Sử Dụng Ân Tứ Nói Tiên Tri và Nói Tiếng Lạ

1Côrinhtô 14:1–25

Trong phần trước, Phaolô giải thích sự cao cả của tình yêu nhân ái vượt trỗi hơn mọi thứ ân tứ siêu nhiên. Ông khích lệ mọi tín hữu hãy theo đuổi tình yêu thương, nghĩa là đạt cho được thiên hướng tuyệt diệu nầy vào lòng, dù phải trả giá bằng những sự đau đớn, hay thời gian để cầu nguyện; có thể bị thất bại bất cứ ơn nào khác, nhưng đừng lỡ mất ân điển nầy, vì nó là ơn chính yếu, đáng đạt cho được bằng mọi giá. Tuy vậy, cũng hãy “tha thiết ước ao các ân tứ thuộc linh, nhất là được nói tiên tri” (1). Phaolô chỉ dẫn tín hữu Côrinhtô nên khao khát ân tứ thuộc linh nào trên căn bản nguyên tắc của tình yêu thương; ân tứ đó là ơn “nói tiên tri.” Như đã được giải thích ở đoạn 12, ơn nói tiên tri có 2 nghĩa: a) nghĩa đen là khả năng nói trước về những việc sẽ diễn ra. b) nghĩa bóng là khả năng giải nghĩa Kinh Thánh bởi ơn soi sáng đặc biệt của Đức Thánh Linh.

Tại sao nên chuộng ơn nói tiên tri hơn các ân tứ khác? Cần để ý là ở chỗ nầy Phaolô so sánh ơn tiên tri với ơn tiếng lạ (2). Có vẻ như tín hữu ở Côrinhtô rất tự hào về ân tứ tiếng lạ vì coi bộ dễ phô diễn hơn là được soi sáng để giải nghĩa Kinh Thánh; hợp với tánh thích hãnh diện hơn là theo đuổi các mục đích của tình yêu thương Cơ-đốc. Ân tứ tiếng lạ không có khả năng gây dựng hay làm ích lợi cho linh hồn người khác. Bởi vì, “người nói tiếng lạ … là nói với Đức Chúa Trời, vì không ai hiểu được” (2). Lời không ai hiểu thì không thể gây dựng. “Còn ai nói tiên tri là nói với người nhằm mục đích gây dựng, khích lệ và an ủi. Người nói tiếng lạ gây dựng chính mình, nhưng người nói tiên tri xây dựng Hội Thánh” (3–4). Hai hiệu quả của hai ân tứ khác nhau rất xa, và ơn nói tiên tri là tốt nhất và thích hợp nhất với các mục đích của tình yêu thương, cũng như có lợi nhất cho người nói lẫn người nghe. Vì nói tiên tri hoặc là nói trước những việc sẽ đến hay bởi ơn soi sáng siêu nhiên mà giải nghĩa Lời Chúa trong Kinh Thánh cho cả Hội Thánh nghe.

Không ân tứ nào là đáng bị bỏ cả, nhưng ân tứ tốt nhất là đáng chuộng hơn: “Tôi muốn tất cả anh em đều nói tiếng lạ, nhưng điều tôi muốn hơn nữa là anh em nói tiên tri” (5). Mọi ân tứ đều từ Đức Chúa Trời ban cho và được dùng cho vinh quang Ngài; vì thế tín hữu tiếp nhận ân tứ với lòng biết ơn. Nhưng ân tứ quý nhất là ân tứ có ích lợi hay hữu dụng nhất. Vì thế, “người nói tiên tri quan trọng hơn người nói tiếng lạ (trừ khi người ấy thông giải để Hội Thánh được gây dựng)” (5). Nói tiên tri dù theo nghĩa nào cũng tốt, vì người nói tiên tri tìm cách làm ích lợi cho kẻ khác thay vì tìm cách thu hút sự chú ý hay ngưỡng mộ từ người khác. Người nói tiếng lạ hoạt động ở một tầm rất nhỏ, trong khi người nói tiên tri thì ích lợi cho nhiều người ở tầm rộng hơn.

