Những Bổn Phận của Tín Hữu (2)

Rôma 12: 3–8

Bởi ân điển về sự khôn ngoan được ban cho ông, Phaolô hiểu được sự cần thiết và sự tốt đẹp của các bổn phận mà ông đang đưa ra các lời khuyên cho mọi thánh đồ ở mọi thời đại.  Chức vụ sứ đồ cũng là ân điển Chúa ban cho để các lời khuyên của ông có thẩm quyền như các mệnh lệnh mà mọi tín hữu phải vâng theo.  Sau bổn phận đối với Chúa ở hai câu đầu, Phaolô tiếp tục về bổn phận đối với chính mình và bổn phận đối với các anh chị em khác.  Ông nói ngay về một điểm tế nhị nhất mà đa số người thường mắc phải: tánh tự phụ, tự cao.  Tánh nầy là một thứ tội lỗi ăn sâu vào trong xương của tất cả chúng ta. Ai nấy đều có đôi chút tự phụ; vì thế “đừng nghĩ quá cao về mình, nhưng hãy suy nghĩ đúng mức theo mức độ đức tin Đức Chúa Trời đã ban phát..” (3).  Cần phải thận trọng, tỉnh táo với chính nếp suy nghĩ của mình và chống trả tâm lý tự phụ, tự mãn vẫn thường có trong mỗi người. “Suy nghĩ đúng mức” là phải nhớ rằng mọi năng lực, ân tứ và ơn ban thì chúng ta đã nhận được từ Chúa, không phải tự mình tạo ra.  Trong những vấn đề vẫn còn nghi vấn tranh cãi, thì đừng quá cố chấp rồi lên án, miệt thị những người có ý kiến khác với mình, như một số người vẫn mắc phải vì khư khư giữ các sự dạy dỗ sai lạc, không có nền tảng Kinh Thánh.

Thi Thiên 131:1 ghi: “Hỡi Đức Giêhôva, lòng tôi không kiêu ngạo, mắt tôi không tự cao, tôi cũng không tìm tòi những việc lớn, hoặc những việc cao kỳ quá cho tôi.” Nguy cơ tự cao của tâm tánh chúng ta rất lớn khi có một chút hiểu biết nào đó, bởi vì “kiến thức sinh kiêu căng, còn tình yêu thương xây dựng cho nhau” (1Côr.8:1).  Êva đã vói tay hái trái cấm vì muốn có tri thức bằng Đức Chúa Trời.  Người có học thức cao thường ít nói vì biết rằng họ chưa biết hết; trái lại người ít học lại khoe khoang quá mức về một chút kiến thức nào đó.  Tại sao chúng ta phải “đừng nghĩ quá cao về mình?” Có một số lý do:

a) Vì tất cả những gì tốt lành chúng ta có là do Chúa đã ban phát cho.  Có điều tốt chi mình đang có mà không do tiếp nhận từ Chúa? – Giacơ 1:17 “Những gì tốt đẹp ta nhận được, và những món quà toàn hảo đều đến từ thiên thượng, từ Cha là Nguồn sáng.”  Nếu có vì đã tiếp nhận, thì tại sao khoe khoang? 1Côr.1:7 “Những điều anh em có, không phải đã nhận lãnh từ Chúa sao? Đã nhận lãnh sao còn khoe khoang như chưa hề nhận lãnh?”

b) Bởi vì Chúa đã ban phát ơn của Ngài cho chúng ta theo luợng đức tin của chúng ta. –  “Mỗi người trong chúng ta nhận được ân điển tuỳ theo sự phân phối của Đấng Christ” (Êphêsô 1:7).  Đấng Christ rất nhu mì và khiêm nhường, tại sao chúng ta dám kiêu căng tự phụ?

c) Bởi vì Chúa cũng ban phát ân tứ cho những người khác như đã ban cho chúng ta; đâu ai được độc quyền sở hữu Đức Thánh Linh?  Thế thì tại sao có người lên mình tự cao xem thường người khác, làm như thể chỉ có mình họ được ân huệ thiên đàng, chỉ mình họ sở hữu sự khôn ngoan?

4–5 Hội Thánh dù hiện nay có vô số người rải khắp nơi trên thế giới, nhưng là một cơ cấu có tổ chức và liên kết nhau như thân thể có chung một cái đầu, được vận hành và điều động bởi một Đức Thánh Linh; không phải là những đám người hỗn độn, bối rối, mất phương hướng. “Thân có nhiều chi thể, và các chi thể không có cùng một chức năng như nhau.”  Dù Hội Thánh bị phân rẽ thành nhiều giáo hội, hệ phái và tổ chức khác nhau, nhưng vẫn có chung niềm tin một Chúa, một mục đích, một ơn cứu rỗi, một hi vọng, một đức tin, một báptêm; vì vậy, tất cả đều ở chung trong một thân thể được điều khiển chung bởi một cái đầu.  Nhưng những chi thể của thân không cùng một chức năng; cho nên luôn có sự khác biệt, và bởi tánh kiêu ngạo vô lý của xác thịt, vẫn còn có những xung khắc, bất hoà. Nếu mọi người đều hiểu biết chức năng của mình vâng theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh để liên kết với nhau như các chi thể của thân, thì sẽ không có những chuyện như thế xảy ra.  Vì các chi thể không phải chỉ liên quan đến cái đầu nhưng cũng liên quan giúp đỡ lẫn nhau, vì lợi ích của nhau.

