Sách Công Vụ, bài 06

Công Vụ 2:22–38

Mục đích của sự tuôn đổ Đức Thánh Linh xuống các môn đồ vào ngày lễ Ngũ-tuần là để làm chứng cách hùng hồn cho sự phục sinh và về trời khải hoàn của Đức Chúa Giêxu Christ (Công Vụ 1:8; Giăng 15:26–27; 16:14). Phần chính trong bài giảng hôm đó của Phierơ lấy Đức Chúa Giêxu làm trung tâm chứ không chú trọng các hiện tượng do Đức Thánh Linh bày tỏ. Trước hết ông hướng người nghe phải chú ý vào sự thật là cư dân Giêrusalem có biết rõ về một người Na-xa-rét tên là Giêxu:“Đấng được Đức Chúa Trời công khai chứng nhận bằng cách dùng Ngài thực hiện những phép lạ, dấu lạ và việc phi thường giữa chúng ta mà chính đồng bào đều biết rõ” (22b).

 

Ông lại quy tội chính người Do-thái ở Giêrusalem đã mượn tay người ngoại đạo, tức là quân lính người La-mã hành hình để giết chết Đức Chúa Giêxu bằng hình phạt đóng đinh trên cây thập tự (23). Ông không ngần ngại gán trách nhiệm về cái chết của Đức Chúa Giêxu cho cư dân thành Giêrusalem. Ông cũng nói rõ là việc đó đã được Đức Chúa Trời định trước và biết trước. Nhưng không phải vì thế mà họ được nhẹ tội. Nếu họ hiểu biết thấu đáo lời của các đấng tiên tri, thì biết rằng Đấng Mết-sai-a phải chịu thương khó. Lời giảng của Phierơ chủ yếu nhắm vào những người đã hò hét: “Đóng đinh hắn trên cây thập tự! Đóng đinh hắn trên cây thập tự!” (Luca 23:21). Kinh-thánh không gán trách nhiệm nầy chung cho người Do-thái, chỉ quy trách nhiệm cho dân cư sinh sống ở Giêrusalem. Ví dụ như khi Phaolô giảng cho người Do-thái ở An-tiốt thuộc Bi-si-đi, ông quy kết trách nhiệm về cái chết của Đức Chúa Giêxu cho dân Giêrusalem (Công Vụ 13:27–29).

 

Phierơ nói tiếp, dù họ đã cố ý giết chết Đức Chúa Giêxu, “nhưng Đức Chúa Trời khiến Ngài sống lại, giải thoát Ngài khỏi nỗi thống khổ của sự chết, vì sự chết không thể giữ Ngài được”(24). Sự phục sinh khải hoàn của Đức Chúa Giêxu đã cất bỏ nỗi nhục nhã của thập tự giá và làm đảo ngược các âm mưu độc ác của giới lãnh đạo Do-thái-giáo. Khi khiến Đức Chúa Giêxu sống lại từ cõi chết, Đức Chúa Trời đã chứng tỏ Ngài chấp nhận sự hi sinh của Đức Chúa Giêxu. Phierơ nêu Kinh-thánh để chứng minh tất cả các sự kiện về sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Giêxu đều đã được tiên báo từ ngàn xưa. Truyền thống người Do-thái thời ấy áp dụng các câu Thi Thiên 16: 8–11 cho Đấng Mết-sai-a; cho nên, dưới sự cảm thúc của Đức Thánh Linh ông dùng các câu nầy áp dụng vào sự phục sinh của Đức Chúa Giêxu thì vô cùng thích hợp (25–28).

