Phn Kết Thư Tín Rôma

Rôma 16:1–27

Phaolô kết thúc bức thư dài và rất xuất sắc nầy bằng rất nhiều tình cảm đậm đà.  Ông ân cần giới thiệu một người chị em trong Chúa, nữ chấp sự Phêbê tại Hội Thánh Cenchrea, người cầm lá thư nầy, có lẽ vì công việc phải đến Rôma, một nơi xa lạ đối với bà; vì thế Phaolô giới thiệu bà cho những tín hữu mà ông quen biết ở đó.  Cenchrea là một hải cảng nhỏ nằm cạnh Côrinhtô. Rất có thể Hội Thánh Cenchrea chính là Hội Thánh Côrinhtô, vì rất gần và vì sự chống đối của người Côrinhtô đối với phúc âm của Chúa (Công 18:12), nên tín hữu ở Côrinhtô nhóm lại ở nhà Phêbê tại Cenchrea.  Phaolô nói rằng bà Phêbê đã giúp đỡ nhiều người, trong đó có cả ông nữa.  Chứng nhận của Phaolô là rất quan trọng, vì thư gửi cho Hội Thánh Rôma sẽ được luân chuyển giữa các Hội Thánh thời ấy. Ông xin tín hữu tại Rôma hãy tiếp đón bà Phêbê theo cách tiếp đón các thánh đồ và giúp đỡ bà trong mọi việc bà cần tại Rôma.

Những câu 3–15 Phaolô liệt kê tên của những người mà ông muốn chào thăm.  Số người mà Phaolô nêu tên trong thư nầy là nhiều hơn bất cứ thư tín nào khác mà ông đã gửi. Mặc dù sự toan liệu cho mọi Hội Thánh các nơi chồng chất trong đầu có thể làm lu mờ ký ức, Phaolô vẫn nhớ rõ từng tên người và các đức tính của họ.  Ông bày tỏ tình thương yêu của ông trong chữ chào thăm tiếng Hy lạp là ‘aspasasthe,’ có nghĩa là: “Cho họ biết rằng tôi nhớ đến, yêu thương họ và mong họ được khoẻ mạnh.” Trước tiên, Phaolô nêu tên đôi vợ chồng nổi tiếng Priscilla và Aquila (3), 2 người quê quán tại Rôma mà Phaolô quen biết tại Côrinhtô, họ đã lưu lạc đến đó bởi sắc lệnh của Caesar Claudius (Công vụ 18:2).  Sau khi sắc lệnh ấy không còn hiệu lực, AquilaPriscilla trở về quê quán Rôma của họ. Phaolô gọi họ là: “bạn cùng làm việc với tôi phục vụ Đức Chúa Giêxu Christ.”  Ông cho biết rằng: “Họ đã xả thân cứu mạng sống tôi.  Không chỉ riêng tôi, mà cả các Hội Thánh của các dân ngoại cũng đều biết ơn họ” (4) (Công vụ 18:12, 18). Đùm bọc giúp đỡ vị sứ đồ của các dân ngoại là hành động được mọi Hội Thánh biết ơn.  Ông muốn tín hữu tại Rôma kính trọng Aquila và Priscilla; ông lại chào thăm Hội Thánh nhóm tại nhà hai người nầy nữa (5).

