Sách Công Vụ, bài 05

Công Vụ 2:5–21

Sau khi vương triều cuối cùng của dòng vua Đa-vít bị đế quốc Ba-by-lôn giải thể và các thế hệ cha ông của họ bị lưu đày hoặc lưu lạc khắp vùng Lưỡng-Hà, Nam-Âu và Bắc-Phi qua một thời gian khá dài, thành phố Giêrusalem vào thời sơ lập của Hội-thánh là nơi định cư của nhiều người Do-thái tứ xứ trở về. Những người chạy đến vì nghe tiếng động như gió thổi ào ào và tiếng ồn ào do 120 người “bắt đầu nói các tiếng khác, như Đức Thánh Linh cho họ nói” (4–6), là người Giu-đa tại Giêrusalem và những người mộ đạo Do-thái-giáo nói mười bốn ngôn ngữ khác (9-11) đã tề tựu quanh đền thờ để dự lễ Ngũ-tuần. Sở dĩ nhiều sắc dân đến Giêrusalem trong dịp lễ Ngũ-tuần vì việc đi thuyền vượt Địa-Trung-Hải vào thời gian đó an toàn hơn kỳ lễ Vượt-qua.

 

Khi quan sát từng lời trong cách ký thuật của Luca, người đọc có thể phân tích và nhận định điều mà ông muốn mô tả chỗ nầy: “nhiều người kéo đến, vô cùng kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các môn đồ nói tiếng xứ mình. Họ sửng sốt bàng hoàng nói:‘Các ông ấy không phải là người Ga -li-lê sao? Thế sao mỗi chúng ta  đều nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (6-8). Nghĩa đen của các câu nầy là bất cứ người nói thứ tiếng gì cũng đều nghe tất cả môn đồ nói thứ tiếng đó. Có hai cách hiểu điều mà Luca ghi lại: Một là Đức Thánh Linh làm cho mỗi nhóm môn đồ nói một ngôn ngữ. Theo ý nầy nếu kể cả tiếng xứ Giu-đê thì có mười lăm thứ tiếng nói được nghe; nếu thế thì cứ mỗi thứ tiếng có một nhóm 8 người nói (8 x 15=120). Hai là do phép lạ về nghe của Đức Thánh Linh thực hiện trên những người chạy đến, nên ai cũng nghe tất cả môn đồ nói tiếng xứ họ.

 

Cách hiểu thứ nhất có phần trục trặc, vì nếu mười lăm nhóm môn đồ nói mười lăm thứ tiếng cùng một lúc thì rất ồn ào, khó nghe rõ những điều họ nói. Nhưng người nghe lại bảo nhau: “Thế mà chúng ta nghe họ dùng tiếng chúng ta để nói về những việc phi thường của Đức Chúa Trời” (11b). Chi tiết nầy chứng tỏ người nghe đã nghe rõ ràng những gì được nói ra, chứ không phải chỉ nghe tiếng được tiếng mất trong đám đông nói lộn xộn nhiều thứ ngôn ngữ. Nếu hiểu theo cách thứ nhì thì việc ấy là phép lạ về nghe, còn thực tế thì các môn đồ nói các thứ ‘tiếng lạ’ mà Đức Thánh Linh đã ban cho họ nói. Hai phái của hai cách diễn giải khác nhau vừa nói trên vẫn không đồng ý với cách diễn giải của phái kia. Những người không tin vào ‘tiếng lạ’ được nói đến trong Tân-Ước, thì cho rằng các môn đồ nói các ngôn ngữ khác. Còn những người tin ‘tiếng lạ,’ vì căn cứ vào nguyên ngữ Hy-lạp là “glossolalia,” thì cho rằng đó là ngôn ngữ siêu nhiên (1Côr.14:4-5).

