Sách Công Vụ, bài 33

Công Vụ 17:1–15

Từ Phi-líp đi về hướng tây, hai vị sứ đồ đi qua hai thành phố quan trọng của xứ Ma-xê-đoan là Amphipolis, cách Phi-líp khoảng 33 dặm và đi thêm 27 dặm nữa để tới Apollonia. Điều đáng ngạc nhiên là họ không dừng lại truyền giáo cho hai thành phố nầy mà đi thẳng tới Tê-sa-lô-ni-ca (1). Người ta có thể đoán rằng Phao-lô áp dụng ‘nguyên tắc gặt hái,’(harvest principle) mà các tổ chức truyền giáo thời nay gọi là “lý thuyết chống đối–tiếp nhận” (resistance-receptivity theory).

Đức Chúa Giêxu là Đấng đã thiết lập nền tảng về ‘nguyên tắc gặt hái‘ ấy khi Ngài phán: “Mùa gặt thật trúng, nhưng thợ gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin Chủ mùa gặt sai các thợ gặt đi thu hoạch mùa màng của Ngài” (Ma-thi-ơ 9:37–38), rồi Ngài sai 12 môn đồ đi ra lần đầu tiên không có Ngài đi cùng. Trong nghề nông, thợ gặt được sai ra đồng gặt hái khi lúa đã chín khắp cánh đồng. Không ai thuê thợ gặt ra đồng đứng phơi nắng lúc hạt lúa còn xanh.

Giống như mỗi loại hạt ngũ cốc chín vào các thời điểm khác nhau, thì từng sắc dân cũng sẵn sàng nghe Tin-mừng ở các thời điểm khác nhau.

Những người đi rao giảng Tin-lành phải có mặt sẵn sàng ở những cánh đồng nào mà nhiều người đang sống ở đó được xem như lúa đã chín tới cho mùa gặt. Nghĩa là mọi công việc truyền giáo sẽ dồn tất cả nỗ lực ở nơi nào có nhiều người sẵn sàng tiếp nhận Tin-mừng.

Khi Đức Chúa Giêxu sai 12 môn đồ ra đi thì Ngài có căn dặn: “Đừng đi vào đất của dân ngoại, cũng đừng vào các thành của người Sa-ma-ri, nhưng trước hết, hãy đến với các con chiên thất lạc của nhà Israel” (Mat.10:5–6). Chúa phân ra ba nhóm người vào thời đó: Dân ngoại, Sa-ma-ri, và Do-thái. Mặc dù Đức Chúa Giêxu đến để cứu vớt cả nhân loại trong đó có cả dân ngoại và người Sa-ma-ri, nhưng vào lúc ấy chưa thể gặt hái gì ở hai nhóm người nầy được, vì họ chưa chín sẵn cho mùa gặt.

Và dù nhiệm vụ của các môn đồ là rao cho người Israel tin tức nước trời đã đến gần, nhưng không phải người Do-thái nào cũng sẵn sàng tiếp nhận. Vì vậy, Chúa dạy cho các môn đồ những cách thức giải quyết tình hình.

Trước hết, họ tìm người xứng đáng (Ma-thi-ơ 10:11); kế đến là vào nhà nào hãy chào hỏi (Lu-ca 10:5 nói rằng hãy chúc bình an). Nếu nhà đó xứng đáng thì sự bình an của các môn đồ đến với nhà ấy, nếu không, sự bình an trở lại với các môn đồ (Ma-thi-ơ 10:12,13). Đây là những người Do-thái có lòng tiếp nhận đạo.

Đối với loại người chống trả Phúc âm thì: Nhà nào không tiếp rước, không nghe lời, thì phủi sạch bụi nơi chân khi ra khỏi nhà hay thành đó (Ma-thi-ơ 10:14). Nghĩa là tuyên bố sẽ không dự trù trở lại, mà đi tìm đồng lúa nào chín sẵn cho mùa gặt. Chỉ là phí thì giờ nếu cứ tiếp tục giảng cho người không thích nghe.

