Chúa Nhật, September 18, 2011

Hiểu Biết Quyền Năng Thuộc Linh, 29

Cầu Nguyện Theo Lời Chúa (1)

Mathiơ 5:1–12

Sau khi nhận biết những thiếu sót chung, tín hữu muốn ăn năn và thay đổi vì đã khám phá ra rằng, nguyên nhân chủ yếu làm cho nếp sống Cơ-đốc không kết quả đều do mối tương giao với Chúa quá lạnh nhạt. Sự lạnh nhạt ấy có lẽ bắt nguồn từ những điều chúng ta không nhận ra cách dễ dàng. Phương pháp giải quyết bất kỳ nan đề nào là phải nhận diện nguyên nhân gây ra sự trục trặc đó. Không có gì giúp chỉ dẫn những điều chúng ta cần biết cách rõ ràng và hiệu quả hơn Lời Chúa. Vì thế, hãy cùng nhau xem xét Lời Chúa để biết cách cầu nguyện có hiệu quả.

Nghiên cứu Bài Giảng Trên Núi của Đức Chúa Giêxu, người ta nhận ra những yếu tố rất cần thiết cho sự phấn hưng cá nhân, nghĩa là nếu biết áp dụng những yếu tố đó sẽ khiến cho lòng có một tâm linh hăng hái, mạnh mẽ, thanh sạch, gần gũi và yêu mến Chúa, yêu thương người. Để có một đời sống tâm linh được phấn hưng, chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm những lời dạy của Chúa rồi xét lòng, đắm mình trong ánh sáng của Lời ấy để biết ăn năn sâu cay, biết khát khao một tâm linh được biến hoá giống như hình ảnh của Chúa. Vì tình trạng tâm linh của từng người thì khác nhau; cho nên, mỗi người sẽ ghi nhận cẩn thận những lãnh vực mà mình cần phải được thanh tẩy và phấn hưng, tuỳ theo sự bày tỏ của Đức Thánh Linh cho riêng mình.

“Phước cho ai có tâm linh nghèo nàn, vì Nước Trời là của họ” (3), “Phúc cho ai đang nghèo khó về tâm linh, vì nước thiên đàng thuộc về họ” (Bản Diễn Ý). Nếu Nước Trời thuộc về những ai có tâm linh nghèo nàn, vậy tôi đang có một tâm linh như thế nào? Có bao giờ tôi nhận ra năng lực mình quá yếu kém, mà vì đó tôi đã chẳng làm được ích lợi gì cho Nước Chúa không? Nếu nói rằng tôi đã biết, thì tôi có biết đau khổ về tình trạng tâm linh nghèo nàn của mình không, có hết sức khát khao cần Chúa thăm viếng tâm linh rách rưới nầy không? Hãy cầu xin Chúa tha thứ vì lâu nay tôi không nhận ra mình đang có một tâm linh rách nát.  Hãy thưa với Chúa rằng: “Cha ơi, xin giúp con nhận rõ con người thật của con. Cho con có lòng khao khát Chúa và nước thiên đàng của Ngài.”

“Phước cho người than khóc, vì sẽ được an ủi” (4), “Phúc cho ai đang buồn bã, vì Chúa sẽ an ủi họ” (BDY). Nhiều người trong chúng ta vẫn thường buồn khổ vì nhiều điều không như ý muốn. Sự buồn khổ sầu đau mà Chúa nói ở đây là sự ăn năn than khóc cho tội lỗi của mình. Vì “Sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời làm cho người ta hối cải để được cứu rỗi, đó là điều không cần hối tiếc” (2Côrinhtô 7:10). Vậy, tôi có thấy đau đớn buồn khổ về tội lỗi tôi không? Người nào thật lòng buồn rầu về tội lỗi sẽ không muốn phạm phải tội ấy nữa, nhưng quyết tâm từ bỏ nó. Tôi thì sao? Nếu tôi cứ phạm đi phạm lại một thứ tội nào đó, thì tôi chưa có sự ăn năn. Chưa ăn năn thì chưa thể buồn rầu theo ý Chúa được. Hãy cầu xin Chúa đặt trong lòng chúng ta sự buồn đau vì ăn năn thứ tội lỗi mà lâu nay mình vẫn thường tái phạm.

