Phúc Âm Giăng, bài 32

Giăng 16:12–33

Mặc dù Đức Chúa Giêxu đã dạy các môn đồ Ngài rất nhiều điều, nhưng còn thêm nhiều điều nữa Ngài chưa thể nói được vào thời điểm trước khi chịu khổ hình; lý do là vì các môn đồ Ngài sẽ không hiểu nổi (12). Một trong các điều đó là việc người Giu-đa sẽ cự tuyệt phúc âm để dân ngoại bang được kêu gọi vào thay chỗ (Rôma 11:11,20), là một ý niệm mà họ sẽ không thể chịu đựng nổi, và sẽ bối rối rồi vấp phạm. Để họ an tâm khi Ngài phải lìa họ, Đức Chúa Giêxu hứa về sự trợ giúp đầy đủ từ thiên đàng. Ngài cho biết các nhiệm vụ của Đức Thánh Linh, Thần Chân-lý, sẽ đến để thực hiện (13–14). Trước tiên thì Đức Thánh Linh sẽ “hướng dẫn” các môn đồ “vào chân lý toàn diện.” Nghĩa là không phải Ngài chỉ nói cho họ biết chân lý sơ sài, mà họ sẽ được biết cách rõ ràng, quen thuộc, thực nghiệm, cũng được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chân lý ấy.

Đức Thánh Linh hướng dẫn con dân Ngài vào chân lý toàn diện bằng cách nào? Bất cứ điều gì thật cần và hữu ích cho nhiệm vụ họ sẽ phải thi hành, thì họ sẽ được chỉ dẫn rất tận tường để họ có thể hiểu rõ, giải thích và bênh vực cho chân lý ấy. Kế đến Ngài sẽ không nói điều gì khác ngoài chân lý vì “Ngài không nói theo ý mình, nhưng truyền lại những điều Ngài nghe, và tiết lộ cho các con biết những việc sẽ đến” (13). Đức Chúa Giêxu đã từng phán rằng Ngài chỉ truyền lại những điều Ngài nghe từ Đức Chúa Cha (Giăng 8:26); vì thế, Đức Thánh Linh cũng sẽ không dạy giáo lý nào khác với lời Đức Chúa Giêxu đã dạy. “Vì Đức Thánh Linh dò xét mọi sự, kể cả sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời.., ngoài Thánh Linh của Đức Chúa Trời, không ai biết được ý chỉ Đức Chúa Trời” (1Côrinhtô 2:10–11).

Rồi Ngài sẽ tiết lộ những việc sẽ xảy ra trong tương lai; vì Ngài là Đấng biết sự cuối cùng từ lúc ban đầu. Đức Thánh Linh đã tiết lộ sẽ có sự bội đạo vào thời trước khi tận thế (1Timôthê 4:1); Ngài bày tỏ cho sứ đồ Giăng những việc sẽ xảy ra để ông viết sách Khải-Huyền. Mọi lời tiên tri chân thật ban cho con dân Chúa trong Hội-thánh, hoặc rao báo về những việc sẽ xảy ra cho nhân gian, đều là sự mặc khải từ Đức Thánh Linh. Ngài cũng sẽ làm vinh danh Đức Chúa Giêxu ở thế gian (14) trong khi Đức Chúa Cha tôn vinh Đức Chúa Giêxu trên thiên đàng. Ngài bày tỏ về Đức Chúa Cha để làm vinh danh Đức Chúa Giêxu; vì “Mọi điều Chúa Cha có” đều là của Đức Chúa Giêxu (15). Việc Đức Chúa Giêxu xa vắng các môn đồ Ngài chỉ là tạm một thời gian, vì sau khi Ngài sống lại thì các môn đồ sẽ gặp lại Thầy yêu quý của họ (16).

