Chúa Nhật, January 13th, 2013

Hiểu Biết Ơn Tiên Tri, 17

Mục Đích Của Ơn Tiên Tri (2)

1Côrinhtô 14:1–5

Một trong các lý do nhắc nhở những người được nhận ơn tiên tri phải cẩn thận về những lời mình nói với Hội-thánh khi cảm nhận một sự khải thị nào đó từ Chúa về một vài lỗi lầm của Hội-thánh, là Đức Chúa Trời không giận dữ đối với dân sự Ngài. Ngài yêu con dân Ngài không điều kiện, và Ngài muốn người phát ngôn của Ngài trình bày cho họ biết qua cách thức nhã nhặn hiền hoà. Đúng là có những lúc cần phải nói tiên tri để chấn chỉnh, khiển trách những người phạm lỗi, nhưng đó phải là biện pháp cuối cùng, không phải là cách đáp ứng đầu tiên. Chúng ta cũng được kêu gọi làm những người xây dựng thân thể của Chúa, không được làm người khác ngã lòng qua cách nói quá nặng lời. Khi Đức Chúa Giêxu trở lại, mỗi người sẽ phải khai trình về việc sử dụng ân tứ Ngài ban để khích lệ và xây dựng Hội-thánh. Chắc Ngài sẽ không để yên cho những kẻ nào quên nhiệm vụ xây dựng của mình mà tạo ra sự ngã lòng cho Hội-thánh. Chúng ta cũng sẽ bị xét đoán về mọi lời mà miệng mình đã nói ra (Mathiơ 12:36).

Sự khích lệ liên quan mật thiết với gây dựng. Dù cả hai đều nói đến sự khuyến khích, nhưng chữ khích lệ nói về sự thúc giục dựa trên lý lẽ, lời khuyên mạnh mẽ; nhiệt thành nhắc nhở. Khác với ý nghĩa của chữ gây dựng. Như vậy, lời nói tiên tri khích lệ là nhắc nhở và khuyên nhủ Hội-thánh hãy đến gần Đức Chúa Trời. Các vị tiên tri chân chính luôn giúp dẫn dắt Hội-thánh tiến tới trong Đức Chúa Giêxu Christ bằng cách nhận ra các ý định của Đức Chúa Trời đối với con dân Ngài và rồi thúc giục họ đi theo hướng đó. Phaolô khuyên Timôthê: “Hãy rao giảng lời Chúa! Hãy sẵn sàng dù gặp thời hay không. Hãy thuyết phục, khiển trách, khích lệ, giáo huấn với tất cả lòng kiên nhẫn” (2Timôthê 4:2), như một người chăn chiên dịu dàng dẫn bầy chiên tới đồng cỏ.

Những người được Chúa ban cho chức vụ tiên tri cũng phải theo gương đó mà dẫn dắt Hội-thánh hướng về Đấng Christ. Có nghĩa là người được ơn nói tiên tri phải biết trình bày tấm lòng yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con dân Ngài. Ngài không phải là một ông thần hung bạo giận dữ, không bao dung, khắc nghiệt, và sẵn sàng trừng phạt. Ai tập tành ơn tiên tri nên ghi nhớ  kỹ điều nầy; bởi vì đã có một số người vốn có tinh thần khe khắt của bản tính xác thịt đã lợi dụng sự nói tiên tri trong Hội-thánh để lên án, đả phá những người họ không ưa. Chiến thuật tạo sợ hãi và gây áp lực chưa bao giờ là nền tảng của Kinh-thánh trong nhiệm vụ khích lệ anh chị em trong Hội-thánh. Tương tự như vậy, khi chúng ta giới thiệu Tin-mừng cho người nào thì phải biết tránh những lời nói có vẻ dùng tai hoạ để hù doạ người chưa tin Chúa. Vì bản chất của Đức Chúa Trời là yêu thương, và Ngài luôn luôn hành động theo nguyên tắc yêu thương.

Vì vậy, Kinh-thánh đã định rõ các giới hạn về sự khích lệ: Đối với những người mỏi mệt ngã lòng thì hãy “hết lòng trung tín với Chúa” và “giữ vững đức tin” (Công vụ 11:23;14:22); người kiêu căng thì khuyên “đừng nghĩ quá cao về mình, nhưng hãy suy nghĩ đúng theo mức độ đức tin Đức Chúa Trời ban phát cho từng người” (Rôma 12:3). Những người thiếu sót trong sự cầu nguyện đều được khuyên hãy “dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, cảm tạ, và cầu thay cho mọi người” (1Timôthê 2:1). Đối với tuổi trẻ hãy khuyên họ “phải cẩn trọng giữ mình” (Tít 2:6). – Vài điều vừa nêu không phải là khuyến khích tinh thần nhút nhát hay bạc nhược trong Hội-thánh; cũng không chủ trương là con dân Chúa nên dung dưỡng tội lỗi trầm trọng. Vì có những lúc Đức Chúa Trời bảo chúng ta hãy mạnh mẽ quở trách những người liên tục chống lại sự nhắc nhở của Đức Thánh Linh.

Một mục đích căn bản nữa của ơn tiên tri là để an ủi. Ý nghĩa gốc của sự an ủi là đồng hành với người có nhu cầu. Cũng có nghĩa là yểm trợ, làm cho mạnh mẽ, củng cố, trợ lực, làm mới lại các mặt thể chất, trí não và tinh thần. Trong Kinh-thánh cả thời Cựu-ước lẫn Tân-ước, niềm an ủi của con dân Chúa đến từ tình yêu thương dịu dàng của Đức Chúa Trời. Sự an ủi ấy đẩy lùi những thất vọng do các khổ nạn trong đời gây ra, hoặc khi ngã lòng trong sự hầu việc Chúa.

Tính cách nổi bật mà chúng ta thấy trong Kinh-thánh về tình yêu thương của Đức Chúa Trời là Ngài luôn an ủi những tấm lòng tan vỡ. Nói cách khác, sự an ủi những kẻ vỡ lòng là đức hạnh được xem là rất quý báu trong Vương-quốc của Đức Chúa Trời. Điều nầy được thấy qua suốt cả Kinh-thánh, khi các tiên tri cứ liên tiếp công bố tình yêu thương nhân từ không dời đổi của Chúa đối với dân sự Ngài: “Đức Chúa Trời … phán: Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta,” “Đừng sợ vì Ta ở với con, chớ kinh khiếp vì Ta là Đức Chúa Trời của con! Ta sẽ làm cho con mạnh mẽ; phải, Ta sẽ giúp đỡ con, …Đấng nắm giữ tay phải con phán với con rằng: ‘Đừng sợ, chính Ta sẽ giúp đỡ con’” (Êsai 40:1; 41:10, 13). Khi nói tiên tri về thánh vụ tương lai của Đức Chúa Giêxu, Êsai viết: “Thần của Chúa Giêhôva ngự trên Ta, … để an ủi mọi kẻ khóc than” (Êsai 61:1,2).

Trong Tân-ước, Phaolô viết rằng: “Ngài là Cha nhân từ và là Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi. Ngài an ủi chúng tôi trong mọi cảnh bắt bớ hoạn nạn, và với niềm an ủi đó của Đức Chúa Trời, chúng tôi có thể an ủi những anh em đang gặp hoạn nạn bắt bớ” (2Côrinhtô 1:3–4). Trước khi lìa thế gian, trở về trời, Đức Chúa Giêxu hứa với các môn đồ Ngài rằng: “Ta không để các con mồ côi đâu, Ta sẽ đến với các con” (Giăng 14:18). Sứ đồ Phaolô không những là một thầy giáo lỗi lạc, ông còn được ban cho rất nhiều ân tứ của Đức Thánh Linh, trong đó có ơn tiên tri. Dù không thấy ghi chép lại lời tiên tri cho cá nhân nào do ông công bố, nhưng tất cả những sự dạy dỗ về sự việc sẽ diễn ra trong tương lai, chứng tỏ ông là người được ơn tiên tri ở đẳng cấp cao nhất. Chọn lựa sự an ủi người khác là tính cách và chủ trương của ông: “Tôi kêu gọi anh em hãy khiển trách người ngỗ ngược, an ủi người ngã lòng, nâng đỡ người yếu đuối” (1Têsalônica 5:14).

Tính cách quan trọng của những câu Kinh-thánh về sự an ủi buộc những người nào được nói tiên tri hãy nói cho con dân Chúa thoả lòng. Dù cho có những trường hợp và hoàn cảnh cần phải quở trách, nhưng nếu chúng ta chọn cách nói ra ý muốn của Đức Chúa Trời theo lối người khác dễ tiếp nhận, thì vẫn tốt hơn nhiều so với cách nói có giọng điệu phán xét, lên án, vv; bởi vì một lời công bố phán xét sẽ không luôn luôn thấu lòng của một hội chúng thờ ơ, hờ hững. Nhưng đức nhân từ của Đức Chúa Trời sẽ dẫn người ta đến sự ăn năn. “Ai không có lòng thương xót sẽ bị xét xử cách không thương xót. Nhưng người có lòng thương xót thắng cuộc xét xử” (Giacơ 2:13).

Những lời tiên tri có tính chất xây dựng, khích lệ và an ủi không phải chỉ áp dụng theo nghĩa đen khi nhận được sự khải thị tiên tri; nhất là những lời nói có liên quan tới tính mạng của người nghe. Ví dụ, phải hết sức cẩn thận khi tự ý giải nghĩa cảm nhận tiên tri của mình về ai đó đang bị mắc phải một bệnh đa phần đưa đến cái chết. Dù cho cảm nhận của mình là chính xác đi nữa, thì người nhận ơn tiên tri phải dò hỏi, suy nghĩ, tìm lời giải nghĩa để không làm cho người nghe lời tiên tri bị ngã lòng. Ngoại trừ những người đã chứng tỏ rằng ơn tiên tri mà họ nhận được là có uy tín và chính xác, chứng minh rằng họ là tiên tri nghe rất rõ từ Chúa về các vấn đề bệnh tật và đau ốm, thì không một người nào đang tập luyện về ơn đó được phép nói ra những lời làm cho người khác ngã lòng hay tuyệt vọng. Nói ra những lời như vậy chẳng những đã bất lợi mà còn nguy hại cho người nói. Bởi vì những lời rủa sả có tính tiên tri mà mình nói ra có thể đổ lại trên người nói.

Đức Chúa Giêxu có dạy rằng: “Các con đừng xét đoán để không bị xét đoán. Vì các con xét đoán người ta thế nào, các con sẽ bị xét đoán thế ấy” (Mathiơ 7:1–2). Con cái Chúa cần hết sức cẩn thận trong vấn đề vận dụng ân tứ của Đức Thánh Linh ban cho. Nếu chúng ta hiểu việc tập tành sử dụng ân tứ cũng giống như tập luyện dùng một dụng cụ nào đó, thì phải tập sử dụng cho thuần thục mới đem đến lợi ích tốt nhất. Sử dụng ân tứ cách cẩu thả chẳng khác nào dùng món dụng cụ sai chỗ, chẳng những đã không ích lợi gì mà còn có hại nữa. Vì mục đích của ơn tiên tri theo sự dạy dỗ của Kinh-thánh là để gây dựng, khích lệ và an ủi, nên người nào muốn theo đuổi ân tứ ấy phải luôn luôn tâm niệm các mục đích nầy, để có thể được Chúa dùng cách ích lợi nhất cho Hội-thánh và cho việc mở mang nước Chúa qua ân tứ nói tiên tri.

HieuBietOnTienTri17.docx (Sách tham khảo: User Friendly Prophetic, của Larry Randolph)

Rev. Dr. CTB