Dân-số-ký, bài 21

Dân-số-ký 31:1–54

Thông thường, người ta thấy Đức Chúa Trời trừng trị các dân tộc gian ác bằng tai hoạ, dịch lệ hay hạn hán-đói kém. Nhưng trong trường hợp dân Ma-di-an, thì lệnh Chúa truyền cho Môi-se là tấn công họ để trả thù mưu ác của họ dùng sự dâm dục dụ dỗ dân Israel phạm tội thờ lạy và ăn của cúng thần tượng.

Chúa thì phán rằng: “Hãy báo thù người Ma-đi-an cho dân Israel” (1–2), vì Ngài quan tâm tới con dân Ngài và muốn báo thù những kẻ đã làm họ bị phạt, nhưng đối với Môi -se thì kẻ thù đó đã làm tổn thương Đức Chúa Trời, nên truyền bảo dân Israel: “Hãy trang bị khí giới để tiến đánh dân Ma-đi-an và báo thù dân đó cho Đức Giê-hô-va” (3).

Lệnh tiến hành chiến tranh chống lại Ma-đi-an thật ra là trận chiến trừng phạt những kẻ thờ thần tượng, những người lập mưu dụ dỗ Israel thực hành những điều Đức Chúa Trời nhờm tởm. Mỗi chi tộc chỉ cần sai ra trận một ngàn chiến sĩ (4), không cần phải huy động toàn thể quân đội Israel.

Vậy trong mỗi chi tộc Israel, người ta chọn một ngàn quân và có mười hai ngàn người được trang bị khí giới để ra trận” (5). Môise sai mười hai ngàn quân đó ra đi, nhưng chỗ nầy không đề cập ai là người chỉ huy sư đoàn ấy, chỉ nói là Phinehas, con trai thầy tế lễ Eleazar, cùng đi ra với họ. Có lẽ vì Phinehas là người đởm lược và anh dũng qua gương ông giết Zimri và Cozbi, là hai người công khai diễn trò tà dâm trước mặt hội chúng.

Vậy thì, hoặc Phinehas vừa là thầy tế lễ đi theo đoàn quân, vừa là người chỉ huy cả sư đoàn ấy. Nhưng tất cả các học giả Kinh-thánh đều bối rối trước câu “đem theo những khí cụ thánh và kèn thúc quân” (6).

Kèn làm bằng bạc dùng để thúc quân thì dễ hiểu, nhưng không ai biết ‘khí cụ thánh’ được đem ra trận là món gì. Vào lúc ấy thì Eleazar đã thay Aaron làm thầy tế lễ thượng phẩm, nên ông không thể ra trận vì sợ bị ô uế.

Bộ lễ phục có ê-phót và bảng đeo ngực có Urim với Thummim thì chỉ thầy tế lễ thượng phẩm mới được mặc, Phinehas không thể đem theo những món đó ra trận.

Căn cứ trên các sự việc diễn ra sau nầy, vào thời thầy tế lễ Hêli, thì rất có thể là họ đã đem Rương Giao Ước cùng ra trận. Tuy vậy, sự phỏng đoán nầy không có gì là chắc chắn. Ngoài ra, trong Lều Chứng Ước chẳng có món nào được xem như khí giới để đánh trận hết.

Nếu là Rương Giao Ước thì đã được nêu tên rõ ràng tại các phần Kinh-thánh khác; vì thế, khí cụ thánh ở trận nầy không phải là Rương Giao Ước mà là vài món đồ dùng trong Đền Tạm.

Các học giả Kinh-thánh nghĩ rằng rất có thể là Ê-phót cùng với bao đựng Urim và Thummim được đem theo để thầy tế lễ Phinehas cầu hỏi ý Chúa trong các trường hợp cần thiết, vì Môi-se và Eleazar đều ở lại trại quân, không ra trận.

