Dân-số-ký, bài 22

Dân-số-ký 32:1–42

Hai chi tộc Reuben và Gad đóng trại chung thuộc cánh quân phía Nam Đền Tạm đã được 39 năm rồi. Cùng đóng trại ở cánh quân phía nam có cả chi tộc Simeon nữa; nhưng sau khi phần lớn trong số 14 ngàn người đàn ông bị tai hoạ giết chết là người thuộc chi tộc Simeon, trong vụ bị đàn bà Ma-đi-an dụ dỗ thờ thần Baal Peor và ăn đồ cúng thần tượng, thì chi tộc Simeon ngoan ngoãn vâng theo sự lãnh đạo của Môi-se.

Reuben là con trai đầu lòng Leah sinh cho Jacob; Gad là con của Jacob do nữ tì Zilpah của Leah sinh cho ông. Hai chi tộc đều làm nghề chăn nuôi và có nhiều bầy gia súc rất đông.

Sau khi Israel đánh bại hai vua Amorite là Sihon và Og, rồi chiếm cứ toàn vùng Jaazer và Gilead là nơi có nhiều đồng cỏ và đồi cỏ xanh tốt, đại diện của hai chi tộc đến gặp Môi-se, Eleazar thầy tế lễ thượng phẩm, và các nhà lãnh đạo của mười chi tộc khác (1–2).

Họ xin phép Môi-se, Eleazar và các nhà lãnh đạo khác ban cho hai chi tộc của họ vùng đất ở phía đông của sông Jordan làm sản nghiệp, để họ không phải đi qua bên kia sông vào xứ Canaan với các chi tộc còn lại (3–5).

Vùng Jaazer ở phía nam nằm giữa sông Arnon và rạch Jabbok, là nơi Jacob vật lộn với thiên sứ của Đức Giê-hô-va gần năm thế kỷ trước (Sáng-thế 32:22–30).

Vùng Gilead nằm từ rạch Jabbok trải lên phía bắc, bao gồm cả cao nguyên Bashan. Lời xin ấy khiến Môise rất bất bình, ông nói: “Trong khi anh em mình ra trận mà anh em ở lại đây sao? Tại sao anh em làm cho dân Israel nản lòng không chịu đi vào xứ mà Đức Giê-hô-va đã ban cho họ?” (6–7). Môi se nghi rằng đây là một hành động không tin cậy lời hứa của Chúa, một mưu toan ích kỷ né tránh nhiệm vụ chiến chinh để được bình an và thoải mái.

Đã cùng nhau chịu khổ bao nhiêu năm trong hoang mạc, cùng đánh trận chống lại các kẻ thù dọc đường, chẳng lẽ hai chi tộc nầy vì lòng tham muốn và hèn nhát đành lòng bỏ mặc các chi tộc anh em phải chiến tranh gian khổ nhằm chinh phục vùng đất hứa, còn họ thì ở bình an hưởng thụ vùng đất phì nhiêu phía bên nầy sông Jordan?

Mối hiểm nguy mà Môi-se lo ngại là dân Israel có thể vì việc nầy mà không vâng lời Đức Chúa Trời, từ chối không chịu tiến chiếm đất hứa; nên sẽ bị trừng phạt như tổ phụ họ trước kia vậy (8–9). Môi-se nhắc lại sự kiện lời nói của mười thám tử đã làm nản lòng dân Israel sau khi họ đi do thám xứ Canaan trở về nơi Israel đóng trại tại Kadesh –Barnea (Dân-số-ký 13:31–33).

Vì dân Israel từ chối tiến vào chiếm vùng đất hứa, nên “cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va nổi phừng lên và Ngài thề rằng: ‘Những người đi ra khỏi Ai-cập từ hai mươi tuổi trở lên sẽ chẳng hề thấy xứ mà Ta hứa ban cho Ápraham, Y-sác và Jacob’” (10–11).

Nhưng Đức Chúa Trời khen ngợi Joshua và Caleb, hứa cho họ được hưởng đất hứa, “vì hai người đó đã hết lòng đi theo Đức Giê-hô-va” (12).

Nếu ngày ấy mười chi tộc kia cũng muốn ở lại bên nầy sông giống như hai chi tộc Reuben và Gad, không chịu tiến vào đất hứa, tức là bắt chước gương tổ phụ họ tiếp tục từ bỏ Đức Chúa Trời, “thì Ngài sẽ bỏ dân nầy trong hoang mạc và anh em sẽ khiến cho họ bị tiêu diệt” giống như chính họ đã phải lang thang trong hoang mạc trải bốn mươi năm (13–15).

Vấn đề Môi-se nêu ra là vô cùng nghiêm trọng, vì lời nói của đại diện hai chi tộc Gad và Reuben chứng tỏ họ không thấy hào hứng gì về việc tiến vào chiếm đất Canaan làm sản nghiệp vĩnh viễn. Họ hài lòng về vùng đất họ đang ở có nhiều đồng cỏ cho bầy súc vật đông đảo của họ.

Giống như nhiều tín hữu thời nay được ở Mỹ đầy đủ quá, cho nên chẳng thiết tha gì tới nước thiên đàng. Ở thế gian họ có đủ tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, và tài sản rồi.

Đại diện hai chi tộc Reuben và Gad vội vàng thưa rằng: “Chúng tôi sẽ xây chuồng súc vật và thành trì cho con cái chúng tôi, và chúng tôi sẵn sàng cầm vũ khí đi trước dân Israel cho đến khi đưa họ vào địa phận của họ. Chỉ có con cái chúng tôi sẽ ở lại trong thành kiên cố vì sợ dân địa phương tấn công. Chúng tôi sẽ không quay trở về nhà chúng tôi cho đến khi mọi người Israel đều nhận sản nghiệp mình. Chúng tôi sẽ không nhận sản nghiệp ở bên kia sông Jordan hay là xa hơn nữa, vì chúng tôi đã nhận được sản nghiệp mình ở phía đông sông Jordan nầy rồi” (16–19).

Khi Môi-se chỉ ra sự hiểm nguy của tội lỗi họ đối với toàn dân Israel, đại diện của hai chi tộc Reuben và Gad nhận ra bổn phận của họ, đã không có sự xầm xì hay tranh cãi nào hết. Bởi vì hễ là thành viên của một dân tộc thì bất cứ ai cũng phải quan tâm tới quyền lợi của người khác cũng như của mình; luật về tình yêu thương đòi hỏi con dân Chúa phải biết hi sinh cho nhau.

Người Reuben và Gad nói rằng họ sẽ xây chuồng gia súc và xây thành kiên cố, thật ra là xây sửa lại các chuồng và thành đã có sẵn nhưng bị hư hại vì lửa đốt phá trong chiến tranh.

Hai vùng Jaazer và Gilead của dân Amorite vốn có nhiều thành và chuồng giữ gia súc xây bằng đá chồng lên nhau. Bây giờ, sau khi họ đã tiêu diệt hoặc xua đuổi cư dân của các thành ấy đi rồi, thì họ chỉ cần sửa sang lại cho kiên cố; vì trong vòng hai tháng, họ không đủ khả năng thiết lập thành mới.

Khi đưa gia đình, vợ con của họ vào các nhà đã có sẵn, họ phải để lại những người nô lệ để phục vụ mọi việc của gia đình. Còn những người đàn ông từ hai mươi tuổi trở lên đều sẽ cầm vũ khí đi trước anh em mình thuộc các chi tộc khác để tham gia chiến trận tiến chiếm vùng đất hứa, và hứa rằng sẽ không đòi hỏi sản nghiệp nào ở bên kia sông Jordan, vì họ đã có sản nghiệp ở đây rồi.

