1 Samuel, bài 18

1 Samuel 17:1–58

Người đọc Kinh Thánh phải hiểu cách người Do-thái xưa gom góp hay ghi chép các chuyện truyền khẩu, thành tài liệu đặt tại các trường dạy tiên tri, rồi được sắp đặt thành các sách lịch sử. Sách Samuel cũng thành hình theo cách đó. Vì thế, khúc Kinh Thánh vô cùng nổi tiếng nầy không phải là phần tiếp nối các sự kiện được ghi ở đoạn trước. Không ai định rõ được câu chuyện ở đây xảy ra vào thời gian nào, nhưng theo tinh thần phục thù của dân Philistine, thì các học giả đoán rằng nó diễn ra sau khi Saul và Jonathan đánh bại họ ở cuối đoạn 14. Đó là lý do người ta thấy Saul và cả triều thần đều không biết tông tích của cậu thiếu niên David (55). Vậy, dân Philistine tập trung quân đội đóng quân tại Ephes-Dammim, giữa Socoh với Azekah của Judah (1).

Ý nghĩa của các địa danh rất thú vị. Ephes-Dammim nghĩa là chấm dứt đổ máu. Socoh là gai góc, và Azekah là đất được canh tác. Trong Kinh Thánh, người Philistine bị xem là biểu tượng của kẻ thù, tức là ma quỷ. Judah có nghĩa là “ngợi khen” (Sáng thế 29:35). Mỗi khi kẻ thù muốn tấn công con cái Chúa, thì việc đầu tiên chúng làm là tạo ra hoàn cảnh khiến chúng ta không thể ngợi khen Chúa; vì vậy, dân Philistine tiến vào dàn quân tại đất Judah, vì chúng muốn dập tắt lòng ngợi khen Chúa của dân Israel. Saul thì dàn quân tại Elah, cây sồi, bộc lộ tâm lý sợ hãi trốn dưới bóng che của những cây sồi. Hai bên đối diện nhau ở hai bên triền đồi, cách nhau một thung lũng (2–3).

Goliath, một tên đại lực sĩ khổng lồ quê ở Gath, tiến ra thách thức bên Israel cử một chiến sĩ can trường ra đấu tay đôi với hắn. Đây là dòng dõi còn sót của các con trai Anak, chúng vẫn sống ở các thành Gath, Gaza và Ashdod. Sức của những người khổng lồ nầy rất mạnh, nhưng phản ứng thì chậm chạp. Theo sách mô tả thì Goliath cao gần ba thước tây, nếu tính hết trọng lượng của giáp vảy cá bằng đồng, mũ, giáp chân, và mũi giáo, thì đã nặng gần ba chục ký lô (4–7). Những lời thách thức của tên Philistine khổng lồ (8–10), đã khiến cho Saul lẫn toàn dân Israel đều run rẩy sợ hãi giữ im lặng, không dám đáp lời (11). Phần tiếp theo trong đoạn nầy giới thiệu thân thế của David khiến cho nhiều học giả bối rối. Và nó cũng chứng minh tác giả sách nầy không phải là Samuel.

Gia đình Jesse ở Bethlehem, thuộc Ephrath xứ Judah, có tám con trai, mà David là con trai út (12–14). Có phải đây là thời kỳ sau khi David phục vụ Saul rồi trở về chăn chiên cho cha mình hay không (15), thì rất khó xác định. Bởi vì câu nầy hoàn toàn mâu thuẫn với câu 17:55. (Theo nhận xét riêng, thì câu 17:15 có lẽ do tác giả về sau đặt vào để chứng tỏ nó nối tiếp phần trước, sau khi David được xức dầu). Trong bốn mươi ngày liên tiếp, mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều, tên lực sĩ Goliath đều bước ra chửi rủa, thách thức Israel (16). Điều rất lạ là ghìm nhau lâu như vậy mà không bên nào xuất quân giao chiến. Bên Israel sợ không dám đánh thì đúng tâm trạng họ, nhưng phía Philistine cũng đóng quân yên tại chỗ; thì ra, đây là lúc quân sĩ chờ gia đình đem lương thực tiếp tế.

Vì vậy, Jesse sai David đem lương thực cho các anh và quà biếu tiểu đoàn trưởng. Có lẽ các anh của David không biết viết, nên David phải đem bằng chứng về cho cha là các anh được bình yên (17–19). David ra đến mặt trận vào lúc quân hai bên đang dàn trận reo hò và Goliath lại tiến ra chửi rủa thách thức như hắn vẫn làm. David thì nghe lỏm về phần thưởng cho người giết được tên lực sĩ khổng lồ, vì mọi người Israel đều sợ hắn (20–25). David cứ lân la hỏi thăm. Eliab, anh cả của David nghe vậy liền nổi giận với em mình, David quay đi hỏi người khác. Tin ấy đồn tới vua Saul, vua cho gọi David đến; có lẽ mừng rỡ trong lòng vì có người dám ra đối địch với Goliath (26–31).

