Giô-suê, bài 17

Giô-suê 24: 1-33

Để tái xác lập giao ước giữa Israel với Đức Chúa Trời, Giô-suê triệu tập toàn Israel về thành Si-chem thuộc Ép-ra-im. Si-chem vừa là một thành của người Lêvi, vừa là một thành trú ẩn ở phía Tây của sông Jordan.

Si-chem là nơi tổ phụ Abraham của dân Israel dừng chân sau khi đi khắp xứ Canaan lúc Đức Chúa Trời hiện ra phán với ông: “Ta sẽ ban xứ nầy cho dòng dõi con” (Sáng thế 12:6). Cũng tại nơi đó Abraham lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va (Sáng thế 12:7).

Gần một trăm năm mươi năm sau, cháu nội của ông Abraham, là Jacob, trở về xứ Canaan sau khi phiêu bạt hai mươi năm ở xứ Padan-Aram. Jacob tới Si-chem mua đất và lập một bàn thờ cho Đức Chúa Trời, đặt tên là El Elohe Israel (Sáng thế 33:18-20).

Tại nơi đó, Jacob truyền lệnh tất cả người nhà lấy các tượng teraphim mà người Padan-Aram thờ cúng đem chôn dưới gốc cây sồi (Sáng Thế 35:2, 4).

Si-chem cũng là nơi Israel cải táng hài cốt của Joseph, mà họ mang theo khi rời khỏi Ai-cập (Giô-suê 24:32). Hai đỉnh núi Ebal và Gerizim, nơi Giô-suê và Israel long trọng lập một bàn thờ khi đã tận diệt thành A-hi, viết trên các bia đá một bản sao luật pháp, đọc luật pháp, công bố các lời rủa sả và chúc phước, thì nơi đó cũng gần với thành Si-chem nói ở đây.

Có lẽ Giô-suê chọn thành Si-chem vì các lý do ấy, thay vì Shiloh là nơi có Đền Tạm. Nói rằng “họ đều trình diện trước Đức Chúa Trời” (1-2), thì có nghĩa là các thầy tế lễ đã khiêng Rương Giao Ước và dời Đền Tạm đến đó.

Giô-suê truyền lại lời của Đức Chúa Trời phán dạy các thế hệ trẻ sinh ra trên đường lưu lạc và trong thời gian ở xứ Canaan, để thế hệ đó biết gốc gác của họ. Tha-rê, cha của Abraham và Na-cô, người A-ram ở xứ Padan-Aram bên kia sông Euphrates, là người thờ hình tượng.

Nhưng Đức Chúa Trời đã gọi Abraham ra khỏi xứ ấy, về xứ Canaan ở bên nầy sông để làm cho dòng dõi của ông thành một dân tộc được đặc biệt tuyển chọn (3).

Đức Chúa Trời đã gửi con trai cưng của Jacob, là Joseph, xuống Ai-cập trước, sau đó cả gia đình Jacob cũng dọn xuống Ai-cập để tránh nạn đói đang hoành hành khắp vùng. Đức Chúa Trời phải đem gia đình ấy xuống Ai cập để họ không bắt chước người địa phương phạm các tội trọng đến nỗi bị đất mửa ra và bị tiêu diệt (4). Đến thế hệ thứ tư, dòng dõi của Abraham mới trở lại xứ Canaan, sau khi tội lỗi của dân ở đó đã lên đến cực độ (Sáng thế 15:16).

Lúc Israel đã trở thành một dân tộc đông và mạnh, bị người Ai-cập hành hạ trong thân phận nô-lệ, Đức Chúa Trời dùng Môi-se và A-rôn giải thoát dân Israel ra khỏi Ai-cập bằng cách giáng mười tai hoạ trên khắp xứ Ai-cập (5).

Dân Israel được ra khỏi Ai-cập và được dẫn đến bờ Biển Đỏ. Quân đội Ai-cập đuổi theo với ý định bắt dân Israel làm nô lệ trở lại. Khi tổ phụ Israel kêu cầu Chúa, thì Ngài “giáng sự tối tăm xuống giữa các con và dân Ai-cập, dẫn nước biển chôn vùi chúng. Mắt tổ phụ các con đã chứng kiến điều Ta đã làm cho người Ai-cập” (6-7).

Sau bốn mươi năm lang thang trong hoang mạc khô cằn, Israel đã đến được đất của người Amorite ở phía đông sông Jordan; Đức Chúa Trời phó dân ấy vào tay Israel, ban vùng đất phong phú và màu mỡ của dân Amorite cho hai chi tộc rưỡi trong dân Israel làm sản nghiệp (8).

Đức Chúa Trời nhắc lại việc Balak, vua Moab, mời thầy pháp gian ác Balaam đến để rủa sả Israel, nhưng vì Chúa không thèm nghe Balaam nên ông ta phải đổi lời nguyền rủa thành chúc phước. Balak giận quá đuổi Balaam về xứ (9-10).

Sau khi vượt sông Jordan vào mùa nước lũ sang tới đất khô ở bờ tây, Đức Chúa Trời đã phó thành Jericho và các dân tộc trong xứ Canaan vào tay dân Israel. Ngài nhắc cho họ biết rằng, hai vua dân Amorite hùng mạnh và dân tộc của họ phải bỏ xứ mà chạy vì bị Chúa sai ong lỗ đến tấn công dân chúng và quan quân của hai dân tộc ấy (11-12).

Ngài chỉ cho họ thấy: “Ta ban cho các con đất mà các con không phải khai phá, những thành mà các con không phải xây dựng, và các con đã ở đó; những vườn nho và vườn olive các con không trồng mà lại được ăn” (13). Ơn phước mà Chúa ban cho Israel từ ngày ra khỏi Ai-cập tới thời điểm đó thật là tràn đầy.

