Sáng Thế Ký, bài 35

Sáng Thế Ký 27–28

Lúc có chuyện bất hoà trầm trọng giữa Gia-cốp với Ê-sau xảy ra, thì Y-sác đã già. Tác giả sách Sáng-thế không ghi rõ lúc ấy Y-sác được bao nhiêu tuổi; tuy vậy, căn cứ trên những ký thuật về sau trong chuyện đời của Gia-cốp và Giô-sép, thì người đọc có thể tính khá chính xác.

Hãy dùng tuổi của Giô-sép, cháu nội của Y-sác, để tính ngược lại. Giô-sép được Pha-ra-ôn ban cho chức tể tướng lúc ông được ba mươi tuổi (Sáng-thế 41:46). Từ ngày Giô-sép làm tể tướng xứ Ai-cập cho đến khi ông gặp lại cha của mình, thì ông đã trải qua bảy năm được mùa dư dật, hai năm đói kém vì hạn hán (Sáng-thế 45:6). Thế thì, lúc Giô-sép gặp lại cha mình thì ông đã 39 tuổi.

Năm Gia-cốp được Giô-sép rước từ Ca-na-an xuống Ai-cập để tránh nạn đói, thì đã được 130 tuổi (Sáng-thế 47:9). Như vậy, Gia-cốp sinh Giô-sép lúc ông được chín mươi mốt tuổi, tức là sau khi đã làm công cho La-ban, người cậu, cũng là cha vợ của ông, được mười bốn năm (Sáng-thế 30:25). Như vậy, lúc Gia-cốp rời Beer-Sheba chạy trốn tới Paddan Aram, thì ông đã được 77 tuổi. Vì Y-sác có con lúc 60 tuổi, nên vào lúc đó Y-sác đã được 137 tuổi.

Ở tuổi đó, mắt Y-sác đã mờ, không còn thấy được nữa (1). Người già không còn thấy đường thì nghĩ rằng ngày qua đời của mình đã gần; nên ông định chúc phước cho đứa con ông yêu quý, là Ê-sau, trước khi ông qua đời (2–4).

Theo các ký thuật ở đầu đoạn 27, dù Ê-sau đã lập gia đình và ở lều riêng, nhưng có lẽ cha mẹ và hai con trai vẫn ở rất gần nhau. Vì vậy, Y-sác gọi Ê-sau và nói: “Nầy, cha đã già rồi, chẳng biết chết ngày nào. Bây giờ con hãy lấy khí giới, ống tên và cây cung của con, ra đồng săn thú rừng cho cha. Rồi con làm một món thật ngon theo sở thích của cha, và dọn lên cho cha ăn để cha chúc phước cho con trước khi qua đời” (2–4).

Dự định như thế, Y-sác đã quên mất lời Chúa phán trước cho Rebekah, lúc bà đang mang thai đôi, là “đứa lớn sẽ phục vụ đứa nhỏ” (Sáng-thế 25:23). Đồng thời, ông cũng quên mất sự nghiêm cấm của cha mình, là Áp-ra-ham, không được cưới vợ người Ca-na-an (Sáng thế 24:3), mà Ê-sau đã vi phạm.

Bà Rebekah nghe được bèn bày mưu và dàn cảnh cho Gia-cốp nhận lãnh sự chúc phước lành của cha, dù Gia-cốp phản đối vì sợ bị cha khám phá mưu gian (5–12). Nhưng bà Rebekah tính sẵn mưu kế rồi, nên Gia-cốp phải vâng lời đi ra bầy bắt hai dê con béo tốt đem cho mẹ nấu món ngon mà Y-sác ưa thích (13–14).

Bà lấy quần áo của Ê-sau, để sẵn trong nhà, cho Gia-cốp mặc, rồi bọc hai tay và cổ của Gia-cốp bằng da dê còn nguyên lông, đặt món ăn ngon và bánh vào tay Gia-cốp đem đến cho cha ăn (15–17). Gia-cốp làm theo mưu kế của mẹ, dù lúc ấy ông đã được 77 tuổi.

