Đời Sống Khải Hoàn nhờ Đức Thánh Linh (1)

Rôma 8:1–17

Thần học gia Spener có lần nói rằng: “Nếu ví Kinh Thánh như một chiếc nhẫn, và thư Rôma là một viên đá quý trên chiếc nhẫn ấy, thì đoạn 8 có thể xem như điểm chiếu lóng lánh của viên đá quý.”  Vì tầm quan trọng của nó, chúng ta sẽ khảo sát cách kỹ lưỡng những giáo lý quan trọng của đoạn 8 nầy. Chỉ cần so sánh với câu áp chót của đoạn 7, người đọc sẽ nhận ra nét huy hoàng, sự đắc thắng, và tiếng reo mừng ca ngợi của đời sống tín đồ trong đoạn 8. Bởi vì chẳng những sự xưng nghĩa của ơn cứu độ mà cả sự thánh hoá của tín hữu đều từ ơn tể trị của Đức Chúa Trời ban cho.  Ý nghĩa tổng quát của các câu 1–25 nói về cái nguồn của sự thánh hoá, và phần còn lại 26–39 nói về điều chắc chắn của sự thánh hoá.

Các đoạn 1–3 đã nói rằng toàn thể loài người đều nằm dưới sự đoán phạt của Đức Chúa Trời vì tất cả đều nhận được một số khải thị nào đó để biết về Ngài nhưng họ đã cự tuyệt. Dù người ta hoàn toàn không thể làm chi để được Đức Chúa Trời chấp nhận, Ngài đã cung ứng sự công nghĩa qua Con Ngài là Đức Chúa Giêxu Christ, Đấng đã chết thay thế cho mọi người có tội, và ban cho những ai tin nhận Đấng Christ sự công nghĩa của Đức Chúa Trời; như vậy, một người được kể là công nghĩa bởi đức tin vào ơn tha tội của Đức Chúa Trời qua sự hi sinh của Đức Chúa Giêxu.  Vị thế ở trong Đấng Christ vì được xưng công nghĩa bởi đức tin phải được người ấy thực hành bằng sự xưng nhận qua phép báp têm rằng đã chết đối với tội lỗi và đã được sống lại một đời sống mới trong Đức Chúa Giêxu Christ (đ.3b–6). Mặc dù phải sống một đời tin kính là mệnh lệnh Chúa đã truyền, nhưng chẳng ai có thể cậy sức riêng mà đạt được, dù người ngoại đạo hay tín hữu. Chẳng phải vì luật pháp là xấu, nhưng bởi xác thịt là yếu đuối và bị tội lỗi cai trị (đ.7).

Sứ điệp của đoạn 8 cho biết rằng Đức Chúa Trời chẳng bao giờ định ý cho tín hữu sống đời Cơ-đốc-nhân bằng các nỗ lực riêng của họ. Sự cung ứng cho nếp sống tín đồ là Đức Thánh Linh.  Công việc của Đức Thánh Linh thực hiện vì các con cái Chúa được bàn đến trong 8:1–27.  Câu 1 là đặc quyền của những Cơ-đốc-nhân chân thật, những ai thật sự ở trong Đấng Christ sẽ không bị đoán phạt chung với thế gian.  Họ có thể bị Đức Chúa Trời sửa trị vì những lầm lỗi khi còn sống ở trần thế, hoặc có thể bị thiệt thòi, tai nạn, vv, nhưng có một chỗ bảo đảm ở trên trời vì không bị Đức Chúa Trời đoán phạt.  Bởi vì tất cả tội lỗi, quá khứ, hiện tại, và cả tương lai đã bị thanh toán tại thập tự giá của Đấng Christ; thậm chí nhiều tội chúng ta phạm trong vai trò tín hữu cũng được tha thứ, miễn là chúng ta chăm chú bước đi theo Đức Thánh Linh chứ không theo những sự ham muốn của xác thịt. Trong tiến trình được thánh hoá nhờ bước đi theo Đức Thánh Linh, sau khi sự xưng nghĩa giải thoát tín hữu khỏi án phạt của tội lỗi, thì sự thánh hoá giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi. (2) “Vì luật của Thánh Linh của sự sống trong Đức Chúa Giêxu Christ đã giải thoát tôi khỏi luật của tội lỗi, của sự chết.”

Những điều luật pháp không làm nổi là nó không thể xưng công nghĩa hoặc thánh hoá chúng ta (3), vì xác thịt không thể tuân theo luật pháp làm cho luật pháp ra suy yếu, thì Đức Chúa Trời đã làm bằng cách sai Con Ngài mang lấy thể xác giống như thể xác tội lỗi, và xử phạt thể xác ấy.  Vì thế sự công nghĩa mà luật pháp đòi hỏi đã được hoàn thành bởi những người sống theo Thánh Linh (4) bởi họ được xưng nghĩa và được thánh hoá.  Làm thế nào chúng ta biết mình sống theo xác thịt hoặc sống theo Thánh Linh? Sự chú tâm của chúng ta vào những khoái lạc xác thịt, lợi lộc và danh vọng trần gian, dành thời gian cho những khoái cảm, là những điều thuộc về xác thịt.  Tìm kiếm sự hài lòng của Đức Chúa Trời, sự an lành cho linh hồn, quan tâm tới những điều vĩnh cửu, là những điều thuộc về Thánh Linh (5). (6) “Tâm trí hướng về xác thịt là tâm trí hướng về sự chết, nhưng tâm trí hướng về Thánh Linh là hướng về sự sống và bình an.” Tâm trí hướng về xác thịt còn tệ hơn tâm trí của một tội nhân bình thường vì nó là tâm trí của một linh hồn chống nghịch Đức Chúa Trời, nó không phục luật pháp của Ngài, và không thể nào phục được (7); bởi “Những người sống theo xác thịt không thể nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời” (8) vì sự bất khiết của xác thịt đối nghịch với luật pháp thánh của Chúa.

