Lê-vi-ký, bài 15

Lê-vi-ký 23:1–44

Ngày sa-bát, ngày Thứ Bảy của mỗi tuần, đã được Đức Chúa Trời định là ngày mọi người Israel phải nghỉ tất cả các công việc (Xuất Ai-cập 35:2). Mệnh lệnh phải nghỉ làm việc ngày sa-bát đã thành luật cho họ vào ngày ban hành luật pháp.

Bây giờ, những ngày sa-bát được nhắc nhở là ngày hội họp thánh mỗi tuần, mặc dù các kỳ lễ lớn cũng có các cuộc hội họp thánh; tuy vậy, điều được nói ở đây là những ngày lễ mà Đức Giê-hô-va đã ấn định thời gian trong năm, để toàn dân Israel sẽ nhóm lại thành những cuộc hội họp thánh đặc biệt (1–2). Riêng ngày sa-bát thì dù đang ở bất cứ nơi đâu, họ phải nghỉ mọi công việc để hội họp thánh (3).

Hội-thánh thời Tân-ước lập ngày đầu tiên trong tuần lễ để các Hội-thánh địa phương nhóm lại thờ phượng Chúa; vì vậy mới gọi là Chúa Nhật, ngày của Chúa, ngày ấy trở thành thông lệ cho chúng ta thờ phượng và nghỉ ngơi.

Vậy, theo lệnh Chúa, Môi-se truyền cho dân Israel: “Đây là những ngày lễ của Đức Giê-hô-va, những kỳ hội họp thánh, mà các con phải công bố theo thời gian được ấn định”(4).

Thời điểm của các kỳ lễ rất là thuận lợi cho sự đi lại và công việc đồng áng ở xứ thánh về sau nầy. Vì chúng trùng hợp vào các mùa Xuân và Thu vào tháng Ba, Năm, và Chín của dương lịch, không trùng vào thời kỳ gặt hái mùa hè, hay trong mùa đông ngày mau tối và đường đi trơn trợt.

Đồng thời, cách ấn định thời gian các kỳ lễ cũng nhằm đánh tan ảnh hưởng và thói quen thờ cúng thần tượng của người Ai-cập diễn ra vào tháng Chín dương lịch nữa.

Chúng ta cần phải hiểu rằng những ngày lễ được ấn định là để dân Israel áp dụng sau khi định cư trong miền đất hứa về sau nầy, chứ không thể áp dụng hoàn toàn từng chi tiết khi họ còn lang thang trong hoang mạc.

Ngày lễ trọng thể đầu tiên trong năm là Lễ Vượt Qua vào tháng Abib, cũng gọi là Nisan, tức là tháng Giêng lịch Do-thái, trùng với tháng Ba dương lịch thời nay.

Sau lễ Vượt-Qua vào chiều tối ngày mười bốn thì ngày mười lăm tháng ấy là lễ Bánh Không Men kéo dài bảy ngày (5–6). Có cuộc hội họp thánh vào ngày đầu, đến ngày thứ bảy lại có một cuộc hội họp thánh nữa; trong bảy ngày lễ ấy, họ không được làm bất cứ công việc thường ngày nào hết (7–8).

Về bó lúa đầu mùa sẽ phải đem đến cho thầy tế lễ là lúa tốt nhất được gặt vào trước buổi tối lễ Vượt Qua (9-10), vì ngày sau ngày sa-bát là ngày đầu tiên trong tuần lễ, tức là ngày mười sáu, thì thầy tế lễ sẽ dâng bó lúa ấy lên Đức Giê-hô-va để sự dâng hiến và những lời cầu nguyện được đoái nhậm (11).

Bó lúa đầu mùa là biểu tượng về Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, Đấng phục sinh đúng vào ngày bó lúa được dâng lên. Ngài được gọi là “trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (1Côrinhtô 15: 20).