Vì là các chi thể khác nhau, các tín hữu được Chúa ban cho các ân tứ khác nhau để giúp đỡ các chi thể khác. Một mặt, tín hữu không nên kiêu hãnh về các tài năng của mình, mặt khác cũng không nên bỏ bê hoặc giấu giếm các ân tứ mình được ban.  Việc giả vờ khiêm tốn và từ bỏ mình có thể dẫn tới sự lười biếng phục vụ lợi ích của anh chị em khác. Phaolô liệt kê 7 ân tứ khác nhau (6–8) hình như để chứng tỏ có nhiều chức vụ khác nhau trong Hội Thánh.  7 ân tứ nầy thuộc về 2 loại được phân thành a) các ơn thuộc lãnh vực tiên tri là công việc của các chức vụ giám mục, và b) các ơn thuộc lãnh vực phục vụ là công việc của các chức vụ chấp sự. Đó là 2 loại chức vụ duy nhất hiện hữu trong Hội Thánh xưa nay.

“Ai có ân tứ tiên tri, hãy tiên tri tùy theo lượng đức tin mình” (6). –  Có người giải nghĩa tiên tri tức là giảng lời Chúa; điều đó chỉ đúng một phần. Ân tứ tiên tri với nói tiên tri là hai việc khác nhau. Ân tứ tiên tri không phải là có khả năng nói trước các việc sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng là chức vụ giảng lời Chúa.  Khi giảng về những gì lời Kinh Thánh khải thị, báo trước những việc sẽ đến, người giảng nói đến tình trạng vĩnh cửu của người nghe trong cõi tương lai.  Người giảng sẽ phải vận dụng lượng đức tin mình được ban để nói với lòng tin quyết về những việc ấy. –Tiên tri thời Cựu Ước không phải chỉ là báo trước việc tương lai mà còn cảnh cáo dân sự về tội lỗi và nhắc nhở các bổn phận của họ đối với Chúa.

Có hai công tác rõ ràng mà những người dùng ân tứ tiên tri thực hiện phải biết rõ: giảng dạy và khích lệ.  Một người có thể đảm nhiệm cả hai việc nếu có đủ khả năng làm giỏi như nhau, dạy và khích lệ.  Theo nhà giải kinh Matthew Henry thì chức vụ mục sư và giáo sư ghi ở Êphêsô 4:11 chỉ là một chức vụ; nhưng công việc thì khác nhau.  Giảng dạy là công tác của giáo sư, còn khích lệ là công tác của mục sư. Vì vậy, nếu ai giỏi về giảng dạy thì chuyên lo việc giảng dạy, cũng thế người giỏi về khích lệ sẽ chuyên lo việc khích lệ, vì đó là công việc của một người chăn bầy. Đòi hỏi ở vị giáo sư là phải có tâm trí minh mẫn, còn mục sư phải có tấm lòng yêu thương cảm thông Sự phân công rõ ràng và hòa hợp nhịp nhàng giữa hai chức vụ thực hiện ân tứ tiên tri sẽ giúp gây dựng Hội Thánh mạnh mẽ, vì người chuyên tâm một việc sẽ hết lòng làm việc ấy cách tốt nhất.

Lãnh vực phục vụ là các công việc của chức vụ chấp sự; là những người trợ giúp cho giáo sư và mục sư.  Bốn ân tứ còn lại đã liệt kê: Phục vụ, phát chẩn, lãnh đạo, làm việc bác ái, được phân chia cho các chấp sự, trưởng lão trong Hội Thánh thực hiện.  Thật ra bất cứ ai cũng có thể phục vụ, nhưng chỉ người có ân tứ phục vụ mới có thể làm cách bền bỉ và vui vẻ.  Mặt khác, những ai biết phục vụ mới là người có ân tứ đảm nhiệm chức vụ chấp sự hoặc trưởng lão.  Hội Thánh thời sơ lập phải phát chẩn cho các tín hữu nghèo khó, cô đơn góa bụa. Các chấp sự làm công tác quản lý tài chánh của Hội Thánh, thu tiền dâng vào quỹ và phân phát cho người có nhu cầu.  (8)  Rộng rãi có nghĩa là trung tín và phóng khoáng, không tìm cách làm lợi cho mình, hoặc nể trọng một ai cũng không khắt khe hoặc hống hách đối với người nghèo khó, cô thế.

Lãnh đạo theo nghĩa của phần Kinh Thánh nầy là trợ giúp các mục sư trong việc áp dụng kỷ luật của Hội Thánh.  Công việc của họ không phải chỉ là quản trị, nhưng là mắt, tay, miệng của ban lãnh đạo.  Họ có nhiệm vụ nhận ra những gì đang sai trật để ngăn trở những tín hữu có thể bị sa ngã, giúp họ trở lại bầy. Quở trách hoặc khuyên lơn những người sa bại và áp dụng kỷ luật với những ai cố tình phạm lỗi.  Lãnh vực nầy đòi hỏi những người đó phải có ân tứ lãnh đạo mới có thể làm tròn trách nhiệm cách chuyên cần, tận tâm.  Công tác bác ái cần những bộ mặt nhân hậu vui vẻ. Những người như vậy sẽ làm vơi sự buổn rầu và đem an ủi đến cho người đang khốn khổ.  Bác ái phải đi kèm theo hành động bày tỏ sự sẵn lòng với lời nói dịu dàng.  Phải được ban cho ân tứ bác ái thì người làm công tác bác ái mới có thể làm cách thành thật và nhẫn nại.  Người cau có không thể làm công tác bác ái, vì không có ân tứ ấy.  Khi được ban cho các ân tứ phục vụ chúng ta mới có thể phục vụ hữu hiệu.

BHKTRoma12b

Rev. Dr. CTB