Dân-số-ký, bài 19

Dân-số-ký 26–27

Sau tai hoạ bị phụ nữ Madian dụ quỳ lạy và ăn của cúng tà thần Baalpeor, hai mươi bốn ngàn người ngã chết, Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se và Eleazar hãy đếm tất cả nam giới hai mươi tuổi trở lên, tức là những người Israel có thể chiến đấu ngoài chiến trận, và tính theo từng chi tộc của họ (1–4).

Cuộc kiểm tra dân số nầy có lẽ được thực hiện sau khi những người cuối cùng được hai mươi tuổi khi ra khỏi Ai-cập đã chết hết, ngoại trừ Môi-se, Eleazar, Giô-suê, và Ca-lép là còn sống, đúng theo lời Đức Chúa Trời đã thề hứa (Dân-số-ký 14:28–30).

Có học giả cho rằng số người chết trong tai hoạ ấy là những người còn lại thuộc thế hệ hai mươi tuổi trở lên khi ra khỏi Ai-cập; vì thế, Đức Chúa Trời mới ra lệnh kiểm tra dân số một lần nữa trước khi Israel tiến vào đất hứa.

Nhìn vào số nam đinh từ hai mươi tuổi trở lên của từng chi tộc sau khi được đếm, thì bảy chi tộc đã gia tăng nhân số, trong đó cả ba chi tộc thuộc trại quân Giu-đa đều gia tăng. Điều đáng để ý là một số con cháu của Korah vẫn còn sống vì không tham gia vào sự phản loạn của gia trưởng mình, khác với tất cả con cháu của Dathan và Abiram cùng với nhóm phản loạn Korah đều bị đất hả miệng nuốt hết (5–11).

Riêng chi tộc Simeon bị sụt giảm thê thảm nhất, từ 59,300 người lúc ra đi ở hoang mạc Si-na-i (Dân-số 1:23), bây giờ chỉ còn 22,200 người (12–14). Vì Zimri, một thủ lãnh của chi tộc Simeon, bị Phinehas giết chung với Cozbi, người phụ nữ Madian dụ dỗ Zimri phạm tội thờ cúng hình tượng và tà dâm (25:14–15), nên có lẽ trong số 24,000 người ngã chết ngày hôm đó, thì đa số thuộc chi tộc Simeon bắt chước gương xấu của thủ lãnh mình.

Vài chi tiết phần đầu đoạn nầy đã đưa ra một số bài học quan trọng. Korah là gia trưởng của gia tộc Kohath, thuộc chi tộc Levi, nổi lên chống lại Arôn và Môise. Nhưng một số con cháu của ông ta lại không tham dự vào cuộc phản loạn ấy.

Korah lôi kéo Dathan và Abiram, hai người gia trưởng thuộc chi tộc Reuben, công khai thách thức quyền lãnh đạo của Môi-se và chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Aaron.

Những con cháu của Korah không tham gia cuộc phản loạn đều sống sót và được phước; vì Đức Chúa Trời không vì tội của gia trưởng mà trừng phạt con cháu có liên hệ huyết thống.

Nhưng vì Dathan và Abiram là hai thủ lãnh được kính trọng của chi tộc Reuben, tham gia cuộc phản loạn và bị Chúa trừng phạt, thì bây giờ chi tộc ấy bị giảm sút nhân số, tức là không nhận được phước Chúa ban. Họ từ 46,500 còn lại 43,730 (7).

Chi tộc Gad cũng bị suy giảm từ 45,650 còn 40,500 (15–18). Chi tộc Giu-đa từ 74,600 thành 76,500. Y-sa-ca từ 54,400 lên 64,300; Sa-bu-lôn từ 57,400 gia tăng thành 60,500 (19–27). Chi tộc được gia tăng nhiều nhất là Manase từ 32,200 lên 52,700 (28–34), trong khi đó Ép-ra-im lại bị suy giảm từ 40,500 thành 32,500 (35–37). Benjamin từ 35,400 tăng thành 45,600 người (38–41). Dòng dõi của Dan từ 62,700 thành 64,400 (42–43); Con cháu Ase từ 41,500 tăng lên 53,400 (44–47); và cuối cùng là con cháu Nép-ta-li từ 53,400 giảm còn 45,400 (48–50).

