Bổn Phận Vợ Chồng

Êphêsô 5:21–33

Đến phần nầy, Phaolô đặt nền tảng chung cho các bổn phận đối với nhau: “Vì kính sợ Đấng Christ, hãy phục tùng lẫn nhau” (21).  Con cái Chúa nợ nhau về lòng tương kính, tương phục và cùng chia sẻ những gánh nặng; không hống hách hoặc lấn lướt người khác, cũng không đặt ra luật để bắt người khác phải tuân theo.  Phaolô đã làm gương về việc nầy khi ông bộc bạch: “Dù tôi là người tự do, không lệ thuộc ai, nhưng tôi chịu làm nô lệ mọi người để thu phục được nhiều người hơn” và “với mọi người, tôi sống mọi cách để có thể cứu một số người” (1Côr.9:19, 22b).  Chúng ta phải có tinh thần nhường nhịn và phục tùng, sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ ở nơi nào Đức Chúa Trời đã đặt ta vào, vì một lẽ rất quan trọng là “vì kính sợ Đấng Christ.”  Nghĩa là sự vâng phục nhường nhịn nhau là bằng chứng về lòng thật sự kính sợ Chúa.  Hễ nơi nào có sự tương kính, tương phục, thì những bổn phận của các mối liên hệ khác sẽ được thực hiện dễ dàng.

Kế tiếp, Phaolô nói về các bổn phận của những người chồng và vợ theo cách thức của con cái Chúa.  Ông dùng Hội Thánh làm ví dụ về sự vâng phục của người vợ, và Đấng Christ làm gương mẫu về tình yêu của người chồng.  Bổn phận của vợ là phục tùng chồng trong Chúa (22).  Phục tùng bao gồm sự tôn trọng và vâng lời theo nguyên tắc yêu thương.  Các bà vợ phải làm điều nầy để tuân theo thẩm quyền của Đức Chúa Trời, Đấng ra lệnh.  Khi các bà vợ tùng phục chồng, vì đó là bổn phận của mình, thì có nghĩa là họ đang vâng lời và làm đẹp lòng Chúa. Lý do những người vợ phải phục tùng chồng “vì chồng là đầu vợ” (23); ẩn dụ ấy rút từ hình ảnh cái đầu của thân thể.  Đầu là nơi chứa sự khôn ngoan, tri thức, nguồn của mọi giác quan và cử động; cái đầu trội hơn mọi phần khác của cơ thể. Đức Chúa Trời đã ban cho loài người sự ưu việt, quyền quản trị và điều khiển cõi tạo vật; trong sự phán định về đàn bà thì Ngài truyền rằng: “sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi.” (Sáng thế 3:16b).

Đàn ông cũng thường xuất chúng hơn đàn bà về sự khôn ngoan và tri thức; vì thế, đàn ông là cái đầu “như Đấng Christ là đầu Hội Thánh” (23).  Thẩm quyền của Đấng Christ trên Hội Thánh được dùng để ví với quyền của người chồng đối với vợ.  Đấng Christ đã thi hành thẩm quyền của Ngài trên Hội Thánh để cứu Hội Thánh khỏi điều ác, cung cấp cho Hội Thánh mọi điều tốt nhất mà Hội Thánh cần; vì vậy Phaolô tiếp “chính Ngài là Cứu Chúa của Hội Thánh, thân thể Ngài.”  Giống như vậy, người chồng được Chúa dùng để bảo vệ và là niềm an ủi cho vợ mình.  Chính điều đó là lý do khiến các bà vợ có thể vui vẻ tùng phục chồng.  “Vậy, cũng như Hội Thánh vâng phục Đấng Christ” bằng sự vui vẻ mừng rỡ, trung thành và khiêm tốn, “vợ hãy phục tùng chồng trong mọi sự ” (24).  Mọi sự ở đây là mọi điều hợp pháp và phù hợp với bổn phận đối cùng Chúa.

Ngược lại, bổn phận của các ông chồng là phải yêu thương vợ  mình: “Người chồng hãy yêu vợ, cũng như Đấng Christ yêu Hội Thánh, xả thân cho Hội Thánh” (25).  Bởi vì thiếu điều nầy thì các ông chồng sẽ lạm dụng quyền đứng đầu gia đình ức hiếp các bà vợ, như vẫn thường thấy xảy ra trong các gia đình ngoại giáo.  Hễ nơi nào nguyên tắc nầy thắng thế như đáng phải có, thì sẽ suy ra các bổn phận và nhiệm vụ khác mà những người chồng phải thực hiện trong mối liên hệ đối với vợ mình.  Tình yêu mà Đấng Christ dành cho Hội Thánh được đưa ra làm mẫu mực cho tình cảm của chồng đối với vợ: Đó là thứ tình yêu chân thành, trong sạch, nồng cháy và mãi mãi yêu thương; tình yêu ấy bất kể những sự khiếm khuyết và các thất bại mà Hội Thánh phạm phải.  Hành động vĩ đại nhất của tình yêu Ngài đối với Hội Thánh là Ngài đã xả thân, cống hiến sự sống mình cho Hội Thánh.