Ông gọi Êbainết (Epaenetus) là “anh em yêu quý, người đầu tiên tin Đấng Christ ở Tiểu Á.” Trong 1Côr.16:15, Phaolô nói rằng gia đình Stephanas là những người tin Chúa đầu tiên ở Achai (Tiểu Á).  Như vậy rất có thể Epaenetus là một thành viên của gia đình Stephanas, hoặc ít ra ông là một trong ba người đầu tiên tin Chúa ở Achai.  Công khó của Mari (6) có thể là đã từng phục vụ Phaolô, hoặc phục vụ những bạn đồng hầu việc Chúa với Phaolô.   Như thế, có lẽ Mari trước đó đã từng giúp đỡ Phaolô trong những chuyến truyền giáo của ông.  Về AndronicusJunia (7) thì một số người nghĩ rằng đây là đôi vợ chồng, nhưng họ vừa là hai anh em trai, vừa là bà con của Phaolô (giống như Herodion [c.11]), vừa là bạn đồng tù với ông nữa.  Trong Công vụ, không thấy kể việc Phaolô bị tù trước khi viết thư Rôma, ngoại trừ lúc bị bắt, đánh và giam giữ ở Philíp (Công 16:23), nhưng ở 2Côr.11:23, thì Phaolô kể rằng ông bị tù rạc thường xuyên, như vậy có lẽ ông đã gặp Andronicus và Junia trong một lần nào đó.  “Nhiều tiếng khen giữa các sứ đồ” không phải vì địa vị trong xã hội, nhưng là sự hiểu biết, ân tứ và thiện tâm của họ khiến họ được các sứ đồ khác, những người có khả năng đánh giá, khen ngợi họ.  Họ cũng tin Chúa trước Phaolô nữa.

Những người được nêu tên như Amplias, Urbanus, và Stachys (8–9) hầu như chỉ xuất hiện ở thư Rôma, không thấy nhắc đến chỗ nào khác.  Phaolô chào Apelles, người đã được thử thách và chấp nhận trong Đấng Christ về các đức tính, sự liêm chính và thành thật, ông đã được cả bạn bè lẫn kẻ thù thử thách, đã chứng minh là vàng thật không sợ gì lửa (10).  AristobulusNarcissus cùng hai gia đình của hai người (10–11) là những người quen biết mà Phaolô vẫn nhớ đến.  Tri-phena, TryphosaPersis là ba người đàn bà đã có nhiều công khó trong Chúa (12).  Rufus (13) được kể là người được Chúa lựa chọn vì những ân tứ được ban và thiện tâm ông có.  Phaolô xem mẹ của Rufus như mẹ của mình.  Có người cho rằng câu “được Chúa lựa chọn” có nghĩa là chức vụ sứ đồ của Rufus.  Thật ra, những bằng chứng về chức vụ sứ đồ của Rufus vẫn chưa được giới sử gia xác nhận.  Tên của những người được Phaolô chào thăm trong hai câu 14 – 15 và các anh em, thánh đồ ở với họ, cho thấy Phaolô có biết về những người nầy, hoặc có quen biết với họ từ trước qua các chuyến đi truyền giáo của ông ở Achai và Maxêđoan.

Tân Ước và lịch sử không cho biết rõ Hội Thánh tại Rôma do ai thành lập.  Truyền thuyết về việc sứ đồ Phierơ là người thành lập Hội Thánh Rôma và là giám mục đầu tiên đã không có bằng chứng qua thư Rôma, vì không thấy Phaolô nêu tên và chào thăm Phierơ trong thư tín quan trọng và rất dài nầy.  Sự chào nhau bằng cái hôn thánh là phong tục của Hội Thánh thời bấy giờ bày tỏ tình yêu thương nhau trong gia đình của Chúa, để làm cho họ thân mật gần gũi nhau hơn. Phaolô khuyến khích họ tiếp tục làm điều đó bằng sự chân thành và thánh thiện.  “Tất cả các Hội Thánh của Đấng Christ gửi lời thăm anh em” (16) nghĩa là tất cả các Hội Thánh do Phaolô thành lập và quen biết, cũng như ông thường xuyên thăm viếng dạy dỗ, đều muốn Phaolô bày tỏ tình yêu của họ đối với anh chị em trong Chúa tại Rôma.

Sau khi đã yêu thương chào thăm mọi người để hiệp nhất họ trong gia đình của Chúa, Phao-lô khuyên nên cảnh giác về:  “những người gây chia rẽ, gây vấp phạm, đi ngược giáo lý anh em đã học hỏi” (17).  Đây là một tâm tình hết sức thân quý của Phaolô đối với anh chị em tín hữu ở Rôma. Ông không dùng lối ra lệnh như một người làm chủ cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, nhưng xuất phát từ tình yêu thương mà khuyên nài.  Ông muốn họ phải cẩn thận trước những mối hiểm nguy đem đến bởi những người “gây chia rẽ” và “gây vấp phạm.”  Có nghĩa là sẽ có những sự áp đặt những thứ luật lệ hoặc thói tục nào đó theo ý riêng diễn giải luật pháp của một số người.  Hay người ta sẽ đặt ra một số giáo điều, giáo luật chẳng ăn nhập gì tới Kinh Thánh, rồi bắt các tín hữu phải tuân theo.  Đó là những việc gây chia rẽ và gây vấp phạm, và là việc vẫn thường xảy ra xưa nay.  Ông khuyên rằng “Hãy lánh xa những người như vậy.

