Các Vấn Đề Căn Bản, bài 23

Mi-chê 6:6–8

Các điều kiện để sống đẹp lòng Đức Chúa Trời mà tiên tri Mi-chê nêu ra ở đây có vẻ rất đơn giản: “Làm điều công chính, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời.

Vào thời ấy, người ta tưởng rằng phải thực hiện nhiều thứ nghi lễ, dâng hiến thật nhiều, kể cả đứa con đầu lòng và chính thân thể mình nữa, thì sẽ được Đức Chúa Trời đẹp lòng. Nhưng qua tiên tri Mi-chê, lời Chúa cho biết những việc người ta phải làm để được đẹp lòng Ngài là: Làm điều công chính, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường trước mặt Ngài.

Ba điều nầy nghe có vẻ thật dễ thực hiện; nhưng qua hàng ngàn năm, dân Israel vẫn chẳng thể cư xử một cách công chính với nhau hoặc với các dân tộc khác; họ cũng chẳng bao giờ yêu mến sự nhân từ, lại càng không bước đi cách khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời.

Ngày nay, những người là con cái thật của Đức Chúa Trời được sống trong một thời đại mới, với rất nhiều điều kiện tâm linh và vật chất vô cùng thuận lợi, hơn hẳn các tổ phụ đức tin thời xưa của người Do-thái; vì Ngôi Lời của Đức Chúa Trời đã xuống thế gian, nhập thể làm người và đã chịu hình phạt án chết thay cho mọi người tin.

Rồi Đức Thánh Linh từ Đức Chúa Trời cũng được ban xuống để thành lập Hội-thánh của Đức Chúa Jesus trên đất; và Ngài thi hành công việc hướng dẫn, dạy dỗ Hội-thánh, cho tới ngày Ngài được cất về trời để đem Hội-thánh về nơi Đức Chúa Jesus đã hứa với các môn đồ Ngài.

Chúng ta vẫn khó làm theo lời Đức Chúa Jesus, vài trăm năm sau thời tiên tri Mi-chê, dạy về điều răn để sống đẹp lòng Đức Chúa Trời là: “Phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Đức Chúa Trời” và “yêu người lân cận như mình” (Mathiơ 22:37, 39).

Lời lẽ ở hai thời tuy có khác nhưng ý nghĩa vẫn là một. Mặc dù có đủ các điều kiện thuận lợi để sống đạo vào thời đại ngày nay của chúng ta, nhưng vấn đề sống đẹp lòng Chúa vẫn là nan đề đối với vô số tín hữu.

Theo lẽ thông thường, mỗi khi được chỉ dẫn cách thức để thực hiện việc gì đó, thì người ta đều làm được. Nhưng trong lãnh vực nầy thì chẳng mấy ai làm được theo điều đã được chỉ dẫn. Nghĩa là mặc dù chúng ta được cho biết cách để sống đẹp lòng Chúa, thì vẫn không có nghĩa là chúng ta sẽ thực hiện được.

Bởi vì dù cho chúng ta có làm điều công chính, yêu mến sự nhân từ và khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta vẫn nhận ra mình còn lâu mới làm đẹp lòng Ngài cách hoàn toàn. Có một điều gì đó trong bản chất nhân loại của chúng ta vẫn thường gây trở ngại cho đời sống đạo, mà chúng ta chân thành theo đuổi.

Dựa trên sự mặc khải của Đức Thánh Linh, sứ đồ Phao-lô khuyên tín hữu ở Hội-thánh Phi-líp: “Hãy lấy lòng sợ sệt run rẩy mà hoàn tất sự cứu rỗi của chính mình” (Phi-líp 2:12b).

Đây là lời chỉ dẫn con cái Chúa cách thức bước đi trên tiến trình thánh hóa, trong mối liên quan giữa hai vấn đề lớn của sự cứu rỗi: Được xưng công chính và thánh hóa.

Được xưng công chính là được tha thứ và tẩy sạch hết mọi tội lỗi để không còn bị trừng phạt; thánh hóa là duy trì một nếp sống thánh khiết trong cuộc sống mỗi ngày để giữ vững ơn đã được cứu rỗi.

Như vậy, người đã được xưng công chính và đang bước đi trên con đường thánh hóa sẽ phải từ bỏ nhiều điều người đó không thể thiếu trước kia. Như Đức Chúa Jesus dạy:

Nếu mắt bên phải khiến con phạm tội, hãy móc mà ném nó đi!” và “Nếu tay phải của con gây cho con phạm tội, hãy chặt và ném nó đi! Vì thà con mất một phần thân thể còn hơn là cả thân thể phải đi vào hỏa ngục” (Mathiơ 5:29-30).

Theo ý nghĩa của lời dạy ấy, thì để thực hành sự thánh hóa, tức là trưởng thành tâm linh, tín hữu phải chịu nhiều điều đau đớn lắm.

Lời Chúa dạy về sự móc mắt hay tự chặt tay ở đây không có ý áp dụng theo nghĩa đen, nhưng có nghĩa là phải từ bỏ những thứ mình thấy là thật cần thiết, nhưng chính chúng là thủ phạm khiến cho mình phạm tội.

Dựa trên sự hiểu biết đó tín hữu có thể suy diễn rằng, sự xưng công chính có thể ví như nấc thang đầu tiên của cái thang cứu rỗi, còn sự thánh hóa là các mức cao hơn mà mình sẽ tiến lên; theo sự suy diễn đó thì, nếu đang bước đi trên đường thánh hóa thì không cần phải quan tâm tới nấc thang được xưng công chính nữa.

