Người Đại Diện, Vấn Đề Thánh Hoá

Rôma 5:12–21; 6:1–23

Vai trò của đức tin trong việc được xưng công chính chỉ có thể được thực hiện qua Đức Chúa Giêxu Christ, Đấng giúp tội nhân được hoà thuận với Đức Chúa Trời, vì công tác chuộc tội Ngài thực hiện đã làm thoả mãn đức công chính của Đức Chúa Trời.  Phần còn lại của đoạn 5 bàn tới nguyên tắc người đứng đầu đại diện. Theo nguyên tắc nầy thì các hành động của một người đứng đầu đại diện làm, sẽ bị gán lên những người mà người đó đại diện. Chúng ta vẫn áp dụng nguyên tắc nầy thường xuyên vào cuộc sống mỗi ngày trong xã hội.  Dân của một nước bầu các đại biểu thay cho họ để lo việc nước.  Nếu các đại biểu hoặc tổng thống làm điều phải và đúng, dân trong nước sẽ được lợi.  Nếu họ làm sai, cả nước đều chịu thiệt hại.  Phaolô nêu ra nguyên tắc đại diện nầy cho chúng ta thấy những hậu quả tai hại của một việc do một người, là Ađam, làm sai; rồi ơn cứu rỗi được ban cho cả nhân loại do hành động công chính của một người, là Đức Chúa Giêxu Christ, đã thực hiện.

Trước hết, Phaolô cho biết sự thật là tội lỗi đã vào thế gian do hành động của chỉ một người (12), tức là sự không vâng lời của Ađam.  Vì Ađam là người đứng đầu đại diện của nhân loại, nếu Ađam không phạm tội, thì dù satan là tạo vật đầu tiên phạm tội, hắn không thể đem tội lỗi vào thế gian gán cho cả nhân loại.  Câu “…vì mọi người đều đã phạm tội” ở đây không phải nói về các tội lỗi cá nhân, vì tội lỗi cá nhân không được tính cho tới khi có luật pháp Môise (13).  Tuy vậy, loài người bị sự chết cai trị vì tội lỗi do tổ tông truyền lại (14).  Nghĩa là trước khi luật pháp được ban xuống, mọi người đều phải trải qua sự chết nhưng không chết vì tội cá nhân của họ mà vì kết quả của tội tổ tông.  Như vậy, họ bị chết vì tội của Ađam gán trên họ do nguyên tắc người làm đầu đại diện lưu truyền.

Kế đến, Phaolô nói rằng chúng ta được cứu trên căn bản lòng tin vào ơn chuộc tội của Đấng Christ là hợp lý, bởi vì sự cứu rỗi của chúng ta phải tương ứng với nguyên tắc mà chúng ta bị kết tội.  Nghĩa là do một người làm đầu đại diện phạm tội mà cả nhân loại đều bị kết án, thì chỉ một người làm đầu đại diện chết thay cho mọi người, nên ai tiếp nhận sự chết thay đó đều được xưng công chính (15–21). Từ đầu sách, Phaolô đã chứng minh rằng người ta được xưng công chính do đức tin vào Đấng Christ, và chính Ngài dẫn mọi người tin đến Đức Chúa Trời, vì thế Ngài là đại diện cho chúng ta như Ađam khi xưa vậy.  Lý luận nầy là nền tảng cho những chân lý về nhu cầu được thánh hoá mà Phaolô trình bày trong các đoạn 6, 7 và 8.

Sự xưng nghĩa, hoặc cũng gọi là xưng công chính, là công việc của Đức Chúa Trời giải thoát người ta ra khỏi hình phạt về tội lỗi.  Còn sự thánh hoá là công việc của Đức Chúa Trời giải thoát con cái Ngài ra khỏi quyền lực của tội lỗi. Sự xưng nghĩa ban sự công chính của Đức Chúa Trời cho người. Sự thánh hoá truyền đức công chính của Đức Chúa Trời vào người.  Sự thánh hoá có ba phương diện: a) Thánh hoá nhờ địa vị là tình trạng thánh khiết được đặt trên người khi người ấy tiếp nhận Đấng Christ, b) sự thánh hoá tiếp diễn là tiến trình được biến đổi theo hình ảnh của Đấng Christ trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, và c) sự thánh hoá hoàn toàn sẽ chỉ được hoàn thành khi chúng ta lên thiên đàng gặp mặt Đức Chúa Trời.

Hai câu 5:20–21 đã đưa đến thắc mắc: “..Chúng ta cứ tiếp tục sống trong tội, để ân điển càng gia tăng phải không?”  Những người muốn đóng góp công đức của họ để kiếm sự cứu rỗi, nêu ra câu hỏi với ý là:“Nếu sự cứu rỗi hoàn toàn do ân sủng của Đức Chúa Trời, rồi chỉ cần có đức tin không cần nỗ lực nào của loài người; và nếu tội lỗi chúng ta khiến ân sủng của Đức Chúa Trời đến, thì tại sao ta không cứ tiếp tục sống trong tội lỗi để cho ân sủng Chúa tiếp tục dư dật?”(6:1) Phaolô tóm tắt sự trả lời của ông là (6:2) “Tuyệt nhiên không!  Đối với tội lỗi, chúng ta là người đã chết, làm sao còn sống trong tội lỗi được nữa?”  Nghĩa là vì được huyết Đức Chúa Giêxu tẩy sạch tội lỗi, chúng ta mới được địa vị ở trong Đấng Christ, nay nếu tiếp tục sống trong tội lỗi thì sẽ bị mất địa vị ấy.  Hơn nữa, người đã chết đối với tội lỗi thì làm sao sống trong tội lỗi được?

“…chịu báp têm trong Đức Chúa Giêxu Christ” có nghĩa là qua hành động chịu phép báptêm bằng nước, chúng ta mong muốn Đức Thánh Linh làm cho con người của ta hiệp chung với thân vị và công việc của Đấng Christ bằng cách giúp chúng ta tham dự công tác của Ngài trên thập tự giá, nhờ đó, chúng ta đã chết chung với Ngài vì tội lỗi của chúng ta (3).  Khi Đức Chúa Giêxu đã sống lại, thì vì chúng ta đã ở trong Ngài nên cũng được sống lại với Ngài (4–5).  Tuy nhiên, phép báp têm bằng nước không làm cho người nhận báp têm đương nhiên được xưng nghĩa hay thánh hoá.  Nó chỉ là biểu tượng của sự thật ấy.  Ơn được xưng nghĩa và được thánh hoá chỉ xảy ra sau khi chúng ta thật lòng quyết tâm hợp nhất chịu nhục với Đấng Christ trong sự chết của Ngài, nhờ đó chúng ta mới có thể cùng Ngài hưởng sự sống lại vinh quang; mà phép báp têm bằng nước là biểu hiện của quyết tâm chúng ta muốn con người cũ của mình phải bị giết chết và bị chôn chung với Đức Chúa Giêxu để cùng được sống lại với Ngài.  Quyết tâm đó phải thể hiện qua cuộc sống thường ngày thì ơn phước đó mới trở thành sự thật, chứ không phải nước của phép báp têm khiến chúng ta được xưng nghĩa hoặc thánh hoá.

Những câu (6–11) tự nói lên vấn đề mà Phaolô muốn trình bày: “Chúng ta biết điều nầy: con người cũ của chúng ta bị đóng đinh vào thập tự giá với Ngài, khiến thân thể tội lỗi bị diệt đi, để chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa. 7 Thật vậy, ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi. 8 Nếu đã cùng chết với Đấng Christ, chúng ta tin chắc là sẽ cùng sống với Ngài, 9 vì biết rằng Đấng Christ  đã từ cõi chết sống lại, không bao giờ chết nữa, sự chết không còn quyền gì trên Ngài. 10 Ngài chết là chết cho tội lỗi chỉ một lần là đủ, nay Ngài sống là sống cho Đức Chúa Trời. 11 Cũng thế, đối với tội lỗi anh em hãy coi mình đã chết, nhưng sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giêxu Christ.” Bí quyết để hưởng sự mầu nhiệm nầy là ‘hãy coi như mình đã chết đối với tội lỗi,’ và không để cho tội lỗi thống trị trên thân thể, vì nó sẽ khiến chúng ta chiều theo những điều thân thể ham muốn; cũng không cho phép thân thể làm công cụ cho những việc bất chính, mà phải dâng thân thể của mình cho Đức Chúa Trời để Ngài sử dụng như các dụng cụ làm điều công chính; vì tội lỗi không có quyền gì trên chúng ta nữa, bởi khi chúng ta thuộc về Đấng Christ thì thuộc về ân điển, không còn ở dưới luật-pháp (11–14).

Trong các câu (15–23) Phaolô đưa ra nguyên tắc là hễ mình chọn vâng phục điều chi, mình trở thành nô lệ cho điều đó.  Khi chúng ta chưa được cứu thì không có sự lựa chọn nào hết, bản chất tự nhiên khiến chúng ta làm nô lệ cho tội lỗi.  Nhưng khi chúng ta tin Đức Chúa Giêxu, trở về cùng Đức Chúa Trời, thì được giải thoát không còn phục vụ tội lỗi nữa, là những điều xưa kia mình làm, bây giờ thấy quá xấu hổ (21).  “22 Nhưng bây giờ anh em đã được giải phóng khỏi tội lỗi trở thành nô lệ của Đức Chúa Trời, lợi ích của anh em là được thánh hoá, và cuối cùng được sự sống đời đời. 23 Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng quà tặng của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giêxu Christ, Chúa chúng ta.”

Nền tảng cho sự công chính của chúng ta chính là nền tảng mà trên đó chúng ta được thánh hoá, là thập tự giá của Đức Chúa Giêxu Christ.  Vì Ngài đã chết vì tội lỗi và sống lại để chúng ta được xưng công chính, thì Ngài cũng đã thay ta chết đối với tội lỗi và sống lại để sống cho Đức Chúa Trời.  Không có việc nào chúng ta làm để đạt được sự cứu rỗi, cũng không có việc nào mà chúng ta có thể làm để đạt đến sự thánh hoá. Chúng ta chỉ có thể được thánh hoá bằng cách đồng hoá mình với Đấng Christ trong sự chết của Ngài đối với tội lỗi, và sống lại với Ngài trong một đời sống mới.  Đây không phải là phương pháp để đạt được sự thánh hoá, nhưng nó phải là động lực thúc đẩy để chúng ta tìm thấy sự thánh hoá của mình trong Đức Chúa Giêxu Christ.

BHKTRoma05-6.doc

Rev. Dr. CTB