Vậy, mười hai ngàn quân Israel giao tranh với người Ma-đi-an. Ở chỗ nầy cần phải nhắc lại nguồn gốc dân Ma-đi-an cũng là dòng dõi một con trai của Áp-ra-ham do bà vợ kế Kê-tu-ra sinh ra (Sáng-thế 25:1). Họ ở cách xa dòng chính, xa hẳn Áp-ra-ham, nên thờ thần tượng và thù nghịch với Israel.

Quân Israel đã giết tất cả những người đàn ông Ma-đi-an ở vùng đó trong trận nầy; vì không phải mọi người thuộc dân tộc Ma-đi-an đều ở chung một khu vực, mà ở rải rác nhiều nơi.

Dân Ma-đi-an bị tiêu diệt trong trận nầy là những người đã đến cư ngụ trong đất Moab. Hãy lưu ý là Chúa không ra lệnh tiêu diệt dân Moab, mà bảo phải báo thù dân Ma-đi-an, vì dân nầy nghe theo mưu kế của thầy pháp Balaam dụ dỗ Israel phạm tội. Ngoài năm vua Ma-đi-an bị giết, còn có Balaam cũng bị diệt (7–8). Vì sau khi bị Balak đuổi đi, ông ta tới bày kế cho Ma-đi-an hại Israel.

Vào thời ấy, tước vị vua không có nghĩa là hoàng đế đứng đầu một dân tộc hay một nước, mà là thủ lãnh của một thành hay một khu vực nhỏ nào đó. Cho nên, những ông vua Ma-đi-an bị giết là thủ lãnh của dân ở các thành thuộc đồng bằng Moab, đối diện thành Giêricô của người Amorít.

Quân Israel bắt hết đàn bà, con nít Ma-đi-an làm tù binh, cũng bắt hết tất cả súc vật, tịch thu mọi của cải làm chiến lợi phẩm trước khi phóng hoả thiêu huỷ tất cả các thành mà dân Ma-đi-an đã ở, rồi đem tất cả về gặp Môi-se, thầy tế lễ Eleazar và cả hội chúng Israel đang đóng trại tại đồng bằng Moab (9–12).

Thay vì được khen ngợi vì đã chiến thắng vẻ vang, những người chỉ huy đại đội, một trăm quân, và tiểu đoàn, một ngàn quân, lại bị Môi-se khiển trách nặng nề vì đã cướp đàn bà Ma-đi-an, định đem về cho đàn ông Israel lấy làm vợ (13–15).

Môise nói: “Những phụ nữ nầy theo mưu kế của Balaam mà dụ dỗ dân Israel cúng thờ Peor, phạm tội trọng với Đức Giê-hô-va và khiến hội chúng của Đức Giê-hô-va phải mang hoạ”(16), vì vậy, ông ra lệnh giết tất cả con trai và mọi phụ nữ nào đã từng ăn nằm với đàn ông, để họ không còn cơ hội dụ dỗ dân Israel phạm tội.

Theo luật chiến tranh của thời ấy thì phía thắng trận không được giết đàn bà và trẻ con của phía bại trận. Họ được cho sống và là chiến lợi phẩm của phía thắng trận, tức là trở thành nô lệ, tài sản của người chiến thắng.

Nhưng vì phụ nữ Ma-đi-an đã phạm tội dụ dỗ Israel cúng thờ thần Baal Peor, nên chỉ có trinh nữ mới được tha chết. Con trai bị giết vì là dòng dõi của những người cha Ma-đi-an sống ở Canaan thờ thần tượng, mà mọi dân tộc vùng Canaan đều bị Đức Chúa Trời ra lệnh phải tiêu diệt (17–18).

Theo đúng luật thanh tẩy đã được rao truyền trước kia và đã được áp dụng suốt ba mươi chín năm qua, thì những ai đã giết người hay đã chạm vào thây người chết đều đã bị ô uế; cho nên các chiến sĩ lẫn tù binh của họ đều phải đóng trại ở bên ngoài trại bảy ngày. Người nào có giết người hoặc chạm vào thây người chết thì phải tự thanh tẩy vào ngày thứ ba và thứ bảy; cũng phải thanh tẩy tất cả quần áo, mọi vật bằng da, bằng lông dê và mọi đồ đạc bằng gỗ (19–20).

