Chúa Nhật, July 10, 2011

Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh (19)

Nhận Diện Các Nhược Điểm

Hêbơrơ 3:12–4:6

Nhiều tín hữu không biết mình bị những nhược điểm nào cản trở nếp sống đức tin của họ. Vì chưa nếm biết hạnh phúc của các Cơ-đốc-nhân chân thật là ra sao; cho nên, họ không có hi vọng gì về một đời sống quyền năng trong Chúa, và cũng không biết mình đang thiếu cái gì.  Lý do mà người ta thường có là không tin Lời của Chúa là sự thật có thể áp dụng cho họ.  Sự không tin nầy chẳng những là thực trạng phổ biến trong đời sống riêng của tín hữu, mà còn là thực trạng chung của nhiều Hội Thánh ở các địa phương khác nhau.  Theo luật tự nhiên, cái gì có sự sống thì phải tăng trưởng theo thời gian.  Tín hữu ở các Hội Thánh địa phương là các chi thể trong cơ thể sống của Chúa.  Những chi thể đó phải phát triển theo mức tăng trưởng của cơ thể ấy.  Nghĩa là các lời hứa và quyền năng của Chúa phải đương nhiên xảy ra trong Hội Thánh và trong đời sống mỗi tín hữu.  Thế mà, rất ít người được hưởng hạnh phúc của “miền đất hứa.”

Đức Chúa Giêxu phán: “Ta bảo các con, mọi điều các con xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất các con sẽ được điều ấy” (Mác 11:24).  Hiện nay, giữa việc miệng nói tin Lời Chúa, với hành động để chứng minh lòng tin ấy, là một khoảng cách khá rộng giữa vòng các con cái Chúa.  Người ta không thể nói rằng mình cầu xin điều chi cũng sẽ được nhậm lời khi biết gìn giữ mối tương giao thân mật với Chúa, trong khi đó chẳng chịu làm gì để thiết lập và củng cố mối tương giao ấy.  Nhiều người rất lười biếng và phản loạn trong từng cách sống, lơ là trong việc nghe tiếng Chúa qua sự đọc Kinh Thánh, biếng nhác trong sự cầu nguyện, gian lận trong sự dâng hiến, nhát gan trong việc rao truyền Tin Mừng, thờ ơ về nhu cầu của Hội Thánh và người khác.

Trong khi Đức Chúa Trời đòi hỏi sự vâng lời nơi con cái Ngài (1Sam. 15:22b; Hêb.3:18), thì nhiều người xem đó là sự lựa chọn vô thưởng vô phạt.  Vậy, nhược điểm đầu tiên khiến người ta không vâng lời là vì không tin lời hứa của Chúa rằng chúng ta sẽ hưởng những ơn phước tuyệt vời vượt xa mọi thứ thuộc cõi trần tục. Từ chỗ không tin đó người ta có các hành động phản loạn và kết quả là không được vào sự yên nghỉ của Chúa, tức là đời sống đầy ơn phước và quyền năng của Đức Thánh Linh.

Có cách nào để giải quyết tình trạng ấy không? Hêbơrơ 3 nói “xin anh em hãy chú tâm vào Đức Chúa Giêxu ….. Ngài đã trung thành với Đấng bổ nhiệm Ngài (1–2). Đấng Christ thì trung thành với tư cách là Con trai quản trị nhà Chúa (6).” Nghĩa là học theo gương trung thành của Đức Chúa Giêxu: “Nếu chúng ta giữ vững niềm tin ban đầu cho đến ngày cuối cùng, chúng ta chắc chắn được dự phần với Đấng Christ” (14).  Phần Kinh Thánh nầy đã đưa ra phương pháp giải quyết là giữ vững lòng tin (3:6, 14; 4:3), đừng để bị tội lỗi lừa dối (3:13).  Lòng tin là phần riêng của mỗi người, không ai có thể tin thay cho người khác, chỉ có cá nhân đó mới quyết định về lòng tin của mình.  Đây là đức tin ban đầu khi người ta quyết định tin Chúa, một lòng tin đơn sơ và chứa chan tình thương yêu cảm mến.  Khi chúng ta lấy đức tin nhận cho mình Đức Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời tối cao và hằng sống, đã xuống đời gánh thay tội lỗi cho nhân loại, thì sẽ an toàn bước vào sự yên nghỉ của linh hồn mình (4:2–3).

Nhiều thứ trong thế giới vật chất bị huỷ hoại dần trong thầm lặng mà người ta ít khi để ý tới.  Ví dụ nhà sập vì bị mối ăn ruỗng hết cột kèo; bờ sông ở khúc quanh bị nước chảy xói mòn sụp lở từng mảng. Nếp sống tinh thần và luân lý đạo đức của xã hội cứ suy thoái dần trước mắt chúng ta mà chúng ta không để ý rằng mình bị lôi cuốn theo. Nếp sống tâm linh của nhiều tín hữu suy sụp qua thời gian mà họ không ngờ.  Một chút sơ ý chỗ nầy, một thoả hiệp nhỏ chỗ kia, một lần cố ý ngó lơ, một phút yếu lòng, một lần chiều chuộng thói quen cũ, vv…  Trước khi chúng ta nhận ra, một mảng bờ đã sụp lở và bị cuốn trôi theo dòng chảy.  Có những điều mà chúng ta từng cho là không đáng kể đã trở thành những trở lực kinh khủng mà chúng ta không thắng nổi.  Những gì cha mẹ dung dưỡng sẽ truyền lại cho con cái “…ông cha ăn trái nho chua mà con cái ghê răng” (Giêrêmi 31:29).  Đám con cái đó lớn lên tạo thành một tương lai khốn khổ cho cả nước.  Thực trạng xã hội Hoa Kỳ và Việt Nam là các minh chứng hùng hồn về việc nầy.

Nếu ai nhận ra nếp sống tâm linh mình đang xuống dốc thì phải biết tìm cách dừng lại.  Phải làm chi mới dừng lại được?  Hãy nhìn nhận thực trạng tệ hại của mình.  Xưng tội với Chúa trong giờ cầu nguyện riêng rằng mình đã đi ngược đường và muốn trở lại đúng hướng đi Chúa muốn.  Ăn năn về những lần không tin Lời Chúa của mình, rồi cầu xin Chúa chỉ dẫn phục hồi mối tương giao với Ngài.  Không có khó khăn nào mà Chúa không cung ứng lối thoát cho chúng ta.  Nhưng vấn đề phục hồi mối tương giao với Chúa đòi hỏi nhiều nỗ lực vì có nhiều chướng ngại ngăn trở; tức là những thứ hành lý mà chúng ta phải quyết định từ bỏ mới có thể lọt vào khung cửa hẹp.  Những nỗ lực vượt các chướng ngại chính là yếu tố để kiến tạo mối tương giao thân mật với Chúa.  Mối tương giao ấy sẽ đem chúng ta vào thế giới kỳ diệu của Đức Chúa Trời.

Trong thư gửi cho Hội Thánh Laođixê, Đức Chúa Giêxu nói với các tín hữu đã sa bại “Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa ra.  Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn tối với người, chỉ người với Ta” (Khải Huyền 3:20).  Ai được Chúa gõ cửa lòng thì chắc chắn là biết mình đang bị gõ.  Có 3 lý do khiến người ấy không chịu mở cửa:

1) Vì sợ bị quở phạt, nghĩ rằng Chúa sẽ hành xử giống như cha phần xác, không dám tin Ngài rộng lượng hơn những gì mình đã kinh nghiệm trong cõi người.  Hãy biết rằng Đấng Nhân Lành sẽ không làm chúng ta thất vọng.  Chưa bao giờ có ai thất vọng vì tin cậy Chúa.  Không bao giờ!

2) Vì thấy không cần Chúa – Có người nghĩ rằng không có sự chăm sóc, dạy dỗ, quan phòng, và bảo vệ của Chúa thì cũng chẳng có gì phải lo.  Đức Chúa Giêxu nói “con không biết mình khốn khổ, đáng thương, nghèo nàn, đui mù và trần truồng” (Khải 3:17).

3) Vì không thoả lòng – Có lẽ không ai hài lòng với những gì mình đang có, và ai cũng muốn có thêm. Người ta không thoả lòng về mọi mặt: Phải có nhiều tiền hơn, nhà lớn đẹp hơn, xe tốt hơn, học cao hơn, chức vụ quan trọng hơn, nổi tiếng hơn, vv…Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không được phép mua sắm hoặc không cần vươn lên; nó chỉ có nghĩa là chúng ta đừng để bị điều khiển bởi lòng ham muốn có thêm.  “Đừng tham tiền; hãy bằng lòng với những gì mình có.  Vì chính Chúa có phán: ‘Ta sẽ không bao giờ lìa con, cũng chẳng bỏ con’” (Hêbơrơ 13:5).

Hãy biết những sự thật về ý muốn của Chúa để có thể sẵn lòng mở cửa ra khi được Chúa gõ. Chúa luôn luôn muốn đổ đầy vào đời sống chúng ta những kho tàng có giá trị thật: Vàng đã thử lửa, sự bình an, yên ủi, quyền phép, và sự hiện diện của Ngài.  Hãy thật lòng ăn năn về thái độ không cần Chúa. Hãy đọc Khải Huyền 3:18 để biết tình yêu của Chúa ra sao. Chúng ta sẽ không có khả năng dứt khoát rũ bỏ quá khứ nô lệ cho tội lỗi nếu vẫn chưa nhận ra Đức Chúa Giêxu là Đấng sẽ cung ứng mọi nhu cầu cho chúng ta, hoặc chưa để lòng hướng về quê hương mới trên trời.  Hãy vượt qua chướng ngại của sự sợ hãi và đặt lòng tin vào thiện ý của Chúa đối với ta.

Chúng ta cần bình tâm để nghe tiếng Đức Chúa Giêxu đang gõ cửa lòng chúng ta.  Có thể là nhiều người chưa thể trở thành những Cơ-đốc-nhân trưởng thành, có khả năng dìu dắt, chỉ dẫn và dạy dỗ người khác là vì chưa chịu mở cửa lòng mình ra để Chúa có thể biến đổi và thánh hoá con người bề trong và cả bề ngoài của mình.  Khi nào một tín hữu lâu nay bạc nhược trong nếp sống tâm linh, dốt nát về các vấn đề đức tin, sẵn sàng vượt qua ba thứ nhược điểm mình vẫn có là việc sợ Chúa trách mắng–thấy mình không cần Chúa trợ giúp, chỉ dẫn–và không thoả lòng về những gì mình đang có, mở cửa lòng mình ra, thì sẽ thấy Đức Chúa Giêxu đang đứng tươi cười, thương yêu, và dìu dắt con cái Ngài vào mọi phước hạnh kỳ diệu nhất.

QuyenNangThuocLinh19.docx

Rev. Dr. CTB