Y-sác bị lừa vì mắt đã loà, dù ông nhận ra giọng nói của Gia-cốp và ngạc nhiên vì chẳng lẽ Ê-sau đi săn được thú rừng nhanh như vậy (18–23). Do nghi ngờ nên Y-sác hỏi lại cho chắc và bảo Gia-cốp đến gần để ông ngửi mùi áo của Ê-sau (24–27).

Những điều trong lời chúc phước của Y-sác rất là tổng quát (27b–29), không có chi tiết cụ thể, cũng không nhắc lại những sự nhân từ của Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham.

Sự gắn bó của lòng ông với Ê-sau khiến ông bỏ qua những lỗi lầm trầm trọng của con mình. Vì vậy, ông không nhớ đến ý muốn của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, sự bình an Chúa ban và sự bảo vệ của Ngài khiến đời ông quá bình an, do đó đức tin của ông không mạnh mẽ bằng cha mình.

Ba điều mà Gia-cốp được chúc phước là: 1) Dư dật đầy đủ (28), 2) Quyền lực và 3) Sự thắng thế vượt trội (29).

Ê-sau kêu lên thảm thiết khi biết Gia-cốp đã dùng mưu để cướp mất phước lành từ cha muốn dành cho mình (30–34). Y-sác run rẩy khi nhận ra sự lầm lẫn của ông, nhưng ông sớm hiểu đó là chương trình của Đức Chúa Trời rất khác với ý riêng của ông, nên ông nói: “Vậy là nó vẫn được ban phước” (33); Mặc dù ông công nhận Gia-cốp đã dùng thủ đoạn để cướp phước lành của anh mình (35)

Ê-sau thì đau khổ hỏi cha rằng: “Cha không dành lại cho con một phước lành nào sao?” (36). Có lẽ giờ đó thì Y-sác đã nhận ra ý muốn riêng và tình cảm thiên vị của ông dành cho Ê-sau đã không thắng được ý muốn và chương trình của Đức Chúa Trời:

Nầy, cha đã lập nó làm chủ của con, đã cho anh em nó làm đầy tớ nó, và đã chu cấp lúa mì và rượu cho nó. Vậy cha còn làm được gì cho con đây, con ơi!” (37).

Ý của Y-sác là ông không thể thay đổi lới chúc lành được nữa, vì ông đã lập Gia-cốp làm chủ Ê-sau, và các anh em của Gia cốp đều phải làm đầy tớ cho Gia-cốp, thì ông không thể chúc phước cho Ê-sau ngược lại.

Ê-sau thưa:‘Cha ơi! Cha chỉ có một lời chúc phước thôi sao? Xin cha chúc phước cho con với, cha ơi!’ Rồi Ê-sau khóc oà lên” (38). Y-sác bèn nói: “Nầy, nơi con ở sẽ thiếu màu mỡ của đất và sương móc từ trời. Con sẽ sống nhờ thanh gươm, và làm đầy tớ cho em con. Nhưng khi con rày đây mai đó, con sẽ bẻ cái ách của em con trên cổ con” (39–40).

Ê-sau căm hận Gia-cốp và dự định sẽ giết em sau khi cha qua đời. Rebekah hay được ý định đó nên bảo Gia-cốp hãy đi về Cha-ran, trú ở nhà cậu mình, chờ khi Ê-sau nguôi giận và quên mối thù ấy, thì bà sẽ sai người rước Gia-cốp về (41–45).

Lời Rebekah nói: “Lẽ nào mẹ phải mất cả hai đứa con trong một ngày sao?” có nghĩa là nếu Ê-sau giết chết Gia-cốp, thì hoặc là Ê-sau sẽ bị xử tử, hay bị bà từ bỏ không nhận làm con nữa.

Bà được dịp cằn nhằn với chồng về mấy cô con dâu người Hê-tít, rồi nêu ra nguy cơ Gia-cốp cũng sẽ cưới vợ người Ca-na-an, nếu ông cứ ở cùng cha mẹ, thì bà chắc sẽ không sống nổi với mấy cô dâu ấy (46).

