Thư Philíp, bài 01

Vai Trò của Hội Thánh Philíp

Philíp 1:1–6

Philíp là thành phố quan trọng nhất ở phía Tây của xứ Maxêđoan. Người dân đã dùng tên vị vua nổi danh Philíp đặt tên cho thành phố mình, vì chính vị vua nầy đã trùng tu và làm đẹp thành phố. Về mặt lịch sử thì Philíp nằm kế cận chiến địa Campi Philippici, nơi những trận đánh lừng danh đã diễn ra giữa Julius Caesar với Pompey đại đế; rồi trận đánh giữa các tướng Augustus với Antony chống lại Cassius và Brutus. Nhưng đối với các con cái Chúa thì thư Philíp là thư tín nổi tiếng do Phaolô viết từ nơi bị giam giữ ở kinh đô Rôma của đế quốc Lamã, vào năm 62 A.D. Sự ưu ái đặc biệt của Phaolô đối với tín hữu Philíp được bày tỏ rõ ràng qua thư nầy. Mặc dù ông lo lắng cho tất cả các Hội Thánh, nhưng sự quan tâm của ông đối với Hội Thánh Philíp như người cha dịu dàng chăm sóc các con cái thân yêu.

Tin Lành đã đến thành phố Philíp, xứ Maxêđoan, trong chuyến viễn du truyền giáo thứ nhì của Phaolô. Vì Đức Thánh Linh không cho họ giảng đạo ở miền Tiểu Á lúc ấy, đoàn của Phaolô đi ngang qua miền Phirigi và Galati. Họ sửa soạn vào giảng đạo ở xứ Bithini lúc đi đến gần Mysi nhưng Đức Thánh Linh lại ngăn cấm không cho, nên họ vượt qua Mysi xuống thành Troas. Đêm đó, Phaolô chiêm bao thấy khải tượng một người đàn ông Maxêđoan đứng trước mặt ông nài xin ông “qua xứ Maxêđoan mà giúp chúng tôi.” Tin chắc điềm chiêm bao đó là dấu hiệu Đức Chúa Trời gọi họ đến truyền giảng Tin Lành tại Maxêđoan, đoàn truyền giáo bèn đi thuyền qua xứ ấy, đến thành Philíp để truyền giảng. Tín hữu đầu tiên là Ly-đi, một nữ thương gia quê ở Thi-a-ti-rơ. Và nữ tín hữu nầy đã mời đoàn truyền giáo về ở nhà mình (Công Vụ 16:6–15).

Ở Philíp, Phaolô đã đuổi con quỷ bói toán ra khỏi người một nữ nô lệ vẫn thường đi theo sau họ để rêu rao “Các ông nầy là đầy tớ của Đức Chúa Trời Chí Cao, rao truyền con đường cứu rỗi cho mọi người,” khiến cô nầy hết khả năng bói toán. Chủ nô bị mất hết lợi lộc bèn vu cáo Phaolô và Sila trước nhà chức trách là ‘những người Do-thái làm rối loạn thành phố chúng ta.’ Họ bị xé áo, đánh đòn và giam vào ngục tối (Công Vụ 16:16–24). Nhưng tiếng ca hát ngợi khen Chúa của họ giữa ngục tối đã đánh sập quyền lực của thế giới tối tăm trong khu vực, làm nền ngục rúng động, mở đường cho người cai ngục và cả nhà tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa (Công Vụ 16:25–34).

Như thế, Hội Thánh Philíp được thành lập từ hai gia đình bà Ly-đi và người cai ngục. Không bút tích lịch sử nào ghi lại sự phát triển và tăng trưởng của Hội Thánh Philíp; nhưng qua các thư tín của Phaolô có đề cập tới các tín hữu ở Maxêđoan, thì nơi nầy đã phát triển và thịnh vượng, là nơi thường xuyên gửi trợ cấp cho Phaolô trên đường ông đi truyền giáo các nơi (4:18). Đối lại, họ được Phaolô ban cho phần thưởng phước lành của tiên tri và sứ đồ, là phần thưởng mà không bạc vàng nào mua được. Trong tất cả các thư tín của Phaolô gửi cho các Hội Thánh, thì Philíp là thư duy nhất không bị một lời phiền trách nào từ vị sứ đồ.

Mặc dù Phaolô là người được Đức Thánh Linh cảm ứng để viết thư, nhưng để tỏ lòng khiêm tốn và tạo sự tôn trọng cho Timôthê, ông viết lời chào thăm để Timôthê cùng ông đứng chung là tác giả của thư gửi cho người Philíp (1). Gương nầy của Phaolô đáng cho những người mạnh mẽ, đã có danh tiếng, có chức vụ cao trong Hội Thánh của Chúa bắt chước theo, để tôn trọng và nâng đỡ những người trẻ hơn, thiếu kinh nghiệm và yếu đuối hơn. Khi xưng là “tôi tớ của Đức Chúa Giêxu Christ,” không chỉ là mối liên hệ bình thường giữa Chúa với các môn đồ Ngài, mà còn là công việc đặc biệt của thánh vụ, là chức vụ cao trọng của các sứ đồ và nhà truyền giáo nữa. Như thế, khi ở địa vị sứ đồ cao trọng hay mục sư nổi tiếng, thì nhiệm vụ là đầy tớ của Đức Chúa Giê –xu Christ, chứ không phải là ông chủ của Hội Thánh.