Chúng ta được dạy rằng: “Hãy lấy tài sản và hoa lợi đầu mùa của con mà tôn vinh Đức Giê-hô-va; như thế, nhà kho của con sẽ đầy lúa mì, và hầm ép rượu của con sẽ tràn rượu mới” (Châm-ngôn 3:9–10).

Cùng ngày dâng bó lúa đầu mùa, Israel phải “dâng lên Đức Giê-hô-va một chiên con đực một tuổi không tì vết để làm tế lễ thiêu” (12); Đức Chúa Jesus, Đấng được gọi là “Chiên Con của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:29); cho nên “chiên con không tì vết” ấy là biểu tượng về Ngài chịu thống khổ như một tế lễ thiêu dâng lên Đức Chúa Trời cùng với tế lễ chay và lễ quán (13). Nhưng điều đáng lưu ý là họ không được ăn lúa đầu mùa trước khi dâng bó lúa đầu tiên cho Chúa (14).

Ngày thứ năm mươi sau bảy tuần lễ trọn kể từ ngày dâng bó lúa đầu mùa, là lễ Các Tuần, chỉ cử hành trong một ngày (15-21). Tiếng Hy-lạp gọi là ‘pentecoste,’ mà tiếng Anh là ‘pentecost’ tức là ‘ngũ tuần’ theo tiếng Hán-Việt (năm mươi ngày), là ngày hội họp thánh thứ tư trong năm, rơi vào đầu tháng ba Sivan, tức là từ giữa tháng Năm cho tới giữa tháng Sáu dương lịch.

Vào ngày lễ nầy, Israel phải dâng tế lễ chay mới; mỗi gia đình phải đem tới hai ổ bánh, mỗi ổ dài bảy gang tay, rộng bốn gang và dầy năm ngón tay, làm bằng hai ô-me bột mịn có pha men và nướng lên (16–17).

Toàn thể hội chúng cùng dâng bảy chiên con một tuổi không tì vết, một con bò và hai con chiên đực làm tế lễ thiêu, một con dê đực làm tế lễ chuộc tội và hai chiên con một tuổi làm tế lễ bình an (18–19).

Các lễ vật được biệt riêng ra thánh cho Đức Chúa Trời và dành cho các thầy tế lễ dùng để nuôi mình và gia đình của họ (20).

Dù đang truyền các lệnh về sự thờ phượng, Đức Chúa Trời nhắc lại lệnh đã ban trước kia về việc phải thương xót người nghèo, để người ta biết rằng sự thành thật kính sợ Chúa phải có lòng nhân ái kèm theo.

Từ chỗ nói chung, Ngài giao trách nhiệm cho mỗi cá nhân phải biết thực hiện: ‘Hãy để phần cho người nghèo và ngoại kiều.’ Chúa của chúng ta là Đấng giàu lòng thương xót và nhân từ (22).

Sự tham lam và ích kỷ của người ta là vô giới hạn; hiếm khi con người biết cảm thông những cảnh đời cùng khổ nếu không thấy họ trước mắt. Cho nên, nông dân thường tận thu sản vật vào mùa gặt, nhưng Chúa thì nhớ đến người nghèo và cả thú vật nữa.

Chỗ nầy là lần thứ ba luật nói về việc thương xót và cảm thông người nghèo (Xuất 23:10–11; Lêvi 19:9–10).

Ngày mồng một tháng Bảy (tháng Tishri) là lễ thổi kèn (23–25; Dân-số 29:1), Israel không được làm việc thường ngày và phải dâng tế lễ dùng lửa. Nó là ngày tết Do-thái, gọi là Rosh Hashanah, tiếng Anh, hoặc Yom Teruah, tiếng Hebrews.

Mồng mười tháng Bảy Tishri (tháng 9–10 dương lịch), là đại lễ chuộc tội, Yom Kippur (26–28). “Không ai được làm việc, vì đó là ngày chuộc tội.” Mọi người đều phải kiêng ăn.

Lệnh kiêng ăn và không được làm việc là tuyệt đối và khắt khe. Vì người nào làm việc hoặc không kiêng ăn đều sẽ bị khai trừ khỏi dân chúng và bị Chúa tiêu diệt (29–30).

