Phục Truyền Luật Lệ, bài 31

Phục Truyền 30:1-20

Người ta thường tự tin khả năng phán đoán của họ và ít tin những lời cảnh cáo của Chúa. Vì thế, tai họa thường xảy đến nhiều hơn ơn phước.

Lòng cứng cỏi và tính tình mê đắm thế gian vẫn thúc đẩy tính nghi ngờ trong lòng người, họ xem những lời cảnh cáo là không chắc sẽ xảy ra; tâm lý đó trở thành thảm họa cho đời sống của nhiều người có tính phản loạn, tự tin họ có khả năng đối phó với các tình huống xấu. Tuy nhiên, khi đã lọt vào các hoàn cảnh khốn khổ rồi, thì mọi sự tự tin đều tan biến hết, vì tai họa dồn dập xảy đến không ngừng.

Nhưng điều hạnh phúc của con cái Chúa là được hưởng những lời hứa quý báu hơn mọi thứ tiền bạc châu báu trên đời: Đó là khi đã ở trong hoạn nạn và biết ăn năn, hồi tâm trở lại với Đức Chúa Trời, thì sự giải cứu của Ngài chắc chắn sẽ đến, không ai cản trở được. Bởi vì đó là lời hứa chắc chắn từ Đức Chúa Trời.

Sự hồi tâm trở lại có các điều kiện là “quay lại với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và … cùng con cái mình hết lòng, hết linh hồn vâng theo tiếng phán của Ngài” (1-2), thì lúc đó Chúa mới đưa tay giải cứu người biết ăn năn khỏi cảnh lưu đày.

Chẳng những vậy, Ngài “sẽ thương xót anh em và sẽ tập hợp anh em về từ mọi dân tộc mà Ngài đã phân tán anh em. Dù anh em có bị lưu đày đến cuối trời thì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em cũng sẽ tập hợp anh em lại và đem anh em trở về” (3-4).

Mấy câu đầu của đoạn nầy nhắc lại những lời cảnh cáo tiên tri đã nói trong hai đoạn trước. Những lời cảnh cáo ấy đã được ứng nghiệm qua sự kiện thành Jerusalem bị phá hủy dưới tay quân La-mã. Sau gần hai ngàn năm bị lưu đày, bây giờ thế giới lại chứng kiến sự ứng nghiệm của các lời hứa giải cứu phước hạnh cho dân Do-thái; mặc dù chưa phải là mọi người Israel hiện nay đều trở lại với Chúa, vì vẫn có một số người miệt mài trong tội lỗi và chủ trương vô thần.

Lời hứa sẽ đem toàn dân Do-thái trở về xứ mà tổ phụ họ chiếm hữu ngày xưa vẫn chưa hoàn toàn ứng nghiệm (5). Vì như hiện nay xứ Giu-đê và Samari, gọi là khu vực Westbank, vẫn còn bị dân Palestine chiếm hữu. Chỉ khi nào Israel chịu tiếp nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Messiah của họ thì lúc ấy mọi lời hứa sẽ hoàn toàn ứng nghiệm.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ cắt bì tấm lòng anh em và tấm lòng của dòng dõi anh em, để anh em hết lòng, hết linh hồn kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình và nhờ đó anh em được sống” (6). Cắt bì tấm lòng là dùng quyền năng của Lời và Thánh Linh biến đổi và tẩy sạch tất cả ác uế của ý muốn tôn thờ nhiều thứ làm thần tượng và tính gian ác của lòng người.

Điều nầy cũng áp dụng cho chúng ta ngày nay; hễ tín hữu nào hết lòng trở lại với Chúa thì Ngài sẽ tẩy sạch tâm linh và đuổi hết các tư tưởng ô uế, để nhờ đó người tin Chúa sẽ thong dong sống đời thánh khiết đẹp lòng Ngài.

Đức Chúa Trời ban phước cho người ăn năn tội lỗi trở lại với Ngài, và giáng các lời nguyền rủa trong sách luật pháp cho kẻ thù, kẻ ghen ghét và bắt bớ dân của Ngài (7); lời hứa nầy đã được thực hiện trong lịch sử thời cổ cũng như trong thời cận đại.

Những nước bị thua trong trận đệ nhị thế chiến là những nước thù ghét, bắt bớ và hãm hại người Do-thái tàn bạo nhất. Trong đó có các nước thuộc Cơ-đốc-giáo giới. Lời nguyền rủa đã được thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện trên dân tộc nào không biết tôn trọng những người được Chúa thương yêu và bảo vệ.

Những ai từng phạm tội mà ăn năn tội lỗi trở lại với Chúa thì được Ngài làm cho thịnh vượng trong mọi công việc tay họ làm; Ngài còn ban phước trên con cái, đàn gia súc và hoa quả của đất đai những nông gia. Bởi vì Đức Chúa Trời vui mừng khi thấy con cái Ngài sống hạnh phúc trong sự vâng lời tuân giữ các điều răn và luật lệ mà Ngài đã truyền cho họ phải vâng giữ (8-10).

Môi-se nói rằng điều răn mà ông truyền cho dân Israel trước khi bước vô đất hứa không phải là quá khó khăn mà người ta không thể tìm thấy hoặc biết được (11). Những điều răn Chúa ban là nhằm cho người trung tín có thể thực hiện nổi.

Nhưng luật pháp ấy trở nên vô cùng khó vì sự yếu đuối của bản tính xác thịt trong con người bị tội lỗi xui khiến làm cho người ta không thể làm hết những gì luật pháp dạy bảo. Người ta vẫn thường viện cớ nầy nọ để nếu có vi phạm luật lệ thì có thể biện hộ cho mình.