Vậy, bây giờ hãy kính sợ Đức Giê-hô-va và phụng sự Ngài một cách thành tâm và trung tín. Hãy từ bỏ các thần mà tổ phụ anh em phụng sự bên kia sông cũng như tại Ai-cập và chỉ phụng sự Đức Giê-hô-va mà thôi” (14). Mặc dù Israel đã thấy bàn tay đại năng của Đức Chúa Trời luôn cứu giúp họ, nhưng vẫn có những người lén lút thờ lạy các thần tượng của người Padan-Aram ở tả ngạn sông Euphrates.

Chính những bà vợ của Jacob đã lấy các tượng thờ (Sáng thế 31:30-35), và có lẽ cũng chính họ dạy dỗ các con họ thờ cúng; cho nên, những thói tục đó vẫn lưu truyền trong gia đình, chi tộc cho tới ngày Giô-suê lên tiếng kêu gọi họ hãy từ bỏ các thần mà tổ phụ của họ đã thờ cúng bên kia sông.

Qua bài học nầy, chúng ta tự xét những thói tục mà mình chịu ảnh hưởng từ tổ tiên và văn hoá dân tộc, dù đã theo Chúa nhưng chưa biết là điều sai trật.

Đứng trước các gương còn sờ sờ chứng tỏ các thần của xứ Padan-Aram ở bên kia Euphrates và các thần của dân Amorite địa phương đều không thể so nổi với Giê-hô-va Đức Chúa Trời đầy quyền phép, Giô-suê thách thức những người còn muốn thờ thần tượng hãy làm theo ý họ nếu họ thấy phụng sự Đức Chúa Trời là bất tiện và sai trật. “Nhưng tôi và gia đình tôi sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va” (15).

Nghe lời xác định của Giô-suê, “dân chúng đáp rằng: ‘Chúng tôi quyết không lìa bỏ Đức Giê-hô-va để phụng sự các thần khác! Vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của chúng tôi’” (16-17). Họ kể lại những ơn lành và các việc quyền năng của Đức Chúa Trời đã đánh đuổi các dân tộc thù nghịch, đem họ vào xứ sở tốt tươi (17-18a), “Vì vậy, chúng tôi cũng sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va vì Ngài là Đức Chúa Trời của chúng tôi” (18b).

Giô-suê nhắc Israel biết là họ không thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời “vì Ngài là Đức Chúa Trời thánh, Đức Chúa Trời kỵ tà, Ngài chẳng tha sự vi phạm và tội lỗi của anh em đâu” (19). Ông cũng cảnh cáo trước rằng họ sẽ bị Ngài tiêu diệt nếu Israel lìa bỏ Ngài mà đi phụng sự các thần khác.

Dân chúng quả quyết hứa “Không đâu! Chúng tôi sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va” (20 -21). Vì dân chúng long trọng hứa rằng họ chọn Đức Chúa Trời, nên Giô-suê bảo họ: “Bây giờ, hãy dẹp bỏ các thần ngoại bang khỏi anh em và hướng về Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel” (22-23). Dân chúng lại hứa nữa (24), nên trong ngày đó “Giô-suê lập một giao ước cho dân chúng, truyền luật pháp và điều lệ cho họ tại Sichem” (25).

Theo lời thuật lại, sau khi Giô-suê viết các lời thề nguyện của Israel sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va và vâng theo tiếng Ngài, ông lấy một hòn đá lớn dựng dưới cây sồi để làm một chứng tích, gần nơi thánh của Đức Giê-hô-va, thì có nghĩa là Đền Tạm đã được dời tới đó (26); có lẽ để thuận tiện cho sự hội họp và Giô-suê đã già, khó di chuyển đi xa.

Mỗi lần Israel thấy hòn đá Giô-suê đã dựng, thì họ nhớ lời hứa long trọng mà họ đã lập trước mặt Chúa (27-28). Theo lẽ thường thì người ta xem các hòn đá hay tảng đá là vô tri, vô giác. Nên, nếu nói hòn đá đã nghe và sẽ làm chứng, thì nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là lời nói ước lệ không có thật. Nhưng, không có bao nhiêu người ngờ rằng mọi lời nói của chúng ta đều được ghi lại, và ai nấy phải chịu trách nhiệm về những lời mình đã nói (Mathiơ 12:36).

Giô-suê hưởng thọ được một trăm mười tuổi rồi qua đời (29). Suốt thời gian những người đã chứng kiến quyền năng và dấu kỳ phép lạ Đức Chúa Trời đã làm vì Israel còn sống, thì Israel giữ đúng lời hứa phụng sự và thờ phượng Ngài. Vì “đó là những người biết rõ mọi việc Đức Giê-hô-va đã làm vì Israel” (30-31)

Có lẽ hài cốt của các tổ phụ cũng được dân con cháu Israel đem theo với họ khi ra khỏi Ai-cập. Sở dĩ hài cốt của Joseph được nhắc tới ở đây vì ông được xem như vị cứu tinh của dân Israel, và trước khi qua đời, ông đã để di chúc là hãy đem hài cốt của ông theo, vì chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ thăm viếng dân Israel của Ngài (32 Sáng thế 50:24-25).

Thầy tế lễ Eleazar, con trai của Aaron cũng qua đời. Những người thuộc thế hệ của Giô-suê đều lần lượt qua đời hết thảy (33), kết thúc một thời kỳ huy hoàng của Israel trong đất hứa.

Giosue17.docx

Rev. Dr. CTB