Sách Công Vụ, bài 14

Công Vụ 6:1–8

Đoạn 4 ghi chép sự tấn công vào Hội-thánh từ bên ngoài; đoạn 5 tường thuật cách satan tấn công từ nội bộ. Mặc dù kẻ thù hết sức hãm hại hay quấy phá, Hội-thánh vẫn tiếp tục tăng trưởng về nhân số; vì ảnh hưởng sự vận hành của Đức Thánh Linh khi Ngài thành lập và xây dựng Hội-thánh của Ngài là không gì cản nổi. “Lúc ấy, khi số tín đồ gia tăng nhanh chóng” (1), thì nẩy sinh rắc rối mới. Sở dĩ có sự phàn nàn hay bất hoà giữa các tín hữu Hy-lạp gốc Do-thái với tín hữu Do thái bản xứ là do vấn đề ngôn ngữ. Tiếng Hy-lạp thời bấy giờ là sinh ngữ thứ nhì dùng trong việc giao dịch, mua bán và các văn kiện công quyền. Người Do-thái bản xứ biết cả hai thứ tiếng, Hê-bơ-rơ của người Do-thái và tiếng Hy-lạp; trong khi đó người Hy-lạp gốc Do-thái chỉ nói tiếng Hy-lạp mà thôi, và họ là nhóm thiểu số không hiểu tiếng nói của nhóm đa số nên bị bỏ bê.

 

Vào thời ấy, các quả phụ thường bị bỏ bê và chết vì đói; sau khi chồng chết, họ không thể tìm được việc làm để nuôi thân trong một xã hội coi rẻ phụ nữ; nhất là các quả phụ thuộc những dân tộc ngoại bang. Vì thế, họ là nhóm người cần được cấp tiền bạc hay phần ăn mỗi ngày trong chương trình đùm bọc lẫn nhau của Hội-thánh (1). Chắc rằng việc đóng góp tiền bạc vào quỹ chung vẫn tiếp tục, và các sứ đồ đã giao nhiệm vụ cấp phát cho một số người nào đó trong nhóm người Do-thái đầu tiên quy đạo, mà những người có trách nhiệm cấp phát rõ ràng là thuộc nhóm tín hữu nói tiếng Hê-bơ-rơ. Và chắc rằng số tín hữu là quả phụ người Hê-bơ-rơ trong Hội-thánh thì nhiều, nên mới xảy ra tình trạng không công bằng trong việc trợ cấp.

 

Có lẽ sự va chạm đã ngấm ngầm xảy ra giữa nhóm tín hữu nói tiếng Hê-bơ-rơ với tín đồ nói tiếng Hy-lạp, bây giờ đã nổi lên thành một nan đề trầm trọng. Vì thế, “mười hai sứ đồ triệu tập toàn thể tín hữu lại và nói: ‘Nếu chúng tôi phải bỏ việc giảng lời Đức Chúa Trời để lo việc bàn ăn thì không thích hợp’” (2). Trong nguyên văn Hy-lạp, thì chữ tiếng Việt dịch là ‘bàn ăn’ thật ra có nghĩa là ‘các bàn phân phát tiền;’ theo học giả Stanley M. Horton, thì lúc ấy Hội-thánh không phân phát thức ăn, nhưng là phân phát tiền ăn hàng ngày cho các quả phụ. Các tín hữu đã có việc làm thì không cần sự cung cấp của Hội-thánh. Các sứ đồ nói: “Xin anh em chọn bảy người được tiếng khen, đầy dẫy đức Thánh Linh và trí khôn để chúng tôi uỷ thác việc nầy. Còn chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ đạo Chúa” (3–4).

 

Các sứ đồ đặt ra những tiêu chuẩn để Hội-thánh căn cứ trên các tiêu chuẩn đó mà chọn lựa, chứ họ không trực tiếp lựa chọn. Kết quả là “toàn thể tín hữu đồng ý với lời đề nghị. Họ chọn Ê-tiên là người đầy đức tin và Đức Thánh Linh, Phi-líp, Bô-cô-rơ, Ni-ca-no, Ti-môn, Ba-mê-đa, và Ni-cô-la là người An-ti-ốt theo đạo Do-thái” (5). Một số người để ý đến tính cách đặc biệt của số 7, vì số 7 tượng trưng cho sự hoàn hảo. Phái khác thì giải nghĩa rằng lý do phải có bảy người là vì đó là số người cần thiết để quản trị số tiền đóng góp và phân phát tiền ấy cho các quả phụ. Lời bàn ấy làm đẹp lòng mọi người, và họ đã chọn ra những người có tên nêu trên. Ê-tiên có nghĩa là ‘mão miện’ hay ‘vòng hoa của người chiến thắng.’ Phi-líp có nghĩa là ‘người yêu thích ngựa.’ Cả bảy người đều có tên bằng tiếng Hy-lạp; cho nên, đa phần là họ thuộc nhóm tín hữu nói tiếng Hy–lạp. Điều nầy chứng tỏ ân điển trong sự sắp xếp nhân từ của Đức Chúa Trời, và sự vận hành của Đức Thánh Linh trong lòng những tín hữu nói tiếng Hê-bơ-rơ. Họ là đa số nhưng đã chọn tất cả các chấp sự thuộc nhóm thiểu số. Và nhóm tín hữu chỉ nói tiếng Hy-lạp không còn gì phàn nàn.

 

Sự khôn ngoan của Đức Thánh Linh đã được bày tỏ ra trong cuộc bầu chọn nầy. Ngài đã phá vỡ hàng rào ngăn cách đầu tiên nổi lên trong Hội-thánh. Sau đó các tín hữu “trình họ cho các sứ đồ. Sau khi cầu nguyện, các sứ đồ đặt tay trên bảy người” (6). Sau khi cầu nguyện thì các sứ đồ thực hiện nghi thức đặt tay. Nghi thức nầy có lẽ phát xuất từ mệnh lệnh Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se: “Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: ‘Hãy chọn Giô-suê, con trai của Nun, người có Thần ngự vào, và đặt tay trên người, rồi đem người ra mắt thầy tế lễ Ê-lê-a-sa cùng toàn thể hội chúng, và uỷ thác trách nhiệm cho người trước mặt mọi người.’” (Dân số ký 27:18–19). Như vậy, sự đặt tay của Môi-se không phải là có tính cách hay hình thức tâm linh gì hết, bởi vì Giô-suê đã có “Thần ngự vào” rồi; giống như thế, sự đặt tay của các sứ đồ trên bảy chấp sự trước mặt toàn thể Hội-thánh là sự chính thức uỷ thác trách nhiệm, bởi vì họ đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh cộng với sự khôn ngoan rồi. Sự đặt tay cũng là biểu tượng về lời khẩn xin phước lành Đức Chúa Trời tuôn đổ trên những người được đặt tay. Hãy để ý là các sứ đồ đặt tay trên bảy chấp sự sau khi đã cầu nguyện xong. Mặc dù tác giả Lu-ca không ghi lại lời cầu nguyện, chúng ta tin rằng các sứ đồ đã cầu xin Đức Thánh Linh ban ân điển và ân tứ cần thiết để các chấp sự thi hành công việc.

 

Cũng hãy thấy đoạn Kinh-thánh nầy không gọi bảy người nói trên là ‘chấp sự,’ họ chỉ được chọn để phục vụ. Nhưng động từ Hy-lạp ‘diakoneo’ được chép ở đây có nghĩa là phục vụ; từ chữ đó sinh ra chữ ‘deacon,’ nghĩa là ‘chấp sự,’ của tiếng Anh; vì vậy, sau nầy mới có chức vụ ‘chấp sự’ trong các Hội-thánh. Đang khi những tín hữu chọn lựa các chấp sự đầu tiên, thì họ vẫn truyền rao tin mừng cho dân chúng tại Giê-ru-sa-lem; vì thế, “đạo Đức Chúa Trời cứ phát triển. Số tín hữu tại Giê-ru-sa-lem gia tăng rất nhiều. Cũng có rất đông thầy tế lễ đón nhận đức tin” (7). Điều đó chứng tỏ rằng không phải chỉ có các sứ đồ thi hành công tác truyền rao Tin-mừng, mà toàn bộ Hội-thánh đều tham gia công tác trọng đại và vinh quang nầy. Sự kiện số tín hữu gia tăng nhanh chóng chứng minh rằng khi Đức Thánh Linh vận hành cách mạnh mẽ trong Hội-thánh, thì vấn đề giảng đạo trở nên vô cùng hiệu quả, vì quyền phép Chúa chứng minh Ngài thực hữu rõ ràng.