Thật ra, vấn đề đó không hoàn toàn đúng như vậy. Về ý nghĩa thần học thì hai vấn đề ấy khác nhau, nhưng về mặt ứng dụng thì sự được xưng công chính và nếp sống thánh hóa luôn luôn đồng hành với nhau.

Bởi vì nếu chúng ta quên mất bằng cách nào mình đã được cứu chuộc, được tha tội, được xưng công chính, và được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời, thì trên tiến trình thánh hóa chúng ta sẽ bước đi một cách vô cùng trầy trật.

Vì vậy, chúng ta phải thường xuyên nhớ lại và tái khám phá sự thật về thập tự giá là nguyên nhân mình đã được xưng công chính, để dựa trên sự thật đó chúng ta mới có thể trưởng thành về đời sống tâm linh.

Thánh hóa không phải là trình độ cao cấp hơn lúc được xưng công chính, mà là một đời sống công nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời nhờ Đức Chúa Jesus, Đấng thay thế chúng ta hoàn thành tất cả các sự đòi hỏi của luật pháp Đức Chúa Trời.

Từ sự hiểu biết đó, chúng ta bắt đầu hiểu nhiệm vụ “lấy lòng sợ sệt run rẩy mà hoàn tất sự cứu rỗi của chính mình,” là làm những việc mình có khả năng làm để bày tỏ ơn cứu rỗi qua lời nói, cách suy nghĩ, những phản ứng cùng cảm xúc của mình.

Nó cũng có nghĩa là mình quyết định đồng ý với Đức Chúa Trời là con người cũ trong ta phải nhường chỗ cho con người mới. Vì thế cho nên “Đức Chúa Trời ….. hành động trong anh em, để anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13).

Việc đó diễn tiến ra sao? Đức Thánh Linh soi xét trong lòng con cái Ngài để chỉ cho họ thấy các thứ tội họ còn giấu giếm trong lòng.

Cách Ngài làm là lôi ra ánh sáng những tư tưởng, ý định xấu xa mà ta có biết hoặc không biết là xấu; phần chúng ta là phải chịu nhìn nhận những gì Ngài đã chỉ ra đúng với bản chất của nó, rồi cộng tác với Ngài trừ khử những thứ ấy ra khỏi lòng mình theo ý muốn Ngài. Đó là cách chúng ta “vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.

Vậy thì, hoàn tất ơn cứu rỗi, hoặc muốn sống đẹp lòng Chúa, là vận dụng quyết tâm muốn thực hiện sự chỉ dẫn tường tận của Đức Thánh Linh về việc sửa đổi tâm tánh, để qua cách sống mỗi ngày, bằng một đức tin xác quyết và không bao giờ lung lay hay nao núng, chúng ta sẽ biểu lộ ra các bằng chứng của đời sống hoàn toàn tin cậy vào sự cứu chuộc toàn hảo do Đức Chúa Giêxu hoàn tất.

Sau khi xem xét qua những vấn đề vừa nói ở trên, tức là các điều kiện phải có để sống đẹp lòng Chúa, sự sợ sệt run rẩy hoàn tất sự cứu rỗi của chính mình, đồng ý với hành động của Đức Thánh Linh lôi ra ánh sáng những tội lỗi còn ẩn giấu trong lòng và sẵn sàng trừ khử chúng, để có thể vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.

Đối với nhiều người khi hết sức cố gắng làm điều công chính, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời, thì sự cản trở vẫn còn là họ nhận ra mình thường thất bại, không làm được.

Cho nên, chúng ta cần học lại một chân lý rất căn bản về ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus bao trùm trên mọi lãnh vực của đời sống người tin như thế nào, tức là Tin Lành Toàn Vẹn, mà nhiều con cái Chúa chưa hiểu hết.

Tin Mừng cho chúng ta là Thánh Linh của Đức Chúa Jesus giúp chúng ta sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nhưng không phải chỉ có chừng đó; Tin Mừng còn vô cùng lớn hơn nữa, vì ai được ở trong Đức Chúa Jesus thì sẽ luôn luôn được đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Bởi vì lúc Đức Chúa Jesus còn sống trên đất, thì Đức Chúa Trời đã hai lần phán từ trời về Ngài rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn” (Mathiơ 3:17; 17:5).

Có nghĩa là các con cái Chúa không cần nỗ lực sống đạo một cách khổ sở; họ chỉ cần duy trì địa vị “ở trong” Đức Chúa Jesus là có thể được đẹp lòng Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Jesus sẽ thay cho những người vẫn ở trong Ngài làm đẹp lòng Đức Chúa Cha.

Ngài từng dặn dò: “Hãy cứ ở trong Ta, thì Ta sẽ ở trong các con” (Giăng 15:4).

Ngài dạy bảo cách được ở trong Ngài là: “Nếu các con vâng giữ các điều răn của Ta thì sẽ ở trong tình yêu thương của Ta… Đây là điều răn của Ta: Các con hãy yêu thương nhau, như Ta đã yêu thương các con” (Giăng 15:10, 12).

Hãy hiểu biết và vui mừng lên, vì chúng ta được hưởng một Tin Lành toàn vẹn. Những gì sức lực và khả năng loài người không làm được, thì Đức Chúa Jesus yêu dấu đã thay chỗ cho những người tin và ở trong Ngài để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.

VanDeCanBan23.docx
Rev. Dr. CTB