Sách Công Vụ, bài 16


Công Vụ 7:17–39

Ê-tiên khéo léo nhấn mạnh đức tin của Áp-ra-ham, là người đã tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời, mặc dù Áp-ra-ham chẳng thấy một bằng chứng nào là lời hứa ấy sẽ được hoàn thành (3–8). Về phần lịch sử thời Giô-sép, Ê-tiên cũng nhấn mạnh sự can thiệp của Chúa với hậu ý trình bày cho hội-đồng tôn-giáo thấy rằng dù Giô-sép bị bán làm nô lệ ở Ai-cập do lòng ganh ghét của các anh mình, nhưng Đức Chúa Trời dùng việc ấy để cứu mạng sống của họ và cả dân tộc Israel (9–14). Cái hội-đồng tôn-giáo đó đã từ chối không chịu tin Đức Chúa Trời đã hoàn thành lời hứa của Ngài qua sự phục sinh của Đức Chúa Giêxu là Đấng giải cứu đã đến. Cách đối xử tệ hại của các anh Giô-sép đối với đứa em ruột của họ hoàn toàn tương phản với cách Đức Chúa Trời đối xử với ông, được Ê-tiên đem so với cách các nhà lãnh đạo Do-thái đã đối xử với Đức Chúa Giêxu.

Ê-tiên tiếp tục kể về thời kỳ dân tộc Do-thái gia tăng nhanh chóng tại Ai-cập, khi đã đến lúc Đức Chúa Trời hoàn thành lời Ngài hứa với Áp-ra-ham là dòng dõi của ông sẽ làm chủ vùng đất Ca-na-an (17) [ngạn ngữ ‘đất hứa’ ra đời từ tích nầy]. Sự gia tăng cứ tiếp tục cho tới khi một triều đại mới nổi lên nắm vương quyền của nước Ai-cập, thì có sự thay đổi lớn. Vị hoàng đế ấy không biết gì về công lao của Giô-sép cứu nước Ai-cập khỏi bị tiêu diệt vì nạn đói kinh khủng trước kia (18); cho nên đã ngược đãi dân Do-thái, bắt họ làm nô lệ sản xuất gạch cho nhu cầu xây dựng đền đài, lăng tẩm, dinh thự không bao giờ dứt của lòng tham vô chừng, và phục dịch như những lao nô trong mọi việc. Vua lại “bắt họ phải bỏ trẻ sơ sinh cho chết đi” nữa (19). Nghĩa là không thiếu thủ đoạn quỷ quyệt nào để dần dần tiêu diệt hết dân Do-thái (Xuất Ai-cập 1:8–22).

Lúc ấy Môi-se ra đời, được Đức Chúa Trời hài lòng, và được nuôi dưỡng ba tháng tại nhà cha” (20). Tác giả thư Hê-bơ-rơ thuật:Bởi đức tin, Môi-se khi mới ra đời được cha mẹ đem giấu đi ba tháng, vì họ thấy con xinh xắn và không sợ lệnh vua” (Hêbơrơ 11:23). Lúc không còn cách gì khác để giấu con, họ đem đứa trẻ đặt trong một cái thúng đan bằng cói đã trét nhựa chai, thả giữa đám sậy ven sông. Công chúa, con gái vua Ai-cập, đi tắm sông thấy đứa trẻ kháu khỉnh, nên vớt lên giao cho chị đứa trẻ, đang đứng canh chừng gần đó, tìm một người đàn bà Hê-bơ-rơ đang có sữa làm vú nuôi có tiền công. Mẹ đứa trẻ vừa được nuôi con, vừa được trả công cho đến khi Môi –se dứt sữa thì giao cho công chúa “đem về nuôi dưỡng như con ruột” (21; Xuất Ai-cập 2:2–10).

