Phúc Âm Giăng, bài 36

Giăng 20:1–31

<p”>Đức Chúa Giêxu đã sống lại vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần lễ; cho nên, chúng ta gọi ngày đầu tiên trong tuần là Chúa Nhật, ngày của Chúa; và Hội Thánh đã dùng ngày nầy làm ngày thờ phượng Chúa hàng tuần kể từ thời Hội-thánh sơ lập (Công vụ 20:7). Sử gia Tertullian (160-220 AD) tường thuật về việc Hội Thánh nhóm lại vào ngày thứ nhất trong tuần. Các giáo phụ Justin ở thế kỷ 2, và Origen, thế kỷ 3, đều nhắc tới việc các sứ đồ và Hội Thánh thời sơ lập đã dùng Chúa Nhật làm ngày nhóm họp để cử hành lễ bẻ bánh, mà ngày nay chúng ta gọi là Tiệc-thánh. <p”>Mari Mađơlen, người mang ơn Đức Chúa Giêxu và theo Ngài từ ngày được giải thoát khỏi 7 quỷ dữ, đã chứng kiến Ngài bị đóng đinh và nơi an táng Ngài; là người đầu tiên được Đức Chúa Giêxu hiện ra trò chuyện sau khi Ngài sống lại. Có lẽ Mari Mađơlen được nhắc đến giữa các bà khác, vì bà hăng hái đi đầu trong việc đi thăm mộ (1). Các sách Phúc Âm đều chép biến cố Phục Sinh của Đức Chúa Giêxu, có một số điểm giống nhau và một số chi tiết khác nhau. Cả bốn sách đều nêu tên Mari Mađơlen là người đầu tiên đi đến chỗ chôn Đức Chúa Giêxu rồi khám phá ngôi mộ trống. Theo lời bà cấp báo, Phierơ và Giăng vội vàng chạy tới cũng chỉ thấy hang mộ không còn xác chết, vải liệm đã tháo bỏ dưới đất, vải trùm đầu xác Chúa được cuốn lại để một bên (2–7). Họ “không hiểu lời Kinh Thánh dạy: Ngài phải từ cõi chết sống lại.” (8-10). <p”>Giăng mô tả khá chi tiết cuộc gặp gỡ của Mari Mađơlen với Đức Chúa Giêxu, do bà kể lại rõ ràng (11–18). Lòng tiếc thương vị thầy yêu quý đã khiến bà nán lại nhìn vào trong mộ một lần nữa theo tâm lý của người muốn ghi khắc bất cứ hình ảnh nào liên quan tới vị Thầy kính yêu. Thái độ ấy đã níu Chúa phục sinh phải hiện ra với bà. Theo luật của ngày đại lễ chuộc tội, thầy thượng tế phải đem máu của sinh tế vào gian chí thánh, nơi Đức Chúa Trời hiện diện, để chuộc tội cho dân. Vị ấy không được chạm đến hay gần gũi đàn bà trong suốt tuần lễ trước đó. Nhiệm vụ trước tiên mà Đức Chúa Giêxu phải làm trong địa vị Thầy Thượng Tế là đem chính huyết hi sinh của mình vào đền thờ thật ở trên trời để chuộc tội cho cả nhân loại (Hêbơrơ 9:12, 24). Nước mắt tiếc thương của Mari Mađơlen khiến Ngài phải hiện ra với nguy cơ bị bà chạm đến. Vì thế Ngài phán: “Chớ chạm đến Ta; vì Ta chưa lên cùng Cha! Nhưng hãy đi đến nói với các anh em Ta: ‘Ta lên cùng Cha Ta cũng là Cha các con, cùng Đức Chúa Trời Ta, cũng là Đức Chúa Trời các con ” (17). <p”>Có ba giả thuyết giải thích lý do Mari Mađơlen không nhận ra Đức Chúa Giêxu dù sáng hôm đó bà được thấy Chúa tận mắt: 1) Sáng sớm lúc trời còn mờ mờ khó nhìn rõ mặt. 2) Mặt Ngài bị biến dạng vì các vết sưng bầm do bị đánh đập (Êsai 53:5); 3) Thân thể phục sinh của Chúa khác hẳn thân thể xác thịt cũ. Giải thích thứ 3 phù hợp với ký thuật việc Chúa hiện ra ở bờ hồ Tibêriát mà không môn đồ nào dám hỏi: ‘Ngươi là ai?