leviticus1

Lê-vi-ký, bài 03

Lê-vi-ký 4:1–35

Khác với ba loại tế lễ trong các đoạn trước là những tế lễ tự nguyện đã được biết và có trước khi luật pháp ban ra tại núi Si-nai-i, tế lễ chuộc tội là một lệnh truyền mới, không phải là tế lễ tự nguyện mà là bắt buộc.

Khi có người vô ý phạm một trong các điều răn …… và làm điều không được phép làm” (1–2), thì người ấy phải dẫn một con bò đến trước cửa Lều Hội Kiến để con bò bị giết thế mạng cho người phạm lỗi (3–4).

Thầy tế lễ sẽ lấy một phần máu bò đó đem vào Lều Hội-Kiến rảy trước bức màn ngăn Nơi Chí Thánh (5–6), đổ máu còn lại dưới chân bàn thờ tế lễ thiêu, thiêu hết mỡ của bộ lòng, hai trái cật và gan trên bàn thờ, còn tất cả những gì còn lại của con bò đều phải đem thiêu bên ngoài trại quân (7–12).

Chúng ta cần hiểu các thứ lỗi bị đòi hỏi phải có tế lễ chuộc tội là những hành động vượt quá các thói hư tật xấu mỗi ngày; bởi vì nếu mỗi lỗi lầm đều bị đòi hỏi phải dâng tế lễ chuộc tội, thì nhiều người sẽ không đủ khả năng nộp tế lễ, rồi bàn thờ tế lễ thiêu phải nhận quá nhiều sinh tế, và các thầy tế lễ sẽ không đủ sức giải quyết hết các sinh tế do dân đem đến.

Hơn nữa, những tội lỗi thường phạm đã có tế lễ thiêu mỗi ngày, rồi có ngày đại lễ chuộc tội mỗi năm cho toàn dân (Lêvi 16:30).

Về phần thầy tế lễ thượng phẩm đã được xức dầu phong chức, nếu phạm tội, và do đó, gây cho dân chúng mắc tội (3), thì cũng phải dâng tế lễ chuộc tội cho chính ông ta (4).

Bởi điều nầy, luật về tế lễ chuộc tội cho thấy rằng dù là thầy tế lễ thượng phẩm, thì cũng yếu đuối như mọi người và các thói hư tật xấu cũng bị bộc lộ như dân chúng. Thầy tế lễ ấy vẫn buộc phải dâng tế lễ chuộc tội để sau đó có đủ thẩm quyền thuộc linh mà hành chức tế lễ.

Thư Hê-bơ-rơ nói rằng luật pháp lập những người vốn yếu đuối làm thầy tế lễ thượng phẩm, là những người mỗi ngày phải dâng sinh tế, trước vì tội mình, sau vì tội dân (Hêbơrơ 7:27–28).

Ấy là lý do mà Đức Chúa Jesus đã vào Nơi Chí Thánh trên trời để làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời, thánh khiết, vô tội, không ô uế, biệt riêng khỏi kẻ có tội, và được tôn cao hơn các tầng trời (Hêbơrơ 7:26).

Sự vô ý phạm tội của cả hội chúng thì được định rõ: “Nếu cả hội chúng Israel vô ý phạm một trong các điều răn của Đức Giê-hô-va và làm điều không được phép làm, thì hội chúng đã phạm tội, dù họ không nhận thấy điều đó. Nhưng khi họ biết được tội mình đã phạm, thì hội chúng phải dâng một con bò làm tế lễ chuộc tội ” (13–14).

Ngày nay, cả một quốc gia hay một dân tộc có thể phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời bằng nhiều cách mà không biết. Tùy theo hiến pháp chính trị của họ, thường là do quốc hội thông qua một đạo luật nào đó, tuy được đa số dân ủng hộ, nhưng lại vi phạm luật pháp thiên đàng.

Ví dụ phán quyết của tối cao pháp viện chấp nhận hôn nhân đồng tính, luật bảo vệ vùng sinh sống của vài giống thú vật, côn trùng hay thảo mộc nằm trong danh sách được bảo vệ; luật được tự do phát biểu chửi bới người khác, vv.

Hơn nữa, cả nước vẫn bị kết tội, dù dân trong nước không biết, khi dung túng tội lỗi của những người cầm quyền, viện cớ khả năng lãnh đạo giỏi. Một gương sờ sờ trước mắt trong thời đại nầy, khi người ta bỏ qua tội lỗi của một ông tổng thống đáng bị phỉ nhổ và cách chức, thì người đó căn cứ trên sự ủng hộ của một số đông dân chúng, vẫn tiếp tục lén lút làm những điều bất hợp pháp, dối trá để làm giàu, mặc cho các việc đó có hại cho sự an nguy của cả nước.

Trong thời tiên tri Ma-la-chi cả dân tộc Israel bị rủa sả, vì cả nước đều ăn trộm tiền một phần mười phải dâng cho Chúa (Malachi 3:9).

Hoặc trong thời vua Saul của Israel, “người Israel đánh bại người Philistine …. dân chúng rất đói mệt nên xông vào lấy chiến lợi phẩm, bắt chiên, bò và bê, giết chúng trên đất rồi ăn thịt còn máu” (1Samuel 14:31–32).

Trong trường hợp cả hội chúng nhận ra họ đã phạm tội, thì nghi thức của tế lễ chuộc tội thực hiện giống như trường hợp của thầy tế lễ thượng phẩm; nhưng ở trường hợp nầy thì “các trưởng lão của hội chúng phải đặt tay trên đầu con bò rồi giết nó trước mặt Đức Giê-hô-va. Thầy tế lễ thượng phẩm đã được xức dầu sẽ đem một phần máu của con bò vào Lều Hội Kiến, nhúng ngón tay vào máu và rảy bảy lần trước mặt Đức Giê-hô-va, phía trước bức màn.

