Con Đường Duy Nhất Dẫn Đến Sự Công Chính

Rôma 10:1–21

Trong  Rôma 10, Phaolô trình bày vực thẳm bát ngát giữa xưng nghĩa bởi luật pháp và được xưng nghĩa bởi đức tin, sự ưu việt của công chính bởi đức tin so với luật pháp; để ông hi vọng có thể thuyết phục người Dothái tin nhận Đấng Christ; sự ngu dại vô cùng của những ai từ khước và sự chính đáng của Đức Chúa Trời từ bỏ những kẻ cự tuyệt. Ước ao của Phaolô xuất phát từ mong muốn chân thành. Lời giảng của ông chống người Dothái nhưng ông cầu nguyện để họ được cứu.  Vì Đức Chúa Trời không muốn ai bị hư vong (2Phi.3:9).  Bổn phận của chúng ta là thật lòng ước ao sự cứu rỗi đến cho những người thân của mình.  Phaolô nói rằng “… lòng tôi hằng mong ước,” (1) nỗi ước mong cho người thân mình được cứu phải có lời cầu nguyện chân thành chứng minh.

Xuất thân từ dòng Pharisi, Phaolô có thể chứng nhận lòng nhiệt thành của người Dothái đối với Chúa (2), “nhưng lòng nhiệt thành đó không dựa trên sự hiểu biết đúng,” mà dựa trên sự tôn trọng luật pháp.  Lòng nhiệt thành với luật pháp khiến họ mù loà không thấy Đấng Mếtsaia theo lời hứa đã đến làm xong các đòi hỏi của luật pháp, giới thiệu một cách thờ phượng mới.  Nguyên uỷ của sự mù loà ấy là họ không phục tùng sự công chính của Đức Chúa Trời, chống đối sự xưng công chính bởi đức tin nơi Đấng Christ. Lòng tự hào của họ không chấp nhận ân sủng cho không từ Đức Chúa Trời và việc Đấng Christ đến chấm dứt luật pháp (3–4).  Họ không hiểu rằng Luật pháp đã được Đức Chúa Trời ban cho để dẫn người ta đến với Đấng Christ; bởi vì, đối với họ, thì công đức của sự thực hành các lễ nghi luật pháp Môise (5), mới dẫn tới sự xưng công chính.  Đối với luật pháp thì phải “làm theo để được sống,” có nghĩa sự cuối cùng của luật pháp là buộc hoặc đưa người ta người ta đến chỗ hoàn toàn vâng phục, và nhờ đó được nhận sự xưng nghĩa.  Đó là điều không thể thực hiện được vì quyền lực của tội lỗi và tính hủ bại của thể xác.  Trong khi đó Christ đến đặt dấu chấm hết cho luật pháp; không phải luật pháp bị phá huỷ hoặc Đấng ban luật pháp bị thất vọng, nhưng vì sự chết thay của Đấng Christ cho các vi phạm luật pháp của chúng ta đã hoàn toàn làm thoả mãn điều luật pháp đòi hỏi, cứu cánh đã đạt được, chúng ta được đưa sang cách khác để trở nên công chính.  Vậy Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp công nghĩa, đưa mọi người tin đến sự xưng công nghĩa không bởi việc làm.

Sự công chính bởi đức tin (6–8) được Phaolô trích từ Phục Truyền 30:11–14 “Điều răn nầy mà ta truyền cho ngươi ngày nay chẳng phải cao quá ngươi hay là xa quá ngươi.  Nó chẳng phải ở trên trời, để ngươi nói rằng: Ai sẽ lên trời đem nó xuống cho chúng tôi nghe, đặng chúng tôi làm theo?  Nó cũng chẳng phải ở bên kia biển, để ngươi nói rằng: Ai sẽ đi qua bên kia biển, đem nó về cho chúng tôi nghe, đặng chúng tôi làm theo?  Vì lời nầy rất gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi, để ngươi làm theo nó.” Như vậy công chính đến bởi đức tin không khó khăn tí nào; vì người ta không cần phải lên tận thiên đàng để tra cứu hồ sơ, cũng chẳng cần phải xuống vực sâu để đem Đấng Christ sống lại.  Người ta đã làm cho vấn đề được cứu rỗi trở thành không thể thực hiện được bởi những phương pháp tu tập vô dụng.  Sự cứu rỗi rất dễ và rất gần: “Lời ở gần bên ngươi,” vì Đạo, tức là Ngôi Lời, đã xuống từ trời, là Đấng Cứu Thế của lời hứa đến trình bày cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời yêu thương, và đạo ở ngay trong miệng và lòng ta.

Tại sao đạo ở ngay trong miệng và lòng chúng ta?  Hàng ngày khi chúng ta đọc Kinh Thánh thì mình đang đọc gì? – Lời!  Mỗi ngày suy gẫm và ghi nhớ lời Kinh Thánh là làm cho Lời thấm vào lòng mình, lời của đức tin, tức là phúc âm và lời hứa của phúc âm ấy.  Gọi là lời của đức tin vì nó là mục tiêu của đức tin về vấn đề chúng ta am hiểu, về lời mà chúng ta tin.  Toàn thể phúc âm là rõ ràng và dễ hiểu.  Trước hết, phúc âm hứa rằng chúng ta sẽ được cứu thoát khỏi tội lỗi và sự trừng phạt, mà Đấng Christ là tác giả của ơn cứu rỗi vĩnh cửu.  Kế đến, có 2 điều kiện đòi hỏi cho sự cứu rỗi: a) Xưng nhận Đức Chúa Giêxu – công khai xưng nhận mối liên hệ giữa mình với Ngài và lệ thuộc vào Ngài. b) Tin trong lòng rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại từ cõi chết (9), là nền tảng căn bản của đức tin Cơ-đốc-giáo.  Vì nhờ xưng nhận và tin như thế, chúng ta công nhận và tin rằng Ngài là Con của Đức Chúa Trời có quyền phép, và sự sống lại của Ngài là bằng cớ trọn vẹn rằng đức công chính của Đức Chúa Trời đã được thoả mãn, nên Ngài chấp nhận sự hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Giêxu Christ thay cho tội lỗi loài người.

