Sáng Thế Ký, bài 49

Sáng-thế-ký 47:1–31

Sau khi tiếp đón cha, các anh em và cả gia đình tại Gô-sen, Giô-sép trở về yết kiến Pha-ra-ôn để tâu trình việc cha và gia đình mình đã dọn từ Ca-na-an tới Ai-cập. Mặc dù Giô-sép có toàn quyền trong mọi việc, nhưng ông vẫn rất cẩn thận tìm sự chuẩn thuận của vua Ai-cập về quyết định cấp vùng đất sinh sống cho gia tộc của cha mình.

Giô-sép kết hợp sự khôn ngoan thế gian với các nguyên tắc tín ngưỡng và đất đai rộng rãi trong sự tính toán một chỗ định cư lâu dài cho gia tộc của ông, là vùng đất Gô-sen.

Ông trình với Pha-ra-ôn: “Cha tôi và anh em tôi từ xứ Ca-na-an đã đến cùng với chiên, bò, và tất cả những gì họ có. Bây giờ họ đang ở tại Gô-sen” (1).

Giô-sép biết người Ai-cập thích con số năm. Đối với họ, số 5 là con số tượng trưng cho đầy đủ; vì thế, Giô-sép chọn năm người trong số mười anh em của mình vào yết kiến Pha-ra-ôn (2).

Chắc chắn rằng Giô-sép biết tánh ý của Pha-ra-ôn hay hỏi các câu hỏi; cho nên ông đã chỉ dẫn cách trả lời cho các anh mình. Còn những người được chọn là người biết đối đáp các câu hỏi của vua Ai-cập.

Khi được hỏi: “Các ngươi làm nghề gì?” Thì câu trả lời, “làm nghề chăn chiên như tổ tiên đã làm,” (3) bảo đảm sẽ được vua Ai-cập chấp thuận cho họ ở một vùng biệt lập. Hơn nữa, Giô-sép còn dạy họ lên tiếng xin vua Ai-cập cho họ được tạm trú tại vùng Gô-sen, vì “Ca-na-an không còn đồng cỏ cho súc vật và nạn đói trở nên trầm trọng” (4).

Kết quả diễn ra đúng như Giô-sép đã dự liệu; vì chẳng những Pha-ra-ôn bảo Giô-sép ban cấp vùng đất tốt nhất trong xứ, tức là Gô-sen, cho gia tộc của Gia-cốp, mà ông còn giao cho họ trông nom các đàn súc vật của ông nữa (5–6).

Trong mọi việc diễn ra, không có gì bất công mà chỉ là sự khôn ngoan sắc sảo của Giô-sép. Không ai có thể bắt lỗi ông trong việc cấp đất đai chăn nuôi cho gia tộc của cha mình.

Chúng ta thấy ở bài học nầy về phẩm chất mà người hầu việc Chúa phải có là: Sắc sảo nhưng không trí trá, thánh thiện nhưng khôn khéo trong lãnh vực chính trị. Giô-sép là một người như vậy. Đức Chúa Giêxu cũng dạy chúng ta hãy khôn khéo như con rắn, nhưng hiền lành như chim bồ câu (Ma-thi-ơ 10:16).

Mặc dù địa vị của Giô-sép là rất cao trọng, ông chẳng cảm thấy xấu hổ chút nào về căn cước khiêm tốn của gia đình mình trong mắt người Ai-cập. Con cái Chúa ngày nay cũng phải học tập đức tính nầy.

Một trong các bài học quý báu nhất của đời sống các tổ phụ Do-thái là tình cảm gia đình rất thiêng liêng đối với họ. Chính tình yêu thương cha và người em trai trong lòng Giô-sép đã giúp ông có nghị lực vượt qua những khổ đau vô cùng oan ức trong đời.

