Sáng Thế Ký, bài 52

Sáng-thế-ký 50:1–26


Sự qua đời của Gia-cốp đem lại niềm thương tiếc vô cùng cho tất cả các con của ông, nhưng có lẽ Giô-sép là người buồn khổ hơn hết. Vì ông là người con được cha yêu thương nhất, rồi bị bán đi làm nô lệ và ở tù nơi quê người mười ba năm trường. Nỗi niềm thương nhớ cha già ròng rã hai mươi năm mới gặp lại. Bây giờ Gia-cốp vĩnh viễn lìa đời; cho nên “Giô-sép cúi xuống mặt cha, vừa hôn vừa khóc” (1).

Có lẽ tất cả các con của Gia-cốp đều làm như vậy, trước khi xác Gia-cốp được đem đi ướp bằng thuốc thơm theo lệnh của Giô-sép (2). Đây là lần duy nhất trong Kinh-thánh ghi chép rõ thời gian bốn mươi ngày ước xác bằng thuốc thơm theo nghi thức và tục lệ của người Ai cập (3).

Dù Gia-cốp là một kiều dân, nhưng “Dân Ai-cập để tang Gia-cốp trong bảy mươi ngày,” vì ông là cha của vị tể tướng.

Vào thời Gia-cốp và Giô-sép, có vài người đặc biệt được Chúa hiện ra chuyện trò và hứa ban phước; rồi họ cũng nhận được rất nhiều ơn phước vật chất và tinh thần theo lời Chúa hứa. Nhưng các người ấy vẫn chưa có một ý niệm gì về sự sống vĩnh cửu ở đời sau, hoặc người được chọn sẽ về cõi vinh quang sau khi lìa đời.

Vì chưa có một lời hứa nào về việc đó được ban cho loài người trong thời Cựu-Ước, cho nên, việc Giô-sép khóc thương cha mình là lẽ thường của người con có lòng hiếu thảo.

Thời nay, chúng ta được biết nhiều điều về cõi thiên đàng hơn người ngày xưa, vì Đức Chúa Giêxu và Đức Thánh Linh đã đến thế gian bày tỏ cho con dân Ngài biết nhiều điều về cõi tương lai của họ.

Vì vậy, chúng ta sẽ không quá đau đớn khi người thân yêu của mình, vốn là tín hữu khi còn sống, bị sự chết cướp mất. Vì chắc chắn chúng ta sẽ gặp lại họ ở cõi vinh quang.

Có lẽ các tổ phụ từ thời Áp-ra-ham qua đời đều được ướp xác bằng thuốc thơm. Vì dòng tộc ấy đều là những người giàu có. Nhưng xác Gia-cốp phải được ướp tẩm kỹ hơn theo phương cách của hoàng gia Ai-cập.

Người đọc Kinh-thánh thường lấy làm lạ khi thấy Giô-sép không dám tâu thẳng với Pha-ra-ôn về việc xin đi lên Ca-na-an chôn cha mình mà phải nhờ người tâu lại giùm (4–5).

Phong tục tang chế của thân nhân người chết trong thời kỳ ấy là phải mặc đồ tang, không được cạo râu và phải để đầu tóc rối bù trong suốt thời gian tang chế. Vì thế, Giô-sép không thể ra mắt vua tại hoàng cung trong một bộ dạng như vậy.

Đồng thời, những lời ông tâu lên chứng tỏ sự kính trọng đặc biệt đối với nhà vua. Ông không lợi dụng phẩm trật của mình mà làm sai nghi lễ.

Pha-ra-ôn chấp thuận thỉnh cầu của Giô-sép. Vua bảo: “Ngươi hãy lên chôn cha ngươi như lời cụ đã bắt ngươi thề” (6). Giô-sép bèn tiến hành chuyến đi lên Ca-na-an để an táng cha.

