Nỗi Gian Khổ của Chức Vụ Sứ Đồ

2Côrinhtô 11:1–33

Sứ đồ Phaolô viết vài lời rào đón trước khi ông phải nói nhiều về chính mình. Ông gọi sự tự khoe là điên rồ, bởi vì thường thì việc đó không mấy ích lợi. Mặc dù trường hợp của ông thì thật là cần thiết, nhưng nếu có người hiểu là ông đang khoe khoang, thì ông xin họ chịu đựng sự điên rồ của ông một chút (1). Phaolô phải nói về mình để ngăn ngừa tín hữu ở Côrinhtô không bị các sứ đồ giả làm hư hỏng (2–3). Ghen cái ghen thánh nghĩa là sợ rằng những người đã được dẫn đến đức tin vào Đức Chúa Giêxu Christ–giống như là một trinh nữ thanh khiết được hứa gả cho một Người Chồng (2)–“bị hướng dẫn sai lạc, mất lòng đơn sơ trong trắng với Đấng Christ,” (3) bởi các thứ giáo lý sai trật của bọn sứ đồ giả, “như Êva ngày xưa bị con rắn dùng quỷ kế lừa gạt.”

Nếu những sứ đồ giả đó đến rao giảng một Giêxu khác, một thần linh khác, hay một tin lành khác với Đức Chúa Giêxu, Đức Thánh Linh và Tin Lành mà Phaolô đã rao giảng (4), mà tín hữu ở Côrinhtô nghiêng theo họ, thì có thể hiểu được lý do bây giờ họ nghịch với Phaolô. Nhưng vẫn là một Tin Lành mà họ đã nhận từ Phaolô, thì tại sao có sự thay đổi nầy? Phaolô không thua kém bất cứ sứ đồ có địa vị cao trọng nào trong Hội Thánh (5). Ông được xếp hàng đầu về sự hiểu biết các điều mầu nhiệm (2Phierơ 3:15–16); vì thế, không ai dám coi thường Phaolô về kiến thức (6). Dù ông khiêm nhượng cho rằng mình “nói năng không giỏi.” Thật ra, Phaolô rất giỏi ăn nói và thuật thuyết giảng. Ông đã “chứng tỏ cho [người Côrinhtô] như thế” (6).

Phaolô nhấn mạnh về việc ông hầu việc Chúa giữa người Côrinhtô mà không đòi hỏi lương hướng gì hết. Trong thư trước, Phaolô nhắc nhở người Côrinhtô rằng, người làm công đáng được hưởng tiền công của họ, và nghĩa vụ của những người tiếp nhận của cải tâm linh phải cấp của cải vật chất cho người rao giảng Lời Chúa cho mình (1Côrinhtô 9:7–11). Nhưng việc Phaolô tự nguyện từ bỏ quyền ấy ở Côrinhtô để khỏi ngăn trở công việc Chúa, thì ông chẳng có lỗi gì cả (7). Sở dĩ Phaolô phải nêu việc nầy ra, vì có lẽ những sứ đồ giả ở nơi đó là những người giàu có, thường tự hào là không cần tiền lương, nên tưởng rằng Phaolô nhận phụ cấp của Hội thánh Côrinhtô, muốn dùng điều đó để rêu rao rằng Phaolô, và những người đồng lao với ông, giảng đạo vì tiền.

Phaolô nói rằng ông “phải lấy của các Hội Thánh khác, dùng tiền phụ cấp họ trả để phục vụ” người Côrinhtô (8). Và gặp lúc thiếu thốn thì ông “không làm phiền ai cả, vì anh em ở Maxêđoan đã đến tiếp tế đầy đủ” cho ông (9). Người Côrinhtô phải thấy rất xấu hổ vì họ đã chẳng để ý gì tới nhu cầu sinh sống của người dạy đạo cho mình. Sự vô tình không quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người chăn bầy vẫn xảy ra thường xuyên ở đại đa số tín hữu tại mọi Hội Thánh. Phaolô nói rằng ông hành xử như vậy chẳng phải vì ông không yêu thương họ (11). Điều đó chỉ là niềm tự hào của ông (10) và ông sẽ tiếp tục làm như thế “để những người muốn có cơ hội khoe rằng họ cũng giống như [ông]” sẽ “không còn cơ hội đó nữa” (12).

