Những Điều Cần Được Chấn Chỉnh

1Côrinhtô 11:1–16

Ở Hội Thánh Côrinhtô cũng có những điều sai trật và lộn xộn cần phải được chấn chỉnh, do cách hành xử của tín hữu ở đó không theo lề thói và phong tục chung của Hội Thánh vào thời ấy. Chẳng những Phaolô không giảng về những giáo lý suông, đời sống ông còn là gương mẫu cho họ noi theo (1).  Ông khuyên họ hãy bắt chước những gì họ thấy nơi ông.  Người giảng đạo là phải như vậy, để tín hữu có một gương sáng mà làm theo.  Nhưng không phải họ theo một cách mù quáng; họ phải theo những gì mà ông làm theo Đấng Christ. Chúng ta không thể mù quáng đi theo một người lãnh đạo không chịu theo gương Đấng Christ, mà phải nhờ Lời Chúa nhận ra loại người như thế và xa lánh họ, không chịu ảnh hưởng bởi sự hướng dẫn sai trật của họ.

Trước tiên Phaolô khen những người đã vâng lời làm theo những điều ông đã truyền dạy (2).  Tuy vậy, ông cần phải chỉ cho một số trong họ thấy trật tự mà Chúa đã xếp đặt: “Đấng Christ là đầu của mọi người nam, người nam là đầu người nữ, và Đức Chúa Trời là đầu Đấng Christ” (3).  Lời khen của ông đi trước lời trách để tín hữu ở Côrinhtô thấy rằng không phải vì ông có ý ghét bỏ gì họ mà ông quở trách.  Vì Đấng Christ là một Con Người vinh quang làm Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, nên Ngài là đầu của cả nhân loại.  Như Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ, và Đấng Christ là đầu của nhân loại, nên người đàn ông đứng đầu của hai giới nam nữ.  Sự làm đầu của người nam trên người nữ không phải như quyền Chủ Tể của Đức Chúa Giêxu Christ trên nhân loại, mà là quyền lãnh đạo.  Vì vậy người nữ phải biết phục tùng và đừng tìm cách lật đổ địa vị của người nam.

Có lẽ ở Hội Thánh Côrinhtô đã xảy ra việc nữ giới phạm lỗi lúc cầu nguyện hay nói tiên tri giữa hội chúng khi được cảm ứng (5).  Quy định của các sứ đồ là “phụ nữ phải im lặng trong các buổi họp” (14:34; 1Tim.2:12).  Một số người suy diễn rằng đó là lệnh cấm tuyệt đối, đến nỗi nếu phái nữ được Chúa cảm ứng cũng không được nói ra.  Tuy nhiên, phụ nữ dù không được tự đứng lên dạy dỗ, chất vấn hay tranh luận điều chi trong Hội Thánh, nhưng khi được Chúa cảm ứng thì họ có quyền tự do để truyền đạt lại.  Hoặc dù họ không được phép giảng, nhưng họ có quyền cầu nguyện hay hát khi được cảm ứng ngay trong buổi nhóm chung.  Tinh thần thờ phượng đó không có ý chiếm quyền cai trị trên người nam.  Ý nghĩa rõ ràng của câu 5 là Phaolô không cấm cản chi về việc vừa nêu.  Ông chỉ quở trách nữ giới không chịu dùng khăn trùm đầu khi cầu nguyện hoặc nói tiên tri trong Hội Thánh, hoặc nam giới khi làm các việc đó lại dùng khăn trùm đầu.  Nghĩa là không phải chỉ chú trọng vào việc tốt phải làm, nhưng còn phải làm sao cho đúng cách (4–5).

Lý do mà ông dùng để quở trách là “Nếu người nam trùm đầu khi cầu nguyện hay nói tiên tri là làm nhục đầu mình” (4), tức là làm nhục Đấng Christ, vì Ngài là đầu của mọi người nam. Việc người nam trùm đầu thì không xứng hợp với địa vị mà Chúa đã đặt.  Trong vấn đề ăn mặc, chúng ta nên cẩn thận để không làm nhục Đấng Christ. Phái nữ cần phải giữ vị trí mà Chúa đặt cho phái mình để không làm nhục đầu mình, tức là không tôn kính Đức Chúa Trời.  Vì người nữ do người nam mà có, được dựng nên cho người nam, và là sự vinh hiển của người nam, thì đừng làm điều gì nhằm đảo lộn trật tự đó. Một lý do quở trách nữa là vì: “Người nam là hình ảnh và vinh quang của Đức Chúa Trời” (7). Người nam được dựng nên để quản trị tạo vật cõi thế gian, cho nên anh ta mang hình ảnh của Đức Chúa Trời.  Người nữ là sự vinh hiển của người nam, nên họ đại diện cho người nam.  Người nữ cắt tóc, cạo đầu, là hành động muốn trở thành giới khác.  Nhưng nếu không có ý muốn đó, thì khi cầu nguyện hay nói tiên tri họ phải trùm đầu theo phong tục của thời bấy giờ (6).

