Sáng Thế Ký, bài 48

Sáng-thế-ký 46:1–34

Một lời tiên tri vô cùng quan trọng từ Đức Chúa Trời truyền cho Áp-ra-ham về dòng dõi của ông: “Con phải biết chắc rằng dòng dõi con sẽ làm kiều dân nơi đất khách, phải phục dịch cho dân bản xứ, và bị chúng áp bức trong bốn trăm năm. Nhưng Ta sẽ phán xét dân tộc đã bắt dòng dõi con phục dịch, và sau đó họ sẽ ra khỏi đất ấy với rất nhiều của cải” (Sáng-thế-ký 15:13–14).

Sự cho biết trước nầy chắc chắn được Áp-ra-ham truyền lại cho Y-sác, đứa con trai vô cùng yêu quý của ông; rồi Y-sác cũng thuật lại cho hai con trai của mình là Ê-sau và Gia-cốp biết.

Bây giờ, trong nỗi vui mừng lúc nghe tin Giô-sép còn sống ở Ai-cập, Gia-cốp vội vàng lên đường.

Nhưng rời bỏ xứ Ca-na-an, vùng đất Chúa hứa ban cho Áp-ra-ham làm sản nghiệp vĩnh viễn thì sao?

Chắc rằng Gia-cốp vẫn còn nhớ rõ những sự việc đã diễn ra trong gia tộc mình, việc ông nội, là Áp-ra-ham, nghiêm cấm không cho Y-sác rời khỏi vùng đất hứa (Sáng-thế-ký 24:8). Rồi Đức Chúa Trời cũng ngăn trở không cho Y-sác xuống Ai-cập khi trong vùng gặp nạn đói (26:2).

Nóng lòng muốn gặp lại đứa con trai yêu quý đã bị mất tích hơn hai chục năm trời, nhưng Gia-cốp phải suy nghĩ rất kỹ trước khi lập quyết định cho toàn gia tộc rời xứ Ca-na-an xuống lập nghiệp tại xứ Ai-cập.

Gia-cốp đi tới Beer-Sheba để cầu hỏi ý Chúa bằng cách “dâng sinh tế lên Đức Chúa Trời của Y-sác, cha mình” (1). Không ai muốn bị quy trách nhiệm đưa con cháu mình vào vòng nô lệ.

Đây là một bài học cho chúng ta thời nay suy gẫm. Bởi vì chúng ta thường lập quyết định về những việc, mình cho là hợp tình hợp lý, mà không cầu hỏi ý định hay chương trình của Đức Chúa Trời cho mình, hay gia đình mình, là thế nào.

Giống như Gia-cốp đã đi đến Beer-Sheba, nơi Áp-ra-ham và Y-sác đã lập bàn thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời (Sáng-thế-ký 21:33; 26:25), cũng là chỗ Y-sác nhận được lời hứa của Chúa; những sự tính toán chủ quan của chúng ta sẽ dẫn đến nhiều sự thiệt hại không đáng có, hay những tai họa mà lẽ ra chúng ta có thể tránh được, nếu chịu nhớ đến Chúa mà cầu hỏi ý Ngài.

Mọi con dân Chúa ngày nay cần phải nhớ lại mọi điều mình hứa nguyện với Chúa và những gì mình đã tạ ơn Chúa, vì Ngài từng ban cho mình, để có thể cầu hỏi sự chỉ dẫn của Chúa trước các quyết định quan trọng.

Việc Gia-cốp dâng sinh tế lên Đức Chúa Trời cũng là một lễ vật tạ ơn Ngài đã bảo tồn cả gia đình ông; đồng thời, Gia-cốp hết lòng tạ ơn Đức Chúa Trời về việc sẽ được gặp lại người con trai yêu quý của ông, là Giô-sép.

Ý nghĩa nầy là bài học thứ nhì cho chúng ta. Bởi vì lúc nỗi mừng rỡ đến quá bất ngờ, người ta bận rộn chuẩn bị đi tới một cuộc sống mới, không mấy người dành thì giờ nhớ đến ơn phước của Chúa mà dâng lên Ngài một lễ vật cảm tạ.

Mỗi con dân thật của Chúa đều đã từng trải qua một Beer-Sheba của mình. Nhưng rất ít người còn nhớ Beer Sheba của họ là gì, đã xảy ra ở đâu, hoặc như thế nào. Hãy cố gắng nhớ lại Beer Sheba của mình để biết ơn Chúa.

Ở Beer Sheba, Đức Chúa Trời gọi Gia-cốp trong khải tượng và phán hứa với ông rằng đừng sợ khi xuống Ai-cập. Vì tại đó Ngài sẽ làm cho ông thành một dân lớn. Chính Ngài sẽ xuống Ai-cập với ông và sẽ dẫn ông trở về. Nghĩa là dòng dõi ông sẽ được đem ra khỏi dất Ai-cập, vì ở đó Gia-cốp sẽ qua đời và được Giô-sép vuốt mắt mình (2–4).

Mặc dù ông đã chuẩn bị mọi việc sẵn sàng, nhận được lời hứa ấy Gia-cốp mới rời Beer-Sheba. Lần đi nầy, vợ con của các con trai Gia-cốp đều ngồi xe mà xuống Ai-cập (5–7). Còn những người đàn ông đều phải lo chăn dẫn các bầy súc vật của họ.

Tổng số bảy mươi người của gia đình Gia-cốp xuống Ai-cập chỉ tính các con trai, cháu trai và cháu gái, kể cả Giô-sép và hai con trai; những bà vợ của các người đàn ông trong gia đình không được tính vào (8–27).

Một số học giả Kinh-thánh người Tây-phương vẫn quen thuộc với ý niệm gia đình chỉ là một vợ một chồng; họ cũng có định kiến rằng đàn ông chỉ có thể cưới vợ và sinh con khi đã ba mươi tuổi trở lên. Vì vậy, khi cần phải giải nghĩa khúc Kinh-thánh ghi chép về gia đình của các con và cháu của Gia-cốp, thì họ bối rối đặt nhiều nghi vấn.

Nếu người đọc nhớ lại chuyện Giu-đa và cô dâu Tama, thì biết rằng các con của Gia-cốp đều lập gia đình rất sớm. Cho nên, đến ngày cả gia tộc Gia-cốp xuống sống ở Ai-cập, thì Giu-đa đã có hai cháu nội là Hezron và Hamul (12).

Hãy để ý là lúc ấy Benjamin đã có mười con trai (21), khi ông mới được ba mươi mốt tuổi. Nghĩa là các con trai của Gia-cốp đều cưới vợ lúc còn trẻ và sinh nhiều con.

Tuy thế, từ khi Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham là sẽ làm cho ông thành một dân lớn (Sáng-thế 12:2), cho tới ngày toàn gia đình của Gia-cốp sáu mươi bảy người xuống Ai-cập, thì thời gian đã là hai trăm mười lăm năm rồi.

Khi nhắc đến Rachel, Kinh-thánh ghi là “vợ Gia-cốp” (19), bởi vì bà là người Gia-cốp chọn làm vợ; còn ba người kia mặc dù cũng là vợ và sinh con cho Gia-cốp, nhưng không được gọi là vợ như Rachel.

Tuy Rachel được Gia-cốp sủng ái vô cùng, các con của bà vẫn không được xếp phía trước những người con ít được yêu thương hơn.

Cộng lại thì Lê-a có sáu con trai, một con gái, hai mươi ba cháu nội, và hai chắt. Zilpah, nữ tì của Lê-a, có hai trai, một gái, mười một cháu nội, và hai chắt (18). Bilhah, nữ tì của Rachel có hai con trai và năm cháu nội (25).

Giu-đa được Gia-cốp sai “đi trước gặp Giô-sép để Giô-sép dẫn đường vào Gô-sen” (28). Sau nầy, khi dân Do-thái ra khỏi Ai-cập trên đường trở về Đất Hứa, thì chi tộc Giu-đa vẫn giữ nhiệm vụ đoàn quân tiên phong mỗi khi toàn dân di chuyển hoặc tiến ra chiến trận (Dân-số 10:14; Quan xét 1:1–2).

Sở dĩ Giu-đa được chọn vì ý nghĩa tên Giu-đa là “ca ngợi” (Sáng-thế 29:35); mà theo nguyên tắc của cõi thiên đàng, thì ‘ca ngợi’ hay ‘ngợi khen’ Đức Chúa Trời là bí quyết chiến thắng trong mọi cuộc giao tranh với kẻ thù (2Sử-ký 20:20–22).

Sự lựa chọn của Gia-cốp có ý nghĩa tiên tri cho mọi đời sau của Israel; vì vậy, Giu-đa vâng lệnh cha lên đường đi trước đến gặp Giô-sép.

Giô-sép đã chuẩn bị sẵn xe và lên Gô-sen đón Israel” (29). Cả hai cha con đều mong đợi tới ngày tái ngộ: “Vừa thấy cha, ông ôm choàng lấy cha mà khóc một hồi lâu.” Niềm vui tái ngộ sau hơn hai mươi năm xa cách thật là vô cùng cảm động.

Khi người ta quá buồn hay quá vui đều có sự xúc động mãnh liệt trong tâm hồn. Trong ngày trùng phùng nầy, có lẽ Gia-cốp được niềm vui tràn ngập hơn mọi người khác, Giô-sép tưởng đã chết, nay vẫn còn sống vinh quang: “Israel nói với Giô-sép rằng: ‘Bây giờ cha có chết cũng được, vì cha đã thấy được mặt con và biết con vẫn còn sống’” (30).

Đoạn kết của chuyện dài quá khổ đau là niềm hạnh phúc vô bờ: Gia-cốp được thấy Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài cho ông. Ngài chẳng bao giờ thất tín.

Giô-sép không sắp đặt cho cha và các anh em mình ở thung lũng sông Nile, mà ở xứ Gô-sen, một vùng đất cao hơn và ở gần xứ Ca-na-an hơn.

Giô-sép làm tể tướng ở xứ Ai-cập đã được chín năm, cộng với thời gian làm nô lệ và ở tù mười ba năm; cho nên, ông biết những sự khác biệt và thậm chí là các thói tục xung khắc giữa người Ai-cập và gia đình người Hê-bơ-rơ của cha ông.

Vì lý do đó, ông chọn xứ Gô-sen để gia tộc của Gia-cốp có thể sống riêng biệt, không hoà lẫn với người Ai-cập, là một dân tộc thờ hình tượng.

Hai dân tộc nầy có những điều tin tưởng và cách sống rất xung khắc với nhau. Đối với người Hê-bơ-rơ của gia tộc Israel đang kính thờ một Đức Chúa Trời chân thật, thì các tục lệ dị đoan mê tín, cùng sự thờ lạy hình tượng của người Ai-cập, là điều họ rất gớm ghét và ghê tởm.

Trong khi đó, người Ai-cập thì tởm lợm mọi người làm nghề chăn gia súc. Thành kiến nầy được dân Ai-cập bày tỏ công khai, không giấu giếm, vì nó xuất phát từ ác cảm về tôn giáo.

Theo truyền thuyết kể lại (từ sử gia Herodotus) thì khoảng 18 thế kỷ trước Công Nguyên, thì Hyksos, các vua chăn gia súc cai trị miền Nam Ai cập, có tôn giáo khác hẳn với người Ai-cập và đối xử vô lễ với họ. Hơn nữa, các ông vua ấy quen lối sống man rợ; cho nên, người làm nghề chăn nuôi bị người Ai-cập ghê tởm.

Vì biết rõ thói tục của người Ai-cập, Giô-sép dặn dò cha và các anh em cách tâu gửi với Pha -ra-ôn, khi được vua mời vào gặp và nói chuyện. Mục đích lời dặn dò của Giô-sép là “để anh em có thể ở lại đất Gô-sen, vì dân Ai-cập hay ghê tởm những người chăn chiên” (31–34).

SangTheKy48.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký