Father’s Day

crowd

Giăng 3:16–17

Ngày 7 tháng 12, 1988, một trận động đất dữ dội xảy ra ở miền tây bắc nước Armenia, giết chết khoảng 25,000 người. Ở một thành phố nhỏ, ngay sau trận động đất, một người cha chạy tới ngôi trường học của con trai mình đã bị trận động đất san bằng. Không có dấu hiệu sự sống nào. Hoàn toàn im lặng.

Người cha bắt đầu đào bới ngay chỗ ông đoán là phòng học của đứa con trai. Vì ông đã hứa với con mình rằng: “Bất kể tình thế có ra sao, ba sẽ tới giúp con khi con cần ba.

Mặc cho những người chung quanh gào khóc than vãn, rồi mọi người khác khuyên rằng: “Chẳng đứa học sinh nào còn sống, nên đừng phí sức, phí công vô ích.” Ông không chịu ngừng. Ông cần biết con mình còn sống hay đã chết. Người ta lần lượt bỏ đi hết chẳng còn ai.

Cô đơn một mình không ai giúp đỡ, người cha cứ tiếp tục cật lực dọn đống gạch đổ nát mà ông đoán là khu vực phòng học của con mình. 12 giờ, 24 giờ, rồi 36 giờ trôi qua, người cha vẫn không bỏ cuộc.

Đến giờ thứ 38, sau khi gỡ được một mảng gạch lớn, ông nghe có tiếng nói. Ông hét lên “Armand!” Có tiếng trả lời: “Ba! Con Armand đây!” “Con đã nói với tụi nó rồi, đừng lo. Hễ ba còn sống thì ba sẽ đến cứu con. Và khi con được cứu, thì tụi nó cũng sẽ được cứu!

Từ cái lỗ hổng được moi ra, người cha giúp con mình và mười ba đứa trẻ khác ra khỏi đống đổ nát. Lũ trẻ sống sót nhờ trú ẩn cạnh một vách tường vững chắc. Khi cái nhà bị sập, thì mảng sập và vách tường tạo nên một tam giác an toàn. Dù bị kinh hoàng, đói, khát, và đầy bụi cát, lũ trẻ được giải thoát nhờ tình yêu thương con vô bờ bến và sự giữ trọn lời hứa của một người cha.

Một nhân viên hoả xa làm nhiệm vụ điều khiển nhịp cầu quay trên một cây cầu bắc qua một dòng sông khá lớn. Vợ ông mất sớm, ông chỉ có đứa con trai nhỏ duy nhất mà ông yêu thương vô cùng. Đối với ông, đứa con là tất cả hạnh phúc mà ông có. Đứa con cũng rất yêu thương cha nó. Tâm hồn của hai cha con quấn quýt nhau không rời.

Đứa con thích ngắm nhìn những đoàn xe lửa chạy ngang qua cây cầu mà ba nó điều khiển, xem những hành khách ngồi trên các toa xe chạy qua. Trong vô số hành khách ngược xuôi mỗi ngày trên các chuyến xe lửa, có cả người tốt lẫn người xấu, người ích kỷ, người thờ ơ, người gian ác, người nghiện ngập, người lãnh đạm, người buồn chán, người tham lam, người mệt mỏi, người tật nguyền, người khó tính, người rộng lượng, người nham hiểm… Nói tóm lại, có đủ hạng người đi trên các chuyến tàu.

Ngày lại ngày, người cha điều khiển cho nhịp cầu quay lên để những chiếc tàu thuỷ có thể đi lại vận chuyển hàng hoá xuôi ngược trên sông. Rồi ông phải đóng cầu dao điện để cỗ máy quay hạ cây cầu xuống khi thấy xe lửa từ đàng xa chạy đến để qua cầu.

Một ngày nọ, đứa con nài nỉ và cha nó xiêu lòng dẫn nó ra chỗ ông làm việc. Đang chơi ở ngoài, thấy có một đoàn tàu hoả từ xa đang chạy đến, mà nhịp cầu đang mở cao cho một chiếc tàu thuỷ trên sông chạy qua. Nó gọi cha nhiều lần để báo tin cho ông biết. Khi người cha từ phòng điều khiển nhìn ra, ông kinh hoàng vì kịp thấy đứa con trai nhỏ vô cùng yêu quý của ông đang cố vói xuống chỗ mối nối nhịp cầu đang mở cao vì muốn bật cần khẩn cấp giúp cha, nên nó bị lọt xuống bệ đó mà không trèo lên được.

Ngay trong khoảnh khắc hết sức khẩn cấp đó ông phải quyết định, hoặc là đóng cầu dao điện động cơ hạ nhịp cầu xuống để cứu vô số người trên hàng trăm toa xe lửa khỏi bị lọt xuống sông sâu, nhưng đứa con yêu quý sẽ bị nhịp cầu sắt hạ xuống đè bẹp, hoặc bỏ mặc đoàn tàu, chạy ra cứu con nhỏ của mình trước đã. Trước viễn cảnh hàng ngàn người sẽ mất mạng, ông đau đớn khóc nức nở đóng cầu dao điện để cứu họ mà lòng ông nát tan từng mảnh.

Đoàn tàu hoả cứ thản nhiên chạy ngang qua cây cầu. Hàng ngàn hành khách được bình yên trong khi người cha đau khổ gào khóc thảm thiết. Ông đã hi sinh đứa con một vô cùng yêu quý, nguồn hạnh phúc và an ủi của đời ông, để cứu mạng sống của vô số người, mà trong đó ông biết có biết bao người mang bản chất xấu xa không đáng nhận sự hi sinh ấy.