Nam giới được dựng nên trước nữ giới (8), và nữ giới được dựng nên vì người nam để giúp đỡ, yêu thương và an ủi chồng mình (9), vì thế vợ phải phục tùng chồng; nhất là trước mặt công chúng.  “Vì lý do đó và vì có các thiên sứ, người nữ phải có dấu hiệu uy quyền của chồng trên đầu” (10).  Cái khăn trùm là dấu hiệu uy quyền, không phải là người vợ có uy quyền, bèn là uy quyền của chồng trên đầu mình.  Sáng Thế 24:65 kể rằng khi Rêbecca thấy chồng của mình lần đầu tiên, bà lấy khăn trùm đầu lại để chứng tỏ sự phục tùng theo phong tục Đông-phương. Như thế, nữ giới dự buổi nhóm họp phải trùm đầu khi được cảm ứng cầu nguyện hay nói tiên tri như phong tục đòi hỏi.  Một số người giải nghĩa rằng “vì có các thiên sứ” ở đây nói về các thiên sứ ác theo sự tích bà Êva bị thiên sứ ác lừa dối trước tiên mà phạm tội (1Timôthê 2:14).  Vì các thiên sứ ác đó vẫn len lỏi vào các buổi nhóm của Hội Thánh, nên nữ giới cần phải có khăn trùm đầu chứng tỏ mình phục tùng uy quyền của người nam để không bị cám dỗ phạm tội đòi làm lớn.

Người khác thì cho rằng câu “vì có các thiên sứ” nói về các thiên sứ thiện, mà tín hữu và tín đồ Dothái giáo đều tin rằng họ có mặt trong các buổi nhóm thờ phượng Đức Chúa Trời để kềm chế những việc không đoan chính trong sự thờ phượng Chúa.  Chúng ta suy nghĩ về cả hai, hầu cho hành động thờ phượng của chúng ta chứng tỏ được sự thánh khiết và kỉnh kiền đối với Chúa, hài lòng về vị trí mà Chúa đã đặt chúng ta vào.

Tuy vậy, để tránh sự suy diễn quá xa của một số người có thể xảy ra, Phaolô đưa ra lời thận trọng xác nhận rằng: “Tuy nhiên trong Chúa, người nữ không thể sống độc lập với người nam, người nam cũng không độc lập với người nữ.  Vì nếu người nữ ra từ người nam, người nam cũng được sinh ra do người nữ, tất cả đều ra từ Đức Chúa Trời” (11–12).  Chúa phán về A-đam rằng “Loài người ở một mình thì không tốt” (Sáng 2:18).  Vì thế người đàn bà mới được dựng nên cho người nam.  Người nam được định sẽ an ủi, giúp đỡ, và bảo vệ người vợ.  Nam và nữ được dựng nên cho nhau.  Họ được định làm nguồn hạnh phúc và an ủi lẫn nhau; không phải một người làm nô lệ còn người kia thì độc tài, vì “cả hai sẽ nên một thịt” (Sáng 2:24).  Họ luôn luôn cần nhau để sinh sản con cái, lưu truyền  nòi giống cho các thế hệ mai sau.  Như người nữ được thành hình từ người nam, người nam từ đó được sinh ra bởi người nữ, tất cả đều do sự khôn ngoan thần thượng của Đấng Tạo Hoá đã chỉ định. Quyền hạn và và sự phục tùng giữa vợ chồng không thể vượt quá sự hoà hợp của hai người có mối liên hệ kết hợp gần gũi như vậy.  Ý muốn của Đức Chúa Trời là người vợ biết vị trí của mình, và người chồng không lạm dụng quyền mình được.

Phaolô củng cố luận điểm của mình bằng cách nói về lẽ tự nhiên của đầu tóc con người. Ông nêu lên sự khác nhau giữa hai phái và nhu cầu phải giữ sự khác nhau giữa hai phái là đúng (13–14).  Sự khác nhau tự nhiên đó đã được giữ qua mọi nền văn minh của nhân loại.  Vào thời Lamã đế quốc, đàn ông cắt tóc ngắn chứ không để kiểu tóc chấm vai như nhiều hoạ sĩ suy diễn sai lạc về hình ảnh Đức Chúa Giêxu.  Người ta quan sát các tượng những hoàng đế Lamã thì thấy không ai để tóc dài quá gáy.  Vì “lẽ tự nhiên không dạy anh em rằng người nam để tóc dài là điều xấu hổ hay sao” (14).

Bộ tóc dài của người đàn bà là cái khăn trùm tự nhiên trên đầu họ; bộ tóc dài của đàn bà là vinh quang (niềm vinh hạnh) của họ (15). Bộ tóc dài óng ả của phụ nữ vẫn thường xuyên là niềm vinh dự của họ qua suốt lịch sử loài người. ‘Vì Chúa cho người nữ mái tóc dài làm khăn che đầu’ (15).  Ngược lại, nếu đàn ông để tóc dài là dấu hiệu của sự yếu đuối, uỷ mị và nữ tánh.  Chúng ta cần phải lưu tâm rằng, trong các buổi nhóm họp của con cái Chúa và tôn giáo, đừng phá các luật về sự đoan chính tự nhiên của thiên nhiên sinh ra.

Phaolô đề cập đến những người thích tranh luận về vấn đề phong tục tập quán của Hội Thánh theo ý kiến của họ.  Bất cứ thời nào cũng có những người tự cho mình là khôn ngoan, tự lập làm thầy dạy người khác.  Hễ có tranh luận là có chia rẽ, bất mãn và vô số lộn lạo.  Giacơ 3:16 chép: “Vì nơi nào có sự ghen tương [tranh cạnh], ích kỷ, nơi đó rối loạn và đủ mọi việc ác.” Vì thế không tranh cãi và “các Hội Thánh của Đức Chúa Trời không có thói quen nào khác.” (16).

1Corinhto17.docx

Rev. Dr. CTB