Môi-se đã được dạy các kiến thức Ai-cập, lại là người có uy thế trong lời nói và việc làm” (22). “Một hôm, khi Môi-se đã trưởng thành, ông đi ra ngoài tìm đến đồng bào mình và thấy công việc nhọc nhằn của họ. Ông cũng thấy một người Ai-cập đánh một người Hê-bơ-rơ. Nhìn quanh không thấy ai, Môi-se liền giết người Ai-cập đó rồi vùi xác trong cát (Xuất Ai-cập 2:11–12). Tưởng rằng người Hê-bơ-rơ biết Đức Chúa Trời dùng ông để giải cứu họ, nhưng họ không hiểu thiện ý của ông. Vì vậy, khi ông đến can gián hai người Hê-bơ-rơ đang đánh nhau, thì người có lỗi sừng sộ thách thức Môi-se “Ai đặt anh làm người cai trị và xét xử chúng tôi? Hay anh muốn giết tôi như giết người Ai-cập hôm qua?” (23–28). Môi-se tỉnh mộng trước thực tế đồng bào ông chưa tôn trọng ông như ông tưởng. Vua Ai-cập biết tin, tìm giết Môi-se, nên ông trốn qua Ma-đi-an (29).

Ý của Ê-tiên ở phần lịch sử nầy là Môi-se đã làm như vậy vì ông tưởng rằng người Do-thái cùng huyết thống với ông sẽ hiểu rằng Đức Chúa Trời dùng ông để giải cứu họ, nhưng họ không hiểu. Ê-tiên thấy một sự tương đồng rõ ràng trong cách các nhà lãnh đạo Do-thái đã không hiểu những gì Đức Chúa Trời đã làm qua Đức Chúa Giêxu để ban ơn cứu độ của Ngài cho họ, khi họ cự tuyệt Đức Chúa Giêxu, như cha ông họ đã từng cự tuyệt Môi-se vậy.

Bảy con gái của Rê-u-ên, thầy tế lễ Ma-đi-an, đi chăn chiên, được Môi-se bênh vực khỏi sự hiếp đáp của bọn chăn chiên muốn đuổi họ đi. Rê-u-ên mời Môi-se ở lại và gả trưởng nữ Sê-phô-ra cho Môi-se làm vợ (Xuất Ai-cập 2:16–21). Môi-se kiều ngụ lâu dài trên đất khách và chăn chiên cho cha vợ mình, còn có tên là Giê-trô, trong bốn mươi năm. Khi ông đã được tám mươi tuổi, thì “một thiên sứ hiện ra với Môi-se trong sa-mạc, cạnh núi Si-nai, giữa một bụi gai đang bốc cháy(30). Ngạc nhiên trước một hiện tượng bất thường làbụi gai cháy nhưng không hề tàn” (Xuất Ai-cập 3:2–3), Môi-se bước lại gần để xem thì nghe tiếng nói từ giữa bụi gai cháy gọi tên ông. Môi-se thưa “Có con đây.” Đức Chúa Trời phán: ‘Đừng đến gần! Hãy cởi dép khỏi chân con vì nơi con đang đứng là đất thánh’ Rồi Ngài xưng là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. … “Ta đã thấy nỗi gian khổ của dân Ta ở Ai-cập, đã nghe tiếng than van, nên Ta xuống giải cứu họ. Lại đây! Ta sẽ sai con sang Ai-cập” (31–34).

Ê-tiên phân tích và nhấn mạnh điểm chính yếu của bài giảng mà ông đang trình bày cho hội-đồng tôn-giáo. Ông muốn họ nhớ lại cách người Do-thái đối xử với Môi-se “là người đã bị đồng bào khước từ:‘Ai đặt anh làm người cai trị và xét xử chúng tôi?’ lại được Đức Chúa Trời sai làm người lãnh đạo và giải phóng dân tộc, với sự giúp đỡ của vị thiên sứ hiện ra cho ông thấy trong bụi gai. Ông là người đã hướng dẫn họ ra khỏi Ai-cập, thực hiện nhiều phép lạ và việc diệu kỳ tại xứ Ai-cập, trên Hồng-hải, trong sa mạc suốt bốn mươi năm” (35–36). Nghĩa là người bị chính đồng bào mình cự tuyệt trước đây, lại được Đức Chúa Trời sử dụng làm “người lãnh đạo và giải phóng dân tộc.” Ông nhắc nhở hội-đồng tôn-giáo rằng không phải Đức Chúa Trời sử dụng năng lực của Môi-se để giải thoát dân Do-thái, nhưng “với sự giúp đỡ của vị thiên sứ đã hiện ra cho ông thấy trong bụi gai (35).