Vì chỉ có Đức Chúa Trời mới làm cho lòng người chín sẵn cho mùa gặt, không một giáo sĩ nào làm được điều đó; cho nên, ‘nguyên tắc gặt hái’ nói rằng, chiến lược truyền giáo hữu hiệu là biết nhận thức chính xác cách hoạt động của Đức Thánh Linh trên những người chưa từng nghe Tin-mừng trước đây để chuẩn bị cho họ nghe và tiếp nhận sứ điệp cứu rỗi. Bất cứ ai không hiểu nguyên tắc nầy, nhưng tưởng rằng mình có khả năng thuyết phục người khác bằng các phương pháp hay thủ thuật, thì thất bại là điều không tránh khỏi.

Như vậy, chúng ta có thể đoán lý do đoàn truyền giáo của Phao-lô không dừng lại giảng đạo hay thành lập Hội-thánh ở hai thành phố Amphipolis và Apollonia, là vì họ áp dụng nguyên tắc gặt hái trong sự truyền giáo.

Đoàn truyền giáo tới thẳng Tê-sa-lô-ni-ca vì ở đó “có một nhà hội của người Do-thái” (1), là nơi duy nhất mà những người dân ngoại nào có lòng kính sợ Đức Chúa Trời đều đến đó để được nghe đọc Kinh-thánh vào các ngày Sa-bát. Vì thể, địa điểm mà đoàn truyền giáo có thể gặp cách dễ dàng và rao giảng Phúc-âm cho những người dân ngoại và người Do-thái kính sợ Đức Chúa Trời, tức là nhóm người chín sẵn cho mùa gặt, là ở nhà hội của người Do-thái.

Phao-lô đến gặp họ ở đó, và thảo luận Kinh-thánh với họ trong ba ngày Sa-bát (2). Ông “giải thích và minh chứng Đấng Christ phải chịu thống khổ và sống lại từ cõi chết. Ông nói:‘Đức Chúa Giêxu mà tôi giảng cho quý vị đây chính là Đấng Christ” (3).

Nếu cho rằng đó là ba ngày Sa-bát liên tiếp, thì Phao-lô chỉ lưu lại Tê-sa-lô-ni-ca chừng một tháng thôi. Nhưng trong thư thứ nhất gửi cho Hội-thánh nầy, Phao-lô nói: “… hẳn anh em còn nhớ nỗi vất vả khó nhọc của chúng tôi trong khi truyền giảng Tin-lành của Đức Chúa Trời cho anh em, chúng tôi còn ngày đêm làm lụng để khỏi phiền luỵ một người nào trong anh em cả.” (1Tê-sa-lô-ni-ca 2:9). Có lẽ công việc tự túc của đoàn truyền giáo là nghề may trại. Nếu thế thì họ phải ở Tê-sa-lô-ni-ca lâu hơn.

Trong thư Phi-líp ông cũng nói: “…khi tôi vừa rời xứ Ma-xê-đoan, không có Hội-thánh nào dự phần trong việc chia sẻ trách nhiệm với tôi, ngoại trừ anh em; ngay khi tôi ở Tê-sa-lô-ni-ca, anh em đã đôi lần gửi cho tôi những thức cần dùng” (Phi-líp 4:15,16). Như thế, ông đã ở đó lâu hơn là người ta tưởng, và ba ngày Sa-bát không hẳn đã diễn ra liên tiếp.

Phao-lô cũng nói: “Khi chúng tôi truyền Tin-lành cho anh em, không phải chúng tôi chỉ nói suông, nhưng với quyền năng, với Đức Thánh Linh và với niềm tin quyết. Anh em biết chúng tôi đã sống như thế nào khi ở với anh em: sống vì anh em” (1Tê-sa-lô-ni-ca 1:5).

Sau khi một số người Do-thái cùng rất nhiều người Hy-lạp kính sợ Đức Chúa Trời, và một số phụ nữ thượng lưu được thuyết phục, theo Phao-lô và Si-la (4). Rồi một Hội-thánh được thành lập ở nhà của Gia-sôn (5), thì thời gian trên dưới một tháng không đủ để thực hiện chừng đó việc. Bởi vì ngay sau đó, những người Do-thái không tin sinh lòng ganh ghét, do thấy có đông người tin, lôi kéo “bọn côn đồ ngoài chợ họp thành một đám đông gây náo loạn trong thành” (5–9), thì “anh em đưa Phao-lô và Si-la qua thành Berea (10).