Đại lễ chuộc tội hàng năm là rất quan trọng đối với chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm, ông phải thay mặt toàn dân để cử hành lễ chuộc tội. Ông phải giữ mình cho được thanh sạch, vì nếu ông phạm một lỗi lầm nào, thì xem như năm đó chẳng một ai được tha tội cả (Lêvi 16:3–17).

Ngày đại lễ chuộc tội phải xem như một ngày sa-bát, một ngày nghỉ hoàn toàn và phải kiêng ăn. Phải giữ ngày sa bát ấy từ lúc mặt trời lặn ngày mồng chín đến lúc mặt trời lặn ngày hôm sau (31–32).

Nghỉ, không làm việc là để hoàn toàn tập trung tư tưởng mà ăn năn sám hối mọi tội lỗi vi phạm trong năm. Còn kiêng ăn là để hãm ép linh hồn, hạ mình xuống cầu xin sự tha thứ, và qua máu chuộc tội của con sinh tế thì được hoà thuận với Đức Chúa Trời.

Lễ trọng thể tiếp theo là từ ngày rằm tháng Tishri kéo dài bảy ngày để tôn kính Đức Giê-hô-va, gọi là lễ Lều Tạm (33–34), là một cuộc hội họp thánh vào ngày đầu, rồi một cuộc hội họp thánh nữa vào ngày thứ tám. Cứ mỗi ngày trong bảy ngày ấy, họ phải dùng lửa dâng các lễ vật lên Đức Giê-hô-va, và không được làm một công việc thường ngày nào cả, vì là một lễ hội trọng thể (35–36).

Gọi là lễ Lều Tạm, vì sau khi thu hoạch thổ sản mọi người Israel “phải chọn các loại trái như cam chanh, các cành chà là, các nhánh cây đầy lá và những cành liễu mọc bên suối” (40), để làm  những cái lều tạm bợ bằng nhánh cây, cành lá, ngay trên đường hoặc ngoài đồng, ngoài vườn, và phải ở trong lều đó suốt bảy ngày.

Trong suốt bảy ngày ấy, toàn dân Israel sẽ vui vẻ ăn uống sau một mùa thu hoạch. “Tất cả những người sinh ra là dân Israel đều phải ở trong lều” (42) với mục đích “để mọi thế hệ các con biết rằng khi Ta đem dân Israel ra khỏi Ai-cập, Ta đã cho họ ở trong các lều trại. Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con” (43).

Môi-se đã vâng lời Đức Chúa Trời truyền dạy cho dân Israel biết giữ các ngày lễ trọng thể của Đức Giê-hô-va (44), công bố những kỳ hội họp thánh để dâng lên Đức Giê-hô-va những lễ vật dâng bằng lửa, tế lễ thiêu, tế lễ chay, tế lễ bình an, và lễ quán, tức là dâng rượu, lễ nào theo ngày nấy (37).

Ông còn nhắc nhở dân Israel phải giữ các ngày sa-bát của Chúa, việc dâng các lễ vật tự nguyện và hoàn nguyện lên Đức Giê-hô-va về các lời hứa nguyện của họ (38). Lễ vật tự nguyện không phải chỉ là một phần mười thu nhập, mà còn là các lễ vật hoan hỉ tặng cho thầy tế lễ dùng cho gia đình họ nữa.

Sau khi Israel đã vào đất hứa, thì vào ngày rằm tháng bảy mỗi năm, họ phải nhớ giữ một lễ Lều Tạm trọng thể cho Đức Giê-hô-va trong bảy ngày, là một quy định đời đời cho mọi thế hệ người Israel (39, 41).

Leviky15.docx
Rev. Dr. CTB
(Các tháng Do-thái: Nisan, Iyar, Sivan, Tammuz, Av, Elul, Tishri, Cheshvan, Kislev, Tevet, Shevat, Adar)