Phô diễn một thứ tiếng không ai hiểu, và nói không rõ ràng là điều vô bổ (6). Mọi sự khải thị, soi sáng mới đều vô ích khi người nghe không hiểu gì hết. Giống như các nhạc cụ nếu chỉ phát ra được một âm thanh mà thôi, thì không ai biết nhạc cụ ấy muốn gẩy bản nhạc nào (7). Nếu cái kèn thúc quân chỉ phát một âm toe toe vu vơ, thì quân sĩ không biết lúc nào phải xung trận (8); thay vì tấn công trở thành rút lui bỏ chạy. Sự phát âm tiếng lạ thường là không rõ ràng, cho nên chẳng ai biết người nói ấy muốn gì (9), vì thế đối với người nghe mà không hiều thì chỉ là nói vu vơ hay là tiếng của các thứ rợ (11). Hễ là ngôn ngữ thì phải có nghĩa (10). Một số anh chị em rất khát khao được báp têm bằng Đức Thánh Linh; cho nên vẫn chờ đợi được ban cho ơn nói tiếng lạ, vì được nghe giảng rằng tiếng lạ là bằng chứng đầu tiên của sự báp têm bằng Đức Thánh Linh. Sự mong mỏi ấy tự nó không có gì sai. Tuy nhiên, không bản văn nào của Kinh Thánh nói rằng khi được báp têm bằng Đức Thánh Linh thì dấu hiệu đầu tiên sẽ là nói tiếng lạ (Công vụ 1:8). Nhưng có nói rõ là khi Đức Chúa Trời tuôn đổ Thần của Ngài trên loài người, thì người ta sẽ “nói tiên tri, thấy khải tượng, và thấy chiêm bao” (Công vụ 2:17).

Phaolô khuyên: “vì đã thiết tha mong ước ân tứ Thánh Linh, anh em hãy tìm cầu cho được dư dật để xây dựng Hội Thánh. Người nào nói tiếng lạ, hãy cầu xin cho được thông giải” (12–13). Chúa ban cho chúng ta ân tứ là để xây dựng Hội Thánh và gây dựng chính mình. Sự ước ao đẹp lòng Chúa là mong ước được Ngài ban cho ân tứ và năng lực, để chúng ta sử dụng các ân tứ Ngài đã ban làm ích lợi cho sự gây dựng Hội Thánh. Ân tứ nói tiếng lạ với thông giải tiếng lạ thì khác hẳn nhau. Tiếng lạ chỉ gây dựng cho bản thân người nói, còn thông giải tiếng ấy thì ích lợi cho cả Hội Thánh. Tìm cầu ơn thông giải tiếng lạ là “tìm cầu cho được dư dật” vậy (12). Lý do tiếng lạ không ích lợi bao nhiêu là vì “nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ, tâm linh tôi cầu nguyện, nhưng tâm trí tôi không tham dự,” vì tôi không hiểu tôi đang nói cái chi (14).

Để giải quyết sự bất tiện ấy, “tôi sẽ cầu nguyện trong tâm linh và cũng cầu nguyện bằng tâm trí, tôi ca hát trong tâm linh và cũng ca hát bằng tâm trí” (15). Nghĩa là nếu cầu nguyện hoặc hát giữa hội chúng thì không thốt ra những lời không ai nghe rõ hoặc hiểu chi được, mà chỉ dùng lời rõ ràng mọi người nghe có thể hiểu mà thôi; còn nếu cầu nguyện hay hát bằng tiếng lạ thì chỉ nên thực hành ở chỗ riêng tư giữa mình với Chúa. Lý do phải làm như thế là vì “nếu anh em chỉ ca ngợi trong tâm linh, và nếu có người không hiểu, làm sao họ nói ‘A-men’ khi anh em dâng lời chúc tạ, vì họ đâu biết anh em nói gì? Lời chúc ta của anh em tốt thật, nhưng không gây dựng cho người khác” (16–17). Nhiệt tâm thờ phượng của hội chúng sẽ bị hạ xuống khi một số người thốt ra những lời không ai hiểu mà không có sự thông giải. A-men nghĩa là đồng lòng xin Chúa ban cho việc chúng con đang khẩn cầu. Tiếng a-men thầm lặng không ích lợi bằng lời a-men lớn tiếng của toàn hội chúng. Hội Thánh thời ấy luôn luôn nói a-men lớn tiếng để tỏ sự đồng lòng.

Phaolô phê phán việc dùng tiếng lạ cách sai trật không phải vì ông thua kém người Côrinhtô, nhưng ông “cảm tạ Đức Chúa Trời vì ông nói tiếng lạ nhiều hơn tất cả” tín hữu ở đó (18). Ông hạ giảm tầm quan trọng của ân tứ mà họ hãnh diện, để họ thấy sự tương phản của ích lợi nói tiên tri so với tiếng lạ; vì ông “thà dùng trí khôn nói năm ba lời cho người khác hiểu để dạy dỗ họ, hơn là nói hàng vạn lời tiếng lạ” (19). Phaolô khuyên người Côrinhtô hãy tỉnh ngộ để đừng cư xử như trẻ con dại dột nữa, mà phải biết tỉnh táo cư xử khôn ngoan, hợp lý như người trưởng thành (20). Ông trích dẫn Êsai 28:11 “Vậy nên Đức Giêhôva sẽ dùng môi lạ lưỡi khác mà phán cùng dân nầy” để giải thích Phục Truyền 28:49 “Đức Giêhôva sẽ…khiến dấy lên…một dân tộc ngươi không nghe tiếng nói được” (21). Cả hai câu trên đều là lời ngăm doạ của Chúa mà Phaolô dùng để cảnh cáo việc tín hữu sử dụng tiếng lạ cách bừa bãi, không ích lợi gì cho người nghe, mà có lẽ các vị lãnh đạo ở Côrinhtô hiện đang phô diễn trong sự giảng dạy của họ.

“Tiếng lạ là dấu dành cho ngươi không tin” (22), vì gặp lúc người chưa tin có mặt trong buổi nhóm hiểu được tiếng ấy, hoặc sứ điệp tiếng lạ ấy được thông giải phơi bày các bí ẩn trong lòng người nầy, khiến họ công nhận có Đấng siêu nhiên đang hiện diện, họ kinh sợ, ăn năn trở lại với Chúa. Còn “lời tiên tri là dấu hiệu dành cho người tin,” vì nói tiên tri hay giải nghĩa Kinh Thánh bằng ngôn ngữ người nghe hiểu được, sẽ có tác dụng gây dựng. Các ân tứ được ban để sử dụng đúng chỗ đã định cho chúng. Các giáo sĩ đi truyền giáo cần biết các ngôn ngữ khác, hoặc có ân tứ tiếng lạ siêu nhiên, thì đó là dấu hiệu thu hút người chưa tin chịu nghe phúc âm rao giảng cho họ. Nhưng hội chúng đã tin Chúa thì không cần nghe phô diễn tiếng lạ mà không có thông giải.  Nếu cả Hội Thánh nhóm lại mà ai cũng nói tiếng lạ thì người ngoài sẽ cho là họ điên hết rồi (23).

“Nhưng nếu tất cả anh em đều nói tiên tri, và có người không tin hoặc người không hiểu bước vào, họ sẽ bị thuyết phục, cáo trách về mọi điều, và những điều bí ẩn trong lòng họ bị phơi bày.  Họ sẽ sấp mặt xuống thờ phượng Đức Chúa Trời, và công nhận đúng là Ngài đang ở giữa anh em” (24–25). Sự nói tiên tri ở đây rất rõ ràng không thể là giảng, vì chẳng thể nào mọi người đều có thể giảng trong một buổi nhóm. Như vậy, phải có người được cảm ứng mà nói tiên tri, và cũng có người được cảm thúc giải nghĩa Kinh Thánh. Cả hai đều phơi bày bí ẩn của lòng người vào nghe, khiến họ công nhận phải có một Đấng siêu nhiên đang ngự giữa Hội Thánh.

1Corinhto22.docx

Rev. Dr. CTB