Vì vai trò và phẩm trật của Giô-sép trong triều đình Ai-cập lúc ấy chỉ đứng sau vua một bậc; cho nên đã “có tất cả các triều thần Pha-ra-ôn” cùng đi với ông. Rồi cũng có các trưởng lão trong triều, các trưởng lão trong xứ Ai-cập, cùng với hết thảy anh em của Giô-sép, người nhà và thân quyến của Gia-cốp đều đi lên Ca-na-an (7–8).

Khi mô tả điều nầy, tác giả không nhắc đến những vị đại thần hay các quan chức của triều đình Ai-cập đều có nhiều đầy tớ phục vụ họ dù ở nhà hay đi ra ngoài đường. “Ngoài ra còn có chiến xa và kỵ binh hộ tống” (9). Vì thế, người đọc sách Sáng-thế-ký phải biết hình dung đoàn người đưa đám tang Gia-cốp là đông vô kể.

Họ đi đến “sân đạp lúa của A-tát ở phía đông sông Jordan” (10), có nghĩa là họ phải đi vòng bờ đông của Biển Chết, tránh vùng hoang mạc Giu-đa và lối đi gập ghềnh phía tây Biển Chết.

Ở nơi đó “họ cử hành một tang lễ rất long trọng và xúc động. Giô-sép để tang cha trong bảy ngày” (10). Sự long trọng của đám tang khiến cho người Ca-na-an địa phương phải đặt tên cho địa điểm ấy là “Abel-Mizraim,” nghĩa là “sự than khóc của người Ai-cập” (11).

Vậy các con trai Gia-cốp làm theo lời trăng trối của cha. Họ đưa ông về  xứ Ca-na-an, chôn trong hang đá ở cánh đồng Machpelah, gần Mamre, mà Áp-ra-ham đã mua của Ép-rôn, người Hê-tít, để làm nơi an táng. Sau khi chôn cất cha, Giô-sép và các anh cùng những người đưa tang trở về Ai-cập” (12–14).

Các anh của Giô-sép biết ông thương yêu cha hơn thương yêu họ. Sau khi cha qua đời, họ sợ rằng Giô-sép sẽ trả thù, vì họ tưởng Giô-sép có tánh tình giống như họ, không có sự tha thứ hoàn toàn; cho nên, họ bắt đầu sống trong sự lo sợ (15).

Các anh của Giô-sép dù đã nhận được vô số ân huệ từ người em của mình, nhưng họ vẫn chưa nhận ra tình yêu thương chân thành cũng như đức vị tha trong lòng của người biết kính sợ Đức Chúa Trời trong Giô-sép.

Chi tiết nầy dạy chúng ta một bài học. Hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình: “Ta có ý tưởng thế nào về Đức Chúa Trời, Đấng đã rộng lượng ban mọi thứ ân huệ cho ta trọn đời sống? Tại sao ta không dám hoàn toàn tin tình yêu thương vô điều kiện của Ngài, và thường nghĩ rằng Ngài sẵn sàng phạt ta vì các lỗi lầm trong đời?

Lời Chúa phán “Ngươi tưởng rằng Ta cũng giống như ngươi” (Thi-Thiên 50:21b), có đúng chút nào với cách chúng ta suy nghĩ về Ngài không?

Các ông anh liền bịa lời dặn của cha và sai người đến nói lại với Giô-sép (16-17). Nếu điều ấy có thật, thì Gia-cốp đã nói thẳng với Giô-sép rồi; vì ông hiểu rất rõ tâm tính đứa con mà ông yêu thương vô cùng.

Cách hành xử của các anh Giô-sép trong việc nầy bộc lộ tâm tánh giảo hoạt của những người không tin vào lòng tốt thành thật trong người khác. Đáng lẽ họ nên gặp thẳng Giô-sép để đặt vấn đề mà không cần phải qua trung gian.