Mấy ai có ngôi vị cao cấp trong chính quyền dám dũng cảm dẫn một số người quê mùa vào dinh tổng thống giới thiệu họ là anh em ruột của mình? Thế mà Giô-sép vẫn hiên ngang dẫn năm người anh làm nghề chăn chiên, một nghề bị người Ai-cập kinh tởm, ra mắt vua Ai-cập. Đối với Giô-sép, tình anh em ruột thịt là thiêng liêng và cao quý nhất.

Sau đó, Giô-sép đưa Gia-cốp, cha mình, vào yết kiến Pha-ra-ôn. Gia-cốp chúc phước hai lần cho vua Ai-cập. Qua các lời đối đáp, người ta mới biết rõ tuổi của Gia-cốp ở thời điểm ấy là một trăm ba mươi tuổi (7–10).

Vậy, “theo lệnh của Pha-ra-ôn, Giô-sép ổn định chỗ ở cho cha và anh em, cấp đất đai để họ làm sản nghiệp trong Ai-cập, tại vùng tốt nhất của xứ sở nầy, thuộc địa hạt Ram-se. Giô-sép cấp lương thực cho cha, anh em và mọi người trong nhà cha, tuỳ theo số con cái của họ” (11–12).

Có lẽ ngoài Gia-cốp là người cảm thấy thoả mãn hơn hết, Giô-sép cũng thoả mãn vì được gặp lại người cha vô cùng thương nhớ của mình, và đời sống của cha đã ổn định.

Năm năm mất mùa và đói kém tiếp theo khiến cho cả xứ Ai-cập và Ca-na-an đều bị kiệt quệ. Giô-sép chứng tỏ đường lối cai trị của ông là rất khôn ngoan, vừa cứu giúp cho dân Ai-cập có lúa ăn, vừa làm lợi cho ngân quỹ của vua Ai-cập.

Trong một xã hội thời nô lệ và phong kiến lúc đó, các bậc đế vương cầm quyền thường chỉ lo củng cố quyền hành và quyền lợi, còn dân chúng của nước họ sinh sống ra sao thì họ chẳng màng đến.

Pha-ra-ôn và triều đình Ai-cập trao việc điều hành đất nước cho tể tướng Giô-sép. Vì vậy, người Ai-cập phải đến với Giô-sép để mua lúa. Khi đã hết tiền thì họ đổi súc vật để lấy lúa; khi đã hết súc vật thì bán ruộng đất cho Pha-ra-ôn và bán cả chính họ làm nô lệ cho vua (13–21). Nhưng dân Ai-cập xem Giô-sép là vị cứu tinh của họ.

Căn cứ vào các chi tiết trên, người ta biết rằng tuy Pha-ra-ôn làm vua toàn cõi Ai-cập, nhưng trước khi dân Ai-cập bán đất cho Pha-ra-ôn để đổi lấy lúa ăn, thì vua Ai-cập không có chủ quyền trên đất đai của dân.

Vào thời đó, người nào khai khẩn được bao nhiêu diện tích đất thì được làm chủ toàn thể đất mình đã khai khẩn, cày cấy. Vì dân du mục dẫn bầy thú của họ ăn cỏ từ chỗ nầy sang nơi khác, nên không được làm chủ mảnh đất nào cả.

Nguyên tác câu 21 nói rằng Giô-sép đã dời những người đã bán ruộng về ở trong các thành, tức là các thành gần với ruộng của họ, thay vì cư ngụ rải rác.

Chính sách đó rất khôn ngoan vì vừa thi ân duy trì sự sống của dân chúng, vừa tập trung sự cung cấp lương thực cho dễ dàng hơn, và sau nầy khi cơn hạn hán đã ngưng, thì cho họ trở lại ruộng vườn cũ để canh tác đất đai và sản xuất ngũ cốc (23–24).

Năm mà dân Ai-cập bán đất cho Pha-ra-ôn để đổi lấy lương thực và hột giống, có lẽ là năm cuối của nạn đói; vì sáu năm trước đó không gieo trồng cày cấy chi được.

Người ta cần hột giống khi họ thấy có thể bắt đầu gieo trồng được (19). Nhưng họ vẫn cần có lương thực để ăn trong khi chờ đợi mùa thu hoạch kế tiếp.