Vài năm trôi qua, người cha mang vết thương lòng không nguôi vì cái chết thảm thương của đứa con. Một hôm đang buồn rầu đi trên phố, ông thấy từ xa khuôn mặt quen thuộc của cô gái nghiện ma tuý mà ông vẫn thường thấy ngồi một mình trên toa tàu chạy ngang qua cầu hàng ngày.

Ngày oan nghiệt đó, từ cửa sổ toa tàu cô ngơ ngác nhìn người gác cầu quen mặt đang gào khóc thảm thiết. Hôm nay sau vài năm, cô gái đang ẵm trên tay một bé trai kháu khỉnh độ hai tuổi.

Họ đi ngược chiều nhau, đứa bé nhoẻn miệng cười với người đàn ông xa lạ. Xa rồi mà nó vẫn ngoái lại cười với người đàn ông lạ đang đứng xoay người âu yếm nhìn theo nó.

Người cha đau khổ chợt nhận ra kết quả sự hi sinh của mình; điều đó khiến ông cười vui rạng rỡ: Ít nhất, sự hi sinh của ông đã cứu mạng cô gái lỡ lầm, tạo cơ hội cho cô cai nghiện và một mầm sống mới từ cô đã ra đời.

Đứa bé trai kháu khỉnh hiện đang vui hưởng sự sống là nhờ quyết định đầy đau đớn của ông. Mặc dù nó và mẹ nó chưa bao giờ biết ông phải lập một quyết định đầy đau đớn để họ được sống. Hàng ngàn người đi trên chuyến tàu hôm đó cũng không biết ông đã âm thầm hi sinh con mình để cứu mạng sống của họ.

Tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là vô bờ bến. Trong ngày lễ ‘Hiền Phụ’ để vinh danh tình cha cao cả, nhắc lại hai câu chuyện có thật để chúng ta cùng suy gẫm về sự hi sinh đầy cao quý của Đức Chúa Cha, Đấng Hiền Phụ của chúng ta, đã chịu đau đớn nhìn Ngôi Lời bị giết chết bởi chính những người gian xảo đáng lẽ phải chịu hình phạt.

Dù nhiều tín hữu đã thuộc lòng câu Kinh-thánh làm nền tảng vĩnh cửu của Tin-mừng, nhưng có mấy ai cảm thông hoặc biết thấu nỗi lòng đau đớn của Đức Chúa Cha? Sở dĩ chúng ta ít cảm thông với Ngài vì chưa từng thấy tận mắt sự hi sinh thảm thương của Đức Chúa Giêxu đã làm Đức Chúa Cha tan nát lòng như thế nào.

Đức Chúa Giêxu cho chúng ta biết tình yêu bao la của Đức Chúa Cha: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài. Hầu cho hễ ai tin Con ấy thì không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Hãy suy gẫm lại câu chuyện người gác cầu. Mọi hành khách trên chuyến xe lửa chạy xuyên qua cây cầu hôm ấy đều không biết giây phút tranh chiến dữ dội đã diễn ra trong lòng của người cha gác cầu.

Chuyến tàu sẽ rơi xuống dòng sông và nhiều ngàn người bị chết thảm, nếu người cha quyết định cứu đứa con trai yêu quý độc nhất của mình trước đã, còn ai có chết cũng chỉ là số phận của họ; mà với đám hành khách có đủ thứ tâm tánh xấu xa của con người, thì họ không thể so với đứa con ngây thơ trong trắng của ông được.

Lương tâm vị tha và tinh thần trách nhiệm của người gác cầu buộc ông phải hi sinh đứa con một của ông. Mất nó, một phần đời của ông vĩnh viễn không tìm đâu ra được nữa.

Từ câu chuyện nầy, chúng ta mới thấu hiểu lòng yêu thương nhân loại của Đức Chúa Trời lớn đến mức nào. Con Ngài quý hơn cả vũ trụ. Đấng Cực Thánh vui lòng mang hết mọi tội lỗi tởm lợm nhất của những con người cùng hung cực ác; những hạng người mà nhân loại bình thường đều thấy là không nên để cho sống trên trần gian.

Nếu Đức Chúa Giêxu đến thế gian để kết án loài người, thì chắc chắn là không ai thoát khỏi án chết. Nhưng Ngài đến để thế gian nhờ Ngài mà được cứu (Giăng 3:17).

Còn người cha miệt mài moi đống gạch vỡ của ngôi trường sụp đổ sau cơn động đất để tìm cứu đứa con mình, vì ông đã hứa với con là bất cứ hoàn cảnh nào khi con ông cần, thì ông sẽ đến cứu giúp nó. Ông đã giữ lời hứa.

Tình yêu thương của người cha đối với đứa con khiến ông không mất hi vọng. Một mình đào bới, dọn dẹp hơn một ngày rưỡi trọn, ông chẳng những đã cứu sống con trai mình, mà còn cứu được thêm 13 đứa bạn học của nó.

Kinh-thánh nhắc lời Chúa hứa: “Chớ tham tiền, hãy hài lòng với những gì mình có, vì chính Đức Chúa Trời có phán: ‘Ta sẽ chẳng lìa con, chẳng bỏ con đâu.’ Như vậy, chúng ta có thể nói cách mạnh dạn: ‘Chúa giúp đỡ tôi, tôi sẽ không sợ. Người đời làm gì tôi được?’” (Hê-bơ-rơ 13:5–6).

Hãy tin chắc tình yêu và lời hứa của Cha chúng ta trên trời. Ngài yêu thương chúng ta và không bao giờ lìa bỏ chúng ta.

Father’sDay14.docx

Rev. Dr. CTB