Có lẽ các môn đồ đã không hiểu hoặc không tin lời Đức Chúa Giêxu phán trước về sự chết và sống lại của Ngài (Mathiơ 16:21); cho nên họ thắc mắc về lời nói của Thầy mình (17–18). Họ chỉ thì thầm với nhau về thắc mắc của họ, nhưng Đức Chúa Giêxu biết họ muốn hỏi Ngài nên bảo: “Các con đang hỏi nhau về ý nghĩa của câu Ta vừa nói … phải không?“(19). Những lời Ngài giải thích lần nầy thì rõ ràng đúng nghĩa đen, không còn dùng ngụ ngôn nữa (29). Sở dĩ các môn đồ sẽ khóc than vì Đức Chúa Giêxu sẽ lìa họ. Họ sẽ thấy Ngài bị hành hình, chết và được chôn cất như những người chết khác. Trong lúc đó những kẻ thù của Ngài vui vẻ mừng rỡ, vì họ thấy người đã làm họ cứng họng và có khả năng làm nhiều phép lạ, sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi cả thể xác lẫn danh dự của Ngài, khi Ngài bị hành hình như một tội phạm giữa hai tên tội phạm.

Tuy nhiên sự đau buồn của các môn đồ sẽ biến thành niềm vui, giống như người đàn bà chịu đau đớn để sinh một đứa con ra đời; đứa con đã ra đời trở thành niềm vui rạng rỡ thay thế sự đau đớn lúc sinh con (20–21). Nỗi vui mừng của những kẻ giả hình sẽ là ngắn ngủi, cũng giống như nỗi buồn khổ của con dân chân thật của Chúa chỉ là tạm thời. Sau khi Đấng Christ sống lại từ kẻ chết sẽ có ba điều diễn ra: 1) “Ta sẽ gặp lại các con,” 2) “các con sẽ đầy sự vui mừng,” và 3) “chẳng ai có thể cất nỗi vui mừng đó khỏi các con được” (22). Trong khi đó băng đảng của thầy tế lễ thượng phẩm và nhóm người Pha-ri-si, Sa-đu-sê sẽ bị sợ hãi và sượng sùng biết mấy.

Lúc Đức Chúa Giêxu nói về Đấng An-Ủi, là Thần Chân-lý mà Ngài sẽ xin Cha ban xuống ở trong các môn đồ Ngài (14:16–17), thì Ngài nói: “Ngày ấy các con sẽ biết Ta ở trong Cha Ta, các con ở trong Ta, và Ta ở trong các con” (14:20). Đến thời điểm nầy thì Ngài lại nói: “Ngày ấy các con sẽ không còn hỏi han Ta điều gì nữa” (23). Như vậy sẽ có một ngày mà các môn đồ của Đức Chúa Giêxu không còn thắc mắc nào nữa. Căn cứ trên những lời Đức Chúa Giêxu nói về nhiệm vụ của Đức Thánh Linh “sẽ hướng dẫn các con vào chân lý toàn diện, …, và tiết lộ cho các con biết những việc sẽ đến. …, Ngài sẽ lấy những gì của Ta mà bày tỏ cho các con” (13–14). Chúng ta hiểu ‘ngày ấy‘ là ngày các môn đồ được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Họ sẽ được Đức Thánh Linh chỉ dẫn và dạy dỗ mọi huyền nhiệm của Tin-Lành. Vì vậy, Chúa hứa rằng từ ‘ngày ấy‘ trở đi: “Điều gì các con nhân danh Ta cầu xin Chúa Cha, Ngài cũng ban cho.