Về hạng người nầy thì Phaolô nói rằng: “Những người như thế không phục vụ Đấng Christ, Chúa chúng ta, nhưng phục vụ cái bụng của họ, dùng lời ngọt ngào tâng bốc để lừa dối những người nhẹ dạ” (18), nghĩa là những người đó không vì sự vinh quang của Đấng Christ mà phục vụ, nhưng chỉ muốn thoả mãn các tham vọng, sự kiêu hãnh, tham lam, cùng những mối quan tâm về thế tục và xác thịt.  Lời lẽ giảng luận của họ có vẻ thánh thiện và nhiệt tâm về Chúa, cũng như các lời ngọt ngào đầy quan tâm và yêu thương đối với những người mà họ muốn gieo giáo lý sai trật của họ vào.  Sở dĩ Phaolô lo lắng vì: “Mọi người đều biết tiếng anh em là những người vâng phục…”; tuy nhiên, họ phải “khôn ngoan đối với việc tốt” mà đừng để bị lừa gạt về điều xấu (19).  Phaolô xác quyết rằng Đức Chúa Trời của sự bình an, đang hoà thuận với chúng ta, phán lời bình an, thực hiện và lập sự bình an cho đời sống chúng ta, sẽ nhanh chóng giày đạp satan dưới chân của con cái Ngài (20), nghĩa là ban cho con cái Ngài sự chiến thắng đối với satan.  “Cầu xin ân điển của Đức Chúa Giêxu chúng ta ở với anh em,” nghĩa là xin ơn phước của Đấng Christ được ban, và công việc tốt lành của Chúa ở trong họ.

Trước khi kết thúc bức thư, Phaolô kèm theo lời chào thăm của một số người đang ở với ông mà có lẽ các tín hữu ở Rôma cũng biết đến như “Timôthê, bạn cùng làm việc” “Lucius, Jason, và Sosipater” bà con của Phaolô (21).  Về Tertius, người chép thư nầy cho Phaolô, thì rất có thể ông nầy là Silas, nghĩa là ‘thứ ba’ trong tiếng Hêbơrơ, nhưng là Tertius trong tiếng Latinh. Theo diễn giải của một số sử gia thì sở dĩ Phaolô phải nhờ Tertius chép thư, hoặc là do ông đọc cho, hoặc là chép lại từ bản thảo của ông viết, vì người ta nghĩ rằng chữ Phaolô viết rất xấu và khó đọc, vì thế phải nhờ Tertius (hay Silas), là người viết chữ đẹp và rõ hơn (22).

Gaius, người tiếp đãi tôi,” thì không rõ là Gaius nào.  Có thể là Gaius ở Derbe (Công 20:4), hay Gaius ở Maxêđoan (Công 19:29), hoặc là Gaius ở Côrinhtô (1Côr.1:14).  Cũng không biết có phải là Gaius mà sứ đồ Giăng viết thư cho (3Giăng 1).  Dù là Gaius nào thì Phaolô nói lời khen ngợi là chẳng những đã tiếp đãi ông, mà còn tiếp đãi cả Hội Thánh nữa (23).  Có nghĩa là Gaius sẵn sàng mở cửa nhà mình cho Hội Thánh sử dụng khi cần, hoặc dùng nhà mình làm nơi nhóm lại của Hội Thánh, hoặc tiếp đãi bất cứ tín hữu nào đến thành phố của ông nhờ ông giúp đỡ dù chưa quen biết.  Lời xác nhận khen tặng của Phaolô hết sức quan trọng đối với Gaius, vì những nghĩa cử cao đẹp của ông đối với con dân Chúa sẽ được truyền tụng khắp thế giới suốt lịch sử Hội Thánh, cho tới ngày Đấng làm đầu Hội Thánh trở lại tiếp rước con dân Ngài.

