Giô-suê, bài 02

Giô-suê 1:10–18

Kinh thánh không nói rõ thời gian Israel đóng trại ở bình nguyên Moab là bao lâu kể từ ngày kết thúc thời gian lòng vòng bốn mươi năm trong hoang mạc cho tới ngày được lệnh lên đường, vượt sông Jordan, tiến vào đất hứa.

Theo những chi tiết tường thuật các biến cố và sự kiện xảy ra của dân Israel, từ đoạn 22 của sách Dân số ký, tức là thời gian Israel đến đóng trại ở bình nguyên Moab, cho tới ngày Môi-se qua đời, ở đoạn 34 cuối sách Phục Truyền, thì đã có nhiều biến cố và sự việc lớn diễn ra trong thời gian đó, chứng tỏ khoảng thời gian ấy là khá dài.

Tại chỗ ấy, Israel không bị thiếu nước, và ngoài mana là lương thực Đức Chúa Trời ban cho hàng ngày, có lẽ Israel cũng tìm được các nguồn thức ăn khác như rau cỏ, ngũ cốc và thú rừng trên bình nguyên Moab.

Trước khi Môi-se qua đời, không thấy ký thuật gì về việc dân Israel phàn nàn về đồ ăn và thức uống, chứng tỏ họ có đầy đủ trong khoảng thời gian ấy sau khi đánh bại hai dân tộc mạnh.

Bấy giờ, Giô-suê truyền lệnh cho những người lãnh đạo của dân chúng rằng:‘Hãy chuẩn bị lương thực! Trong ba ngày nữa, anh em sẽ vượt qua sông Jordan nầy để chiếm lấy đất mà Giêhô va Đức Chúa Trời của anh em ban cho anh em” (10-11).

Câu nói “anh em sẽ vượt qua sông Jordan nầy để chiếm lấy đất” là một lệnh chiến tranh. Chuẩn bị lương thực là để có thức ăn cho toàn dân và chiến sĩ trong một chiến dịch tấn công chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Lúc ấy chưa ai biết là sẽ không có bánh Mana khi dân Israel bước chân qua bên kia sông Jordan. Hơn nữa, mana không thể để dành được, phải dùng trong ngày, ngoại trừ Thứ Sáu để dành cho sáng Thứ Bảy. Cho nên, sự chuẩn bị lương thực của dân Israel phải là các loại thức ăn khác mà họ tích trữ được trong thời gian đóng trại lâu ngày ở bình nguyên Moab.

Các cấp lãnh đạo phải sai các cấp chỉ huy thấp hơn chạy khắp trại quân để truyền lệnh cho đoàn dân trên hai triệu người vào lúc ấy.

Mặc dù sách ký thuật rằng ba ngày nữa toàn dân Israel sẽ lên đường; nhưng nếu đọc tiếp các đoạn sau, người đọc sẽ thấy có sự mâu thuẫn.

Bởi vì Giô-suê sai hai thám tử vượt sông Jordan đi do thám thành Jericho, tức là thành Cây Chà Là, trước khi toàn dân Israel sẽ vượt qua bờ bên kia sông Jordan để bắt đầu chiếm lấy xứ (2:1). Vì bị phát giác nhưng được kỹ nữ Rahab che giấu, hai thám tử phải ẩn mình trên núi hết ba ngày (2:22) trước khi vượt trở lại bên nầy sông để trở về trại quân báo cáo cho Giô-suê biết tình hình.

Như vậy, mệnh lệnh: Mọi người phải chuẩn bị sẵn sàng để ba ngày sau sẽ nhổ trại lên đường, thì phải được ban ra sau khi hai thám tử đã trở về. Việc sai thám tử đi do thám Jericho đã kín đáo diễn ra trước khi Giô-suê ra lệnh chuẩn bị lương thực.

Đoạn 32 sách Dân số ký có tường thuật chuyện các lãnh tụ của dòng dõi Reuben và Gad đến gặp Môi-se xin ông cấp cho họ vùng đất Gia-ê-xe (Jazer) và Ga-la-át (Gilead) làm sản nghiệp vì họ có rất nhiều súc vật (Dân số 32:1–5).