Như thế dấu hiệu để nhận ra sự hiện diện của Đức Thánh Linh lòng là chúng ta không sống theo những ham muốn và đòi hỏi của xác thịt.  Hơn nữa, có Đức Thánh Linh là sự bảo đảm chắc chắn rằng chúng ta thuộc về Đấng Christ (9).  Tất cả thánh đồ đều có xác thịt và linh trong mình, nhưng sống theo xác thịt với sống theo Thánh Linh là hai cách sống trái ngược nhau.  Người của Christ phải có linh hồn được uốn nắn và thiên hướng giống như Đấng Christ, nghĩa là được Chúa Thánh Linh hướng dẫn, chỉ đạo mọi sinh hoạt của đời sống. Những người có đặc quyền sẽ không bị đoán phạt lại được các đặc quyền khác theo sau: “Nếu Đấng Christ ở trong anh em, dù thân thể chết vì tội lỗi, nhưng tâm linh sống vì được nên công chính. Và nếu Thánh Linh của Đấng đã làm cho Đức Chúa Giêxu sống lại từ cõi chết ngự trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Chúa Giê-xu Christ sống lại từ cõi chết cũng sẽ nhờ Thánh Linh Ngài đang ngự trong anh em, làm cho thân thể chết chóc của anh em được sống” (10–11).  Như vậy, đặc quyền đầu tiên là “sự sống.”

Đặc quyền thứ nhì là “tâm linh con cái.” 12–13 nói về 2 động lực: a) chúng ta không mắc nợ xác thịt, b) hãy suy nghĩ về hậu quả của việc sống theo xác thịt. C.14–16 bàn đến lợi ích của việc được Đức Chúa Trời nhận làm con.  Trước hết là được Đức Thánh Linh của Ngài hướng dẫn. Sở hữu sự hướng dẫn của Đấng Toàn Tri là hạnh phúc tột bậc, như một khách lữ hành được chỉ dẫn bởi một người hướng đạo rành rẽ, một học sinh được thầy tận tình chỉ dạy để làm bài, như người con được Cha đi trước dẫn đường bằng tình yêu bao bọc con mình khỏi mọi hiểm nguy.  Mọi tín hữu chân thật đều được Đức Thánh Linh hướng dẫn như vậy.  Tuy nhiên, con cái phải chịu trao phó, tin cậy, và vâng lời bước theo sự hướng dẫn của Ngài, để được Ngài dịu dàng dẫn vào mọi chân lý và bổn phận.  Tin cậy và vâng lời dẫn tới đặc quyền làm con của Chúa (14).

Mọi con cái của Chúa đều có Đức Thánh Linh hành động trong lòng để thoát khỏi sự sợ hãi của tâm linh nô lệ.  Dân sự của Chúa trong thời Cựu Ước sợ hãi vinh quang của Đức Chúa Trời dù chỉ là ánh sáng còn lại trên mặt Môise, khiến ông phải lấy màn che mặt mình.  Cái màn ấy là biểu tượng của tâm linh nô lệ (2Côr.3:12–16).  Chúng ta nhận được tâm linh của con cái đặt vào lòng chúng ta, để chúng ta bắt đầu yêu mến Đức Chúa Trời là Cha thật đầy yêu quý của mình và vui thích được ở trong Ngài, trò chuyện với Ngài, nương cậy Ngài.  Một tâm linh được thánh hoá mang hình ảnh của Đức Chúa Trời, cũng giống như đức con mang hình ảnh của cha nó vậy. Nhờ đó chúng ta mới có thể gọi Chúa bằng tiếng gọi Aba, Cha, hết sức thân yêu (15), là tiếng gọi thốt ra trong giờ cầu nguyện, lúc tâm sự nỗi lòng với Ngài.

Thân phận được làm con cái của Đức Chúa Trời không phải là một sự tưởng tượng từ sự ước ao của lòng, nhưng là một thực tế được tâm linh chúng ta và Đức Thánh Linh chứng thực cho địa vị làm con ấy (16) bằng sự yên lòng và bình an trong tâm linh.  Sự chứng thực ấy đồng ý với lời Kinh Thánh luôn luôn khi chúng ta đọc là đúng, chân thật, và thánh khiết.  Đời sống thánh hoá là bằng cớ khác nữa về sự chứng thực của Đức Thánh Linh; do đó chúng ta không thể lầm lẫn.

Quyền lợi của con cái là được thừa kế. Được hưởng sự “thừa kế của Đức Chúa Trời và đồng thừa kế với Đấng Christ” (17) là điều không thể tưởng tượng nổi đối với thân phận tội lỗi ô uế cũ của con người vốn mang tâm tánh xác thịt.  Tình yêu thương và đức nhân ái vô bờ bến của Chúa đối với những người có đức tin đã bày tỏ qua điểm vô cùng đặc sắc nầy.  Tuy nhiên, cái giá để có thể hưởng vinh quang là phải đồng chịu khổ đau nhục nhã với Đấng Christ. Không thể mong mỏi được hưởng vinh quang của quyền năng thiên đàng, đời sống thánh hoá đầy hạnh phúc, tâm linh yên ổn trong sự bảo đảm chắc chắn về đời sống vĩnh cửu đời sau, mà không chịu nổi sự đau đớn khi phải rứt bỏ những ham muốn tầm thường của xác thịt trần gian tạm bợ.  Nắm chắc tương lai vinh quang là điều khôn ngoan hơn hết.

BHKTRoma08a.doc

Rev. Dr. CTB