 

Có lẽ người ta nhận ra các môn đồ là người Ga-li-lê (7) vì cách ăn mặc của họ khác với cách phục sức của người sống ở xứ Giu-đê, mặc dù họ đều là người Do-thái. Trước một hiện tượng vô cùng kỳ lạ, thì “mọi người kinh ngạc, bối rối hỏi nhau: ‘Như thế nghĩa là làm sao?’” (12). Không thể giải thích nổi nên có người chế giễu: “Họ say rượu mới đó!” (13). Ở chi tiết nầy cũng phân ra hai cách suy diễn: Những người không tin vào các biểu hiện bất bình thường do Đức Thánh Linh tác động trên thân thể, thì cho rằng vì các môn đồ nói những ngôn ngữ khác theo cách quá ồn ào, nên bị người ta chế giễu là say rượu. Cách suy diễn thứ nhì cho rằng điệu bộ của các môn đồ lảo đảo như say rượu vì được Đức Thánh Linh tác động mạnh trên thân thể họ. Sự suy diễn nầy được xác nhận bởi nhiều hiện tượng ‘say Thánh Linh’ trong các cuộc phục hưng Hội-thánh ngày nay.

 

Nhưng Phierơ đứng dậy cùng mười một sứ đồ, nói lớn với mọi người” (14). Theo ý câu nầy thì các môn đồ đều ngồi khi Đức Thánh Linh giáng trên họ, và họ vẫn tiếp tục ngồi trong lúc nói các thứ tiếng mà Đức Thánh Linh cho họ nói. Nếu như vậy thì địa điểm ấy có lẽ ở dưới một mái hiên của sân ngoài đền thờ gọi là “hành lang Sa-lô-môn” thì hợp lý hơn là ở phòng cao. Ấy cũng là lý do mà “tất cả tín hữu đều đồng tâm nhóm họp tại hành lang Sa-lô-môn” (Công Vụ 5:12) vào thời kỳ Hội-thánh sơ lập mới phát triển tại Giêrusalem. Nơi nầy có thể đủ chỗ cho số đông người tụ tập nhóm họp, và cũng đủ chỗ cho nhiều người nghe bài giảng tự phát đầu tiên của Phierơ. Vì nếu ở phòng cao, thì chỉ một số ít người thấy và nghe các môn đồ, và hiệu quả chẳng đáng kể.

 

Ký thuật về biến cố Đức Thánh Linh giáng lâm có bốn dấu hiệu dị thường xảy ra: Tiếng gió thổi mạnh, từng lưỡi lửa hiện ra đậu trên đầu mỗi người, tất cả môn đồ đều nói thứ tiếng khác, và họ có dáng điệu như say rượu; từ đó bốn dấu hiệu ấy trở thành biểu tượng về sự Đức Thánh Linh hiện diện với con dân Ngài, nhất là sau khi phong trào ân tứ Ngũ-tuần bùng nổ vào đầu thế kỷ 20 cho tới nay. Tác giả Luca đã không kể lại thời gian những lưỡi lửa đậu trên đầu mỗi người là bao lâu, hay khi người ta chạy đến thì có còn thấy các lưỡi lửa đó hay không, vì có lẽ ông thấy chi tiết ấy là không cần thiết. Thời nay, có vài phái dựa vào sự dị thường để bịa ra một số biểu hiện kỳ dị khác hầu chứng tỏ mình được đầy dẫy Đức Thánh Linh, gây nên tiếng xấu thay vì tiếng tốt cho Hội-thánh. Tuy vậy, điều đó vẫn cám dỗ được một số người.

 

Câu nói của Phierơ: “Thưa đồng bào Giu-đê và tất cả anh em đang cư ngụ tại Giêrusalem” (14), là cách nói lịch sự theo phong tục của người Do-thái để bắt đầu một bài diễn thuyết nhưng không bỏ quên nữ giới. Chúng ta cũng có thể đoán là khi Phierơ bắt đầu lên tiếng giải thích, chắc chắn mọi môn đồ khác đều ngưng không còn nói các thứ tiếng nữa. Điều đó giúp người đọc Kinh thánh hiểu rằng ân tứ nói ngôn ngữ mới không phải là sự ép buộc của Đức Thánh Linh, nhưng vì ân tứ là một quà tặng, thì người sử dụng ân tứ có thể nói hay ngừng nói là tuỳ theo ý mình muốn. Sự hiểu biết đó phù hợp với lời dạy của sứ đồ Phaolô về việc sử dụng tiếng lạ bừa bãi ở Côrinhtô do tính ấu trĩ của nhiều tín đồ còn mang nặng tính xác thịt (1Côrinhtô 14:27–28).

 

Trong số những người chạy đến xem bị kinh ngạc và thắc mắc, thì có những người chế giễu. Phierơ không trả lời những thắc mắc mà ông trả lời những người giễu cợt (15). Lý do ông nói lúc ấy “mới là giờ thứ ba,” vì thời đó “ai say thì say ban đêm” (1Têsalônica 5:7). Ông cho họ biết rằng những điều họ thấy về ngôn ngữ và điệu bộ say rượu chỉ là sự ứng nghiệm lời tiên tri Giô-ên nói từ nhiều trăm năm trước (16). Nghĩa là các dấu hiệu họ nghe và thấy là sự tuôn đổ Thần của Đức Chúa Trời trên mọi người bắt đầu diễn ra. Tiên tri Giô-ên nói về ba dấu hiệu tiêu biểu của sự đổ đầy Đức Thánh Linh là: Nói tiên tri, thấy khải tượng, và thấy chiêm bao tiên tri (17–18). Bởi được Đức Thánh Linh xức dầu đặc biệt, Phierơ đã thay đổi chữ “Sau đó” (Giô-ên 2:28) ra “Trong những ngày cuối cùng.” Các tiên tri thời Cựu-ước đã không biết khoảng cách thời gian từ lúc họ nói tới ngày sự việc sẽ thực sự xảy ra. Phierơ cũng không biết ngày của Chúa khi nào sẽ đến.

 

Nhưng khi nhắc đến “những ngày cuối cùng” mà mọi người Do-thái-giáo đều biết về lời tiên tri của Giô-ên, Phierơ muốn nói về những dấu hiệu ngày cuối cùng của thế giới sẽ diễn ra khi Đức Chúa Trời đổ Thần của Ngài trên mọi người. Bây giờ, chúng ta biết ‘những ngày cuối cùng’ là thời kỳ giữa lần đến thứ nhất và lần đến thứ nhì của Đức Chúa Giêxu Christ. Nghĩa là thời đại chúng ta đang sống hiệu thời. “Những ngày cuối cùng” không phải là vô tận. Các ngày ấy có thời hạn, và hơn bao giờ hết chúng ta hiện đang tiến tới gần điểm kết thúc. Nói tiên tri là dấu hiệu nổi bật hơn hết của người nhận sự tuôn đổ của Thần Đức Chúa Trời. Việc ‘thấy khải tượng’ và ‘thấy chiêm bao’ được phân ra cho người trẻ với người già. Thế thì, sự tuôn đổ Thần Chúa không phân biệt giai cấp hay tuổi tác, mà được ban cách rộng rãi cho mọi người.

 

Khải tượng là nhìn sự việc theo cách mới hay suy nghĩ cách sáng chế táo bạo. Tuổi trẻ bây giờ hơn hẳn các thế hệ đi trước về việc nghĩ và tạo ra các sản phẩm thần kỳ. Chiêm bao là sự báo mộng từ thiên đàng. Người già nhiều kinh nghiệm sống sẽ dễ hiểu ý nghĩa giấc mơ hơn thế hệ trẻ còn non nớt. Ngoài những điều đó ra sẽ có các hiện tượng kỳ lạ trên vũ trụ và cõi thiên nhiên (19– 20). Tất cả những điều vừa kể chỉ là những dấu hiệu cấp bách cho biết ngày Chúa gần trở lại. Dấu kỳ, phép lạ, lời tiên tri, khải tượng, và báo mộng không cứu được người đang hư vong. Chỉ có sự “cầu khẩn Danh Chúa” thì mới được cứu (21). Người ta chỉ cầu khẩn Danh Chúa khi họ tin Ngài qua lời chứng của chúng ta. Nếu con dân Chúa không làm chứng về sự chết hi sinh của Ngài, thì chẳng ai biết để mà cầu khẩn Danh Ngài. Bởi vì “Tin Lành là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rôma 1:16). Đừng chần chờ nữa vì ngày Chúa trở lại đã quá gần rồi.

SachCongVu05.docx

Rev. Dr. CTB