‘ mặc dù họ không thấy nét mặt quen thuộc của Thầy (Giăng 21:12). Mari Mađơlen chỉ nhận ra Đức Chúa Giêxu khi nghe tiếng Thầy gọi tên mình (16). Dù Giăng không kể tiếp, nhưng chi tiết Mari Mađơlen đi rao báo cho các môn đồ khác về việc Đức Chúa Giêxu sống lại và hiện ra với bà (18), chứng tỏ Ngài đã biến đi sau đó. <p”>Vật chất không thể cản trở thân thể phục sinh đã biến hoá của Đức Chúa Giêxu. Ngài đã đi xuyên qua tường và hiện ra với các môn đồ thân yêu của mình (19). Chi tiết về việc Ngài phải giơ tay và sườn mình cho họ xem (20) là để chứng minh Đấng bị đóng đinh đã sống lại bằng xương thịt chứ không phải thần linh. Sách Luca ký thuật Chúa hiện ra cùng đi và trò chuyện với hai môn đồ đang đi từ Giêrusalem về làng Emmaus, “nhưng mắt họ bị che khuất không nhận ra Ngài được” (Luca 24:16). Họ chỉ nhận ra Chúa khi Ngài cầm bánh tạ ơn rồi bẻ ra trao cho họ, Ngài thoắt biến mất dạng (Luca 24:30-31). Khi họ vội vã trở lại Giêrusalem gặp 11 sứ đồ và các môn đồ khác và đang thuật lại câu chuyện, thì Đức Chúa Giêxu lại hiện ra, khiến tất cả đều “kinh hoàng khiếp sợ, tưởng thấy thần linh” (Luca 24:37). Họ bị Chúa quở vì sự hoảng hồn và nghi ngờ của họ. Giăng kể rằng: “Khi thấy Chúa, các môn đồ mừng rỡ vô cùng” (20) vì được nghe lại giọng nói thân yêu. <p”>Có lẽ Luca 24:36–45Giăng 20:19–23 ký thuật đồng một sự kiện vì là xảy ra cùng một buổi tối ngày Chúa phục sinh tại phòng các môn đồ đang ở. “Bình an cho các con!” là lời phán đem an ủi và vững tâm vô cùng cho những người đang run rẩy sợ hãi. Họ sợ vì Thầy mình đã bị đóng đinh, rồi xác Ngài biến mất trong khi cả thành rêu rao rằng họ đã lấy trộm xác thầy đem giấu chỗ khác (Mathiơ 28:13). Khi nghe Đức Chúa Giêxu nói: “Bình an cho các con,” không biết các môn đồ có nhớ lời Ngài phán ba đêm trước đó rằng “Ta để lại cho các con sự bình an. Ta ban cho các con sự bình an của Ta. Ta cho các con sự bình an chẳng phải sự bình an của trần gian. Lòng các con đừng xao xuyến, sợ hãi(Giăng 14:27). Đức Chúa Giêxu nói hai lầnBình an cho các con!” để thực hiện lời hứa ban bình an mà Ngài đã hứa trong đêm chịu bị bắt. Không nỗi mừng nào hơn lúc tâm trạng tuyệt vọng được cất bỏ hoàn toàn, sự hân hoan và lòng mừng rỡ dâng lên tột độ. <p”>”Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con” (21) là lời tuyên bố cực kỳ quan trọng. Đức Chúa Giêxu nói rằng Ngài sai các môn đồ Ngài đi làm cùng một công việc Ngài đã làm, tới những nơi Ngài chưa đi; họ được sai đi để chứng thực chân lý, phục vụ chứ không phải để được phục vụ; chẳng phải đi theo ý riêng, nhưng theo ý Đấng sai mình. Ngài ban cho họ quyền phép khi sai họ đi, tương tự quyền phép Cha đã sai Ngài, nghĩa là họ được sai đi với đồng uy quyền Cha đã trao cho Ngài. Ngài ban cho họ thẩm quyền là các