Các Bổn Phận

Êphêsô 6:1–9

Trong phần nầy, Phaolô trình bày các bổn phận đối với nhau rất cụ thể giữa con cái với cha mẹ, và giữa chủ với tớ.  Bổn phận lớn nhất của con cái là phải vâng lời cha mẹ (1), do công sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ mà con cái hiện hữu.  Đức Chúa Trời và bản chất tự nhiên cho cha mẹ có thẩm quyền để ra lệnh cho con cái.  Nếu con cái vâng lời những bậc cha mẹ có lòng tin kính, thì họ cũng trở thành những người tin kính.  Sự vâng lời mà Đức Chúa Trời đòi hỏi bậc làm con đối với cha mẹ, vì ích lợi của họ, bao gồm cả sự kính trọng trong lòng lẫn hành động và sự bày tỏ bên ngoài.  Có người giải thích câu “phải vâng lời cha mẹ trong Chúa” có nghĩa là sự vâng lời ấy phải phù hợp với bổn phận của người con đối với Chúa.  Cũng có nghĩa là chúng ta không được vì vâng lời cha mẹ phần xác mà bất tuân Cha trên trời; vì các nghĩa vụ của chúng ta đối với Chúa là ưu tiên và cao hơn mọi thứ bổn phận khác.

Một ý kiến khác giải thích rằng vì Đức Chúa Trời đã ra lệnh, nên con cái phải biết vâng lời cha mẹ; vì kính sợ Chúa mà vâng lời.  Một ý kiến nữa thì cho rằng vì lời Phaolô khuyên là “phải vâng lời cha mẹ trong Chúa” cho nên, đặc biệt trong các vấn đề có liên quan đến Chúa, con cái phải vâng lời cha mẹ.  Cha mẹ chỉ muốn dạy con cái làm điều tốt, nhất là các bậc cha mẹ tin kính Chúa, cho nên con cái phải vâng lời cha mẹ, nhưng điều chính yếu phải vâng lời là những việc liên quan đến Chúa.  Ý kiến nầy được nêu ra là vì có một số cha mẹ chưa tin Chúa muốn bắt con cái họ là tín hữu phải làm những việc trái ý Chúa hoặc vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời; do đó, các bậc cha mẹ chưa tin Chúa thường có những đòi hỏi không chính đáng, đẩy tín hữu vào tình trạng khó xử: Không vâng lời thì mang tội bất hiếu, mà vâng lời thì phạm tội với Chúa.  Như thế, bất cứ trường hợp nào thì sự kính sợ Chúa vẫn nằm trên mọi mối liên hệ khác.

Phaolô nêu ra lý do tổng quát phải vâng lời cha mẹ là “vì như thế là phải” (1). Nghĩa là sự hiếu kính cha mẹ có giá trị tự nhiên, Đức Chúa Trời đã ra lệnh, nó là tính cách của mọi Cơ-đốc-nhân chân chính.  Luật tự nhiên là cha mẹ ra lệnh và con cái phải vâng theo.  Điều nầy nghe có vẻ khắt khe, nhưng đó là bổn phận mà ai làm theo sẽ được đẹp lòng Đức Chúa Trời.  Phaolô nêu ra điều răn thứ 5, trong số 10 điều răn Chúa đã truyền, để làm bằng chứng: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất Aicập 20:12).  Đức Chúa Giêxu cũng nhắc lại điều răn ấy ở Mathiơ 15:4 “Phải hiếu kính cha mẹ ngươi.”

Phaolô nói thêm “Đó là điều răn thứ nhất, có kèm theo một lời hứa” (2).  Chữ thứ nhất mà Phaolô dùng ở đây không có nghĩa là đầu tiên.  Phần phát biểu trong điều răn thứ nhì của mười điều răn “và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến Ta và gìn giữ các điều răn Ta” (Xuất 20:6), là lời công bố và khẳng định của Chúa chứ không phải lời hứa. Mười điều răn có hai phần: Bốn điều răn đầu là bổn phận đối với Chúa, sáu điều răn sau là bổn phận của người đối với nhau, mà hiếu kính cha mẹ là điều răn đầu tiên của 6 điều răn sau, và là điều răn duy nhất có kèm theo lời hứa về phước lành.

Kế đến là bổn phận của những người làm cha mẹ “đừng làm cho con cái tức giận” hay đừng khiêu khích cho con mình giận (4), nghĩa là mặc dù Đức Chúa Trời đã ban cho cha mẹ uy quyền, nhưng bậc làm cha mẹ không được lạm dụng quyền ấy.  Hãy nhớ rằng con cái là những phần chi thể ruột thịt của chính cha mẹ, cho nên phải được chăm sóc nuôi dưỡng hết sức dịu dàng và yêu thương.  Thường thường cha mẹ không kiên nhẫn nổi đối với những đứa con ngỗ nghịch, nên có thái độ nghiêm khắc đối với chúng.  Nhưng có những người làm cha mẹ đã đối xử khắc nghiệt với một vài đứa con, và cưng chiều vô lối với một số con khác. Cách đối xử không công bằng đó gây ra niềm oán hận trong lòng những đứa con bị bạc đãi.  Như vậy, những bậc làm cha mẹ trong Đức Chúa Giêxu Christ không được làm như thế.  Tình yêu thương phải san sẻ đồng đều cho mọi con cái trong gia đình.