Câu 10 giải thích thêm: “Vì một người nhờ tin trong lòng mà được nên công chính, và nhờ tuyên xưng bằng miệng mà được cứu rỗi.”  Người ta phải có đức tin trong lòng trước khi có thể mở miệng thốt lời xưng nhận. Tin không phải chỉ là đồng ý với sự hiểu biết, còn phải là sự đồng lòng của ý chí, một sự đồng ý mạnh mẽ, nồng nhiệt, chân thành. Tuyên xưng là sự xưng nhận với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện và ca tụng ngợi khen; xưng nhận lòng tin của mình trước mặt người khác, đặc biệt là khi bị bắt bớ bách hại. Đức Chúa Giêxu phán trong Math.10:32 “ Ai xưng Ta ra trước mặt thiên hạ thì Ta sẽ xưng người đó trước mặt Cha Ta ở trên trời.”  Sự xưng nghĩa bởi đức tin đặt nền móng cho sự cứu rỗi của chúng ta; bởi sự tuyên xưng, chúng ta xây dựng sản nghiệp tâm linh mình trên nền móng ấy, đến cuối đời chúng ta sẽ sở hữu mọi điều mình có quyền được hưởng.  Tin là phần việc của hồn và linh; tuyên xưng là phần của miệng thể xác. C.11 được trích từ Êsai 28:16 “Chúa Giêhôva phán như vầy: Nầy Ta đặt tại Si-ôn một hòn đá để làm nền, là đá đã thử nghiệm, là đá góc quý báu, làm nền bền vững: ai tin sẽ chẳng hổ thẹn.”

(12) “…không có sự phân biệt giữa người Dothái và người Hylạp …..” tất cả đứng đồng đẳng với nhau về việc được Đức Chúa Trời chấp nhận.  Trong Đấng Christ không phân biệt chủng tộc hoặc dân tộc nào hết. Sẽ không có chuyện Chúa nhận hoặc từ khước ai dựa trên nguồn gốc chủng tộc hoặc sắc tộc của người ấy.  Ngài là Chúa chung của mọi người.  Lời hứa “tất cả những ai kêu cầu danh Chúa đều sẽ được cứu” (13), là lời hứa chung cho mọi người.  Kêu cầu danh Chúa có ý nghĩa là nương cậy vào Ngài, hiến dâng toàn thể con người mình cho Chúa, tin cậy và mong mỏi tất cả sự đáp lời hay ban cho đều là từ Ngài.  Vì thế, đời sống của một Cơ-đốc-nhân chân thật là đời sống cầu nguyện.

“Nhưng họ chưa tin Ngài làm sao kêu cầu? Chưa nghe nói về Ngài làm sao tin? Không có ai truyền giảng làm sao nghe được? Nếu không ai được sai đi làm sao truyền giảng?” (14–15)  Rao truyền tin mừng là điều cần thiết để người ta có thể nghe biết, tin nhận rồi kêu cầu.  Người ngoại đạo không thể tin Chúa nếu không có ai nói cho họ biết về Ngài và tin mừng của Ngài. Họ không thể nghe nếu không có người chịu làm công việc truyền giáo.  Người nói tin mừng phải có uy tín, tức là bằng chứng, về lời mình rao giảng; cũng phải có huấn thị của Đấng sai đi để biết cách rao giảng thế nào cho đúng.  Không gì có khả năng thuyết phục người nghe tốt hơn là đời sống từ khi tin Chúa đã được biến đổi của chúng ta.  Vì thế, đối tượng tốt nhất để chúng ta dắt đến với Chúa là những người đã quen biết mình từ lâu.  Thế thì “Người ta tin nhờ nghe, và họ nghe khi lời của Đấng Christ được truyền giảng” (17).  Nhưng không phải ai cũng tin lời chúng ta nói (16).

Người ngoại đạo nghe tin mừng chưa?  Có! Các nhà truyền giáo đã rao truyền phúc âm khắp nơi, nhưng người ta không chịu tiếp nhận vì cho rằng những gì tổ tiên mình truyền lại là tốt nhất.  Chúa đã dùng Hội Thánh của Đức Chúa Giêxu Christ ngày nay ở khắp mọi dân tộc để giục lòng ganh tị của người Dothái (18–19), khi họ thấy phước lành của Đức Chúa Trời được ban cho Hội Thánh của Đấng Christ, trong lúc họ thì bị tai hoạ.  Chúng ta trước đây đã không chủ ý tìm kiếm Chúa, cũng chẳng cầu hỏi Ngài, thì Ngài lại ban cho chúng ta cơ hội được gặp gỡ Ngài qua Chúa Cứu Thế Giêxu.  Còn về dân Dothái thì Đức Chúa Trời đã dùng mọi cơ hội và thiện chí của Ngài để cống hiến cho họ sự sống và ơn cứu rỗi. (20–21) “Suốt ngày giang tay ra…” là hành động giải hoà với một thứ dân phản nghịch và hay chống đối, chứng tỏ đức nhân từ và sự thành tín vô cùng của Đức Chúa Trời đối với dòng dõi về phần xác của Ápraham, là ông tổ đức tin của mọi Cơ-đốc -nhân ngày nay.

BHKTRoma10

Rev. Dr. CTB