Phục Truyền Luật Lệ, bài 29

Phục Truyền 28:49-68

Sự không vâng theo các điều răn của Chúa, dẫn tới sự bắt chước thờ hình tượng tà thần, đem đến một tai ương không lường trước được:

Đức Giê-hô-va sẽ đưa một dân tộc từ nơi xa xôi đến, từ tận cùng trái đất, như đại bàng lao xuống vồ lấy anh em, một dân tộc mà anh em không hiểu được ngôn ngữ của chúng (49).

Khi Israel bị người Assyria rồi Giu-đa bị người Chaldean xông tới xâm chiếm, thì Israel có thể hiểu phần nào ngôn ngữ của chúng, và các dân tộc ấy cũng chưa phải là ở xa lắm.

Nhưng khi các dũng tướng Vespasian và Adrian của La-mã tràn đến, thì lời đe doạ nầy đã ứng nghiệm, vì tính cách thần tốc của quân La-mã ví như chim ưng lao xuống bắt mồi, quốc huy của họ là chim ưng; đồng thời người Do-thái cũng không hiểu tiếng nói của quân La-mã. Thậm chí, sau khi người Israel bị tan lạc khắp nơi, họ bị mất khả năng học ngôn ngữ mới.

Người Chaldean lẫn người La-mã đều dữ tợn. Họ không nể nang người già, cũng chẳng xót thương trai tráng, thiếu nữ hay trẻ con. Họ giết tất cả; nhất là quân La-mã vô cùng tàn ác, họ bắt thanh niên, thiếu nữ và trẻ con Do-thái đem lên tháp cao ném xuống đất cho chết (50).

Chiên con, bò con và dê con của đàn gia súc sẽ bị quân thù ăn sạch. Ăn thú non hết rồi thì chúng ăn đến thú lớn, “chúng sẽ ăn đàn gia súc, sản vật của đất đai anh em cho đến khi anh em bị tiêu diệt. Chúng không chừa lại cho anh em ngũ cốc, rượu, dầu hay bò con hoặc chiên con cho đến khi anh em bị diệt vong” (51).

Từ khi Israel lìa bỏ Chúa của họ và chạy theo các thần ngoại bang, thì dân tộc và đất nước họ liên tiếp bị các nước lớn kéo đến xâm chiếm. “Chúng sẽ vây hãm anh em trong các thành cho đến khi những vách thành cao và kiên cố mà anh em trông cậy kia phải sụp xuống. Chúng sẽ vây hãm khắp xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em ban cho anh em” (52).

Ngày xưa, người ta thường cậy vào vách thành cao ngất, dầy và kiên cố để phòng thủ; quân tấn công, nếu có đủ lương thực tiếp tế cho quân sĩ, hoặc là vây thành lâu ngày, hoặc là phải kéo đi nơi khác nếu không thể hạ được thành và không đủ lương thực để ăn trong cuộc vây hãm lâu dài.

Nhưng đối với những đạo binh hùng mạnh đến tấn công, thì họ cứ vây hãm lâu ngày cho đến khi trong thành hết lương thực thì phải đầu hàng.

Quân Babylon, Chaldean, và La-mã về sau nầy tìm được cách phá vỡ cổng thành hoặc đục thủng tường thành rồi xông vào tấn công. Họ đã đánh sập tường thành kiên cố của Jerusalem, nên kinh đô Jerusalem thất thủ kéo theo vua quan, quân sĩ và thứ dân đều bị bắt đi đày.

Vào thời quân Syria vây hãm kinh đô Samari của nước Israel phía Bắc, hết đồ ăn, người Israel giết con để ăn thịt, ứng nghiệm lời hăm doạ (53; 2Các Vua 6:24-30).

Ai cũng sợ chết, cổng thành bị đóng kín, niêm chặt, nên dù người dân có muốn thoát ra đầu hàng quân địch cũng không làm được. Tất cả đều bị vây trong thành cho đến chừng ngoài con cái và vợ yêu quý ra, người chồng chẳng còn gì để ăn mà sống cả (54-55). Kể cả những người đàn bà vốn hiền lành và dễ xúc cảm, cũng lén lút giết con mình mà ăn thịt chúng vì quá đói (56-57).

Vào thời kỳ phong trào người Việt vượt biên bằng những chiếc thuyền mong manh trở nên rầm rộ, đã có trường hợp lênh đênh trên biển lâu ngày vì tàu chết máy, một số người đã xẻ thịt những người chết mỏn ở trên tàu để chia nhau ăn.

Một thảm cảnh và là một vết nhơ không bao giờ xoá bỏ nổi của những người không tin Chúa. Thế nhưng, hoạn nạn ấy vẫn chưa phải là tai ương nặng nề đến trên những kẻ phản nghịch Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Môi-se cảnh cáo là nếu dân Israel không cẩn thận tuân giữ các lời luật pháp được ghi trong sách luật, cũng không tôn kính Danh Đức Chúa Trời vinh hiển và rất đáng sợ, thì Chúa sẽ “giáng trên anh em và dòng dõi anh em những tai ương lạ thường, những tai ương nặng nề và dai dẳng, những dịch bệnh hiểm nghèo và kéo dài” (58-59).

Việc Đức Chúa Trời phán và xưng với dân tộc nào rằng “Ta là Đức Chúa Trời của các con,” thì điều ấy không phải là một việc tầm thường hay chẳng quan trọng gì như nhiều người đã tưởng. Dân tộc nào được Chúa nhận làm dân riêng thuộc về Ngài, thì chẳng những là vô cùng vinh dự mà còn là điều đáng sợ nếu không biết giữ gìn lòng kính mến Ngài đúng mức, hoặc không giữ cho Danh Ngài được các dân tộc khác tôn trọng. Mọi lỗi lầm hay tội ác làm Danh Chúa bị ô nhục, thì hình phạt là rất nặng.