Lúc kiểm tra dân số ở hoang mạc Si-na-i thỉ tổng số nam đinh từ hai mươi tuổi trở lên là 603,550 người. Sau khoảng ba mươi chín năm, tổng số nam đinh hai mươi tuổi trở lên còn lại 601,730 người. Những con số nầy chưa kể đàn bà và trẻ con. Vì thế, số nhân khẩu khoảng trên dưới hai triệu người, chưa kể chi tộc Lêvi.

Đức Chúa Trời tiếp tục dặn dò Môi-se rằng sau khi đã vào chiếm xong đất hứa, thì phải phân chia đất cho công bằng theo danh sách. Chi tộc đông người phải được nhiều đất hơn chi tộc có ít người; nhưng phải bắt thăm phân chia đất chứ không dựa trên tình cảm (51–56).

Chi tộc Lêvi cũng được đếm số nam đinh, nhưng kể từ một tháng tuổi trở lên. Lúc đó họ được 23,000 người (57–62).

Đó là những người mà Môi-se và thầy tế lễ Eleazar lập danh sách khi kiểm tra dân số Israel tại đồng bằng Moab, gần sông Jordan, đối diện Jericho. Trong số nầy không có ai thuộc về số người mà Môi-se và thầy tế lễ Aaron đã kiểm tra trong cuộc kiểm tra dân Israel tại hoang mạc Si-na-i. Vì Đức Giê-hô-va có phán về họ rằng: ‘Họ sẽ chết trong hoang mạc!’ Vậy, chẳng còn một ai sống sót trừ Caleb, con trai Giê-phu-nê, và Giô-suê, con trai Nun” (63–65).

Trong chi tộc Manase có gia đình Zelophehad không sinh được con trai nào, nên các con gái của ông ta tên là Mahlah, Noah, Hoglah, Milcah, và Tirzah đến gặp Môi-se, thầy tế lễ Eleazar và các nhà lãnh đạo, với cả hội chúng tại cửa Lều Hội-Kiến để khiếu nại về sản nghiệp tương lai mà họ sẽ không được phân chia.

Họ nói rằng: “Cha chúng tôi đã chết trong hoang mạc. Ông không theo phe Korah là những kẻ hiệp lại chống đối Đức Giê-hô-va, nhưng ông đã chết vì tội lỗi mình và không có con trai. Tại sao danh cha chúng tôi bị loại khỏi gia tộc chỉ vì không có con trai? Hãy cho chúng tôi phần đất làm sản nghiệp giữa các anh em của cha chúng tôi” (27:1–4).

Thái độ và cách xử sự của năm chị em rất đáng làm gương cho nhiều người. Họ không thì thầm lằm bằm với người khác trong thời đàn bà bị kể như không hiện hữu, nhưng trình bày hoàn cảnh mình cho cấp lãnh đạo xem xét. Họ tin lời hứa của Chúa, mong có cơ nghiệp và tôn trọng cha của họ.

Môise trình cho Chúa việc ấy và được Ngài phán dạy phải chia cho họ đất để làm sản nghiệp dù cha họ đã qua đời. Nhân cơ hội đó, Đức Giê-hô-va lập luật về sản nghiệp cho người nào chết mà không có con trai nối dõi thì vẫn phải được chia phần sản nghiệp cho người bà con gần nhất (27:5-11).

