ cách suy nghĩ cũ và tiếp tục cách sống chiều theo sự thúc đẩy của tánh tình làm nô lệ cho bản chất tội lỗi như trước khi tin Chúa, mà họ không có một chút ý thức gì về thực trạng ấy. Tuy họ vẫn tham dự các buổi nhóm thờ phượng ở nhà thờ nhưng vẫn còn tâm trí cũ, tính tình cũ của con người cũ, không có gì chứng tỏ đã được đổi mới.

Sự biết chắc chắn về việc người tin đã được chôn với Đấng Christ qua phép báp têm và sống lại với Ngài, không những phải trở thành một hiểu biết căn bản đối với tất cả tín hữu mà còn phải được áp dụng vào đời sống hàng ngày.

Bởi vì lý lịch cũ của chúng ta, tức là bản chất đã tạo thành tánh tình và nhân cách của mình trước kia, đã bị Đức Chúa Jesus đem đi xử tử ngay sau khi ta tin Ngài rồi! Lý lịch mới, tức là bản chất mới của chúng ta, đã được tạo thành với Đấng Christ phục sinh.

Như lời Kinh-thánh quả quyết: “Bởi báp têm, chúng ta đã được chôn vào trong sự chết với Ngài, để rồi như Đấng Christ nhờ vinh quang của Cha được sống lại từ cõi chết thế nào, thì chúng ta cũng được sống trong đời mới thể ấy” (Rôma 6:4).

Lý do nào khiến người ta không hiểu? Mấu chốt của vấn đề nằm trong sự phản ứng sai lầm của nhiều tín hữu. Tức là lúc nhận báp têm thì người ta chờ một cảm giác diễn ra từ sự biến đổi bên trong khi con người cũ bị chết và con người mới sống dậy.

Họ tưởng rằng khi sự biến đổi xảy ra, nó sẽ tác động vào giác quan cảm nhận được. Nhưng khi thấy chẳng có cảm giác nào hết, thì vội vã kết luận là sự biến đổi đã không xảy ra.

Bí quyết của sự việc nầy là BIẾT và TIN. Mà sự biết và tin không phụ thuộc vào cảm giác của thân thể xác thịt. Nó thuộc lãnh vực quyết định của linh hồn về sự thật mà lý trí chưa cảm thấy có bằng chứng cụ thể nào để tin cả.

Nhưng hễ tín hữu nào tin quyết rằng mình đã được Chúa giải thoát khỏi hình phạt về tội lỗi và quyền lực của tội lỗi, thì người đó sẽ có thể sống và cư xử theo lý lịch mới, không còn bị bản tính cũ trói buộc nữa.

Vậy thì chúng ta phải làm gì để thực sự kinh nghiệm được sự chết và sống lại ấy?

Trước hết là BIẾT mình đã được giải thoát khỏi hình phạt và quyền lực của tội lỗi.

Thứ nhì là bắt đầu sống theo sự thật rằng mình “đã được chôn với Ngài trong báp têm” và đã “được sống lại với Ngài bởi đức tin nơi quyền năng của Đức Chúa Trời.

Người đã thật chết và thật sống lại thì không còn cố sức thủ thế hay tranh chấp với người khác; mà sẽ tìm mọi cách để ban cho thay vì chiếm hữu, cư xử hào phóng thay vì thu góp để dành của cải.

Vì căn cước của chúng ta bây giờ là ở trong Đấng Christ, cho nên cách hành xử của chúng ta đối với người khác là theo gương Ngài chứ không còn theo bản tính con người cũ của mình nữa.

Sở dĩ chúng ta làm được vì mình đã quyết tâm thay đổi và ơn tha thứ từ ân sủng Đức Chúa Trời đã giúp chúng ta thực hiện được sự thay đổi ấy.

Có người sẽ thắc mắc rằng làm thế nào những người đã quen lối sống phóng đãng đồi bại có thể thay đổi thành người thanh sạch mà chỉ cần ơn tha thứ của ân sủng? Vì đáng lẽ ra hạng người như thế phải bị một thứ khuôn khổ kỷ luật nào đó trói buộc thì mới chịu thay đổi.

Bởi lẽ thường tình đã cho thấy rằng xã hội càng dễ dãi buông thả chừng nào thì đạo đức con người càng xuống dốc chừng đó; và khi nền luân lý đạo đức của xã hội càng khắt khe chừng nào thì tội ác càng bớt công khai chừng đó.

Nghĩa là bản tính bình thường của con người là sẵn sàng nuông chiều những sự ham muốn của xác thịt, nếu hành động đó sẽ không bị cấm đoán hay lên án. Ngược lại, nếu có luật lệ nghiêm khắc quy định các nguyên tắc hành xử chung và trừng phạt những người vi phạm, thì người ta sẽ không dám buông thả vì sợ bị phạt.