Erastus là thủ quỹ của thành phố Côrinhtô, nơi thư tín nầy được viết và gửi đi.  Ông là một trong số ít người có quyền cao chức trọng được Đức Chúa Trời chọn lựa.  Tên ông được nhắc 1 lần nữa ở 2Tim.4:20.  “Người anh em là Quartus” nghĩa là tình anh em trong Chúa (23).  Phaolô lại một lần nữa cầu xin “ân điển của Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta ở với tất cả anh em” (24) ở Hội Thánh Rôma.

Sứ đồ Phaolô kết thúc thư tín của mình bằng lời cung kính quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời đáng chúc tụng về “Tin Mừng mà ông truyền giảng về Đức Chúa Giêxu Christ” (25).  Phaolô gọi đó là Tin Lành của tôi, vì ông là người truyền giảng tin mừng ấy và ông đã đóng góp hết sức cho sự vinh quang của tin mừng đó qua sự quy đạo của vô số người ở khắp các miền Achai, Hylạp và Maxêđoan.  Tin mừng đó là sự truyền giảng về Đức Chúa Giêxu Christ.  Ông tôn vinh Đức Chúa Trời cũng vì Ngài đã “bày tỏ lẽ huyền nhiệm đã được giấu kín suốt các thời đại trước,” và “ngày nay, lẽ huyền nhiệm đó được bày tỏ cho mọi dân tộc đều biết” (26).  Sự huyền nhiệm ấy được nói đến rõ ràng ở thư Êphêsô 3:5–6 “Sự huyền nhiệm nầy chưa hề được tiết lộ cho loài người trong các thế hệ trước, nhưng nay đã được Đức Thánh Linh khải thị cho các sứ đồ thánh và tiên tri thánh; đó là nhờ Tin Lành, các dân tộc ngoại bang được trở thành người đồng thừa kế với người Dothái, trở thành chi thể của đồng một thân, và cùng được hưởng các lời hứa trong Đức Chúa Giêxu Christ.” Sự huyền nhiệm nầy đã bị giấu kín kể cả đối với các môn đồ của Đức Chúa Giêxu Christ. Họ đã không biết gì về huyền nhiệm của ơn cứu chuộc cho đến khi Đức Chúa Giêxu sống lại và thăng thiên.

Phaolô nói rằng ông không phải là người duy nhất được biết về lẽ huyền nhiệm ấy, nhưng là mọi dân tộc bây giờ đều được biết.  Ông cũng nói rằng đều ấy được bày tỏ “theo lời tiên tri trong Kinh Thánh” (26b).  Bằng cách nào?  Bởi vì sự kiện Đấng Christ chịu chết, chôn, sống lại, thăng thiên, được hoàn thành, là sự giải thích, trình bày rõ nhất về những lời tiên tri thời Cựu Ước.  Lẽ huyền nhiệm ấy được bày tỏ cho mọi dân tộc là “theo lệnh của Đức Chúa Trời hằng sống.”  Mục đích của sự khải thị ấy là “để người ta vâng phục và tin nhận Chúa,” không phải để bàn tán hoặc tranh cãi, nhưng để vâng phục bởi đức tin.

Lời tôn vinh Đức Chúa Trời để kết thúc lá thư nói rằng Ngài là “Đấng có quyền năng làm cho anh em vững mạnh” (25).  “Ngài là Đấng khôn ngoan duy nhất” (27), có nghĩa là Đức Chúa Trời là nguồn gốc của sự khôn ngoan, Ngài không khi nào sai lầm.  Ngài là nguồn sự sáng của sự khôn ngoan mà mọi tạo vật đã nhận được.  Ngài sẽ “được vinh quang đời đời vì Đức Chúa Giêxu Christ.

Roma16.docx

Rev. Dr. CTB