Luật nầy được Chúa lập để bênh vực những người chết mà không có con trai, để tên của người ấy không bị dứt bỏ khỏi dòng họ. Sự cưới gả vào thời ấy có hai trường hợp: Thứ nhất, nếu con gái lấy chồng và về nhà chồng thì sẽ thuộc bên chồng; thứ nhì, nếu đàn ông cưới vợ và bằng lòng về nhà vợ, vì bên vợ không có con trai, thì con cái sinh ra sẽ được kể là dòng dõi của người cha vợ đã qua đời, để nối danh người chết. Năm con gái của Zelophehad thuộc trường hợp sau.

Sau việc ấy, Môise được Chúa sai hãy lên trên núi Abarim để nhìn thấy xứ mà Ngài hứa ban cho dân Israel. Chúa cho ông biết khi ông đã thấy xứ rồi thì ông sẽ qua đời chứ không được bước vô miền đất hứa mà ông đã khổ nhọc suốt bốn mươi năm dẫn dắt một dân tộc cứng cổ và thường xuyên nổi loạn.

Chỉ vì ông lấy gậy đập vào tảng đá cho nước chảy ra, thay vì chỉ cần nói với tảng đá theo lệnh của Chúa. Sự không vâng lời của ông bị kể như đã  nổi loạn chống lại Chúa (27:12–14).

Mặc dù vậy, chúng ta học được tâm tình của Môise hết lòng yêu mến và kính sợ Chúa. Thay vì tỏ vẻ bất mãn, ông vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời. Đối với ông, ý Chúa là trên hết, ông cũng chấp nhận hậu quả của tính nóng và nỗi giận dữ của ông đối với một dân tộc vô ơn, dễ quên các ơn lành của Đấng gìn giữ và chăm sóc họ.

Môise không quên trách nhiệm của ông đối với dân tộc Israel. Ông cầu xin Chúa ban cho họ một người thay thế ông lãnh đạo và đưa họ vào đất hứa (27:16–17). Người ta vẫn thường dành địa vị lãnh đạo cho người trong gia đình của họ, theo thói “con vua thì lại làm vua,” nhưng Môise thì không tìm cách chuyển quyền lãnh đạo cho con ông hay người nhà của ông, mà cầu xin Chúa lập trên hội chúng “một người để đi ra đi vào trước mặt họ, là người sẽ dẫn họ đi ra, đem họ đi vào” làm người chăn dắt Israel.

Tâm tình của Môise là tâm tình của một người đầy tớ tận tuỵ của Đức Chúa Trời. Một người đầy tớ không màng đến quyền lợi của mình, chỉ hết lòng lo lắng cho công tác được Chủ giao phó. Đức Chúa Trời chứng tỏ Ngài không lầm khi chọn Môise.

Chúa phán với Môise, “Hãy chọn Giô-suê, con trai của Nun, người có Thần ngự vào, và đặt tay trên người” (27:18). Người có Thần ngự vào không phải để nói tiên tri mà là Thần khôn ngoan khéo léo cẩn trọng và có khả năng lãnh đạo.

Môise phải giới thiệu Giô-suê là người lãnh đạo mới cho thầy tế lễ Eleazar và toàn thể hội chúng. Sự đặt tay của Môise là chính thức trao trách nhiệm và chuyển ân tứ quyền năng từ ông qua Giôsuê, để cả hội chúng Israel đều phải vâng theo người.

Nhưng mọi quyết định quan trọng đều phải qua thầy tế lễ Eleazar cầu hỏi ý Chúa bằng Urim, tức là bắt thăm giữa Urim với Thummim (Xuất Ai-cập 28:30). Rồi theo lệnh của Eleazar dựa trên Urim cho biết ý Chúa, Giô-suê sẽ dẫn dân Israel đi ra chiến trận, hoặc không động binh, tức là đi vào (27:19–21). Giô-suê, người có Thần của Chúa, sẽ biết điều gì nên hay không nên làm.

Môise làm đúng như Đức Giê-hô-va phán dặn, đặt tay uỷ thác trách nhiệm trên Giô-suê, nên Giô-suê trở thành người lãnh đạo mới của dân Israel sau khi Môise qua đời (27:22–23).

Dansoky19.docx – Rev. Dr. CTB