Những người nầy bị Phaolô gọi là “sứ đồ giả, công nhân gian trá” vì họ “mạo làm sứ đồ của Đấng Christ” (13). Nghĩa là họ làm cho mình giống như các sứ đồ của Đức Chúa Giêxu, và mặc dù họ là các sứ giả của satan, nhưng bề ngoài trông giống như người phục vụ sự công chính. Dấu hiệu để nhận ra những người như vậy là những lời giảng dạy của họ gieo rắc sự hiểu biết sai lầm, khác với các đầy tớ thật của Đức Chúa Trời chỉ giảng rao chân lý. Và trái ngược với những đầy tớ thật của Chúa đang cố gắng xây dựng Hội Thánh, họ thì luôn tạo ra những mầm mống tai hại, khiến cho Hội Thánh không phát triển, thụt lùi và sụp đổ. Nếu satan đã giả mạo làm thiên sứ sáng láng, thì việc các đầy tớ hắn giả phục vụ sự công chính cũng chẳng có gì lạ (14–15).

Không người khôn ngoan nào tự nói lời khen ngợi mình. Sự tự khoe khoang thông thường chẳng phải chỉ là dấu hiệu của sự kiêu hãnh, mà còn là dấu hiệu của sự dại dột nữa. Nhưng vị sứ đồ, trước khi trần tình về chính mình, nói rằng: “Đừng ai tưởng tôi là điên rồ, nhưng nếu anh em nghĩ thế, hãy nhận tôi như người điên rồ, để tôi có thể tự hào đôi chút” (16). Ông bảo người nhận thư hãy thận trọng rằng “Những điều tôi nói đây không nói theo lời Chúa dạy, nhưng theo cách điêu rồ của kẻ cho mình được quyền tự phụ” (17). Nghĩa là sự tự khoe khoang không phải là điều Chúa bảo con cái Ngài làm, nó cũng không phải luôn luôn là điều cần thiết trong việc tự biện hộ. Tuy nhiên, Phaolô xin anh em tín hữu ở Côrinhtô chịu khó nhịn ông khi ông phải nói những điều tiếp theo, bởi vì “có nhiều người tự hào theo lối người đời, nên tôi cũng tự hào” (18).

Vì người Côrinhtô tự cho là mình khôn ngoan, nên Phaolô xin họ hãy chịu đựng ông thêm chút nữa. Nhưng ý nghĩa của điều ông muốn nói là thế nầy: Mặc dù anh em tự cho mình là khôn ngoan, mà anh em chịu cho người ta bắt anh em làm nô lệ dưới cái ách của Do-thái-giáo, “bóc lột, lợi dụng, khinh dể, vả vào mặt, thì anh em sẵn lòng chịu đựng” (19–20). “Và họ quở mắng anh em trong khi họ nói xấu tôi, thì có vẻ một số người trong anh em chấp nhận những sứ đồ giả nầy.” Vậy, Phao-lô thấy cần phải nhìn nhận rằng “chúng tôi đã quá mềm yếu đối với anh em” (21), nghĩa là ông đã không sử dụng uy quyền và sự nghiêm khắc đúng mức khi ông còn ở với họ. Cho nên, nếu có ai đã can đảm khoe khoang, thì Phaolô cũng can đảm nói sự thật về mình (21).