Cách giải quyết của loài người nhằm bảo tồn đạo đức và duy trì trật tự là trừng phạt để làm gương; do đó, họ đặt ra pháp luật và xây nhiều nhà tù, trại cải huấn. Điều ấy thích hợp với tâm lý con người.

Đây cũng là cách các tôn giáo dùng để răn đe tín đồ của họ: Sẽ bị hình phạt ở địa ngục! Từ chỗ đó, bất cứ tôn giáo nào cũng đưa ra các luật lệ và nguyên tắc cư xử giữa người với người, với các sinh vật và môi trường chung quanh.

Vì vậy, tôn giáo luôn đề cập tới việc làm các công đức thiện lành để mua sự hài lòng của thần thánh hoặc giảm bớt hình phạt ở đời sau, khiến cho người chưa tin Chúa tưởng rằng Cơ-đốc-giáo cũng là một đạo dạy về luật đạo đức ăn hiền ở lành, mà có phần khắt khe hơn các tôn giáo khác.

Sự hiểu lầm ấy cũng do những người chưa hiểu tường tận về quyền năng của Tin Lành, mà cứ nỗ lực truyền giáo, gây ra.

Kinh-thánh tuyên bố rõ rằng Tin Lành là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu và biến đổi những tên tội phạm tệ hại nhất (Rôma 1:16), chứ không phải là luật pháp (Rôma 7:14–19).

Muốn dẹp tan sự hiểu lầm phổ quát về Tin Mừng của người chưa tin Chúa, chúng ta cần phải rao giảng qua cách sống hàng ngày của mình, để những người quen biết sẽ dần dần nhận ra quyền năng của Tin Lành hữu hiệu như thế nào.

Trong lúc xã hội quanh ta càng ngày càng trở nên vô đạo đức và hư hoại đến mức không còn thuốc chữa, thì tín đồ của Đức Chúa Jesus, những người nhờ quyền năng của Tin Lành biến đổi đời sống, đang “ở giữa một thế hệ lừa đảo, đồi bại,” càng phải sống theo Lời Chúa để thật sự trở nên “rạng ngời như sao sáng giữa trần gian” (Phi-líp 2:15).

Những người chưa bao giờ nếm trải quyền năng biến đổi của Tin Lành thì thường quan niệm về Đức Chúa Trời như một ông thần chỉ quan tâm tới những người làm điều thiện và ghét bỏ loại người tội lỗi nhớp nhúa.

Hội-thánh cần phải giải thích về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với nhân loại theo đúng thông điệp của Kinh-thánh là: Ngài mong đợi những người tuyệt vọng vì tình trạng tội lỗi quá mức của họ, mà không một chủ thuyết hay tôn giáo nào có thể giúp họ được bình an trong tâm hồn, nay quay lại tìm ơn cứu giúp trong Đức Chúa Jesus Christ.

Quan niệm sai trật về Đức Chúa Trời là ông thần trừng phạt loài người tội lỗi đã là lý do khiến người đời từ khước Tin Lành, và cũng là nguyên nhân tạo nên một lớp tín hữu không biết rõ thực trạng của họ, chưa chịu nhận ra vấn đề họ phải thực hiện là phải đồng chết và đồng sống lại với Đức Chúa Jesus.

Ơn tha thứ tội lỗi từ ân sủng của Đức Chúa Trời qua sự chết cứu chuộc của Đức Chúa Jesus vừa là Tin Mừng cho thế giới vừa là quyền phép biến đổi người nào tin Ngài.

Trái với quan niệm của thế gian cho rằng ân sủng của Chúa tha thứ tội lỗi mà không trừng phạt sẽ làm cho xã hội đồi bại hơn, nhưng chính ơn ấy đã biến đổi vô số đời sống, giúp cho người tin tràn đầy hi vọng, thúc đẩy và ban năng lực cho tín hữu làm điều lành, thực hiện tình yêu thương đối với đồng loại đang sống quanh mình mà không cần phải cố gắng.

Qúy anh chị em hãy hiểu rõ sự thật nầy; hãy hiểu rõ thực trạng tâm linh của mình. Chúng ta đã đồng chết với Đấng Christ trên thập tự giá, đã được đồng sống lại với Ngài nhờ ân sủng tuyệt diệu của Đức Chúa Trời.

Vì thế, hãy từ bỏ thứ tư tưởng hư hoại cũ để sống theo tư tưởng mà Đức Thánh Linh đã ban cho con người mới. Vì chúng ta không còn là con người trước kia nữa.

VanDeCanBan20.docx
Rev. Dr. CTB