Nghi thức chuộc tội như thế “sẽ chuộc tội cho hội chúng và tội của họ sẽ được tha.” Nhưng sau đó thầy tế lễ thượng phẩm “phải đem con bò ra ngoài trại quân và thiêu nó” (14–21).

Trong trường hợp một người lãnh đạo vô ý phạm một trong các điều răn của Đức Giê-hô-va, làm điều không được phép làm nên đã phạm tội; sau khi người ấy nhận biết tội mình đã phạm thì phải đem một con dê đực không tì vết đến Lều Hội Kiến để làm lễ vật cho tế lễ chuộc tội.

Việc cử hành nghi thức tế lễ có một điều khác với các trường hợp kia là máu con sinh tế không được đem vào Lều Hội Kiến, mà chỉ được thầy tế lễ bôi lên các sừng của bàn thờ tế lễ thiêu (22–26).

Con dê đực ở trường hợp nầy phải là một con dê già có bờm dài, không phải là dê non một tuổi dành cho các tế lễ khác.

Sự đòi hỏi dùng dê già làm sinh tế có lẽ để tiêu biểu cho địa vị của người lãnh đạo có nhiều quyền hạn, giống như địa vị của các con dê đực già trong bầy của chúng.

Việc máu con dê đực không được đem vào Lều Hội Kiến chứng tỏ rằng lỗi phạm không gây ảnh hưởng chung.

Trường hợp thứ tư là bất cứ người nào trong hội chúng, hoặc một người Israel bình thường, thầy tế lễ thường, hay một người Lê-vi vô ý phạm một trong các điều răn của Đức Giê-hô-va khi họ làm điều không được phép làm, nên đã phạm tội (27), thì tế lễ chuộc tội là một con dê cái non, nếu là chiên con thì phải là chiên cái (32).

Hãy để ý là sinh tế chuộc tội có giá trị cao nhất là một con bò; theo các chuyên viên ngôn ngữ Hê-bơ-rơ thì đây phải là một con bò đực tơ. Sinh tế được xem có giá trị thấp hơn một chút là con dê đực. Dê cái thì ít giá trị hơn, còn chiên cái bị xem là ít giá trị hơn nữa.

Trong trường hợp nầy, máu sinh tế cũng chỉ được bôi lên các sừng của bàn thờ tế lễ thiêu, tức là bàn thờ bọc đồng ở ngoài hành lang của Lều Hội Kiến, mà không được đem rảy ở trong Lều (33–35). Nhưng máu sinh tế chuộc lỗi phạm của thầy tế lễ thượng phẩm thì được bôi lên sừng của bàn thờ xông hương, với ý nghĩa là mức chuộc tội cao hơn.

Các mức tế lễ chuộc tội cho các tội phạm vì vô ý hoặc không biết có nghĩa là mọi tội lỗi đều phải bị trừng phạt; cho nên dù chúng ta không cố ý phạm tội, hay phạm tội mà không biết, thì cũng đều cần có sinh tế chuộc tội.

Người quyền quý giàu sang không thể ở ngoài công lý cõi Thần, người tầm thường hay nghèo hèn cũng chẳng bị luật pháp ấy bỏ qua. Đấng Christ đã chết thay cho tất cả chúng ta, không một kẻ phạm tội nào bị Ngài làm ngơ. Tại nơi nầy, giàu hay nghèo đều gặp nhau vì tất cả đều là tội nhân và đều cần ơn chuộc tội của Đấng Christ và được Ngài đón nhận.

Khi xem xét những luật lệ về các tế lễ chuộc tội, tiêu biểu cho sự hi sinh của Đấng Christ, chúng ta cần phải học biết gớm ghét tội lỗi và cẩn thận tỉnh thức chống lại chúng. Khi nào ta nhận ra sự tai hại vô cùng của tội lỗi, thì mới biết quý trọng ơn chuộc tội.

Chúng ta phải thường xuyên tự xét lòng, cẩn thận học Kinh-thánh, và thiết tha khẩn nài Đức Thánh Linh cáo trách; nhờ đó chúng ta mới nhận ra các thứ tội mình vẫn thường phạm do không biết, rồi ăn năn, nhận lấy sự tha thứ qua huyết Đức Chúa Jesus.

Phải thực hiện việc ấy hàng ngày để biểu lộ sự tôn qúy Đấng Christ, là Sinh Tế vĩ đại và chân thật nhất đã chuộc tội cho chúng ta; huyết Ngài đã tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi, mà huyết bò hoặc dê không thể cất bỏ bất cứ tội lỗi nào được cả (Hêbơrơ 10:4).

Chúng ta phải ghi nhớ việc tự xét lòng mình như thế để ngăn ngừa tính kiêu ngạo, lười biếng và bất cẩn, là những điều có thể làm hỏng nếp sống đã được huyết báu của Đức Chúa Jesus cứu chuộc rồi.

Khi học biết các luật lệ về tế lễ chuộc tội trong bộ luật pháp Môi-se, chúng ta hãy vui mừng tạ ơn Chúa, vì mình không còn bị luật pháp ấy ràng buộc như dân Israel thời xưa nữa.

Tuy nhiên, nếu không áp dụng sự hiểu biết của mình vào nếp sống tâm linh mỗi ngày, thì bao nhiêu học vấn cũng trở thành vô nghĩa.

Leviky03.docx
Rev. Dr. CTB