Phaolô đưa ra rất nhiều quyền lợi bẩm sinh mà ông có, để đủ điều kiện làm một người được Chúa chọn làm sứ đồ: Ông là người Hêbơrơ thuộc dân tộc Israel, là con cháu thật của Ápraham về phần xác lẫn đức tin (22). “Họ phục vụ Đấng Christ phải không? Tôi nói như kẻ điên dại, tôi phục vụ nhiều hơn, làm việc nặng nhọc hơn, lao tù nhiều hơn, đòn vọt vô số, nhiều phen gần bỏ mạng” (23). Phaolô viết lá thư thứ nhất gửi cho Hội Thánh Côrinhtô từ Êphêsô trước lễ Ngũ Tuần vào khoảng năm 55 AD. Lá thư thứ nhì nầy ông viết từ Maxêđoan có lẽ khoảng gần cuối năm ấy. Như vậy, nhiều lần ông bị cầm tù, đánh đòn, đánh roi, vv., được ông nói đến trong các câu tiếp theo đã không được ghi lại trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ.

Luật của Do-thái-giáo là mỗi lần đánh roi chỉ được đánh tối đa là 40 roi (Phục Truyền 25:3); tuy vậy, họ bớt một roi để người bị đòn không bỏ mạng. Phaolô bị đánh roi năm lần như thế(24). Dân ngoại đánh đòn thì không bị ràng buộc bởi luật ấy. Một lần Phaolô bị đánh đòn ở Philíp (Công vụ 16:22), hai lần khác không biết ở đâu (25); lần ông bị ném đá ở Líttrơ, người ta tưởng ông đã chết, nên kéo xác ông ra ném ở ngoài thành (Công vụ 14:19). Ba lần bị chìm tàu không được ký thuật lại, mà trong đó có một lần ông lênh đênh trên biển một ngày một đêm, phải xảy ra trước khi ông bị chìm tàu lần thứ tư trên đường bị giải đi Rôma (Công vụ 27:41). Ông còn phải “trải qua nhiều cuộc hành trình, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy vì đồng bào, nguy với người ngoại bang, nguy trong thành phố, nguy ngoài sa mạc, nguy trên biển cả, nguy với anh em giả; chịu cực nhọc vất vả, nhiều đêm không ngủ, đói khát, thường nhịn ăn, rét mướt, trần truồng” (26–27).

Không ai chịu khổ nhiều hơn Phaolô trong thánh vụ truyền giáo. Hơn nữa, những gánh nặng và “ưu tư mang nặng hàng ngày” về sự “lo lắng cho tất cả các Hội Thánh” (28) còn đè nặng lên đôi vai của vị sứ đồ kiệt xuất nầy; ông tâm sự thêm: “Có ai yếu đuối mà tôi không thấy yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi chẳng nung nấu trong lòng?” (29). Ông thấy mình yếu đuối có nghĩa là ông thông cảm với tín hữu bị yếu đuối, hoặc đau khổ vì những người gây tai tiếng cho Hội Thánh. Là một sứ đồ kiệt xuất, một người xuất sắc nhất trên thế gian, nhưng ông nói: “Nếu phải tự hào, tôi sẽ tự hào về những điều yếu đuối của tôi” (30). Những sự chịu khổ vì sự công nghĩa là điều đem đến vinh dự hơn hết. Phaolô gọi những sự vất vả và hoạn nạn mà ông phải chịu trong khi thi hành thánh vụ là “những điều yếu đuối của tôi.” Và Chúa biết ông không nói đối về điều đó (31).

Trong hai câu cuối cùng, ông nói về một biến cố đặc biệt, mà ông đã trải qua trong những sự chịu khổ vì Đấng Christ tại thành Damascus xứ Syri, khi ông mới tiếp nhận Đức Chúa Giêxu. Sự việc được chép lại trong Công vụ 9:24, 25 (32–33). Người ta có thể bày mưu kế để hãm hại thánh đồ của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài là Đấng bảo vệ che chở con dân Ngài. Không ai có thể thành công trong sự hãm hại chúng ta, nếu chúng ta cứ ở trong sự bảo vệ của Chúa.

2Corinhto11.docx

Rev.Dr. CTB