Sau đó Ê-tiên nói tới điểm chính của phần lịch sử nầy: “Chính Môi-se đã nói với dân Israel: ‘Từ giữa đồng bào, Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một nhà tiên tri như tôi” (37). Nói rằng một tiên tri được Đức Chúa Trời dấy lên hoặc sai đến, thì ý Môi-se muốn nói là dân Do-thái phải nghe và tuân theo lời dạy của vị Tiên-tri ấy. Các nhà lãnh đạo Do-thái nghe tới đây thì hiểu lời giảng của Ê-tiên có ý muốn áp dụng vai trò Đức Chúa Giêxu chính là vị Tiên-tri mà Môi-se đã nói đến; là vị Tiên-tri giống như Môi-se sẽ xuất hiện mà mọi người theo Do-thái-giáo phải tin và vâng lời. Ý của Ê-tiên muốn nói là vì họ không chịu nghe theo cũng không vâng lời Đức Chúa Giêxu, nên họ đã cố ý không vâng lời Đức Chúa Trời và khinh thường lời dạy của Môi-se.

Ê-tiên tiếp tục nói về tội cự tuyệt tệ hại hơn nữa của người Israel đối với Môi-se, chính là cự tuyệt Đức Chúa Trời: “Ông là người ở giữa hội đoàn nhân dân trong sa mạc với tổ tiên ta, và với vị thiên sứ đã nói với ông trên núi Si-nai. Ông là người nhận lãnh lời hàng sống để truyền cho đồng bào. Nhưng tổ tiên ta không vâng phục, khước từ ông và trở lòng hướng về Ai-cập” (38–39). Ê-tiên dùng các sự kiện lịch sử có thật không thể chối cãi của dân Israel làm nền tảng cho bài giảng của ông. Giới lãnh đạo Do-thái-giáo đang ngồi trong hội-đồng tôn-giáo bị buộc phải nghe những lời đó mà không thể bắt bẻ chi được; bởi vì Ê-tiên chỉ kể tóm tắt lịch sử ấy đã được ghi chép rõ ràng trong ‘Ngũ-kinh’ của Môi-se, tức là bộ Kinh-thánh cổ xưa nhất của Do-thái-giáo, bộ sách mà họ phải đọc và dạy bảo cho dân chúng mỗi ngày.

Từ đầu bài giảng cho tới phần nầy, Ê-tiên dùng bài học về đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham sẵn sàng rời quê hương đi tới một chân trời vô định, chỉ nhận được sự hoàn thành lời hứa về đứa con mà ông trông đợi lúc ông đã được một trăm tuổi. Ê-tiên cũng nêu lên bài học Giô-sép được Chúa sai đi trước làm nô lệ ở xứ người, chịu đủ hoạn nạn đắng cay, nhưng sau đó được vinh quang và trở nên đấng giải cứu cho toàn dân tộc Israel. Sự kiện Giô-sép đem toàn thể gia đình từ Ca-na-an sang Ai-cập, và gia đình ấy trở thành một dân tộc đông đảo, đã làm ứng nghiệm lời tiên báo của Chúa cho Áp-ra-ham về việc dòng dõi ông sẽ bị hà hiếp và làm nô lệ trong bốn trăm năm. Rồi sự sinh ra đời của Môi-se, cuộc đời chìm nổi đầy vinh nhục đã được Chúa dùng để giải thoát dân Israel ra khỏi cảnh làm nô lệ tại Ai-cập. Hình ảnh tương đồng về việc dân Do-thái cự tuyệt Đức Chúa Trời ngày xưa, so với thực trạng họ cự tuyệt Đấng Christ ngày nay đều là tội trọng.

SachCongVu16.docx

Rev. Dr. CTB