“Phước cho người khiêm nhu vì sẽ hưởng được đất đai” (5), “Phúc cho những ai khiêm nhường, vì họ sẽ nhận được đất” (BDY). Lâu nay tôi có hiền lành khiêm nhường không? Tôi có sẵn lòng nhường cho một mình Chúa cai trị tôi không? Người hiền lành khiêm nhường là người có tấm lòng thật sự tan vỡ trước sự cáo trách nhắc nhở của Chúa. Sự hiền lành khiêm nhường ấy phải được thể hiện qua cuộc sống đạo rõ ràng, tỏ rạng như ngọn hải đăng soi trong đêm tối. Hãy cầu xin Chúa tha thứ cho tấm lòng cứng cỏi của chúng ta. Hãy khiêm tốn tự đặt mình dưới sự hướng dẫn không sai trật của Chúa. Ai muốn làm người dẫn dắt bạn bè, thân quyến đang hư mất của mình đến với Chúa, hãy tra xét trong lòng để thật sự tan vỡ ăn năn sự cứng cỏi kiêu ngạo của lòng mình, nhờ đó, sự sống khiêm nhường sẽ đem ơn phước đến cho chúng ta.

“Phước cho người đói khát điều công chính, vì sẽ được thoả mãn” (6), “Phúc cho những kẻ lúc nào cũng cố gắng làm điều phải, vì Chúa sẽ thoả mãn họ” (BDY). Tôi có đói khát sự thiện hảo ngay thẳng, công nghĩa trong mọi lãnh vực của đời tôi không? Tôi có ngay thẳng với Chúa chưa? Tôi có ngay thẳng với người khác không? Sự ngay thẳng và lòng cố gắng làm điều thiện phải thể hiện trong mọi cảnh ngộ, mọi trường hợp, và mọi quyết định. Hãy cầu xin Chúa tha thứ cho biết bao nhiêu lần chúng ta đã không làm điều phải, đã không ngay thẳng; và vì đó mà không ai qua chúng ta tìm đến Chúa. Hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta lòng đói khát được thoả mãn sự công nghĩa thiên đàng, rồi biểu lộ sự công nghĩa qua nếp sống thực tế mỗi ngày.

“Phước cho ai có lòng thương người, vì sẽ được thương xót” (7), “Phúc cho những ai tỏ lòng thương xót đối với kẻ khác, vì Chúa cũng sẽ tỏ lòng thương xót đối với họ” (BDY). Tôi có tỏ lòng nhân từ thương xót đối với người khác không? Có bao giờ tôi biểu lộ một gương mẫu về sự sẵn lòng tha thứ? Có người nào vì uý kỵ tâm tánh của tôi mà không chịu đến với Chúa không? Hãy cầu nguyện ăn năn về lãnh vực dễ phạm tội nầy. chúng ta cần được phước của Chúa, mỗi người cần được phấn hưng; nhưng nếu chúng ta không thuận với nhau trong lãnh vực hệ trọng nầy, thì sự cầu nguyện của chúng ta sẽ trở nên vô ích.