Môi-se buộc họ phải thề hứa trước mặt Đức Chúa Trời là: Các chiến sĩ của họ sẽ cùng với cả Israel vượt sông Jordan, đánh chiếm vùng đất hứa cho đến khi mọi chi tộc đều có phần sản nghiệp của họ rồi, thì các chiến sĩ của Reuben và Gad mới trở về với gia đình và các bầy gia súc mà họ đã để lại trong các thành ở bên nầy sông Jordan (Dân số 32:20–27).

Bây giờ, Giô-suê nhắc các lãnh tụ của ba chi tộc, Reuben, Gad và Manasseh về lời hứa nguyện của họ sẽ cùng với toàn dân Israel vượt sông Jordan vào chiếm vùng đất hứa (12–15), còn gia đình và bầy gia súc của họ thì cứ để lại trong các thành mà họ đã chiếm và xây dựng ở các miền Jazer, Gilead và Basan trong thời gian Israel đóng trại tại bình nguyên Moab.

Các chi tiết nầy củng cố thêm bằng chứng rằng Israel đã đóng trại tại bình nguyên Moab khá lâu ngày cho hai chi tộc rưỡi có đủ thời gian xây thành kiên cố và chuồng cho các bầy gia súc của họ.

Giô-suê truyền rằng: “Vợ, con cái và bầy súc vật của anh em sẽ ở lại trong đất mà Môi-se ban cho anh em ở bên nầy sông Jordan; nhưng anh em, tức là tất cả những người mạnh dạn, phải cầm vũ khí vượt qua trước anh em mình và giúp đỡ họ” (14).

Khi suy gẫm các chi tiết đưa ra ở chỗ nầy, người đọc Kinh thánh hiểu được lý do những chiến sĩ của ba chi tộc sẵn sàng ra chiến trường mà chưa biết ngày nào sẽ được trở về với gia đình, là lời trách mắng và nhắc nhở của Môi-se khi họ xin được cấp đất và ở lại bên nầy sông. Môi-se hỏi họ: “Trong khi anh em mình ra trận mà anh em ở lại đây sao? Tại sao anh em làm cho dân Israel nản lòng không chịu đi vào xứ mà Đức Giê-hô-va đã ban cho họ?” (Dân số 32:6-7).

Môi-se nhắc lại việc Israel đã bị Đức Chúa Trời trừng phạt phải đi vòng vo trong hoang mạc gần bốn mươi năm, bởi vì các tổ phụ họ đã từ chối không chịu vào chiếm đất hứa, lúc họ tới ven ranh giới giữa hoang mạc với vùng núi ở Kadesh Barnea (Dân số 14:1-4).

Lời nhắc ấy khiến các tộc trưởng của Reuben, Gad và Manasseh thề hứa rằng họ sẽ xây chuồng súc vật và thành trì cho con cái họ, còn tất cả chiến sĩ sẽ cầm vũ khí đi trước dân Israel cho đến khi đưa họ vào địa phận dành cho các chi tộc. Dù họ sẽ ra sức đánh chiếm đất bên kia sông, nhưng sẽ không nhận bất cứ mảnh đất nào, vì họ đã hài lòng với đất ở bên nầy sông Jordan rồi (Dân số 32:16-19). Bây giờ Giô-suê gọi các vị lãnh đạo của ba chi tộc đó để nhắc lại lời họ hứa (12-15).

Quyết tâm của hai chi tộc rưỡi Reuben, Gad và Manasseh ở phần nầy so với thái độ của tín hữu thời nay trong chiến trận truyền giáo thì quá tương phản.

Hội chúng của Hội thánh ở bất cứ địa phương nào đều có đại đa số tín hữu thụ động không muốn trở thành chiến sĩ ra trận đánh chiếm lãnh thổ cho Đức Chúa Trời. Thái độ hèn nhát, lười biếng và cứng cổ của số tín hữu nầy đã làm nản lòng những người đang đơn độc xông pha ngoài chiến trường để cứu các linh hồn đang chìm đắm trong biển tội, chưa biết ơn cứu độ đang có sẵn cho họ.

Quý anh chị em nào đang dính vào loại tín hữu nầy cần phải biết rằng: Nếu lịch sử của dân Israel thuở xưa được chép trong Kinh thánh là hình ảnh chính xác trung thực của nếp sống tâm linh con cái Chúa ngày nay, thì án trừng phạt mà họ đã phải chịu cũng áp dụng cho những ai có thái độ phản nghịch giống họ vậy.

Đức Chúa Trời của họ ngày xưa vẫn là Đức Chúa Trời chúng ta ngày nay. Ngài là Đấng không thiên vị thời xưa cũng chẳng thiên vị thời nay. Israel là dòng dõi của Abraham theo lời hứa, khi phạm tội vẫn bị trừng phạt. Chẳng phải vì là con cháu Abraham mà họ có thể phạm vào đức công nghĩa của Đức Chúa Trời.

Sứ đồ Phao-lô nói rõ vấn đề nầy khi ông mô tả chúng ta, thuộc dân ngoại, là nhánh olive hoang được tháp vào để hưởng nhựa từ rễ cây olive thuần tính, vì người Do-thái cứng lòng, là một số nhánh olive đã bị Đức Chúa Trời cắt bỏ do sự vô tín, để ghép dân ngoại có lòng tin, thì những người được tháp vào phải rất cẩn thận:

Vì nếu Đức Chúa Trời đã không tiếc các cành tự nhiên, thì Ngài cũng chẳng tiếc bạn đâu. Vậy hãy nhìn biết sự nhân từ và nghiêm khắc của Đức Chúa Trời. Nghiêm khắc đối với những ai đã ngã, nhưng nhân từ đối với bạn, miễn là tiếp tục giữ mình trong sự nhân từ của Ngài; nếu không, bạn cũng sẽ bị cắt bỏ” (Rôma 11:21-22).

Các thủ lãnh và chiến sĩ của các chi tộc Reuben, Gad và Manasseh vội thưa với Giô-suê rằng “Chúng tôi sẽ làm mọi điều ông truyền bảo và đi bất cứ nơi nào ông sai phái. Chúng tôi sẽ vâng lời ông mọi việc như đã vâng lời Môi-se. Chỉ mong Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông ở với ông như Ngài đã ở với Môi-se vậy” (16-17).

Họ đã hứa với Môi-se trước mặt Đức Chúa Trời, và họ đã giữ lời. Con cái Chúa ngày nay cần học tập gương giữ lời hứa của họ.

Vì các dân tộc Á-đông vẫn mang tính cách của tổ tiên trước khi tin Chúa, không xem lời hứa là quan trọng, chưa thấy hệ quả của sự vi phạm giao ước với Đức Chúa Trời, nên không xem sự nuốt lời hứa đối với Hội thánh là tội lỗi. Quý anh chị em cần phải ăn năn tánh xấu đó và cầu xin Chúa tha tội cho mình.

Quyết tâm của những chiến sĩ các chi tộc Reuben, Gad và Manasseh bày tỏ qua lời thề: “Kẻ nào chống lại mệnh lệnh của ông và không vâng theo bất cứ điều gì ông truyền bảo sẽ bị xử tử” (18).

Lời thề của quyết tâm nầy là ý muốn của toàn dân Israel khích lệ Giô-suê. Họ thề sẽ áp dụng luật chiến tranh xử tử những kẻ phản bội. Họ khuyến khích Giô-suê cứ vững vàng lãnh đạo.

Ước sao con dân Chúa ngày nay hiểu rằng chúng ta đang luôn luôn phải ở trong tình trạng chiến tranh chống lại ma quỷ trong đời sống cá nhân cũng như trong mặt trận truyền giáo.

Giosue02.docx

Rev. Dr. CTB