Thế thì, như Hội Thánh phục tùng Đấng Christ là khuôn mẫu cho những người vợ, thì tình yêu của Ngài đối với Hội Thánh là mẫu mực cho bổn phận yêu thương của những người chồng.  Việc Chúa đòi hỏi các người chồng phải yêu vợ mình sẽ bù lại cho sự tùng phục mà Chúa đòi hỏi ở các bà vợ để đáp lại tình yêu nồng nàn ấy.  Phaolô lại khai triển ý tưởng về tình yêu của Đấng Christ đối với Hội Thánh và lý do Ngài xả thân cho Hội Thánh là vì “Ngài muốn thánh hoá Hội Thánh, lấy nước rửa–dùng Lời Đức Chúa Trời–làm cho tinh sạch” (26), và làm cho Hội Thánh được vinh diệu bằng cách mặc cho mọi thành viên Hội Thánh nguyên tắc thánh khiết, giải thoát họ khỏi sự ô nhiễm và quyền lực cai trị của tội lỗi.  Thánh lễ báptêm bằng nước và sự giảng rao Lời Chúa là cách để Chúa tẩy rửa Hội Thánh.  Ai chịu nhận lấy lời giảng dạy và ghi khắc vào lòng thì Lời Đức Chúa Trời sẽ biến đổi đời sống và nếp suy nghĩ của người đó.

Chúa làm điều ấy để trình diện lên Ngài “một Hội Thánh vinh quang, không vết không nhăn, không một khuyết điểm nào, nhưng thánh khiết toàn hảo” (27).  Người Dothái rất cẩn thận về sự rửa sạch, để sau khi rửa xong sẽ không còn một vết bẩn nào.  Trang phục cũng được tẩy sạch như vậy và ủi thẳng không một nếp nhăn.  Trình diện Hội Thánh cho mình nghĩa là Ngài sẽ hợp nhất cách hoàn hảo với Hội Thánh ấy vào ngày vinh quang, một Hội Thánh vinh diệu, toàn hảo trong sự hiểu biết và sự thánh khiết, không chút biến dạng nào, không chút dấu vết tội lỗi nào còn lại,  nhưng hoàn toàn đáng yêu và đẹp lòng Ngài.  Hiện nay về tổng quát, Hội Thánh và tín hữu chưa đạt tới tình trạng không vết không nhăn cho đến khi họ bước vào cõi vinh quang.  Những câu nầy ngụ ý rằng sự thánh hoá của Hội Thánh ngày nay là hướng về sự vinh quang sau nầy.  Người nào được thánh hoá bây giờ sẽ được vinh quang về sau.

“Vậy chồng phải yêu vợ như chính bản thân.  Ai yêu vợ mình là yêu chính mình.  Không ai ghét chính thân mình nhưng nuôi nấng và chăm sóc, cũng như Đấng Christ nuôi nấng, chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là các chi thể của thân Ngài.” (28–30).  Lý do các ông chồng phải yêu vợ cách thân mến nồng nàn như yêu thương chính thân mình, là vì vợ và chồng được kết hợp với nhau thành một thân thể. Người chồng được khuyên phải biết chăm sóc nuôi nấng vợ như Đấng Christ đã nuôi nấng chăm sóc Hội Thánh, không để cho Hội Thánh thiếu thốn thứ gì, mà ban cho Hội Thánh các phúc lợi và hạnh phúc vĩnh viễn.  Bất cứ ai thật sự tin nhận Chúa và chịu báp-têm thì trở nên thành viên của Hội Thánh và thành chi thể của thân Chúa.  Tất cả vinh quang và ân điển mà Hội Thánh đang có đều từ Đấng Christ mà đến.

“Vì lý do đó” (31) nghĩa là vì vợ chồng là một thân, cũng như Đấng Christ và Hội Thánh là một, nên “người đàn ông sẽ lìa cha mẹ để kết hợp với vợ mình, và hai người trở nên một thịt.” Ê-va được Chúa dựng nên để đáp ứng nhu cầu yêu đương của Ađam (Sáng 2:24).  Khi một người nam cưới vợ, thì mối liên hệ với vợ là quan trọng hơn tất cả những mối liên hệ khác vốn có trước đó. Sự hợp nhất giữa hai người là gần gũi hơn bất cứ mối liên hệ với ai khác; vì thế, người chồng phải lìa cha mẹ để kết hợp với vợ bởi đạo đức hôn nhân; khác với tập quán Á-đông là vẫn dính líu với gia đình cha mẹ ruột, mà người vợ chỉ được thêm vào gia đình để giúp việc và sinh đẻ.

“Huyền nhiệm nầy rất lớn” (32) nghĩa là hôn nhân giữa Ađam và Êva có ý nghĩa nhiệm mầu về sự hợp nhất giữa Đấng Christ và Hội Thánh.  Phaolô xác nhận “tôi nói về Đấng Christ và Hội Thánh.”  Chúng ta chưa thể hiểu nổi vấn đề làm thế nào mà một tập thể Hội Thánh phổ thông từ trước tới mãi tương lai với vô số người, lại có thể trở thành chỉ một nàng dâu của Đấng Christ; bí mật ấy đúng là một huyền nhiệm.

Phaolô tóm tắt về các bổn phận của những người chồng và vợ trong kết luận: “Thế thì, trong anh em mỗi người phải yêu vợ mình như chính bản thân, và vợ phải kính phục chồng” (33).  Yêu như yêu chính bản thân là tình yêu thành thật, chung thuỷ, riêng biệt.  Kính phục là yêu thương và tôn trọng, đưa đến sự chăm sóc dịu dàng để làm hài lòng chồng, cẩn trọng để không làm phật lòng người chồng của mình.  Đây là ý muốn của Chúa và là luật lệ về mối liên hệ.  Hãy cẩn thận giữ gìn những cuộc hôn nhân lâu dài, vì những va chạm giữa hai cá tính thiếu một nguyên tắc hướng dẫn trong sự kính sợ Chúa đã làm nguội tình yêu nồng cháy lúc ban đầu.

Epheso13.docx

Rev. Dr. CTB