Phục Truyền Luật Lệ, bài 22

Phục Truyền 24:1-22

Đàn ông Do-thái thường dựa vào mệnh lệnh do Môi-se truyền về việc người đàn ông sau khi cưới vợ mà “không thoả lòng về vợ vì thấy nơi nàng có điều gì không tốt” thì có quyền viết giấy ly-hôn trao cho vợ rồi đuổi nàng đi (1); nên cho rằng họ có thể ly dị vợ vì bất cứ lý do gì.

Những người Pha-ri-si đến để thử Ngài và hỏi rằng: ‘Một người có được phép ly-dị vợ vì bất cứ lý do nào không?’” và, “Tại sao Môi-se lại truyền cấp giấy ly hôn, rồi bỏ vợ?” (Ma-thi-ơ 19:3, 7).

Người đọc Kinh thánh hãy nhớ rằng người đàn bà bị chồng bỏ không phải vì phạm tội ngoại tình; bởi vì tội ấy phải bị ném đá chết. Nhưng nhiều người đàn bà tội nghiệp bị chồng bỏ vì các nguyên nhân không hợp lý lắm; ví dụ như người nói nhiều, hay cãi cọ, hôi hám, hoặc khiến người chồng bị xấu hổ vì cách cư xử nào đó, vv.

Cho nên, chữ không đoan chính của tiếng Việt dễ làm người đọc hiểu lầm là người có tính lẳng lơ, trắc nết. Nhưng luật nầy định rằng người bị ly dị phải thật có lỗi.

Người đàn bà bị ly dị có quyền lấy chồng khác. Nhưng đàn bà không có quyền tự ý ly dị chồng rồi được phép ăn ở với một người chồng mới. Đức Chúa Jesus dạy rõ về việc ly dị: “Hễ người nào không vì lý do gian dâm mà ly dị vợ và đi cưới người khác thì phạm tội ngoại tình” (Ma-thi-ơ 19:9).

Phản ứng của các môn đồ Ngài cho thấy họ thích luật cũ hơn: “Nếu chỉ có thể ly dị vợ vì lý do đó thôi thì thà không cưới vợ còn hơn” (Ma-thi-ơ 19:10).

Căn cứ trên lời dạy của Đức Chúa Jesus, anh chị em tín hữu cần phải rất cẩn thận về các quyết định chấm dứt hôn nhân mà không phải vì nguyên nhân ngoại tình của người phối ngẫu, để không phạm tội nghịch cùng Chúa.

Điều kế tiếp mà Môi-se dặn là nếu người vợ ấy đã lấy người khác, thì dù gặp trường hợp nào đi nữa, người chồng cũ không được phép cưới người đàn bà ấy trở lại, vì Đức Giê-hô-va ghê tởm  việc đó (2-4), như Ngài phán:

Nếu người kia ly dị vợ, người vợ nầy ra đi và lấy chồng khác, thì người chồng cũ có thể quay lại với người đàn bà đó không? Đất ấy chẳng phải đã bị ô uế lắm sao? Ngươi đã đàng điếm với nhiều tình nhân, còn tính trở lại với Ta sao?” (Giê-rê-mi 3:1).

Nếu ai đã bỏ vợ, rồi cưới lại người vợ cũ sau khi đàn bà đó đã làm vợ một người khác, thì người ấy đem tội lỗi vào xứ mà Chúa ban cho họ thời đó (4b), hoặc đem tội lỗi vào Hội-thánh thời nay.

Có lẽ điều luật cho phép người mới cưới vợ được ở nhà với vợ suốt một năm, không phải ra trận hay đảm nhiệm công tác nào khác, là điều luật rộng lượng nhất so với tất cả các bộ luật khác của loài người (5).

Vào thời mà trai gái chưa được tự do tìm hiểu nhau như bây giờ, sự xa cách sẽ làm cho tình yêu giữa đôi vợ chồng mới, chưa biết rõ nhau, dễ phôi pha; cho nên, khi người chồng mới được gần gũi với vợ trong suốt một năm sẽ làm người vợ hài lòng và tình yêu thương giữa hai người sẽ phát triển, tăng trưởng và bền chặt, tránh khỏi cảnh vợ bị ly dị chỉ sau một thời gian ngắn ngủi sống với người chồng phải ra trận lâu dài. Định ý của điều luật là như vậy.

Cối đá xay bằng tay là vật gia dụng không thể thiếu vì được mỗi gia đình sử dụng hàng ngày để xay ngũ cốc thành bột làm bánh. Vì thế nó là một vật có giá trị cao.

Cối đá xay bột là hai khối đá được đẽo vừa vặn với nhau nằm chồng lên nhau. Khối nằm dưới có khe và kẽ thoát cho hột đã xay thành bột tuôn ra; dù khối đá nằm phía trên chỉ dùng để nghiền, nhưng không ai được giữ bất cứ phần nào của cối đá làm vật thế chấp cho số tiền hay lương thực đã cho người chủ cối vay (6). Vì làm như vậy khiến cho người kia không có phương tiện xay ngũ cốc làm lương thực hàng ngày cho gia đình họ, giống như lấy mạng sống họ làm vật thế chấp.

Kẻ bắt cóc người khác về làm nô lệ hay bán cho người mua nô lệ để kiếm tiền, là một tên tội phạm phải bị xử tử (7). Bởi vì hắn ỷ sức mạnh hay rình rập cơ hội vĩnh viễn cướp đoạt sự tự do của người yếu thế.