Giô-sép khóc vì ông thấy các anh của ông vẫn chưa tin lòng thành thật của ông. Chắc rằng người sứ giả về thuật lại, nên “các anh của ông đích thân đến quỳ trước mặt ông và nói: ‘Nầy, các anh chỉ là nô lệ của em’” (18).

Giô-sép đánh tan sự sợ hãi và nghi ngờ của các anh. Ông nói rằng lẽ nào ông dám thay mặt cho Đức Chúa Trời mà trả thù, hoặc làm theo điều lòng mình muốn mà đi trái ý Đức Chúa Trời được sao? Ông khẳng định: “Các anh đừng sợ!” (19). Một lời xác nhận làm tiêu tan mọi điều sợ hãi.

Ông cho biết lý do mà ông không để tâm thù oán gì đối với các anh, vì “các anh định hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại định cho nó thành điều lành để thực hiện việc đang xảy ra hôm nay, tức là bảo tồn sự sống cho bao nhiêu người” (20).

Ý của Giô-sép muốn cho các anh mình hiểu là chương trình của Đức Chúa Trời rất tuyệt diệu, vượt lên trên mọi sự hiểu biết hoặc tính toán của con người, Ngài đổi tai hoạ do người gây ra thành ơn phước cho cả một dân tộc.

Chỉ có người đã thật trưởng thành trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời mới nhận ra đặc điểm nầy của sự việc.

Nếu còn ở nhà, thì ích lợi của Giô-sép cho gia đình đã chẳng là bao nhiêu; nhưng khi bị sống trong hoàn cảnh vô cùng đau khổ và khốn khó, rồi đột nhiên vinh dự đến cách cực kỳ bất ngờ, sự hiểu biết của Giô-sép về Đức Chúa Trời đã vượt lên cao, cao hơn tất cả những sự hiểu biết Chúa của người đương thời về Ngài, cũng cao hơn sự hiểu biết Chúa của vô số người tin Ngài thời nay nữa.

Thật vậy, không phải ai cũng có thể nhận ra bàn tay kỳ diệu của Đức Chúa Trời vẫn dìu dắt con cái Ngài trong mọi hoàn cảnh. Giô-sép nói tiếp: “Vậy xin các anh đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng cho các anh và con cái các anh. Giô sép an ủi các anh, dùng lời lẽ êm dịu mà nói chuyện với họ” (21). Lúc ấy, Giô sép đã trên năm mươi sáu tuổi, còn Reuben, người anh cả, đã hơn sáu mươi hai.

Giô-sép và cả dòng tộc Israel đều sinh sống tại Ai-cập từ khi gia đình Gia-cốp dọn xuống đó. Có lẽ các vua Ai-cập trong thời Giô-sép còn sống đều biết ông và rất kính trọng ông.

Giô-sép sống được một trăm mười tuổi. Ông được thấy con cháu Ép-ra-im đến đời thứ ba, và cả các con của Maki, con của Ma-na-se, cũng được sinh ra trên đầu gối Giô-sép.

Giô-sép nói với các anh em: ‘Tôi sắp qua đời, nhưng chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ thăm viếng anh em, đem anh em ra khỏi xứ nầy để trở về xứ mà Ngài đã thề hứa với Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp.’

Giô sép bắt con cháu Israel thề rằng: ‘Khi Đức Chúa Trời thực sự thăm viếng anh em, thì anh em sẽ đưa hài cốt của tôi ra khỏi xứ nầy.’

Vậy Giô-sép qua đời, hưởng thọ được một trăm mười tuổi. Người ta dùng thuốc thơm ướp xác Giô-sép và liệm trong một quan tài tại Ai-cập” (22–26).

Người biết Chúa của mình sẽ không khi nào quên lời hứa của Ngài. Dù đến khi chết họ chưa thấy lời Chúa hứa được Ngài thực hiện, họ vẫn vững tin vì đã biết và kinh nghiệm về Ngài.

SangTheKy52.docx

Rev. Dr. CTB

   ← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký