Sách Công Vụ, bài 08


Công Vụ 3:1–16

Ở đoạn trước, Bác sĩ Luca có kể rằng: “Mọi người đều kinh sợ, vì các sứ đồ làm nhiều phép lạ và việc phi thường” (2:43). Sang phần nầy, ông ký thuật chi tiết của một phép lạ tiêu biểu cho những việc phi thường mà các sứ đồ đã làm (1–10). Do-thái-giáo thời ấy quy định mỗi ngày có ba buổi cầu nguyện: 9:00 giờ sáng (giờ thứ ba), 3:00 giờ chiều (giờ thứ chín dâng tế lễ buổi chiều), và lúc mặt trời lặn. Như vậy, phép lạ xảy ra vào buổi cầu nguyện thứ nhì trong ngày (1). Cửa Đẹp nằm ở vách phía đông của đền thờ. Đó là một cái cổng bằng đồng khảm vàng và bạc được chạm khắc rất đẹp theo kiểu Cô-rinh-tô, có giá trị cao hơn một cái cổng bằng vàng khối (2). Người què từ lúc lọt lòng mẹ, được người ta đem đến mỗi ngày để xin ăn, lúc ấy đã trên 40 tuổi (4:22).

 

Chắc chắn Đức Chúa Giêxu đã đi qua cửa Đẹp nhiều lần và có thấy anh què nầy cũng chừng đó lần, nhưng Ngài không chữa lành cho anh ta. Ngài đã dành sự chữa lành sẽ xảy ra sau nầy để phép lạ ấy được nhiều người biết và loan truyền rộng rãi hơn; giúp cho Hội-thánh tăng trưởng và có đầy uy tín. Khi “thấy Phierơ và Giăng sắp bước vào, anh xin hai ông bố thí” (3). Phierơ cùng Giăng “nhìn thẳng vào anh, nói: ‘Anh nhìn chúng tôi đây!’ Anh ta chăm chú nhìn hai ông, mong sẽ được ít tiền” (4–5). Trước khi nhận lãnh Đức Thánh Linh các sứ đồ đã tranh chấp nhau về ngôi vị lớn nhỏ, cao thấp; nhưng bây giờ họ cùng làm việc hoàn toàn hợp nhất với nhau trong đức tin vào quyền phép của Chúa và mục đích mở rộng nước Ngài qua quyền phép phi thường.

 

Phierơ không có tiền để bố thí theo ý người què mong đợi: “Vàng bạc, tôi không có, nhưng điều tôi có thì tôi cho anh: Nhân danh Đức Chúa Giêxu Christ ở Na-xa-rét, hãy bước đi!” (6). Có hai ý kiến về điều sứ đồ Phierơ nói là ông có: Phái thứ nhất cho rằng ông được sở hữu ân tứ chữa bệnh. Phái nầy lấy những sự kiện chữa lành bệnh kỳ diệu do Chúa dùng tay Phierơ thực hiện vào thời gian ấy để làm chứng cứ (5:15–16). Ý kiến thứ nhì nói đó là Danh quyền năng của Đức Chúa Giêxu Chirst; họ dựa vào lời Phierơ nói: “Nhân danh Đức Chúa Giêxu Christ ở Na-xa-rét;” cũng căn cứ trên lời hứa của Đức Chúa Giêxu: “Người tin sẽ có những dấu lạ nầy: Nhân danh Ta đuổi quỉ, nói những tiếng mới, bắt rắn trong tay, hay uống chất gì độc cũng không bị hại; đặt tay trên người đau ốm, họ sẽ khỏi bệnh” (Mác 16:17–18). Phái nầy tin rằng tín hữu nào có đức tin vào danh quyền năng của Đức Chúa Giêxu, thì đều có thể nhân danh Ngài truyền cho bệnh phải lành.

 

Phái thứ nhất cho rằng Phierơ tin Đức Thánh Linh đã ban cho ông ân tứ chữa lành, tuy vậy, ông cũng phải cậy sự thúc giục của Đức Thánh Linh, biến đức tin thành hành động cụ thể: “Nắm lấy tay phải anh kéo lên” (7). Phái thứ nhì tin rằng Phierơ tin vào lời hứa của Chúa và dùng hành động và lời nói cặp theo để thực hiện đức tin ấy cách cụ thể, nên phép lạ đã xảy ra. Hơn nữa, sau đó Luca kể: “Các sứ đồ làm nhiều phép lạ và việc kỳ diệu giữa nhân dân” (5:12). Điểm khác nhau giữa hai ý kiến trên là: Có một số người được ban cho ân tứ chữa lành; khác với, bất cứ ai tin đều có thể sử dụng Danh của Đức Chúa Giêxu Christ để truyền lệnh chữa lành, vì bất cứ tín hữu chân thật nào của Chúa đều biết rõ mình sở hữu Danh quyền năng của Ngài. Nghĩa là tín hữu khó biết  mình có được ban cho ân tứ chữa bệnh hay không. Còn có đức tin vào danh Chúa thì dễ biết hơn.

 

Khi Phierơ nắm tay anh ta kéo lên, “lập tức bàn chân và mắt cá anh vững mạnh. Anh nhảy một cái, đứng thẳng người lên, và bước đi. Anh ta theo hai sứ đồ vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy, vừa ca tụng Đức Chúa Trời. Người ta thấy anh bước đi và ca ngợi Đức Chúa Trời, và khi nhận ra anh là người vẫn ngồi ăn xin tại cửa Đẹp đền thờ, họ đều sửng sốt kinh hoàng trước việc xảy ra” (7b–10). Quyền phép chữa lành của Đức Chúa Trời do tay các sứ đồ của Đức Chúa Giêxu vào thời gian họ mới nhận được sự xức dầu tươi mới của Đức Thánh Linh, thì thật là mãnh liệt. Ngày đó, sự chữa lành là hoàn toàn và lập tức. Công việc chữa lành là quyền phép từ Đức Thánh Linh ban xuống. Ngày ấy, chẳng ai dám quy công cho mình về các thành quả đã xảy ra cho Hội-thánh.

 

Theo luật Môise thì người tàn tật không được phép vào trong hành lang đền thờ. Đây có lẽ là lần đầu tiên người què nầy được tự do bước vào đền thờ; cho nên anh vừa đi vừa nhảy. Có người cho rằng anh phải lúng túng tập bước đi, vì trước đó trong đời anh chưa hề đi trên hai chân. Kinh thánh không nói như vậy, nhưng diễn tả: “Anh nhảy một cái, đứng thẳng người lên, và bước đi!” (8). Không thể nào không ca ngợi Đức Chúa Trời khi được quyền phép Ngài chạm đến ngay thân thể mình. Được chữa lành hai chân què từ lúc sinh ra còn quý gấp vạn lần hơn được người ta cho nhiều tiền. Hơn nữa, đã ngồi ngoài cửa Đẹp mấy chục năm mà không bao giờ dám hi vọng được vào trong sân đền thờ, chỉ nhìn thấy người ta lũ lượt qua lại. Nay vừa được bước đi không cần sự giúp đỡ của thân nhân, vừa được tự do vào thờ phượng Chúa, thì chẳng niềm vui nào lớn hơn.

 

Bất cứ phép lạ chữa lành nào đối với các thứ tật nguyền bẩm sinh đều khiến cho những người chứng kiến sửng sốt kinh hoàng; bởi vì cảnh tượng đó hoàn toàn bất ngờ, ngoài sự suy tưởng của mọi người. Anh què nầy cứ nắm lấy Phierơ và Giăng chứ chưa chịu buông, “mọi người kéo nhau chạy đến chỗ họ đứng, nơi gọi là hành lang Sa-lô-môn, vô cùng kinh ngạc” (11). Không ai biết số người có mặt lúc ấy là bao nhiêu, chỉ đoán biết là rất đông, vì ấy là giờ cầu nguyện và dâng tế lễ buổi chiều rất trọng thể. Phierơ liền nắm lấy cơ hội tôn cao Danh Chúa để trả lời những thắc mắc trên những gương mặt ngơ ngác chưa nói thành lời. Bài giảng của ông cũng dùng khuôn mẫu của bài giảng trước do Đức Thánh Linh cảm thúc vào ngày lễ Ngũ-tuần. Ông chỉ áp dụng sự ngạc nhiên của họ trước hoàn cảnh mới vào bài giảng tự phát nầy.

 

Thấy vậy, Phierơ nói với mọi người: ‘Đồng bào Israel, tại sao ngạc nhiên, tại sao cứ sững sờ nhìn chúng tôi, như thể chúng tôi đã dùng quyền phép hay đức độ của chính mình để làm cho người nầy đi được? Đó là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã tôn vinh Đầy-tớ Ngài là Đức Chúa Giêxu, Đấng đồng bào đã bắt nạp và chối bỏ trước Phi-lát, khi ông ấy định thả Ngài. Đồng bào đã chối bỏ Đấng Thánh và Công-chính để xin phóng thích một tên sát nhân, đồng bào đã giết Chúa sự Sống, Đấng Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chính chúng tôi là nhân chứng của việc đó. Và bây giờ, nhờ tin Danh Đức Chúa Giê -xu nên người nầy, người mà đồng bào thấy và biết đây được mạnh. Nhờ đức tin đó, đức tin đến từ Ngài, đã cho anh ta sức khoẻ trọn vẹn thế nầy đây, như toàn thể đồng bào đang thấy trước mắt” (12–16).

 

Trong bài giảng nầy, Phierơ nhắc lại sự kiện người Do-thái tại Giêrusalem phải chịu trách nhiệm về việc bắt Đức Chúa Giêxu đem nộp cho quan tổng trấn người La-mã, và công khai chối bỏ Đấng Thánh trước mặt Phi-lát để xin phóng thích một tên sát nhân cho họ. Họ đã phạm trọng tội là giết Chúa của sự Sống (15). Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại từ kẻ chết, và các sứ đồ là nhân chứng của việc đó. Còn người bị què được chữa cho hoàn toàn lành mạnh là chứng cớ rành rành về sự sống lại của Đức Chúa Giêxu, Đấng Chữa Lành. Hãy để ý việc Phierơ nhắc đi nhắc lại Danh của Đức Chúa Giêxu và hiệu quả của lòng tin vào Danh Ngài là sự chữa lành mọi thứ tật bệnh (16).

 

Nói đến Danh Đức Chúa Giêxu là nói đến tính cách và bản thể của Ngài là Đấng Chữa Lành, là Thầy thuốc toàn năng. Sự chữa lành đã đến trên nền tảng đức tin vào Đức Chúa Giêxu, vì Ngài là Đức Chúa Trời. Không phải tự đức tin đem đến sự chữa lành mà là Danh của Đức Chúa Giêxu đã chữa lành cho người què. Mặc dù đức tin giữ một phần quan trọng, nhưng đức tin ấy phải qua Danh Đức Chúa Giêxu mới có thể bảo đảm sự chữa lành. Vài nhà giải nghĩa Kinh-thánh tin rằng người què đã được chữa lành là do đức tin truyền đến ông qua đức tin của Phierơ và Giăng. Xem xét kỹ về lập luận nầy thì thấy các câu Kinh-thánh không nói như vậy. Người què hoàn toàn bất ngờ khi được chữa lành, vì “anh ta chăm chú nhìn hai ông, mong sẽ được ít tiền” (5) chứ đâu có chút ý nghĩ nào mình sẽ được chữa lành. Đức tin của người nhân danh Chúa mới là quan trọng.

SachCongVu08.docx

Rev. Dr. CTB