Theo luật pháp Đức Chúa Trời đã truyền qua Môi-se thì các chiến lợi phẩm bằng kim khí đều phải được tẩy sạch bằng lửa trước khi dùng nước tẩy uế. còn những gì không chịu được lửa thì phải thanh tẩy bằng nước tẩy uế (21–23). Tới ngày thứ bảy, họ phải giặt sạch quần áo rồi mới được vào trại quân (24).

Lệnh Đức Chúa Trời truyền cho Môise và thầy tế lễ Eleazar là mọi chiến lợi phẩm, cả người lẫn súc vật, mọi thứ vàng bạc, kim khí, vật dụng, và mọi thứ của cải đều phải được kiểm kê, chia ra làm đôi, một phần cho các chiến sĩ đã ra trận, phần kia chia đều cho hội chúng Israel trong trại quân (25–27). Người ở nhà cũng có chiến lợi phẩm, nhưng các chiến sĩ xông pha hiểm nguy ngoài trận mạc thì được chia phần nhiều hơn.

Nhưng phải lấy ra một phần năm trăm trong phần của các chiến sĩ để dâng cho Đức Giê-hô-va và giao nó cho thầy tế lễ Eleazar (28–29). Phần của các chiến sĩ gồm có 337,500 con chiên, 36,000 con bò, 3,500 con lừa đực, 16,000 người nữ đồng trinh; nên Môi-se trích ra một phần năm trăm giao cho thầy tế lễ Eleazar (36–41).

Môi-se cũng phải lấy một phần năm mươi trong phần chia cho hội chúng mà giao cho người Lê-vi, là những người có trách nhiệm coi sóc Đền Tạm của Đức Giê-hô-va (30–35). Môi-se làm đúng như vậy (42–47).

Sau trận chiến, quân Israel không bị tổn thất một chiến sĩ nào hết, mười hai ngàn quân ra đi đã trở về đầy đủ (48–49). Tính số trinh nữ tù binh còn sót lại thì đông gần gấp ba lần số quân của Israel đi đánh trận; nghĩa là số đàn ông Ma-đi-an bị tiêu diệt trong trận đánh ấy phải đông hơn số trinh nữ tù binh; thế mà quân Israel không tổn thất một chiến sĩ nào. Điều đó phải là một phép lạ để người Israel thấy Đức Chúa Trời giữ lời hứa là Ngài luôn ở với họ.

Các chỉ huy trưởng đã biết ơn bảo vệ của Đức Chúa Trời, nên họ thu góp tất cả chiến lợi phẩm là nữ trang bằng vàng mà họ đã chiếm được để dâng lên cho Đức Chúa Trời.

Trọng lượng vàng mà họ dâng hiến là mười sáu ngàn bảy trăm năm chục shekels, tương đương một trăm chín chục kí lô vàng thời nay (50–52).

Các vị chỉ huy trưởng đại đội và tiểu đoàn, cũng như toàn thể chiến sĩ ra trận, dâng lễ vật lên Chúa để bày tỏ lòng biết ơn Ngài đã gìn giữ họ một cách toàn vẹn.

Đương nhiên là người Ma-đi-an cũng đã chống trả quân Israel để tự vệ. Nhưng họ không chống cự nổi dân của Chúa có sự trợ giúp của Ngài.

Món quà dâng hiến cũng để cầu xin Chúa tha những tội mà họ có thể phạm trong lúc hăng say chém giết quân địch. Số vàng dâng lên là sự bày tỏ lòng biết ơn đức nhân từ của Chúa mà họ không đáng được hưởng (53–54).

Dansoky21.docx
Rev. Dr. CTB