Hội-thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca được thành lập cách như vậy, và số tín hữu gốc dân ngoại phải nhiều hơn tín hữu người Do-thái. Vì sau nầy Phao-lô viết: “Anh em quay về với Đức Chúa Trời, lìa bỏ các thần tượng để phục vụ chân thần” (1Tê-sa-lô-ni-ca. 1:9). Tinh thần truyền giáo và đức tin sống đạo của họ được Phao-lô khen ngợi: “Đạo Chúa từ anh em vang ra không những chỉ đến xứ Ma-xê-đoan và A-chai mà thôi, nhưng đức tin anh em đặt vào Đức Chúa Trời cũng được đồn ra khắp nơi” (1Tê-sa-lô-ni-ca. 1:8). Nghĩa là Hội-thánh không hẳn chỉ có một nhóm trong nhà Gia-sôn, mà nhân lên thành nhiều nhóm ở các nhà khác.

Vừa tới Berea, Phao-lô và Si-la lại vào nhà hội người Do-thái để rao giảng Đức Chúa Giêxu. Berea nằm cách Tê-sa-lô-ni-ca chừng 40 dặm về hướng Tây. Người Do-thái ở đây hẳn hoi hơn, họ “hăng hái đón nhận lời Chúa, nghiên cứu Kinh-thánh hàng ngày để kiểm chứng lời giảng, xem có đúng không. Nhờ vậy nhiều người tin Chúa, cùng với những người thuộc giới thượng lưu Hy-lạp, cả nam lẫn nữ đều khá đông” (11–12).

Phao-lô và Si-la cứ tiếp tục áp dụng nguyên tắc gặt hái đúng cách; cho nên, kết quả thật là khả quan. Họ nhắm vào những đối tượng đã chín cho mùa gặt, do Đức Thánh Linh vận hành trong lòng người chưa tin, và điều động thợ gặt đúng lúc.

Những người Do-thái có tinh thần đứng đắn ở Berea không chống đối gì về các lời giảng của Phao-lô và Si-la. Nhờ vậy mà số người Do-thái tiếp nhận Chúa tại Berea nhiều hơn số tín hữu Do -thái ở Tê-sa-lô-ni-ca. “Nhưng khi người Do-thái ở Tê-sa-lô-ni-ca hay tin Phao-lô đang truyền bá lời Chúa tại Berea, họ kéo đến khích động và gây rối loạn trong dân chúng” (13).

Sự thù ghét của những người Do-thái trung thành với Do-thái-giáo đối với Phao-lô thật là sâu đậm, vì họ đuối lý trước khả năng giảng giải Kinh-thánh cách chính xác và khôn ngoan do Đức Thánh Linh ban cho Phao-lô. Có lẽ họ kéo toàn bộ lực lượng của họ từ Tê-sa-lô-ni-ca xuống Berea để bắt Phao-lô. Nhưng anh em ở đó kín đáo đưa Phao-lô ra miền biển, có hai người dẫn đường, để đáp tàu đi đến Athen, thủ đô nước Hy-lạp (14).

Việc Si-la và Ti-mô-thê ở lại Berea, không cùng đi với Phao-lô, cho thấy sự hiểm nguy trong các chuyến truyền giáo khi những kẻ thù quyết tâm hãm hại. Có lẽ vì chuyến đi của Phao-lô quá gấp gáp và kín đáo, hoặc cả đoàn cùng đi thì dễ bị kẻ thù phát giác, hoặc là cả hai lý do khiến Si-la và Ti-mô-thê ở lại Berea để tiếp tục dạy dỗ những người được chọn hướng dẫn Hội-thánh tân lập.

Đối với họ, thời gian rất là quý báu khi phải truyền đạt những sự hiểu biết cần thiết cho Hội-thánh mới gồm toàn những người mới tiếp nhận Chúa. Chắc chắn họ cũng truyền đạt nguyên tắc gặt hái cho anh em ở Berea, để Hội-thánh khỏi phí phạm thì giờ và sức lực trong công tác truyền giáo (15).

SachCongVu33.docx

Rev. Dr. CTB