Lời hứa ấy vui lòng Môi-se và các vị lãnh đạo, nên Môi-se bằng lòng cấp cho họ đất bên nầy sông Jordan. Tuy vậy, ông cảnh cáo: “… nếu anh em không làm như thế, anh em thật đã phạm tội với Đức Giê-hô-va và phải biết rằng tội ấy chắc sẽ đổ lại trên anh em,” rồi dặn họ hãy xây thành và dựng chuồng nhốt gia súc theo lời đã hứa (20–24).

Các đại diện của hai chi tộc Reuben và Gad rất mừng rỡ hứa chắc với Môi-se: “Các đầy tớ ông sẽ làm điều mà ông là chúa chúng tôi đã dặn bảo. Vợ và con nhỏ, bầy chiên và tất cả gia súc của chúng tôi sẽ ở lại đây trong các thành của Gilead, còn tất cả đầy tớ ông sẽ cầm khí giới vượt qua sông mà chiến đấu trước mặt Đức Giêhô-va như ông là chúa chúng tôi đã dặn bảo” (25–27).

Môi-se truyền lệnh, mà ông đã quyết định cấp hai vùng đất Jaazer và Gilead cho chi tộc Gad và Reuben, cho thầy tế lễ thượng phẩm Eleazar, Joshua người sẽ thay ông lãnh đạo dân Israel, và các thủ lãnh của mười chi tộc kia rằng:

Nếu con cháu Gad và con cháu Reuben cầm khí giới đi qua sông Jordan với anh em để chiến đấu trước mặt Đức Giê-hô-va và khi đã chinh phục được đất rồi, thì anh em phải ban cho họ đất Gilead làm sản nghiệp. Nhưng nếu họ không cầm vũ khí đi qua sông với anh em, thì họ sẽ nhận sản nghiệp giữa anh em trong đất Canaan” (28–30).

Các đại diện của con cháu Gad và con cháu Reuben vội xác định rằng: “Chúng tôi sẽ làm theo điều Đức Giêhôva đã phán với các đầy tớ ông. Chúng tôi sẽ cầm vũ khí đi vào xứ Canaan trước mặt Đức Giêhôva, nhưng chúng tôi sẽ nhận sản nghiệp về phía bên nầy sông Jordan” (31–32).

Khi Môi-se ban đất Gilead cho con cháu Gad và con cháu Reuben, thì ông cũng ban cho nửa chi tộc Manasseh được hưởng vùng đất ấy.

Người ta nghĩ rằng vì vùng ấy quá rộng, quá dư thừa cho hai chi tộc Reuben và Gad; còn chi tộc Manasseh thì phát triển quá nhanh, lại có công chiếm đất Gilead và đuổi người Amorite khỏi nơi đó trong thời gian Israel đóng trại ở đồng bằng Moab (39), nên “Môi-se ban đất Gilead cho Machir, con cháu của Manasseh” (40).

Vậy, con cháu Gad và con cháu Reuben bắt đầu sửa sang, xây đắp lại các thành vốn kiên cố đã được cấp cho họ. Số thành đó đủ cho các gia đình của hai chi tộc Reuben và Gad. Bởi vì mỗi thành đều có sẵn nhà ở do người Amorite xây cất trước kia (33–38).

Khi nói tới Machir và Jair là con trai của Manasseh thì ngụ ý nói tới dòng dõi của họ (41). Vì Manasseh và các con trai là Machir với Jair đều đã chết tại Ai-cập từ lâu; bởi dân Israel đã phải làm nô lệ ở Ai-cập hơn bốn trăm ba mươi năm.

Người ta không biết nhân vật tên Nobah ở chỗ nầy là ai. Vì đang nói tới nửa chi tộc Manase, nên rất có thể người nầy là một dũng tướng của chi tộc ấy. Nếu Kenath là một thành có các làng chung quanh (42), thì Kenath phải là một thành quan trọng, và Nobah dùng tên mình đặt làm tên mới của thành.

Vậy, phần đất phía đông sông Jordan đã chia cho hai chi tộc và nửa chi tộc.

Dansoky22.docx
Rev. Dr. CTB