Chúa Nhật, February 3rd, 2013

Hiểu Biết Ơn Tiên Tri, 20

Khả Năng Nghe Tiếng Chúa

Êsai 6:1–8

Khi nhắc lại định nghĩa của việc nói tiên tri là: “Đức Chúa Trời dùng con người để nói,” thì điều kiện để Chúa có thể dùng mình nói điều chi đó là: mình phải có khả năng nghe được tiếng Đức Thánh Linh nói với mình. Không ai có thể nói cho người điếc nghe. Cũng vậy, Đức Thánh Linh sẽ không phán với người hoàn toàn không có khả năng nghe tiếng Ngài phán. Vì thế, giữa vô số tín hữu của Hội-thánh, có một số người có khả năng nghe, số còn lại thì chưa bao giờ được nghe tiếng Chúa phán. Trong phần Kinh-thánh vừa đọc, không phải Đức Chúa Trời hỏi Êsai, mà thình lình Êsai được đưa lên trời, chứng kiến quang cảnh huy hoàng, tôn nghiêm, thánh khiết và hùng tráng nhất trong cõi vĩnh hằng. Rồi ông chợt nghe tiếng Đức Chúa Trời hỏi các vị thiên sứ đang chầu trước mặt Ngài: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” (8). Vì nghe được tiếng Chúa hỏi và lòng ông hết sức tôn thờ Ngài, ông buột miệng thưa: “Có con đây, xin Chúa sai con!

Những người chưa từng có kinh nghiệm được nghe tiếng Chúa, hoặc chưa biết cách nhận ra tiếng Chúa phán với mình, thì cần phải tìm hiểu lý do nào khiến mình chưa nghe được tiếng Ngài và phải làm chi để cải đổi tình trạng ấy. Khi nghe tới các nhược điểm hoặc sự khiếm khuyết của khả năng nghe tiếng Chúa của chúng ta, tín hữu thường rất chủ quan nên chỉ chú trọng vào năng lực của mình, thường quên mất điều quan trọng nhất, đó là bản chất của Đấng phán với mình. Có vô số âm thanh, hình ảnh, tiếng nói, tư tưởng, và ý nghĩ mà chúng ta nghe, thấy và cảm nhận mỗi ngày; những điều đó là những tiếng gọi từ bên ngoài đến với lòng chúng ta. Hễ những gì phù hợp với bản chất của chúng ta thì chúng ta đáp ứng lại, những gì không phù hợp thì không đáp ứng, và thường là không thấy, không nghe hoặc không quan tâm chi hết.

Tương tự như thế, muốn nghe được tiếng gọi của Chúa, chúng ta phải hiểu biết bản thể Đấng gọi mình, đồng thời phải điều chỉnh tình trạng thuộc linh của mình cho thật khớp với bản thể của Đức Chúa Trời, giống như máy thu thanh điều chỉnh tần số nhận cho thật khớp với tần số của đài phát thì mới nhận được tín hiệu rồi chuyển ra loa thành âm thanh thật rõ ràng. Bởi vì tiếng gọi là sự biểu lộ bản thể của Đấng gọi. Và chúng ta chỉ có thể nhận ra tiếng gọi đó nếu trong tâm linh ta có cùng bản thể với Đấng ấy. Tiếng gọi hay tiếng nói của Đức Chúa Trời là sự biểu lộ minh bạch về bản thể của Ngài, không phải là của chúng ta. Bởi ơn cung ứng, Ngài đã lồng tiếng gọi của Ngài vào đời sống người Ngài gọi, thấm sâu vào linh hồn chúng ta, và chỉ có đời sống người nào đã được lồng tiếng gọi của Ngài mới nhận ra được tiếng nói ấy. Không ai khác có thể giúp ý kiến cho chúng ta phân tích hay nhận định tiếng gọi của Chúa. Bởi vì khi Ngài nói lời mặc khải cho ta, thì Ngài nói với ta cách trực tiếp.

Hễ chừng nào ta còn dựa trên khả năng, tính tình và phẩm chất riêng của mình, thì không thể nghe được tiếng của Chúa phán. Chỉ khi nào chúng ta có mối liên hệ thông suốt với Ngài nhờ đã điều chỉnh khả năng tiếp nhận tiếng Chúa, thì việc nghe được tiếng Ngài sẽ giống như Êsai vậy. Điều đáng buồn là đa số con cái Chúa không thể nghe tiếng Ngài, chỉ nghe được tiếng của chính mình; vì thế, chúng ta chỉ có thể được đưa đến chỗ nghe được tiếng Ngài phán, khi đã được thay đổi một cách sâu sắc trong tâm linh. – Sau khi vua Ô-xia băng hà, có lẽ Êsai bị một cơn khủng hoảng về người lãnh đạo. Ông hết lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời nên thình lình được ban cho một khải tượng tiên tri về quang cảnh ngôi cao sang của Ngài. Một khung cảnh mặc khải về bản thể của Chúa là thánh khiết, công chính và yêu thương.

Sự thánh khiết của Chúa được thể hiện qua tư thế của các sêraphim có hai cánh che mặt, hai cánh che chân cùng tiếng hô: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giêhôva vạn quân.” Sự rung chuyển của các trụ nơi ngưỡng cửa qua tiếng tung hô vang dội của các sêraphim là hình ảnh về sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời. Bản thể yêu thương của Ngài biểu lộ qua câu hỏi: “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Phản ứng của Êsai cũng biểu lộ ông có bản thể phù hợp với bản thể của Đức Chúa Trời: Khi thấy sự thánh khiết của Chúa, thì Êsai ý thức về sự ô uế của chính mình “Khốn cho tôi! Tôi chết mất! Vì tôi là người có môi ô uế ở giữa một dân có môi ô uế” (5). Ý thức về sự ô uế của bản thân cũng mang tính chất công nghĩa nữa. Chính vì thế mà một sêraphim dùng kẹp gắp than lửa đỏ từ bàn thờ bay đến đưa than chạm vào môi Êsai, và nói: “Đây cái nầy đã chạm đến môi ngươi, lỗi ngươi đã được xoá rồi, tội ngươi được tha rồi”(6–7). Tình yêu thương Chúa trong Êsai khiến ông tình nguyện để được sai đi dù không được Chúa hỏi trực tiếp.

Vậy thì khả năng nghe tiếng Chúa phán tuỳ thuộc vào quyết định của những ai muốn loại trừ bản chất nhân loại, điều chỉnh mục đích của đời mình cho phù hợp với mục đích đời đời của Đức Chúa Trời, hiểu biết và khát khao ngưỡng vọng bản thể của Ngài với lòng ước ao sẽ đem bản thể ấy rao báo cho nhân loại. Chúng ta chỉ thật sự có niềm ao ước điều chỉnh bản chất của mình phù hợp với bản thể của Đức Chúa Trời, khi chúng ta thật sự biết ngạc nhiên về ơn đoái thương diệu kỳ của Ngài. Trong bầu trời đêm bao la, khi nhìn lên thấy muôn vàn tinh tú, rồi xem các tấm ảnh do các viễn vọng kính chụp ánh sáng huy hoàng của vô số thiên hà vần xoay trên vũ trụ vô biên, chợt nghĩ về thân phận con người của mình thì thấy thật là vô nghĩa so với sự bao la của vũ trụ. Thế mà Đấng Chủ Tể trên toàn cõi tạo vật đầy vinh quang ấy lại có thể đoái đến những sinh vật nhỏ bé đầy tính ích kỷ với vô số tham vọng thấp hèn, để ban cho chúng ta vinh dự huy hoàng là được làm người phát ngôn cho chương trình cứu chuộc kỳ diệu của Ngài.

Không phải chúng ta là những người đầu tiên thời nay khám phá hoặc nẩy ra các ý nghĩ nầy. Lúc Đa-vít còn là một mục tử ở ngoài đồng nhiều đêm nhìn lên bầu trời dầy đặc các ngôi sao huy hoàng, ông suy gẫm về Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hoá của ông, suy nghĩ về chính mình, rồi ông sáng tác những vần thơ được lưu truyền qua bao thế hệ: “Khi con nhìn xem các tầng trời là công việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã tạo dựng” con nhớ lại “loài người là gì mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi mà Chúa thăm viếng nó? …… Đội cho người mão miện vinh quang và tôn trọng” (Thi Thiên 8:3–5). Nhiều bài thơ Đa-vít sáng tác được đưa vào sách Thi Thiên là những lời tiên tri, những ý tưởng ông nghe được từ Đức Chúa Trời. Vậy, phẩm chất hoặc tâm tình nào của Đa-vít đã giúp ông đồng điệu với Chúa, là người được Ngài đẹp lòng? Đời sống Đa-vít từ thuở thiếu niên luôn luôn là một người biết thờ phượng Đức Chúa Trời.

Một tâm tình thờ phượng thật sẽ khiến chúng ta vừa biết khiêm nhu hạ mình trước Đức Chúa Trời vinh quang, vừa được nâng lên những tầm cao mới biết chiêm ngưỡng Đấng đáng được tôn thờ và biết địa vị cao sang mà mình đã được Cha yêu thương đặt vào. Nói cách khác, lòng thờ phượng chân thật sẽ đặt chúng ta vào đúng chỗ mình đáng được tới; khi nhận thức được rằng chúng ta thật là nhỏ bé không ra gì, nhưng chỉ ở dưới các thiên sứ một chút; chúng ta là các tạo vật thật là tí hon trước mặt Đức Chúa Trời vĩ đại, nhưng là những người được Ngài yêu thương đến nỗi sẵn sàng sai Ngôi Lời của Ngài xuống thế gian làm người chết thế chỗ cho chúng ta. – Sở dĩ nhiều người chưa nghe được tiếng Chúa vì chỉ chăm chú vào những gì mình được nhận, được lấy dùng riêng, không quan tâm đến Đấng ban cho, cũng không quan tâm tới những người quanh mình sẽ bị hư vong, và đời sống không làm gương cho họ noi theo.

Khả năng có thể nghe tiếng Chúa để nhận được và vận hành trong ơn tiên tri tuỳ thuộc vào tâm tình thật trong lòng của từng người; không ai có thể thay thế được. Đức Chúa Trời chỉ dùng quyền năng Ngài để biến đổi lòng những ai quyết tâm tôn thờ Ngài trong sự hiểu biết chính xác bản thể của Ngài; những người khát khao điều chỉnh đời sống và mọi ước muốn của mình thành phù hợp với bản thể của Ngài. Chúa chỉ mặc khải những điều mầu nhiệm cho người nào có bản thể có khả năng nghe được tiếng nói và tiếng gọi của Đức Chúa Trời mà thôi.

HieuBietOnTienTri20.docx    (Sách đọc: Sanctuary, by David Jeremiah; My Utmost for His Highest, O. Chambers)

Rev. Dr. CTB