 

Trung tâm điểm của lời hứa là: “Vì Chúa không bỏ linh hồn tôi lại trong âm phủ, cũng chẳng để Đấng Thánh của Chúa bị hư nát” (27). Phierơ dõng dạc tuyên bố rằng Thi Thiên đó không thể áp dụng cho vua Đa-vít, một tổ tiên của người Do-thái. Vì “Đa-vít, tổ tiên chúng ta đã qua đời, được an táng, và ngày nay lăng tẩm của vua hiện còn đây (29). Ý của Phierơ muốn họ phải hiểu là ngôi mộ, nơi hơn một tháng trước đã chôn Đức Chúa Giêxu, bây giờ là ngôi mộ trống vì Ngài đã sống lại. Ông nhắc họ phải nhớ vua Đa-vít là một tiên tri, tức là phát ngôn nhân của Đức Chúa Trời, “và biết Đức Chúa Trời đã hứa với mình bằng một lời thề ước, sẽ đặt một hậu tự của mình ngồi trên ngai mình. Vua đã thấy trước và nói về sự sống lại của Đấng Christ: Ngài sẽ không bị bỏ lại nơi âm phủ, thân thể Ngài sẽ không bị hư nát” (30–31).

Đến chỗ ấy, Phierơ giải thích rõ: “Đó chính là Đức Chúa Giêxu mà Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và tất cả chúng tôi đây là nhân chứng về việc đó” (32). Có nghĩa Đức Chúa Giêxu chính là Đấng Mết-sai-a mà dân Do-thái hằng mong đợi; bởi vì khi Đức Chúa Trời khiến Ngài sống lại để thân thể Ngài không bị hư nát, và linh hồn Ngài không bị bỏ lại nơi âm phủ, thì điều đó chứng minh lời tiên tri về Đấng Mết-sai-a đã ứng nghiệm. Các nhân chứng đã thấy tận mắt là Phierơ với 120 môn đồ khác đang có mặt tại đó. Tuy nhiên, sự sống lại của Đấng Christ chỉ là một phần của tiến trình trong chương trình mà Đức Chúa Trời muốn thực hiện đối với Đấng Mết-sai-a là rước Ngài về trời, đưa Ngài lên tột đỉnh quyền năng với uy quyền và ngồi bên hữu Đức Chúa Trời.

 

Ở nơi tối cao đó, Đức Chúa Giêxu “nhận lãnh Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Cha đã hứa, và Ngài đổ Thánh Linh xuống” như đám đông đang thấy các dấu hiệu dị thường và nghe họ nói các thứ ngôn ngữ họ chưa khi nào học (33). Dù sự báp têm bằng Đức Thánh Linh là lời hứa của Đức Chúa Cha được hoàn thành, nhưng Đức Chúa Giêxu lại là Đấng thực hiện phép báp têm ấy. Tại đây chúng ta có thể thấy sự khác biệt rõ ràng trong công tác của Ba Ngôi Đức Chúa Trời đối với phép báp têm nầy: Đức Chúa Cha là Đấng ban cho, Đức Chúa Con làm báp têm, Đức Thánh Linh hành động trên người nhận báp têm.

 

Phierơ lại dùng lời Thi thiên đã chép để giải thích thêm về lời Đức Chúa Trời phán với Đấng Mết-sai-a (34–35) thì không áp dụng cho Đa-vít được; ông liền tuyên bố quả quyết: “Vậy, toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều nầy: Đức Chúa Giêxu mà đồng bào đóng đinh trên cây thập tự đã được Đức Chúa Trời tôn làm Chúa và Đấng Christ” (36). Sự tuôn đổ Đức Thánh Linh xuống xác nhận Đấng Christ đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời. Ngày nay, phép báp têm Đức Thánh Linh là bằng chứng cho mọi người đã nhận lãnh biết chắc rằng Đức Chúa Giêxu hiện đang ngồi bên phải Đức Chúa Cha để cầu thay và biện hộ cho chúng ta. Ta có thể vững lòng làm chứng cho Ngài.