“Phước cho ai có tâm hồn trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (8), “Phúc cho người có tư tưởng trong sạch, vì sẽ được ở với Chúa” (BDY). Tôi có lòng trong sạch không? Moị việc tôi làm, hoặc quyết định mỗi ngày của tôi có xuất phát từ những động lực trong sáng không? Thế nào là trong sạch theo ý Chúa? Hãy được nhắc nhở rằng Đức Chúa Giêxu đòi hỏi chúng ta hoặc là 100% thuộc về Ngài, hoặc là không có gì hết. Theo ý Chúa thì tư tưởng trong sạch là Ngài phải được lòng chúng ta tôn trọng hơn bất cứ tình cảm nào, sự trung thành gắn bó nào. Bởi vì Chúa không khi nào điều khiển chúng ta làm hoặc toan tính làm điều tội lỗi. hãy cầu xin Chúa chỉ cho chúng ta thấy những lãnh vực nào trong tư tưởng chúng ta không trong sạch. Hãy cầu xin Ngài ban cho chúng ta năng lực thắng hơn những lãnh vực mà ta vốn yếu đuối. Hãy tập luyện sự tôn quý Chúa để chúng ta có thể sống đời trong sạch, nhờ đó Chúa sẽ ở với chúng ta.

“Phước cho người hoà giải, vì sẽ được gọi là con của Đức Chúa Trời” (9), “Phúc cho những ai mang lại hoà bình, vì Chúa sẽ gọi họ là con cái Ngài” (BDY). Có lẽ chúng ta chỉ có thể đem lại hoà bình hoặc sống hoà thuận trong nhựng môi trường nhỏ mà chúng ta đang sinh hoạt. Hãy tự hỏi: Tôi có cố gắng sống hoà thuận với mọi người mà không cần phải thoả hiệp với những điều xấu hoặc ác không? Tôi có chủ động tạo hoà thuận hoặc hoà giải khi tôi có đủ quyền, hoặc ở vị thế thuận lợi không? Hãy suy gẫm, cầu nguyện ăn năn về những lần chúng ta giữ mối bất bình, hiềm khích với người khác. Hãy cầu xin Chúa tha thứ, vì ta luôn muốn được gọi là con cái Ngài.

“Phước cho ai chịu bắt bớ vì làm điều công chính, bởi nước Trời là của họ. Phước cho các con khi bị người ta nhục mạ, bắt bớ và vu cáo đủ điều vì Ta. Hãy hân hoan mừng rỡ, vì phần thưởng của các con ở trên trời lớn lắm. Ngày xưa, các nhà tiên tri cũng từng bị ngược đãi như thế” (10–12), “Phúc cho những ai bị ngược đãi vì làm điều phải, vì nước thiên đàng là của họ. Người ta sẽ nhục mạ và làm tổn thương các con. Họ sẽ lấy mọi điều xấu vu cáo các con vì các con theo Ta. Nhưng khi họ làm như thế, hãy xem như các con có phúc. Hãy hớn hở vui mừng lên, vì có một phần thưởng rất lớn đang dành cho các con trên thiên đàng. Họ cũng đã ngược đãi như thế đối với các nhà tiên tri sống trước các con” (BDY). Từ khi theo Đấng Christ đến nay, tôi có thường bị bắt bớ không? Tôi có vì Đức Chúa Giêxu đứng cách rõ ràng nghịch lại với thế gian, xác thịt và ma quỷ, và vì lập trường đó, tôi đã bị bắt bớ không? Khi tôi bị mắng nhiếc, nhục mạ, vu khống, và mang đủ thứ tiếng xấu vì cớ Đấng Christ, tôi có lấy làm vui mừng không? Tôi có tin rằng phần thưởng của tôi ở trên trời là lớn, và vì thế tôi sẵn lòng chịu bắt bớ không?

Phaolô nói rằng: “…tất cả những ai muốn sống đạo đức trong Đức Chúa Giêxu Christ đều sẽ bị bắt bớ” (2Timôthê 3:12). Khi cầu nguyện, hãy suy gẫm Lời Chúa để nhận ra các nhược điểm của mình, nguyên nhân gây ra thiếu sót, không hiệu quả; rồi ăn năn để được tha thứ và được sử dụng cách hữu ích cho nhà Chúa.

QuyenNangThuocLinh29.docx

Rev. Dr. CTB