Các thầy tế lễ Ai-cập được nói tới ở đây là những người lo việc thờ cúng các thứ thần tượng của người Ai-cập. Họ không phải bán đất, vì họ “được một phần trợ cấp nhất định của Pha-ra-ôn. Họ sống nhờ phần lương thực Pha-ra-ôn trợ cấp” (22).

Việc cung cấp hột giống cho nông dân gieo trồng chứng tỏ rằng bảy năm hạn hán đã hết. Từ năm trước, tất cả ruộng đất và dân Ai-cập, ngoại trừ đất của các thầy tế lễ và gia đình họ, đều đã bị bán cho vua Ai-cập đổi lấy lương thực.

Vì thế, người Ai-cập phải để ra một phần năm hoa lợi là lệ phí thuê đất của Pha-ra-ôn. Điều lệ rất nhân đạo ấy do Giô-sép đặt ra, đã trở thành “một luật về đất đai tại Ai-cập” có hiệu lực trải nhiều thế kỷ về sau (23–26).

Khác với vài cách chia lợi tức giữa chủ và thợ được áp dụng thời nay, Giô-sép đã cho người có công cày cấy được giữ đến bốn phần năm hoa lợi của đất ruộng. Một chính sách khoan dung và hậu hĩ rất hiếm có trong một chế độ quân chủ mà ý niệm nô lệ rất thịnh hành, và ý vua được xem như ý trời không thể thay đổi.

Vậy Israel định cư trong miền Gô-sen, thuộc Ai-cập. Con cháu ông đã gây dựng cơ nghiệp tại đó và sinh sôi nảy nở bội phần” (27). Từ một gia tộc du mục trở thành một dân tộc định cư tại đất nước người, gia đình Gia-cốp đã được Đức Chúa Trời giữ lời hứa ban phước của Ngài; vì thế con cháu của Gia-cốp sinh sôi nảy nở bội phần trong một khoảng thời gian chỉ có mười bảy năm.

Kinh-thánh không nói gì về các hoạt động của Gia-cốp trong mười bảy năm ấy. Có lẽ ông vì tuổi già chỉ an nghỉ trong sự phụng dưỡng của Giô-sép và các con cháu khác. Năm ông gần được một trăm bốn mươi bảy tuổi thì ông biết mình đã đến ngày gần qua đời (27–28).

Gần đến ngày qua đời, Israel gọi Giô-sép, con trai mình, đến và bảo: ‘Nếu thương cha, con hãy đặt tay dưới đùi cha, lấy lòng nhân từ và thành thật mà hứa rằng con sẽ không chôn cha tại Ai-cập. Nhưng khi cha đã an giấc với tổ phụ, con hãy đem cha ra khỏi Ai-cập, chôn cạnh phần mộ của tổ tiên.’ Giô-sép thưa: ‘Con sẽ làm đúng lời cha dặn.’ Gia cốp nói: ‘Con hãy thề với cha đi.’ Giô-sép liền thề. Israel qùy lạy ngay trên đầu giường mình” (29–31).

Ca-na-an là vùng đất mà Chúa hứa ban cho dòng dõi Áp-ra-ham làm cơ nghiệp. Vì thế Gia-cốp không muốn bị an táng tại Ai-cập; ông muốn được nằm xuống trong cơ nghiệp của Chúa ban.

Để tay dưới đùi gần nơi cắt bì có nghĩa là dựa trên giao ước vĩnh viễn của Chúa mà thề hứa.

Gia-cốp qùy lạy ngay trên đầu giường mình để thờ phượng Đức Chúa Trời (Hêbơrơ 11:21) với lòng chân thành biết ơn. Ông quỳ lạy trước mặt Chúa để bày tỏ lòng biết ơn sự nhân từ của Ngài; vì sự thành tín của Ngài đối với tổ phụ ông, cá nhân ông và dòng dõi của ông.

SangTheKy49.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký