Chúa Nhật, September 30th, 2012


Những Người Bạn Của Đức Chúa Trời

Giăng 7:18

Đức Chúa Trời chẳng bao giờ tự giới hạn mình để chỉ phán qua một nhóm người gọi là tiên tri. Nhưng nhiệm vụ chính của các tiên tri là thuật lại lời của Chúa. Cũng như Chúa có thể dùng bất cứ ai để chữa lành người bệnh, nhưng nhiệm vụ chính của người được ban cho ơn chữa lành là hết lòng trong thánh vụ chữa bệnh. Mặc dù Phaolô có dạy rằng: “14 Vì thân không phải chỉ có một chi thể mà gồm nhiều chi thể. … 17 Nếu toàn thân đều là mắt thì làm thế nào mà nghe? Nếu toàn thân đều là tai thì làm thế nào mà ngửi?” (1Côrinhtô 12:14, 17), nhưng nếu không thấy đường trong bóng tối, thì người ta dùng chân hoặc tay thăm dò để “thấy” phía trước, mặc dù chân hoặc tay đều không phải là mắt! Phaolô cũng dạy rằng “vì mỗi người trong anh em đều có thể lần lượt nói tiên tri” (1Côrinhtô 14:31). Không phải tất cả đều là tiên tri, nhưng tất cả đều có thể nói tiên tri.

Giống như mỗi chi thể trong thân khác nhau, những người giữ các chức vụ trong Hội Thánh cũng không giống nhau trong cách thực hiện thánh vụ. Các tiên tri trong Kinh-Thánh cũng chẳng ông nào giống ông nào. Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo, chúng ta không thể giới hạn Chúa hoặc những việc của Ngài theo một khuôn mẫu hay công thức nào đó. Những người làm như vậy đã tự giới hạn khả năng tiếp xúc với Ngài hay nghe Ngài phán.– Một số tiên tri trong Kinh Thánh nhận sự khải thị qua khải tượng hay thị tượng, người khác qua chiêm bao, những người khác nữa nghe tiếng Chúa phán, nhóm khác thì nhận biết các mục đích của Ngài qua tình hình đang xảy ra, một số khác thì qua lời Kinh Thánh, người nọ thì được xuất thần, có người được đem lên thiên đàng xem tận mắt những điều phải nói; người khác nữa được thiên sứ đến báo tin. Chúa có thể mới chỉ cho ta thấy sự việc bằng cách nào đó, lần tới Ngài dùng một phương pháp hoàn toàn khác. Đó là cách Chúa muốn chúng ta phải hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài.

Khải Huyền 19:10 chép: “Vì lời chứng của Đức Chúa Giêxu là tinh thần của lời tiên tri.” Cho nên tất cả lời tiên tri chân thật đều là lời chứng của Ngài, đến từ Ngài và thu hút chúng ta đến với Ngài. Đức Chúa Giêxu biểu lộ chính Ngài bằng nhiều cách. Ngài vừa là sư tử của chi tộc Giu-đa vừa là Chiên Con. Ngài là Vua Hoà Bình đến thế gian nhưng Ngài cũng nói Ngài cầm gươm mà đến. Những phương diện khác nhau đó trong Ngài không phải là mâu thuẫn, nhưng chúng bổ túc cho nhau, để chúng ta có được một sự khải thị hoàn hảo về Ngài. Đó là lý do mà Phaolô nói rằng “Vậy hãy nhìn biết sự nhân từ và sự nghiêm khắc của Đức Chúa Trời” (Rôma 11:22a). Ta phải hiểu cả sự nhân từ và nghiêm khắc của Chúa để có thể hiểu cách chính xác các khải thị về bản thể của Ngài. Những ai chỉ thấy sự nhân từ, thương xót và tha thứ của Chúa thì sẽ luôn khoan dung đối với những điều Chúa không chấp nhận. Còn người chỉ chăm chú vào sự nghiêm khắc của Chúa thì hành động với tinh thần của “kẻ cáo kiện anh em,” thay vì tinh thần cầu thay của Chúa.

Chúng ta không thể làm ‘tiên tri của ân điển’ hay ‘tiên tri phán xét,’ mà phải là tiên tri rao ra lời chứng của Đức Chúa Giêxu. Do mỗi khu vực địa dư đều bị nằm dưới ảnh hưởng và quyền lực của một hay nhiều tà thần, tà linh; tinh thần của các giáo phái, giáo hội hay nhà thờ trong các khu vực ấy bị ảnh hưởng từ nhiều đời tổ phụ mà các thế hệ hậu bối không biết. Ví dụ có nơi chỉ giảng về sự nhân từ của Chúa; nơi khác thì chú trọng vào sự phán xét nghiêm khắc của Ngài. Các vùng ấy cần được nghe đầy đủ hai phương diện của bản thể Đức Chúa Trời. Vì vậy, những ai tới giảng dạy hay nói tiên tri ở bất cứ vùng nào, đều phải nhạy bén nghe Đức Chúa Giêxu muốn nói gì cho địa phương ấy. Những bài giảng tổng quát về sự nhân từ hay nghiêm khắc của Chúa nếu bị giảng không đúng chỗ, sẽ mang lại tác dụng ngược, thay vì giúp ích cho con dân Chúa ở đó.

Khi sứ đồ Giăng được Đức Chúa Giêxu mặc khải để viết sách Khải Huyền, ông chép lại bảy lá thư gửi cho bảy Hội Thánh nằm quanh một khu vực nhỏ miền Tây xứ Tiểu Á cùng một thời kỳ lịch sử. Bảy thư ấy có bảy nội dung khác nhau. Điều nầy chứng tỏ rằng khi chúng ta cố gắng rao chỉ một sứ điệp cho toàn thể các Hội Thánh, thì chắc không có tâm trí thật của Đấng Christ. Các sứ điệp được trao cho Giăng khi ông được Đức Thánh Linh cảm hoá (Khải Huyền 1:10), chứ không phải lúc ông ghé thăm các Hội Thánh rồi phán xét các việc làm của họ. Các mục sư và giáo sư có thể nhận ra các nhu cầu và những điều thiếu sót cần được giảng dạy ở một Hội thánh nào đó qua sự quan sát tại chỗ. Tiên tri thì không hoạt động kiểu ấy. Để có thể nói ra một sứ điệp tiên tri thật chính xác cho một Hội Thánh, người tiên tri phải nhìn xem Chúa chứ không phải quan sát người ta. Tiên tri phải biết nhận ra tiếng của Đức Thánh Linh phán. Nếu chúng ta thật sự biết Chúa, sẽ nhận ra tiếng Ngài, bất kể Ngài phán bằng cách nào.

Không có một công thức nào hay là phương pháp hành động nào để trở thành tiên tri. Cây lê không cần cố gắng sanh trái lê, cây táo không cần cố gắng sinh ra trái táo. Nó sinh trái táo vì đặc tính của nó là cây táo. Vấn đề cần phải chú ý trong thánh vụ tiên tri không phải là cách mà mình sẽ hoạt động, nhưng là đang ở trong Đấng nào khi thi hành thánh vụ đó. Chúng ta có thể cầu xin và nhận được các ân tứ thuộc linh; nhưng việc có các ân tứ thuộc linh trong đời sống mình không có nghĩa là được Chúa ban cho một chức vụ trong Hội Thánh. Mong muốn có một thánh vụ là tốt và đúng, miễn đúng là nhằm phục vụ các mục đích của Chúa. Nếu trung tâm lòng sùng kính của chúng ta là Đức Chúa Giêxu, thì người đó rất gần với thánh vụ tiên tri thật, vì là “lời chứng của Đức Chúa Giêxu.” Chúa thì cảnh cáo: “Người nào nói theo ý mình thì tìm vinh quang cho riêng mình, còn ai tìm vinh quang cho Đấng đã sai mình là người chân thật, trong người ấy không có điều gì bất chính” (Giăng 7:18).

Đức Chúa Trời chỉ bày tỏ những điều bí mật cho các bạn hữu của Ngài, là những người Ngài rất tin cậy. Các Hội Thánh muốn có thánh vụ tiên tri, muốn Chúa dấy lên giữa vòng mình những người được Ngài ban cho ơn tiên tri, thì trước hết phải tạo một môi trường thuận lợi cho các tiên tri có thể hoạt động. Chúng ta phải học tập gương của những nơi đã đi trước chúng ta, đã có kinh nghiệm vận hành trong ơn tiên tri thật. Muốn như vậy thì những người lãnh đạo Hội Thánh phải có kế hoạch môn đệ hoá tất cả thành viên của Hội Thánh; nhận ra những người có các ân tứ đặc biệt để họ được huấn luyện kỹ lưỡng, giúp họ nhận ra lời kêu gọi của Chúa cho cá nhân họ trong thánh vụ nào mà Ngài muốn sử dụng họ. Khuyến khích và tạo điều kiện để những người đó được gần gũi đặc biệt với Chúa; giống như cha mẹ khôn ngoan chuẩn bị tương lai cho con mình, giúp đỡ chúng ngày càng tăng trưởng trong sự tự lập.

Lời Kinh Thánh dạy: “Chớ bỏ sự nhóm lại” (Hêbơrơ 10:25a), không phải chỉ nói về những giờ nhóm lại chung của Hội Thánh, nhưng còn nói về cách các phần khác nhau phải được ráp lại với nhau để Hội Thánh thành một tổng thể hoạt động nhịp nhàng, đầy đủ. Những người có ơn tiên tri phải học để biết cách ăn khớp và hoạt động chung với các phần còn lại của thân thể Đấng Christ. Đức Chúa Giêxu không phải chỉ là Tiên Tri; Ngài là Đấng Chăn Chiên, Nhà Truyền Giáo, Giáo Sư, và Sứ Đồ. Thánh vụ tiên tri của Ngài hoà hợp với những phương diện khác của thánh vụ của Ngài. Những người muốn bước đi trong thánh vụ tiên tri cũng phải biết ăn khớp với các thánh vụ khác trong thân thể Đấng Christ.

Khác với các tiên tri thời Cựu Ước, tiên tri đời Tân Ước chỉ là một phần của thân thể, nên họ phải hoà hợp với các phần khác trong thân hoạt động chung với nhau để có thể hoàn hảo. Trong Đấng Christ, không một thánh vụ nào độc lập đối với các thánh vụ khác. Lời chứng đầy đủ của Đức Chúa Giêxu Christ chỉ có thể được trình bày bởi tất cả các ân tứ và thánh vụ hoạt động như một thân. Các tiên tri Cựu Ước đã nói tiên tri về Đấng Christ sẽ đến; các tiên tri Tân Ước nói tiên tri trong Đức Chúa Giêxu, là một chi thể trong chính thân thể của Ngài. Lời tiên tri Tân Ước phải hoà hợp với sự khải thị đầy đủ của Thân Vị Ngài. Chỉ những bạn của Ngài mới làm được.

HieuBietOntienTri07.docx (Tài liệu tham khảo: The Prophetic Ministry, của Rick Joyner)

Rev. Dr. CTB