Môi-se nói “Điều đó chẳng phải nằm trên trời để anh em phải thắc mắc: ‘Ai sẽ lên trời đem nó xuống để chúng tôi nghe và làm theo?’ Nó cũng không ở bên kia biển để anh em phải hỏi: ‘Ai sẽ đi qua bên kia biển đem nó về để chúng tôi nghe và làm theo?’ Nhưng lời nầy rất gần anh em, ở trong miệng và trong lòng anh em để anh em làm theo” (12-14).

Ý Môi-se muốn nói là những điều luật pháp dạy không quá cao hay quá khó hiểu mà người bình thường không thể với tới. Nó cũng chẳng xa vời mà không ai vâng theo nổi; bởi vì Israel đã được dặn dò rất kỹ lưỡng rằng họ phải ghi khắc nó trong lòng, viết nó ra gắn lên vách nhà, ngoài cửa ngõ, viết lên thẻ gắn trước trán, vv., nghĩa là luật pháp của Chúa đã trở nên rất gần gũi trong lòng cũng như trên môi miệng. Người nào thường xuyên đọc luật pháp cho gia đình mình nghe, thì ý nghĩa của nó không có gì là bí hiểm, dù người ngu dốt vẫn có thể hiểu được.

Điều nầy đúng hoàn toàn với phúc âm của Đấng Christ, mà sứ đồ Phao-lô đã dùng mấy câu trên để áp dụng cho lý luận của ông: “… sự công chính đến từ đức tin nói thế nầy: ‘Đừng nói trong lòng minh rằng ‘Ai sẽ lên trời?’ với hàm ý là để đem Đấng Christ xuống; hay là ‘Ai sẽ xuống vực sâu?’ với hàm ý là để đem Đấng Christ từ cõi chết lên.’ Nhưng lời ấy nói gì? Đạo ở gần anh em, trên môi miệng và trong lòng anh em, đó là đạo đức tin mà chúng tôi giảng dạy” (Rô-ma 10:6-8).

Nghĩa là lời Chúa ở gần chúng ta, và Đấng Christ là lời ấy; cho nên nếu chúng ta tin trong lòng rằng những lời hứa về Đấng Mết-si-a đã được ứng nghiệm trong Đức Chúa Jesus, và miệng mình xưng nhận điều đó, thì chúng ta có Đấng Christ ở với mình.

Phước hạnh và sự nguyền rủa của luật pháp được đặt trước mặt dân Israel. Nó là sự sống và phước lành, sự chết và tai họa (15) cho họ chọn lựa. Nếu ai tuân giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, đi trong đường lối Ngài, tuân giữ những luật lệ và mệnh lệnh của Ngài, thì người ấy được sống, được thịnh vượng, tăng trưởng nhân số, và được ban phước dồi dào.

Nhưng nếu ai thay lòng đổi dạ, không chịu vâng theo mệnh lệnh của Chúa, bị quyến dụ cúng lạy và phụng thờ các thần khác, thì những người đó chắc chắn sẽ bị diệt vong, không được sống lâu trong xứ mà họ sắp được ban cho (16-18).

Hôm nay, tôi xin trời và đất làm chứng” (19a); nếu hiểu theo nghĩa đen thì trời ở trên đầu và đất dưới chân đang đứng; bầu trời và mặt đất không phải là hai sinh vật, chúng là môi trường cho các sinh vật sinh sống và hoạt động; nhưng đứng trước những vấn đề quan trọng thì chúng được gọi ra để làm chứng.

Thời nay, khi chúng ta ở thời đại tân tiến biết rằng mọi hình ảnh hay lời nói đều được thiên nhiên ghi lại chứ không đi qua mất như người ta vẫn nghĩ, thì việc trời và đất làm chứng là hữu lý.

Nếu nói theo nghĩa bóng, thì Môi–se mời các thiên sứ trên trời và người ở dưới đất làm chứng cho những gì ông đang đặt trước mặt dân Israel, rằng “tôi đã đặt trước mặt anh em sự sống và sự chết, phước lành và sự nguyền rủa. Vậy hãy chọn sự sống để anh em và dòng dõi anh em được sống” (19b). Khi người ta đã thấy và biết điều gì là phước hạnh và sự sống thì không ai chọn sự chết hay tai họa cả. Nhưng dòng dõi của họ sẽ bị nguyền rủa vì cứng lòng.

Môi-se hết lòng dặn dò Israel, vì ông biết rõ hiệu quả của lời hứa phước lành và hăm dọa nguyền rủa là rất thật, chắc chắn sẽ xảy ra. Vì Đức Chúa Trời không bao giờ nói dối, không hứa hão huyền, cũng không hăm dọa suông. Nhưng Ngài sẽ hoàn thành những gì Ngài đã phán trước là Ngài sẽ thực hiện tùy theo sự lựa chọn của dân Israel.

Vì thế, Môi-se hết lòng khuyên nài dân Israel hãy yêu mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời, vì Ngài là sự sống của họ (20).

Chúng ta ngày nay cũng vậy. Ngài đã ban Lời Ngài vào lòng ta để cứu vớt và gìn giữ chúng ta. Lời Ngài chính là Đấng Christ mà chúng ta tin nhận và thờ phượng.

Ai vâng theo sự dạy dỗ của Chúa và gắn bó với Ngài thì Ngài ngự vào lòng người ấy và ban cho sự sống; chẳng những thế, Ngài còn dạy bảo và mặc khải cho người ấy biết Ngài sâu nhiệm hơn nữa (Giăng 14:21, 23).

PhucTruyen31.docx

Rev. Dr. CTB