 

Có rất đông thầy tế lễ đón nhận đức tin” là một hiện tượng rất bất thường và là một biến cố làm xoay chuyển tình thế. Bởi vì hầu hết thầy tế lễ của Do-thái-giáo thời đó đều thuộc giới người Sa-đu-sê, là tầng lớp tăng lữ không tin có sự sống lại. Bây giờ họ tiếp nhận Tin-mừng, tức là tin rằng Đức Chúa Giêxu thật đã sống lại, và họ cũng vâng theo những lời dạy dỗ của các sứ đồ nữa, thì đã khiến cho nhiều người Do-thái dễ tiếp nhận Tin-mừng hơn trước kia, khi tất cả các thầy tế lễ chống đối đạo Chúa. Thắng lợi ấy của Hội-thánh thật vẻ vang vì thu phục được những kẻ vốn kịch liệt chống trả và bắt bớ đạo chỉ một thời gian ngắn trước đây, bây giờ trở thành tín hữu.

 

Khi những người đầy dẫy Đức Thánh Linh được chọn để có chức vụ công khai phục vụ anh chị em của họ, thì thánh vụ của họ không bị hạn chế bởi các công tác theo thông lệ bình thường như những công việc phục vụ bận rộn của người không được Đức Thánh Linh xức dầu. Cho nên; “Ê-tiên được đầy ân điển và quyền năng, làm nhiều việc kỳ diệu và phép lạ rất lớn (8). Người ta không còn là khán giả đi xem phép lạ, mà kinh nghiệm những việc kỳ diệu Đức Chúa Trời làm để đáp ứng các nhu cầu của họ. Chúng ta tin chắc rằng Ê-tiên đã nhân danh Đức Chúa Giêxu khi thực hiện các việc kỳ diệu và phép lạ; bởi vì con dân Chúa chỉ có thể làm những việc diệu kỳ qua Danh Ngài mà thôi. Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy các phép lạ được làm ra bởi những người không phải là sứ đồ. Tuy nhiên, điểm quan trọng mà chúng ta cần để ý là những dấu kỳ phép lạ ấy đều do Đức Thánh Linh làm ra qua Ê-tiên. Chính Ngài đã thể hiện quyền phép siêu nhiên, chứ không phải khả năng riêng của cá nhân Ê-tiên.

 

Những điểm quan trọng vừa nói là điều tín hữu cần phải cẩn thận lưu ý khi đọc Kinh-thánh. Bởi vì người ta rất dễ suy tôn những người được Chúa dùng để thực hiện những việc xuất chúng, rồi quên mất là mọi điều đó là các ân tứ đặc biệt từ Chúa ban cho con dân trung tín, tin cậy Ngài. Không một người phàm trần nào có thể dùng khả năng riêng để thực hiện những việc siêu nhiên. Dù hiểu như vậy, nhưng người ta vẫn luôn có khuynh hướng tôn vinh lẫn nhau thay vì làm vinh danh Đức Chúa Trời. Cũng có người sau khi được Chúa ban cho ân tứ đặc biệt nào đó, lại huênh hoang khoe khoang, ngầm ngụ ý rằng đó là do công lao đặc biệt của mình. Những người loại nầy thường ganh tức với những ai giỏi hơn họ. Khiêm tốn hạ mình thì Chúa sẽ dùng hiệu quả hơn.

SachCongVu14.docx

Rev. Dr. CTB