Nỗi Vui Mừng của Phaolô

2Côrinhtô 7:1–16

Đoạn nầy bắt đầu bằng lời khuyên giục về tiến trình thánh hoá và sự tôn trọng cần phải có đối với người hầu việc Phúc Âm (1–4). Lời khuyên thứ nhất là hãy tiến triển trong sự thánh khiết hoặc là “hết lòng kính sợ Đức Chúa Trời để được thánh khiết trọn vẹn” (1) nhờ sự thúc giục của lời hứa từ Chúa rằng sẽ được Ngài làm Cha và được làm con trai con gái của Ngài (7:17–18), bằng việc “tẩy sạch mọi điều ô uế của thể xác và tâm linh” (1). Có tội phạm do thể xác và có tội phạm bởi tâm linh – gọi là những điều gian ác – và chúng ta phải làm vinh danh Chúa bằng thể xác lẫn tâm linh. Làm như thế là chúng ta đang tập tành sự thánh hoá đời sống mình.

Ý nghĩa của câu “Anh em hãy mở lòng đón nhận chúng tôi” (2) là điều Phaolô nói trong thư 1Têsalônica 5:12–13“.. xin anh em hãy quý trọng những người làm việc khó nhọc vì anh em, những người hướng dẫn anh em trong Chúa và khuyên bảo anh em. Cũng hãy hết lòng yêu kính những người ấy vì công việc họ làm.” Nghĩa cử nầy cũng giúp cho tiến trình thánh hoá. Vì ai coi khinh những người phục vụ Phúc Âm cũng sẽ coi khinh Phúc Âm là phương tiện mình được thánh hoá. Sở dĩ Phaolô khuyên họ hãy mở lòng tiếp nhận ông và đoàn truyền giáo vì ông “chẳng hề cư xử bất công với ai, không làm hại ai, không lợi dụng ai” (2). Phaolô không giảng giáo lý sai trật hay lời nói nịnh bợ làm hại người nghe, cũng không lợi dụng tài chánh của tín hữu để thủ lợi.

Để ngăn ngừa sự hiểu lầm rằng những điều ông nói trên ám chỉ sự buộc tội đối với tín hữu ở Côrinhtô, Phaolô bày tỏ tình thương yêu vô cùng của ông đối với họ (3), hết sức tin tưởng và vui mừng hãnh diện “Anh em làm cho tôi tràn đầy an ủi và chứa chan vui mừng trong mọi cảnh gian khổ” (4). Trước đó ở 2:13 ông có nói về sự bồn chồn lo lắng của ông khi không gặp Tít ở Troas, ở câu nầy ông lặp lại tình cảnh khốn đốn mọi mặt của đoàn ông tại Maxêđoan vì phải “tranh đấu bên ngoài sợ hãi bên trong” (5–6).

Lý do mà ông bị bồn chồn lo lắng khi không gặp Tít là vì ông không biết khi Tít đem thư trước của ông đến Côrinhtô, thì thư ấy được Hội Thánh đón nhận ra sao, cũng như là tình hình diễn biến như thế nào? ‘Tranh đấu bên ngoài’ là nói về sự chống đối liên tục của người Giuđa và người ngoại bang đối với Phúc Âm. ‘Sợ hãi bên trong’ là nói về nỗi lo lắng của Phaolô về việc tín hữu yếu đuối hoặc kiêu căng phạm lỗi làm cho Hội thánh bị mang tai tiếng.

Nhưng khi gặp Tít rồi thì những tin tức Tít đem đến khiến ông được khích lệ vô cùng (6–7). Gặp lại người con tinh thần mà ông yêu thương, cũng là người cộng sự với ông, đã khiến Phaolô trút bỏ được nỗi lo về sự an nguy của Tít nơi xứ lạ quê người. Rồi tin vui Tít đem tới là tín hữu ở Côrinhtô đã “buồn rầu khắc khoải trông mong, sốt sắng chờ đợi” ông (7). Ông quy vinh hiển và sự tạ ơn lên cho Đức Chúa Trời, Đấng đã điều khiển và hoàn thành mọi việc theo thánh ý Ngài (6). Bây giờ Phaolô thấy không hối tiếc vì đã viết thư trước, mặc dù sau khi gửi thư đi, ông đã có ý hối tiếc vì đã lời lẽ trong thư quá mạnh bạo (8). Ông đã thấy ích lợi của lời quở trách, như chép ở Châm Ngôn 28:23 “Ai quở trách người nào, về sau sẽ được ơn, hơn là kẻ lấy lưỡi mà dua nịnh.”

Phaolô nói sự vui mừng của ông “không phải vì đã làm cho anh em buồn, nhưng vì sự buồn rầu đưa anh em đến hối cải. Anh em buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời, và như thế không vì chúng tôi bị thiệt thòi gì cả” (9). Nghĩa là sự buồn rầu của họ mà thôi thì không phải là cớ cho Phaolô vui mừng vì thấy lời quở trách của mình có hiệu lực, nhưng tính chất và hiệu quả của “sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời làm cho người ta hối cải để được cứu rỗi” (10a). Và thư quở trách của ông đã không đem lại thiệt hại gì cho họ (9). Buồn rầu theo ý Chúa đưa đến kết quả khác với “sự buồn rầu của thế gian đưa đến sự chết” (10b).