Trong sách Công vụ, rất ít khi người đọc thấy các sứ đồ cầu hỏi Chúa: “Con có nên làm điều nọ, điều kia không?” Nhưng tất cả việc họ làm đều ở dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của Đức Thánh Linh. Từ khi họ theo làm môn đồ của Đức Chúa Giêxu, chưa người nào nhân danh Ngài mà cầu xin Đức Chúa Cha về bất cứ nhu cầu gì của họ cả. Đức Chúa Giêxu dạy họ là kể từ thời điểm Ngài từ giã họ trở về sau, họ cần phải tập nhân danh Ngài mà cầu xin, thì họ sẽ được. Đây không phải là lời hứa hão huyền, mà là bí quyết để nhận được sự đáp lời cầu nguyện; nhờ đó, “sự vui mừng của các con được trọn vẹn” (24). Đức Chúa Giêxu cho biết lý do mà Ngài không dùng ngụ ngôn để phán với họ nữa là để giải thích cho họ hiểu rõ sự cầu nguyện nhân danh Ngài có liên quan đến Đức Chúa Cha như thế nào, vì Ngài sẽ “nói rõ ràng về Chúa Cha” cho họ, lúc họ bắt đầu có thể hiểu lời Ngài (25). Hạnh phúc ở thiên đàng là được gặp gỡ và ở gần Đức Chúa Cha; rồi được hiểu biết huyền nhiệm bí hiểm nhất vũ trụ, là huyền nhiệm về Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Giêxu cũng nói rõ rằng, nhân danh Ngài mà cầu xin thì không có nghĩa là Ngài sẽ cầu xin Đức Chúa Cha cho họ (26). Nếu chúng ta nhân danh Đức Chúa Giêxu để dâng lời cầu xin của mình lên Đức Chúa Cha, thì có nghĩa là chúng ta yêu mến Đức Chúa Giêxu và tin rằng Ngài từ Đức Chúa Trời mà đến“(27). Vậy thì có lòng yêu mến Đức Chúa Giêxu và tin Ngài đến từ Đức Chúa Trời là bí quyết mấu chốt để lời cầu xin được nhậm. Nhưng để có tâm tình đó, tín hữu phải tiếp nhận Đức Thánh Linh qua phép báp têm bằng Đức Thánh Linh, để Ngài có thể dạy dỗ chúng ta, hướng dẫn con dân Ngài vào chân lý toàn diện; rồi lấy những điều thuộc về Đức Chúa Giêxu mà bày tỏ cho chúng ta biết (13).

Bây giờ Đức Chúa Giêxu nói rõ Ngài “từ Chúa Cha đến thế gian,” và Ngài “sắp rời thế gian trở về với Chúa Cha” (28). Lời nói rõ ràng nầy là bản tóm tắt của huyền nhiệm: Đấng Cứu Chuộc khi vào thế gian, thì Ngài là Đức Chúa Trời thể hiện trong xác thịt. Bây giờ Ngài lìa thế gian thì được tiếp rước về nơi vinh quang (1Timôthê 3:16). Lúc Đức Chúa Giêxu không dạy bằng ngụ ngôn nữa, thì điều đó vô cùng ích lợi cho các môn đồ. Họ thố lộ: “Bây giờ chúng con biết Thầy thấu hiểu mọi việc, không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế chúng con tin Thầy đến từ Đức Chúa Trời” (29–30). Lúc họ nhận ra Chúa để tin, là lúc họ phải bị phân tán, bỏ Thầy lại một mình để chạy trốn cứu mạng (31). Nhưng Đức Chúa Giêxu không bị cô đơn, vì Đức Chúa Cha luôn ở với Ngài (32).

Tất cả những lời tâm sự mà Đức Chúa Giêxu thố lộ cho các môn đồ của Ngài trong đêm tạm biệt, để họ có được sự bình an trong Ngài: “Ta nói cho các con những điều đó để các con được sự bình an trong Ta.” Chúa không bao giờ hứa là những ai tin nhận Ngài sẽ không gặp hoạn nạn. Ngài nói rõ: “Trong thế gian, các con sẽ gặp hoạn nạn” (33). Những ai hứa sự bình an của trần gian cho người mới tin, hoặc trông chờ sự yên ổn ấy, là người hứa điều hão huyền, tự ru ngủ, lừa dối chính mình. Bởi vì đó là người không tin lời Đức Chúa Giêxu đã báo trước. Chúng ta biết rõ là hoạn nạn sẽ đến; nhưng chúng ta không sợ hãi và lòng luôn duy trì sự bình an mà Ngài đã để lại (Giăng 14:27). Ta cũng không nao núng, vì Chúa chúng ta “đã chiến thắng thế gian rồi.

PhucAmGiang32.docx

Rev. Dr. CTB