Phaolô nhắc đến “tất cả các thánh đồ trong Đức Chúa Giêxu Christ tại thành Philíp” trước các giám mục và chấp sự. Bởi vì các giám mục và chấp sự là những người được Chúa dùng để gây dựng Hội Thánh, giúp Hội Thánh được ích lợi, không phải Hội Thánh có nhiệm vụ phải nuôi và phục vụ các mục sư, giám mục, hay chấp sự. Người hầu việc Chúa không được “chi phối đức tin” của tín hữu nhưng phải “góp phần tạo niềm vui” cho họ (2Côrinhtô 1:24). Như Phaolô đã chân thành bộc bạch “vì Đức Chúa Giêxu, chúng tôi làm tôi tớ cho anh em” (2Côrinhtô 4:5b). Hãy cùng nhau suy nghĩ về hai chữ “thánh đồ,” những người được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời, thánh hoá bởi Đức Thánh Linh. Nếu ai không thực sự là “thánh đồ” khi còn ở thế gian, thì sẽ không thể được làm các “thánh” trên thiên đàng. Chúng ta chỉ có thể trở nên “thánh đồ” khi chúng ta thực sự ở trong Đức Chúa Giêxu Christ.

Lời chúc lành của sứ đồ Phaolô cho tất cả các thánh đồ tại Philíp là “Cầu xin Đức Chúa Trời Cha chúng ta, và Đức Chúa Giêxu Christ ban ân điển và bình an cho anh em” (2). Đây là những lời chúc lành y hệt từng lời như các thư khác, và là lời chúc lành của Tân Ước lúc nào cũng có ân điển đi trước và bình an theo sau. Một khuôn mẫu chúc lành trong Cựu Ước được Đức Chúa Trời truyền dặn cho A-rôn: “Hãy nói cùng A-rôn và các con trai người mà rằng: Các ngươi phải chúc phước cho dân Israel như vầy: Cầu xin Đức Giêhôva ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! Cầu xin Đức Giêhôva chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Đức Giêhôva đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi!” (Dân Số Ký 6:23–26). Phước lành của Tân Ước là thuộc tâm linh. Nếu không có ân điển thì không thể có sự bình an. Ân điển và bình an đều đến từ Đức Chúa Trời, Đấng khởi nguyên và là nguồn của mọi ơn phước.

Mỗi khi nhớ đến anh em, tôi cảm tạ Đức Chúa Trời tôi; mỗi lần cầu nguyện cho anh em, tôi luôn luôn vui mừng” (3–4). Đây là tâm tình thật của một người chăn bầy chân chính, luôn nhớ đến những anh chị em tín hữu, suy nghĩ về họ và cảm tạ Đức Chúa Trời đã tạo cơ hội để họ được tiếp nhận ơn cứu rỗi, vui mừng vì số phận của họ đã được vĩnh viễn thay đổi, thường xuyên cầu thay để họ có thể đứng vững vàng trong đức tin. Niềm ước ao cháy bỏng của một mục sư là thấy anh chị em tín hữu vững vàng để yên lòng mà cảm tạ Đức Chúa Trời; và mỗi lần cầu nguyện cho họ thì lòng không bị nặng nề vì những sự lo lắng cho anh chị em mình. Con cái thật của Chúa, từ người chăn bầy đến tín hữu cần phải hiểu rõ rằng, từ những người không quen biết trở thành gắn bó với nhau là chương trình tuyệt vời của Đức Chúa Trời đã dắt dẫn và sắp xếp cho chúng ta.

Phaolô đã cảm tạ Chúa vì “anh em [ở Philíp] đã góp phần trong việc truyền bá Tin Lành từ ban đầu cho đến ngày nay”(5). Sự thông công hợp tác giữa những người rất mới trong đức tin với vị sứ đồ lớn, chứng tỏ họ là những người có đức tin chân thật và vững vàng; không phải chỉ cộng tác thời gian đầu rồi thôi, nhưng vẫn bền bỉ cho đến ‘ngày nay,’ chứng tỏ lòng kiên trung của đức tin vào vinh dự được tham gia công cuộc truyền giảng tin mừng. Nhận ra tâm tình vững vàng ấy, Phaolô đã “tin chắc điều nầy: Đấng đã bắt đầu làm việc lành trong anh em, sẽ làm xong hết cho đến ngày của Đức Chúa Giêxu Christ” (6). Phát biểu về ‘việc lành’ có hai nghĩa. Nghĩa đầu tiên là công việc thần thượng mà Đức Thánh Linh hành động trong lòng người tin, tức là sự tha tội, sự tái sinh trong tâm linh, và đời sống bước đi trên tiến trình thánh hoá, lúc người thật lòng tin đạo tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời ban qua Đức Chúa Giêxu Christ.

Nghĩa thứ nhì nói về sự thành lập Hội Thánh. Nghĩa là Đấng đã đem ơn cứu độ của Cơ-đốc-giáo lập thành Hội Thánh của Ngài trên thế gian, sẽ tiếp tục bảo tồn Hội Thánh ấy trên thế giới khi trái đất còn xoay vần. Đấng Christ vẫn có Hội Thánh của Ngài cho đến khi sự huyền nhiệm của Đức Chúa Trời được hoàn thành, và thân thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giêxu được hoàn tất. Đức Chúa Giêxu đã tuyên bố “Ta sẽ xây dựng Hội Thánh trên vầng đá nầy, các cửa âm phủ sẽ không thắng được Hội Thánh”(Mathiơ 16:18). “Ngày của Đức Chúa Giêxu Christ” tức là ngày Đức Chúa Giêxu vinh quang trở lại xét đoán thế gian, còn Hội Thánh thì được rước về nước vinh quang của Ngài. Ngày đó cũng thường được xem là ngày tận thế.

Philip01.docx

Rev. Dr. CTB