Cũng có các trường hợp cha mẹ bị kể là khiêu khích cho con cái nổi giận vì đã tự ái không dám nhận mình sai lầm về việc gì đó; cãi lấy cãi để về một việc sai quá rõ ràng.  Cậy quyền cha mẹ bắt ép con phải im không được phát biểu.  Đó là trường hợp lạm dụng quyền làm cha mẹ chứ không phải là làm gương cho con cái. Những đứa trẻ bị cha mẹ nạt nộ lúc còn nhỏ, sau nầy khi lập gia đình sinh con cái sẽ nạt nộ con mình khi gặp điều không vừa ý.  Tệ trạng ấy sẽ thành thói quen của cả một dòng họ qua nhiều thế hệ.  Những người con bị nạt nộ thường mang tâm lý phẫn uất của một tấm lòng bị thương tổn sâu đậm. Vì thế, các bậc làm cha mẹ phải hết sức cẩn thận về việc nuôi dạy và đối xử với con cái theo đúng sự thánh khiết, thanh sạch của các thánh đồ.

Bổn phận của những người làm công cũng tóm gọn trong chữ ‘vâng lời.’  Vào thời đại thư Ê -phêsô, những người làm công thường là những người bị bán làm nô lệ cho người chủ.  Họ cũng là các tín hữu của Hội Thánh địa phương, tuy được tự do trong Chúa, nhưng phải làm nô lệ cho người.  “Chủ ở đời nầy” (5) có nghĩa là chủ về phần xác, không phải là chủ về linh hồn và lương tâm.  “Với sự sợ sệt run rẩy” nghĩa là sợ sự phục vụ của mình không làm hài lòng chủ, sợ không đủ khả năng làm công việc.  “Với tấm lòng chân thật, như vâng lời Đấng Christ” là chân thành, không giả bộ vâng lời trong khi toan tính cách nào để khỏi vâng lời, lòng nghĩ đến Đấng Christ đang khi phục vụ chủ của mình về phần xác.

Người làm công nào là con cái Chúa phải bày tỏ tính chính trực của mình, thành tín với công việc được giao bằng lương tâm, dù có mặt cấp trên hay không. Nhất là những người được tin cậy làm việc không cần ai coi sóc. Biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng thấy nơi công khai hoặc nơi kín đáo.  Cho nên “hãy như tôi tớ của Đấng Christ, hết lòng thi hành ý muốn của Đức Chúa Trời, tận tâm phục vụ, như làm việc cho Chúa chứ không phải cho người ” (6–7). Ai tận tâm phục vụ sẽ tạo sự dễ dàng cho mình, được chủ hài lòng, và được Đức Chúa Giêxu Christ vui nhận.

Phaolô đưa ra nguyên tắc làm việc của con cái Chúa, khi làm việc cho bất cứ chủ nào để ăn lương: Đó là người nào thành thật trong công việc, dù đang ở bất cứ vị trí nào trong xã hội, đều sẽ được Chúa khen thưởng (8).  Bởi vì người ấy làm sáng danh Chúa trong khi làm việc với danh nghĩa là con cái của Đức Chúa Trời.  Một tánh tình gian lận không thể trình bày cho thế gian biết về sự hoàn mỹ của thiên đàng là ra sao, lại còn làm ô danh Chúa khi sự không thành thật bị phơi bày ra ánh sáng.

Bổn phận của những người làm chủ cũng phải làm sao phô bày cho mọi người thấy được nét đẹp của thiên đàng qua cách mình đối xử với những người làm công cho mình: “Người làm chủ, cũng hãy đối đãi với tôi tớ như thế” (9). ‘Như thế’ nghĩa là đồng một lương tâm ngay thẳng, công bằng và thành thật.  Nếu mình muốn người làm công phải thành thật và hết lòng trong công việc làm cho mình, thì cách đối đãi của mình đối với họ cũng phải tận tâm như vậy.  Chủ và công nhân đều phải nghiêm túc làm trọn các nghĩa vụ của mình.

Nếu người làm công phải quan tâm đến chủ, thì chủ cũng phải quan tâm đến người làm việc cho mình.  Đe doạ có nghĩa là lời nói có ý xấu làm hại cho người bị đe doạ.  Hãy nhớ rằng người làm công cũng được Chúa dựng nên như mình trong cùng một khuôn.  Cho nên cách đối xử độc đoán và trịch thượng của người làm chủ đối với tôi tớ sẽ không được Chúa chấp nhận: “Đừng đe doạ họ, nên biết rằng anh em có chung một Chủ trên trời, Ngài không thiên vị ai cả.”  Nếu cả chủ và tớ quan tâm đến mối liên hệ và các nghĩa vụ cũng như tráhc nhiệm mà họ sẽ phải khai trình trước mặt Đức Chúa Trời, họ sẽ rất cẩn thận về các bổn phận đối với nhau.

Epheso14.docx

Rev. Dr. CTB