 

Nhiều người trong đám đông “nghe những lời ấy, lòng họ đau như cắt nên hỏi Phierơ và các sứ đồ: ‘Thưa các anh, chúng tôi phải làm gì?’” (37). Lời nói của Phierơ từ Đức Thánh Linh chích thẳng vào lương tâm của nhiều người nghe, vì tội cự tuyệt và đóng đinh Đấng Christ là quá nặng. Tuy vậy, câu hỏi bộc lộ lòng đau đớn của họ bày tỏ rằng họ tin vẫn còn có hi vọng, có cách gì đó mà họ có thể làm. Phierơ đáp lời là họ hãy ăn năn, tức là thay đổi hẳn lề lối suy nghĩ, thái độ đối với tội lỗi và bản ngã của mình. Rồi họ sẽ chứng tỏ lòng ăn năn mà họ đã lập bằng cách chịu báp têm nhân danh Đức Chúa Giêxu Christ “để được tha tội, rồi sẽ nhận lãnh Đức Thánh Linh (38).

 

Việc “nhân danh Đức Chúa Giêxu Christ chịu phép báp têm để được tha tội” không phải là nghi thức rửa tội của một số giáo hội vẫn thường thực hành. Bởi vì ai muốn nhận được sự tha tội thì người ấy phải ăn năn trước đã. Các tội lỗi không phải chỉ là được tha, mà được vĩnh viễn xoá hết, không còn dấu vết chi nữa; cũng không bao giờ bị đem ra làm bằng chứng nghịch lại người đã được tha tội. Như vậy, người đã thật lòng ăn năn và được tha tội sẽ chứng minh sự thật ấy qua cách sống thanh sạch mỗi ngày; cũng là bằng cớ chứng minh đã nhận được ơn cứu độ vì đã được biến đổi thành con người mới. Chẳng phải phép báp têm cứu vớt người tin; bởi vì người ta được cứu nhờ ân điển, bởi đức tin (Êphêsô 2:8). Trong khi đó vô số người đã nhận phép rửa tội vẫn tiếp tục sống đời tội lỗi và gian xảo không khác chi người chưa tin Chúa, đôi khi còn ác hơn nữa.

 

Vào ngày lễ Ngũ tuần có Đức Thánh Linh giáng lâm ấy, những người đã ăn năn tội cự tuyệt và đóng đinh Đấng Christ rồi nhận phép báp têm bằng nước, có lẽ chưa hiểu hết ý nghĩa thật của phép báp têm như lời Chúa dạy sứ đồ Phaolô là “khi chúng ta chịu báp têm trong Đức Chúa Giê-xu Christ là báp têm trong cái chết của Ngài……… được chôn với Ngài, và như thế, Đấng Christ nhờ quyền năng vinh quang của Đức Chúa Cha sống lại từ trong cõi chết thế nào, chúng ta cũng sống trong cuộc đời mới thế ấy” (Rôma 6:3). Ngày nay, khi chúng ta đã hiểu ý nghĩa sâu nhiệm của phép báp têm, thì phải sống theo sự hiểu biết đó; để việc chịu phép báp têm của chúng ta không vô ích như một loại nghi thức tôn giáo vô hồn, mà có một nhận thức rõ ràng và chắc chắn về sự được tha tội và đời sống mới mà mình đã nhận.

 

Một số người cho rằng ở Giêrusalem không đủ nước để làm phép báp têm trầm mình trong nước cho 3000 người. Họ quên rằng thời đó bên ngoài đền thờ có ao Bethesda và nhiều ao khác đã được chứng minh là hiện hữu do khoa khảo cổ khai quật sau nầy. Thật ra vào thời ấy, các ao để làm phép báp têm trầm mình trong nước thì có nhiều hơn số ao nước hiện có ngày nay. Khoa khảo cổ cũng đã khai quật được một số hồ nước được xây dựng đặc biệt cho mục đích làm phép báp têm của Hội-thánh thời sơ lập. Tâm lý hoài nghi lúc nào cũng có trong một số người có tâm tánh không chịu phục Đấng cầm quyền trên vũ trụ, để tìm cách bác bỏ những sự việc có thật.

SachCongVu06.docx  (Sách tham khảo: The Book Of Acts của Stanley M. Horton)

Rev. Dr. CTB