sứ giả của Ngài để nhân danh Ngài mà hành xử giữa loài người; ai tiếp nhận họ hay cự tuyệt họ là tiếp nhận hoặc cự tuyệt Đấng đã sai họ ra đi. <p”>”Nói xong, Ngài hà hơi trên môn đồ và bảo: Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh!” (22). Chúa chẳng những thở hơi sự sống trên môn đồ để chứng tỏ là Ngài sống, mà còn ban thẩm quyền đặc biệt về sự tha tội (23). “Ngài mở trí cho môn đồ được hiểu Kinh Thánh” chép trong Luca 24:45, có thể xem như tương đương với câu (22) trên, vì mỗi sách trình bày một khía cạnh của đồng sự kiện; có hiểu Kinh-thánh mới đủ khôn ngoan để tha tội hay cầm tội lại. Và có Đức Thánh Linh mới có thể hiểu Kinh Thánh. Sự ban cho Đức Thánh Linh trong bối cảnh nầy không phải là sự báp têm bằng Đức Thánh Linh như sẽ xảy ra vào lễ Ngũ Tuần (Công vụ 1:5). Nhiều tín hữu ngày nay có tâm lý tệ hơn sứ đồ Thomas ngày ấy. Họ không thể tin những gì họ thấy tận mắt, nếu trước kia họ đã không tin việc đó. Đấy là tâm lý cứng cỏi của những linh hồn dốt nát nhưng kiêu căng (24–28). <p”>Người ta tuyên bố họ tin Đức Chúa Trời là thần linh, nhưng không tin các biểu hiện của linh giới; cho rằng đó là chuyện mê tín, nhảm nhí. Họ cũng không tin quyền phép của Chúa vẫn hành động trên thế giới ngày nay. Nếu việc xảy ra hiển hiện trước mắt mà không tin nổi, thì sẽ không thể nào tin những việc tương tự trong quá khứ, càng không thể tin việc sẽ xảy ra trong tương lai. <p”>”Phước cho những người không thấy mà tin” (29b). Lòng nghi ngờ thường bị lỡ các dịp tiện ngàn vàng. Lý trí không bao giờ song hành với đức tin. Ai chuộng lý trí thì không thể nào tin nổi những chuyện thuộc cõi vô hình. Chúng ta tin một Chúa từ cõi vô hình đã bước vào thế giới hữu hình do Ngài tạo dựng, để trình bày về Ngài và thực hiện kế hoạch cứu chuộc của Ngài cho người ở thế gian hữu hình. Ai tin sẽ được cứu độ và sống đời hạnh phúc vĩnh viễn ở thiên đàng; ai không tin sẽ hư vong với cõi hữu hình khi nó bị thiêu huỷ trong ngày tận cùng của thế giới. <p”>Các sách Phúc Âm đã không thể chép hết mọi phép lạ mà Đức Chúa Giêxu đã làm trước mặt các môn đồ Ngài, không có nghĩa là những việc kỳ diệu ấy không đáng ký thuật, nhưng chỉ là vì không đủ sức chép hết. Tuy nhiên, những phép lạ Chúa đã làm sau khi Ngài phục sinh, thì không được ghi chép đầy đủ (30). Nhưng tất cả những gì đã chép đủ để người đọc tin rằng Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời hằng sống (31). Mục đích của sách Phúc Âm Giăng là đem đến cho độc giả cơ hội tin Đức Chúa Giêxu Christ là Đấng đã đến thế gian dùng huyết vô tội của chính Ngài chuộc lại những gì tổ tiên loài người đã làm mất vào tay kẻ thù của họ. Ai tin Ngài đã chịu chết, chôn, và sống lại khải hoàn, thì đức tin ấy sẽ giúp người có lòng tin được sự sống vĩnh viễn ở thiên cung với Đấng Christ mà mình đã đặt lòng tin.

PhucAmGiang36.docx

Rev. Dr. CTB