Bệnh ngoài da dễ lây lan vào thời chưa có thuốc trị bệnh hiệu quả là bệnh phung hủi, ghẻ lác và các thứ bệnh tương tự. Dân Israel phải nhờ các thầy tế lễ xem xét những hiện tượng ngoài da có thể là những bệnh dễ lây lan, để cách ly người bệnh cho tới chừng được kể là đã sạch, mặc dù các điều luật không nói các biện pháp chữa trị như thế nào (8-9).

Miriam là chị của cả A-rôn lẫn Môi-se. Bà chỉ trích Môi se vì ông cưới một người vợ không phải là dân Hê-bơ-rơ, nên bà bị phạt mang bệnh phung hủi ngoài da và phải bị ở cách ly bên ngoài trại quân (Dân số ký 12:1, 8-10). Israel được nhắc nhở phải nhớ điều đó để gìn giữ không cho bệnh ngoài da lây lan trong cộng đồng.

Về vấn đề vật thế chấp của người phải đi vay mượn thì cũng có luật định các giới hạn người chủ nợ phải gìn giữ (10-13). Người cho vay không được vào nhà của người vay để lấy đồ thế chấp vì vài lý do:

Thứ nhất là sự nghèo khó của người đó có thể bị bộc lộ khiến họ bị mang tiếng xấu. Thứ nhì là người chủ nợ có thể thấy vật quý giá nào đó trong nhà và muốn lấy vật đó làm vật thế chấp ngược với ý muốn của người vay nợ. Người chủ nợ phải đứng bên ngoài chờ người vay nợ đem món đồ thế chấp ra, miễn là nó tương đương với giá trị món vay.

Đối với người nghèo phải dùng áo ngoài của mình làm vật bảo đảm, chủ nợ không được giữ áo đó qua đêm; vì người phải dùng áo ngoài của mình để thế chấp là người quá nghèo, không có mền đắp để ngủ. Người được trả áo sẽ vui mừng, biết ơn và chúc phước cho chủ nợ vì đã làm điều công chính trước mặt Chúa.

Người có của thường hay ức hiếp người nghèo làm công cho mình. Tâm lý của người có tiền là lên mặt phách lối đối với người nghèo khó. Luật công minh của Chúa cấm tiệt nhà giàu không được ức hiếp người nghèo phải làm thuê, dù là anh em hay ngoại kiều cũng vậy (14).

Lòng tham lam của người giàu không muốn trả tiền công cho người làm thuê. Thủ đoạn khất lần vẫn thường xảy ra. Luật của Chúa là người chủ phải thanh toán tiền công cho người làm thuê mỗi ngày trước khi mặt trời lặn (15).

Vì khi người nghèo trông chờ món tiền công để mua đồ ăn, mà tiền công bị giữ lại thì người ấy sẽ kêu van lên Đức Chúa Trời; người cậy thế ức hiếp kẻ nghèo sẽ bị mắc tội.

Điều luật “cha mẹ sẽ không bị xử tử vì tội của con cái, và con cái cũng không bị xử tử vì tội của cha mẹ. Mỗi người sẽ bị xử tử theo tội của mình” (16), và hai điều luật tiếp theo là để hướng dẫn các thẩm phán về nguyên tắc công bằng là không người nào bị lãnh trách nhiệm vì tội ác của người khác. Mặc dù Đức Chúa Trời sẽ phạt con cháu vì tội của tổ phụ (Xuất Ai-cập 20: 5), nhưng loài người thì không được phép gán tội như vậy.

Vì trước kia dân Israel trong kiếp nô lệ đã bị ức hiếp tại Ai-cập, họ không được bắt chước gương xấu đó mà cư xử bất công với người ngoại kiều hay trẻ mồ côi, hoặc giữ áo xống của người goá bụa làm của cầm (17-18).

Công việc đồng áng ngày mùa thật là tất bật, việc bỏ quên bó lúa ngoài đồng vẫn thường xảy ra. Để cung cấp thức ăn cho trẻ mồ côi, người goá bụa và ngoại kiều nghèo khó, luật cấm không cho người chủ ruộng trở lại lấy bó lúa bỏ quên. Ai tuân theo luật nầy sẽ được Đức Chúa Trời ban phước trong mọi công việc họ làm vì đã bày tỏ đức nhân ái của bản tính Đức Chúa Trời (19).

Lúc thu hoạch trái olive hay hái nho cũng vậy (20-21), luật bảo Israel đừng mót trái olive hay trái nho còn sót trên cành. Chúa đã dành phần đó cho ngoại kiều, trẻ mồ côi và người goá bụa.

Tại sao ba giới người nầy phải đi mót những gì còn thừa? Bởi vì họ không có đất ruộng gì để gieo trồng hay cày cấy hết. Trong xứ Canaan mà dân Israel sẽ vào, đất được chia làm sản nghiệp cho các chi tộc thì không dành cho ngoại kiều.

Cho nên ngoại kiều ở giữa Israel sẽ không được chia đất làm sản nghiệp cho gia tộc họ; vì thế họ là người nghèo phải làm thuê cho dân Israel. Còn trẻ mồ côi và người goá bụa cũng không có gia đình để hưởng sản nghiệp của gia đình họ, vì thế họ nghèo.

Môi se dặn dò Israel phải luôn nhớ cảnh khổ và sự ức hiếp mà họ phải chịu khi làm nô lệ tại Ai-cập, để không làm điều đó cho những người cô thế đang ở giữa mình và sống nhờ vào sự rộng lượng của mình.

Chúng ta ngày nay cũng hãy học điều nầy. Hãy nhớ ơn đất nước đã tiếp nhận và cưu mang chúng ta, để ngày nay chúng ta có thể sống sung túc và bình an (22). Hãy thỉnh thoảng giúp đỡ, bố thí cho người không nhà, người thất thế để họ cơ hội tạ ơn Chúa.

PhucTruyen22.docx

Rev. Dr. CTB