Môi-se nói trước các tai hoạ sẽ đuổi theo Israel: “Ngài sẽ cho tái hiện giữa anh em các dịch bệnh của Ai-cập mà anh em đã từng run sợ, và chúng sẽ bám theo anh em. Ngoài ra, còn có cả các thứ dịch bệnh và tai ương không được ghi trong sách luật pháp nầy thì Đức Giê-hô-va cũng sẽ giáng trên anh em cho đến khi anh em bị tiêu diệt” (60-61).

Trong suốt những năm bị làm nô lệ tại Ai-cập, dân Israel đã được Đức Chúa Trời bảo vệ nên họ không bị các thứ dịch bệnh kinh tởm mà người Ai-cập thường xuyên mắc phải; như cùi hủi, ghẻ chốc và ung bướu. Dân Israel rất kinh sợ các thứ dịch bệnh ấy, nhưng họ được Chúa bảo vệ che chở suốt bốn trăm năm không lây bệnh của người Ai-cập. Bây giờ, nếu họ phản Chúa, thì những thứ dịch bệnh mà họ kinh tởm đó giáng trên họ và đeo đuổi theo họ cho đến chừng họ bị diệt vong.

Hơn nữa, những thứ bệnh không được ghi trong sách luật pháp là những bệnh mà người đời chưa biết tới. Trong thời đại chúng ta ngày nay đã chứng kiến những thứ bệnh mới làm nhân loại run sợ. Nào là HIVAID, cúm gia cầm, cúm heo, Ebola, và nhiều bệnh lây nhiễm rất nhanh chóng tại những nơi không biết kính thờ Chúa hay bội nghịch chạy theo khoái lạc nhục thể trái tự nhiên và quái đản.

Mặc dù những lời nầy được công bố cho dân Israel biết và nhằm vào họ, nhưng đối với các con cái Chúa ngày nay cũng cần phải cẩn thận đừng làm những điều bị Chúa xem là phản bội Ngài; bởi vì sự huỷ diệt sẽ đến rất nhanh chóng. Những người phản bội Chúa bỗng thấy hoạn nạn và tai hoạ xảy ra không ngớt giáng trên mình mà không thể trốn tránh đi đâu được. Tất cả chỉ vì không vâng theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình (62).

Đức Giê-hô-va đã vui thích khi làm cho anh em được thịnh vượng và đông đúc thế nào, thì Ngài cũng vui thích mà làm cho anh em bị diệt vong và tiêu tán thể ấy” (63).

Những người không hiểu nguyên tắc nầy tưởng rằng họ có thể chọc giận Đức Chúa Trời mà sẽ không tổn hại gì vì đã được chuộc bởi huyết của Đức Chúa Jesus.

Chúa vui thích làm ơn, nhưng đối với kẻ phản bội thì cơn thịnh nộ của Ngài càng lớn. Sự trả thù của Chúa đến nhanh chóng.

Lời hăm doạ sẽ làm tan lạc dân Israel khắp mặt địa cầu (64) đã xảy ra mà ai cũng biết. Họ đã bị phân tán khắp nơi, trở nên trò cười cho thiên hạ suốt gần hai ngàn năm.

Đáng lẽ ra, dòng dõi của những người đó phải biết kính sợ Đức Chúa Trời, nhưng thực tế ngày nay chứng minh các lời nói trước nầy hoàn toàn đúng. Chẳng những con cháu họ tham gia vào việc thờ cúng các tượng gỗ và đá, mà hầu như trở nên rất thù nghịch với Đức Chúa Trời công nghĩa, như người Do-thái hiện nay ở Mỹ chẳng hạn.

Từ khi bị hoàng đế La-mã Hadrian đuổi đi khỏi quê hương Xứ Thánh của họ, người Do-thái ở mọi nơi đều “không được an ổn, không có chỗ nghĩ chân. …. lòng run sợ, mắt mỏi mòn và tâm linh tàn tạ. Mạng sống …. bị treo lơ lửng …..; cả ngày lẫn đêm phập phồng lo sợ chẳng biết sống chết thế nào” (65-66).

Tâm trạng của những người mà mạng sống giống như cá nằm trên thớt chờ nhát dao chém xuống, thật là khốn khổ. Ban đêm thì trông cho trời mau sáng; ban ngày thì trông cho trời mau tối; nỗi khổ ấy cứ tiếp diễn không ngừng, vì những việc xảy ra trước mắt khiến cho lòng lúc nào cũng sợ hãi (67).

Trong suốt gần hai ngàn năm, dân Do-thái đọc lại các lời hăm doạ trong đoạn sách nầy và họ thấy mọi lời hăm doạ ấy đã ứng nghiệm không sai một nét.

Một số người Do-thái đã trở lại Ai-cập, nơi mà tổ tiên của họ từ đó đi ra trong sự hoan hỉ vui mừng. Không phải họ tự động đi đường bộ trở lại Ai-cập, nhưng bị tướng La mã Titus đẩy xuống thuyền chở sang đày ải ở Ai-cập.

Anh em sẽ đem bán mình làm nô lệ cho kẻ thù nhưng chẳng có ai mua” (68). Họ hi vọng được kẻ thù mua làm nô lệ thì được sống, nhưng họ bị định phải chết và huỷ diệt nên chẳng ai thèm mua họ cả. Đó là số phận hẩm hiu của những kẻ phản bội Chúa.

PhucTruyen29.docx

Rev. Dr. CTB