Kết quả tốt lành của sự buồn rầu vì kính sợ Chúa, được Phaolô mô tả thêm: “Anh em xem, sự buồn rầu vì kính sợ Chúa đã đem lại cho anh em lòng nhiệt thành để thanh minh, sự ân hận, sợ sệt, ước mong, sốt sắng và sửa phạt kẻ có lỗi. Về mọi phương diện, anh em chứng tỏ anh em không có lỗi trong vụ nầy” (11).  Sự sợ sệt mà Phaolô nói ở đây có ý là  tín hữu Côrinhtô sợ họ không còn được tin cậy, một sự kính sợ Đức Chúa Trời, và một sự sợ cẩn trọng về tội lỗi nữa. Tín hữu ở Côrinhtô đã chứng minh rằng sự buồn rầu của họ là sự buồn rầu thánh thiện, vì nó đã dẫn đến sự ăn năn, chăm lo cho linh hồn của mình, tránh xa tội lỗi, và làm hài lòng Chúa.

Phaolô cũng nói ý định tốt lành của ông trong thư trước là: “Tôi viết thư ấy không vì người có lỗi, cũng không vì người chịu thiệt hại do lỗi gây nên, nhưng để cho lòng chúng tôi quan tâm anh em trước mặt Đức Chúa Trời được tỏ ra giữa anh em” (12) (Các bản dịch hiện đại dịch phần sau là “Hầu cho lòng anh em yêu chuộng chúng tôi được tỏ ra giữa anh em trước mặt Đức Chúa Trời”). Những lời lẽ nghiêm khắc của Phaolô trong thư trước có thể làm nhiều người hiểu lầm. Nhưng định ý của Phaolô là muốn chứng tỏ cho các môn đồ thân yêu của ông tại Côrinhtô biết lòng của ông hết sức thương yêu, quan tâm, và lo lắng đến họ. Sự gặp lại Tít đem đến cho ông hai niềm vui rất lớn, vì thấy Tít được an toàn, và tín hữu ở Côrinhtô đã chân thành tiếp nhận thư ông và ăn năn.

Ngoài niềm an ủi là bức thư của ông đã đem lại tác dụng đúng như mong muốn, đã làm cho tín hữu ở Côrinhtô ăn năn và đứng về phía ông, Phaolô càng vui mừng hơn nữa khi được Tít cho biết là tín hữu ở Côrinhtô đã làm cho tinh thần của Tít được tươi tỉnh, tức là Tít được ân cần đón tiếp bởi tất cả tín hữu ở đó (13). Có lẽ khi sai Tít đi, Phaolô đã nói cho Tít nghe về tín hữu ở Côrinhtô và khen ngợi lòng vâng lời của họ (14): “Nếu tôi đã khoe với Tít về anh em điều gì, tôi cũng không hổ thẹn. Tất cả những điều chúng tôi nói với anh em đều đúng sự thật, cũng như những điều chúng tôi khoe với Tít đều là chân thật.”

Có lẽ Tít đã không thể biết trước mình sẽ được tiếp đón như thế nào ở miền Achai. Có lẽ Tít nghĩ rằng qua lời lẽ trong thư trước của Phaolô thì họ sẽ tiếp đón Tít cách lạnh nhạt, thậm chí có thái độ thù nghịch nữa. Nhưng Phaolô nói rằng Tít đã cho biết rằng họ tôn trọng và tiếp đón Tít cách ân cần vâng phục, kính sợ run rẩy. Theo lời Tít kể lại thì những ngày ông ở với họ, cách họ đối xử với Tít cùng với mọi sự chỉ dẫn của Tít, thì họ vâng lời giống như sự vâng lời của họ đối với Phaolô, người cha sinh ra họ trong Đấng Christ; do đó Tít nói rằng lòng yêu mến của mình đối với anh em ở Côrinhtô càng gia tăng (15).

Vì thế, Phaolô kết luận rằng ông vui mừng vì có thể tín nhiệm các anh em tín hữu ở Côrinhtô trong mọi sự (16). Khi Phaolô nói ông có thể tín nhiệm các thánh đồ tại Côrinhtô trong mọi việc thì không có nghĩa rằng họ sẽ không phạm tội hoặc thất bại. Ông muốn nói rằng họ đã cư xử xứng đáng với lòng tin cậy của ông; vì họ đã tỏ thái độ thích đáng trong các vấn đề mà ông đã nêu trong lá thư thứ nhất, thì ông thấy mình đúng khi tín nhiệm họ trong mọi sự. Một người hầu việc Chúa trung tín sẽ rất vui mừng và được an ủi khi phục vụ những anh chị em có thể tin cậy được; nghĩa là với những người mà mục sư có lý do để hi vọng rằng họ sẽ tuân theo mọi điều mà mục sư đề nghị họ thực hiện vì vinh quang của Đức Chúa Trời, vì ích lợi của Phúc Âm, và ích lợi của chính họ nữa.

Câu cuối đoạn 7 nầy kết thúc phần thứ nhất của thư 2Côrinhtô, là phần dành để mô tả chức vụ sứ đồ và những nỗ lực vượt bậc của Phaolô nhằm củng cố mối liên hệ gắn bó vốn có giữa ông với các thánh đồ tại Côrinhtô. Hai đoạn tiếp theo sẽ nói về những vấn đề từ thiện của các thánh đồ đối với những anh chị em đồng một đức tin.

2Corinhto07.docx

Rev. Dr. CTB