David tâu với Saul: “‘Xin đừng ai ngã lòng vì tên Philistine kia! Đầy tớ bệ hạ sẽ đi ra chiến đấu với hắn. Saul nói với David: Con không thể đương đầu với tên Philistine nầy đâu, vì con chỉ là một thiếu niên, còn hắn đã là một chiến binh từ lúc trẻ” (32–33). David phải trình thành tích của mình để ông vua tin cậy mà giao thác nhiệm vụ: “‘Khi đầy tớ bệ hạ chăn chiên cho cha mình, nếu có sư tử hay là gấu đến tha một con chiên trong bầy, thì con đuổi theo, đánh nó, giật chiên khỏi mõm nó; nếu nó chống cự, con nắm râu nó, đánh và giết nó đi. Đầy tớ bệ hạ đã đánh chết cả sư tử và gấu, vậy thì tên Philistine không chịu cắt bì kia cũng sẽ đồng số phận với chúng, vì hắn đã dám thách thức đạo quân của Đức Chúa Trời hằng sống. David nói tiếp: Đức Giê-hô-va đã giải cứu con khỏi vuốt sư tử và gấu, thì Ngài cũng sẽ giải cứu con khỏi tay tên Philistine kia.” Saul nói: Hãy đi, nguyện Đức Giê-hô-va ở với con!” (34–37).

Vào thời cổ, rừng ở Canaan rậm rạp, nhiều thú dữ là gấu và sư tử bờm ngắn sống ở đó. David không nói mình giết gấu và sư tử bằng vũ khí gì, nhưng khi thú dữ bị cây gậy chăn chiên đập mạnh vào mũi thì xửng vửng. Saul mặc áo chiến, giáp và mũ đồng cho David, David mang gươm tập đi với các món ấy, nhưng cổi trả lại cho Saul vì nó quá vướng víu (38–39). Cậu thiếu niên chỉ cầm cây gậy, xuống khe lượm năm viên đá bóng nhẵn bỏ vào trong túi chăn chiên cậu thường mang, và cái trành ném đá trong tay, rồi xông tới tên Philistine khổng lồ (40). Chỗ nầy có vài ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Túi chăn chiên thường may bằng da chiên thuộc mềm để đựng bánh đem theo ăn khi chăn chiên ngoài đồng. Lời Chúa là thức ăn thiêng liêng; đá đặt trong túi thức ăn là lời Chúa trở thành vũ khí rất lợi hại khi chúng ta nuôi mình bằng Lời Chúa và sử dụng Lời ấy để tranh chiến.

Goliath thấy người bên Israel tiến ra liền xông tới, thấy David chỉ là một thiếu niên thì khinh thường. Hắn nói “Ta có phải là một con chó đâu mà ngươi cầm gậy đến với ta? Rồi tên Philistine lấy danh các thần mình mà rủa sả David” (41–43). Hắn nói sẽ giết David và ban thịt David cho chim trời và thú đồng. Nhưng David đáp: “Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến với ta. Còn ta, ta nhân danh Đức Giê-hô-va vạn quân mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo quân Israel mà ngươi đã thách thức. Hôm nay, Đức Giê-hô-va phó ngươi vào tay ta, ta sẽ giết ngươi, cắt đầu ngươi, và ban thây của đạo quân Philistine làm mồi cho chim trời và thú rừng. Khắp thế gian sẽ biết rằng có một Đức Chúa Trời trong dân Israel, và toàn thể hội chúng nầy sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va không giải cứu bằng gươm, hoặc bằng giáo; vì Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến trận, Ngài sẽ phó các người vào tay chúng ta” (44–47). Tên Philistine giận quá đứng dậy nhào tới David.

David cũng chạy tới, quay tít cái trành ném viên đá đi; viên đá bay vù tới trúng giữa trán làm lủng trán của tên Philistine khiến hắn ngã sấp xuống. David xông tới bên xác Goliath rút gươm hắn khỏi vỏ, cắt đầu hắn. Quân Philistine thấy lực sĩ vô địch của họ bị giết nên vội vàng chạy trốn (48–51). Quân Israel và Judah hò nhau rượt theo chém giết quân Philistine, xác quân Philistine ngã đầy đường từ Shaaraim tới tận cửa thành Gath và Ekron (52). Không vào thành địch được, quân Israel trở về cướp phá trại quân Philistine đã bỏ chạy (53). Ở chỗ nầy, tác giả viết “David đem đầu của tên Philistine về Jerusalem, nhưng vũ khí của hắn thì để trong trại mình” (54); một sự sai sót khá trầm trọng, chứng tỏ tác giả thuộc thế hệ lâu về sau, lúc Jerusalem đã là kinh đô.

Thời Saul làm vua thì đóng đô ở Gibeah; thành Jerusalem lúc ấy gọi là Jebu của dân Jebusite làm chủ. David chiếm được Jebu sau khi Saul tử trận khá lâu, đổi tên là thành David (2Samuel 5:6–9). Như vậy, chưa có thành Jerusalem để cậu thiếu niên David đem đầu Goliath về. Hơn nữa, khi David tới mặt trận thăm các anh thì chưa đủ thì giờ làm một cái lều riêng cho mình. David đã vào gặp Saul để trình diện và lãnh mạng lệnh ra trận, nhưng cả Saul lẫn Abner đều không biết David là ai (55). Abner vâng lệnh vua ra đón David trên đường trở về, tay còn xách cái đầu của Goliath (56–57). Vua hỏi “‘Nầy chàng trai, ngươi là con ai? David thưa: Con là con của Jesse, người Bethlehem, đầy tớ của bệ hạ” (58).

Bài học ở đây là lòng tin vào Đức Chúa Trời. Thiếu niên David đã từng đánh thắng và giết cả gấu lẫn sư tử, thì có đủ mưu trí và tài năng để giết chết tên khổng lồ Goliath từ đàng xa. Thời gian ở các đồng cỏ đã huấn luyện David thuần thục các tài năng đặc biệt. Nhưng đức tin là bí quyết.

1Samuel18.docx

Rev. Dr. CTB