Y-sác yêu vợ và thường chiều bà, nên ông sai Gia-cốp hãy về nhà ông ngoại ở Paddan Aram và cưới một trong các con gái của Laban, anh của Rebekah, chứ không được cưới một cô gái nào người Ca-na-an cả (28:1–2).

Lời Y-sác chúc lành cho Gia-cốp lần nầy nhắc lại hai lời hứa lớn mà Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham là, sinh sôi nầy nở thật nhiều thành một cộng đồng nhiều chi tộc, và sở hữu miền đất Gia-cốp sẽ cư ngụ, là đất Chúa đã hứa ban cho Áp-ra-ham (28:3–4).

Gia-cốp vâng lời ra đi một mình (28:5), còn Ê-sau nghe lời dặn, biết cha mẹ mình không vừa lòng các bà vợ Ca-na-an của mình, nên cưới thêm con gái của Ishmael làm một bà vợ nữa (6–9).

Lúc Gia-cốp lên đường về quê ngoại thì ông đã trên 75 tuổi. Vào thời bấy giờ, tuổi ấy vẫn là cường tráng, mạnh mẽ, nên mới dám đi bộ một mình.

Có lẽ đây là lần đầu tiên Gia-cốp nằm mơ thấy một giấc chiêm bao thần thượng. Cái thang bắc từ dưới đất lên tận trời, có thiên sứ đi lên đi xuống trên thang ấy, thì được gọi là ‘cổng thiên đàng’ (10–12).

Ông lại được thấy Đức Giê-hô-va đứng trước mặt ông và phán: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, tổ phụ con, cũng là Đức Chúa Trời của Y-sác” (13). Ngài hứa sẽ ban cho dòng dõi của Gia-cốp đất mà ông đang nằm ngủ, dòng dõi ông sẽ đông đảo, lan tràn khắp đông tây nam bắc; sẽ là nguồn phước cho cả thiên hạ. Ngài cũng hứa là sẽ ở với ông và đi theo ông để gìn giữ ông, sẽ đem ông trở về đất nầy, sẽ không bao giờ bỏ  Gia-cốp cho đến khi Ngài hoàn tất mọi lời Ngài đã hứa với ông (14–15).

Gia-cốp thức giấc trong đêm sau khi thấy chiêm bao, ông sợ hãi nói: “Nơi nầy thật đáng sợ! Đây chính là đền của Đức Chúa Trời, chính là cổng thiên đàng!” (16–17).

Sáng hôm sau lúc thức dậy, Gia-cốp dựng đứng hòn đá mình gối đầu, đổ dầu lên đỉnh trụ và đặt tên địa điểm đó là Beth-El, nghĩa là ‘Nhà của Đức Chúa Trời’ (18–19).

Việc dựng hòn đá lên là để nhớ đúng chỗ khi quay trở lại chốn ấy; đổ dầu lên đỉnh trụ có lẽ là nghi lễ hiến dâng một bàn thờ, nhưng vì Gia-cốp chưa có đủ thì giờ để lập một bàn thờ, nên ông làm một hành động tượng trưng là sẽ lập một bàn thờ khi ông trở lại chỗ đó (Sáng-thế 35:6–7).

Gia-cốp khấn nguyện: “Nếu Đức Chúa Trời ở với con, gìn giữ con trong lúc đi đường và ban cho con bánh ăn, áo mặc, và cho con được bình an trở về nhà cha của con, thì Đức Giê-hô-va sẽ là Đức Chúa Trời của con. Hòn đá mà con đã dựng làm trụ sẽ là đền của Đức Chúa Trời, và con sẽ dâng lên Ngài một phần mười mọi thứ mà Ngài ban cho con” (20–22).

Lời khấn nguyện chứng tỏ Gia-cốp chưa có một kinh nghiệm nào về Đức Chúa Trời; cho nên, lời khấn hứa của ông là sự thử nghiệm vị thần mà ông nội và cha của ông gọi là Đức Chúa Trời. Dâng hiến một phần mười thu nhập là sự khôn ngoan của lòng biết ơn. Nhờ đó Chúa sẽ tiếp tục ban phước nhiều thêm.

SangTheKy35.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký