Nên Lập Gia Đình hay Ở Độc Thân?

1Côrinhtô 7:25–40

Sứ đồ Phaolô đề cập trở lại vấn đề hôn nhân của tín hữu và nói rằng: “Về những người đồng trinh, tôi không nhận được mệnh lệnh Chúa truyền dạy, nhưng là một người được tín nhiệm vì Chúa thương xót, tôi cho ý kiến” (25).  Nghĩa là vì ông đã cư xử cách trung thành với Chúa; cho nên, sự chỉ dẫn của ông có thể được xem như luật của Chúa. Một số vấn đề trong đời sống chúng ta ngày nay tuy không tìm được mệnh lệnh rõ ràng nào trong Kinh Thánh, nhưng các lời khuyên của những đầy tớ hầu việc Chúa cách trung thành, có dấu hiệu rõ ràng về sự đầy dẫy Đức Thánh Linh trong thánh vụ, được soi sáng cách đặc biệt, chưa hoặc ít có những lời dạy sai trật nặng nề về thần học, hoặc ít dốt nát về tri thức phổ thông, không có dấu hiệu khoe khoang kiêu căng, thì những lời khuyên ấy có thể được dùng như sự hướng dẫn mà tín hữu có thể tin cậy được.

“Tình hình khó khăn hiện nay” (26), nghĩa là vào thời điểm thư 1Côrinhtô được viết thì Hội Thánh đang bị bách hại từ nhiều kẻ thù.  Hơn nữa, người ta tin rằng Chúa sẽ nhanh chóng trở lại tiếp rước Hội Thánh (“thì giờ ngắn ngủi” 29); vì thế, Phaolô khuyên những ai đang độc thân nên cứ sống như vậy để hầu việc Chúa và tránh được những khó khăn của đời sống hôn nhân. Nhưng qua câu kế tiếp “Ai đã có vợ, đừng tìm cách thoát ly; còn ai chưa lập gia đình, đừng lo lấy vợ”27, thì người ta có thể hiểu câu “cứ ở vậy” theo hai nghĩa: 1) Cứ giữ tình trạng độc thân; 2) Đang ở tình trạng hôn nhân nào thì cứ giữ như vậy.  Điểm đặc biệt cần phải chú ý ở đây là lời khuyên ấy chủ yếu dành cho nam giới.  Vào thời đó chưa phụ nữ nào được phép giảng dạy (1Timôthê 2:12).

Phaolô cũng nói rõ rằng: “Người nam lấy vợ, trinh nữ lấy chồng chẳng có tội gì” (28). Người ta thường hay bảo thủ về các quan điểm của họ; vì thế, họ thường lên án những ai không hành xử giống như mình.  Chúa đã ban cho Phaolô sự hiểu biết thuộc linh sâu nhiệm nên ông có thể đưa ra những chỉ dẫn cho Hội Thánh chung ở mọi nơi.  Các giáo huấn ấy thường phản ảnh phong tục Dothái thời Cựu Ước liên quan tới vai trò hậu trường của nữ giới không được cầm quyền trên đàn ông.  Phaolô xác định là việc hôn nhân tự nó không phải là tội lỗi.  Sở dĩ ông khuyên nam giới nên sống độc thân vào một thời kỳ Hội Thánh đang bị bách hại để tránh những khó khăn mà một người có vợ con phải gánh vác.  Ông không gán cái ách chủ nghĩa độc thân trên tín hữu, ông chỉ muốn họ không “gặp khó khăn trong đời sống, nên tôi mong anh em khỏi khó khăn” (28).

Kế đến Phaolô đưa ra vài luật lệ tổng quát cho tín hữu biết cách hành xử thanh khiết đối với thế giới chung quanh: 1) Ông dùng trường hợp “người có vợ hãy như người không có” để nói về các mối liên hệ (29).  Không có nghĩa là phải bỏ vợ, nhưng là đừng đặt toàn tâm trí mình vào các sự thoải mái của mối liên hệ vợ chồng.  Sở dĩ nên xem như mình không có, vì không ai biết ngày nào sự êm ấm đó mất đi.  Vì thế lời khuyên nầy cũng được áp dụng cho mọi mối liên hệ khác, ví dụ như đối với con cái, cha mẹ, thân thuộc, vv, để không bị bất ngờ.  2) Về sự hoạn nạn trong đời thì đừng quá thất vọng về sự sầu khổ nào của mình, hoặc những đau khổ của thế gian, nhưng giữ vững niềm vui thánh khiết của Đức Chúa Trời. Vì “than khóc có thể kéo dài trong đêm, nhưng vui mừng khi rạng đông ló dạng” (Thi thiên 30:5b).  Viễn cảnh thiên đàng sẽ giảm nhẹ sầu đau.

3) Về niềm vui trần thế (30) thì cảnh giác để khỏi trở nên mãn nguyện với những điều ấm êm mình đang có, “người vui mừng như người không mừng.” Trần gian không phải là quê hương mà chúng ta sẽ yên nghỉ; cho nên, đừng nên đặt sự hài lòng mình vào đó. 4) “Người mua sắm (nên) như người chẳng có gì.” Những người được thịnh vượng qua nghề buôn bán, gia tăng sự giàu có, sở hữu nhiều nhà cửa, thì hãy nên xem như mình không có những của cải ấy, vì nó không vững bền như người ta tưởng: “Vì khi con chớp mắt nhìn sự giàu sang, thì nó đã bay mất rồi; nó thình lình mọc cánh bay bổng lên trời như chim ưng” (Châm Ngôn 23:5).  Những ai quá chăm chú vào sự mua sắm và sở hữu của cải, thì những điều đó sẽ ngăn trở tâm trí họ thấy những điều quý báu bội phần hơn; giống như người ham đi mua bò bị lỡ buổi tiệc trọng thể của nhà vua (Luca 14:18–19).  5) Sự lạm dụng của cải: “Người hưởng của cải thế gian nên như người không hưởng”(31). Chúng ta có thể sử dụng của cải nhưng đừng lạm dụng nó.  Dùng tiền bạc mà không vâng phục Chúa, thì nó sẽ khơi dậy dục vọng xấu xa khi chúng ta chỉ quan tâm tới vật chất của thế gian.

Có hai lý do mà Phaolô đưa ra những chỉ dẫn đặc biệt nầy: a) “Thì giờ ngắn ngủi”(29); dù cho ngày trở lại của Chúa còn lâu dài, nhưng các ngày của chúng ta trên đất chỉ như hơi thở thổi qua, thời gian tìm cách sở hữu và vui hưởng những điều mình sở hữu thật là quá ngắn.  Không ai biết mình sẽ sống được bao lâu; chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho cõi đời đời, là nơi mình sẽ ở đó vĩnh viễn; tại sao đặt lòng mình vào những điều mình sẽ phải sớm buông ra khi tắt hơi? b)“Vì hình thái thế gian nầy đang qua đi” (31).  Vô số điều, người, sự việc, cảnh quan, danh tiếng trước đây không lâu, giờ đã không còn nữa và đi dần vào quên lãng.  Văn chương Việt và Hoa thường nhắc điển tích “thương hải tang điền” để nói về sự biến đổi không ngừng của cảnh quan thế giới quanh chúng ta.  “Thật vậy, mỗi người bước đi như chiếc bóng. Phải, người ta bôn ba chẳng qua như hơi thở. Người chất chứa của cải, nhưng không biết ai sẽ thừa hưởng” (Thi Thiên 39:6).

Các câu 32–35 nêu ra các lợi ích của người độc thân và các bất tiện của người đã lập gia đình trong sự chuyên tâm hầu việc Chúa.  Việc tinh thần bị chi phối đang khi thờ phượng và phục vụ Chúa là tội lỗi, bởi sự lo lắng khiến tâm trí không thể tĩnh lặng tập trung sự chú ý, trở thành bất cẩn trong lúc thờ phượng.  Thờ phượng là cả thân hồn linh đều tham dự, nhưng nếu tâm trí thiếu ổn định vì những lo lắng thuộc đời nầy, thì phần hồn không thể tham dự thờ phượng được.  Thời ấy tại Côrinhtô, không phải tín hữu nào cũng cưới người trong Chúa.  Một số kết hôn với người ngoại đạo, cho nên người tín hữu vừa thờ phượng hay phục vụ Chúa, vừa lo lắng cho chồng hay vợ không có mặt ở đó.  Vì thế, Phaolô nói “tôi muốn anh em không phải lo lắng gì” (32).  Chúng ta càng ít lo toan chừng nào thì có nhiều tự do phục vụ Chúa chừng đó (33–34).  Độc thân không có nghĩa là thanh sạch hoặc thánh khiết hơn đời sống hôn nhân, nó chỉ giúp cho việc phục vụ và thờ phượng Chúa ít bị chi phối hơn mà thôi.  Nếu việc sống độc thân làm cho tín hữu bị chi phối nhiều hơn, và điều đó thường xảy ra, thì lập gia đình là tốt hơn sống độc thân (35).

Phần còn lại liên quan đến phong tục và quyền hạn của người cha trong gia đình vào thời sơ lập của Hội Thánh.  Phong tục ở vùng đó của thế giới thời bấy giờ cho rằng con gái còn độc thân lúc đã quá lứa là một điều sỉ nhục, bị nghi ngờ về phẩm hạnh.  Nhưng phận con gái còn do quyết định của người cha có gả chồng hay không.  Nếu có người cha nào “xử không phải lẽ với con gái đồng trinh của mình” (36), thì bây giờ gả con sẽ “không tội lỗi gì.” Còn nếu người cha nào không muốn con mình lấy chồng, và người con bằng lòng, thì cứ giữ nguyên ý định (37). Việc làm đúng và đúng hơn mà Phaolô nói ở đây liên quan tới các lập luận của ông ở phần trước về lợi ích của việc sống độc thân để phục vụ và thờ phượng Chúa, và không có gì sai hay tội lỗi trong sự cưới vợ gả chồng của những người đang ở độc thân (38).

Về phần những người đàn bà goá chồng thì Phaolô cũng đưa ra những lời chỉ dẫn là họ được “tái giá với ai tuỳ ý, miễn là trong Chúa” (39).  Trước khi tin Chúa thì những người đàn bà có thể kết hôn với bất cứ ai, nhưng sau khi đã tin Chúa rồi, thì họ chỉ được kết hôn với tín hữu mà thôi.  Cũng cần nên biết là luật của Chúa không giới hạn số lần kết hôn của tín hữu. Tín hữu goá chồng hay goá vợ, tái giá, hay tục huyền, thì không có gì sai.  Phaolô thì nghĩ rằng nếu tín hữu bị goá có thể giữ mình không bị tình dục hoặc lửa tình un đốt, thì nên cứ sống độc thân để được hạnh phúc hơn trong việc thờ phượng và hầu việc Chúa.  Nhưng, nếu tín hữu goá cần phải có người bạn đời để yêu thương, nương tựa thì vẫn có thể kết hôn với một tín hữu khác cách chính đáng.  Lời của người có Đức Thánh Linh chỉ dẫn, và đã được chứng minh, xác nhận qua thánh vụ, thì là những lời mà tín hữu có thể tin cậy rằng Chúa đã bày tỏ ý muốn của Ngài qua những lời ấy.

1Corinhto12.docx

Rev. Dr. CTB