Chúa Nhật, September 28th, 2014

Sáng Thế Ký, 14

Sáng Thế Ký 7:1–24

Lời Đức Chúa Trời phán với Nô-ê và xác nhận ông là người công chính duy nhất trước mặt Ngài, là lý do mà cả gia đình Nô-ê được chọn tránh thoát tai hoạ sẽ đổ xuống khắp thế gian (1).

Nếu tính số năm theo gia phả ở phần trước, thì từ ngày A-đam được dựng nên tới ngày nước lụt xảy ra là 1656 năm.

Trong khoảng thời gian dài chừng ấy năm, chỉ có Hê-nóc được Chúa đem đi khỏi trần gian, và kế đến là Nô-ê được Chúa chọn lựa để đóng chiếc thuyền lớn cứu mạng cả gia đình ông và số thú vật, để giữ sự sống các sinh vật trên cạn được tồn tại trên trái đất (2–3).

Những ký thuật rất vắn tắt về sự kiện đại hồng thuỷ không nói rõ mọi chi tiết về mọi loài thú được cứu khỏi nạn lụt. Với sức chứa của chiếc tàu, không ai biết có tất cả bao nhiêu loài thú, loài bò sát và chim muông đã vào tàu.

Cho tới trước khi nước lụt xảy ra, Kinh-thánh chưa nói gì thêm về hiện tượng nước mưa từ trên không đổ xuống đất, chỉ có lời chép rằng lúc Đức Chúa Trời tạo nên trời đất thì không có mưa; chỉ có hơi nước từ dưới đất bốc lên tưới khắp mặt đất (2:5–6).

Bây giờ đã đến lúc gia đình Nô-ê và các loài thú Chúa sai đến phải vào trong tàu, 7 ngày trước khi Chúa đổ mưa xuống đất, thì Nô-ê “làm theo mọi lời Đức Giê-hô-va đã truyền phán” (4–5).

Theo lời lưu truyền thì Môi-se là người đã được Đức Chúa Trời chỉ dẫn chép sách Sáng-thế-ký và bốn sách tiếp theo. Nhưng theo sự khảo cứu của các nhà nghiên cứu văn tự cổ, thì ‘Ngũ kinh’ có thể do ba người khác nhau ghi chép sau khi dân Do-thái đã vào đất hứa.

Dù là ai viết đi nữa, họ vẫn chịu lời dạy dỗ của Môi-se, là người được Chúa dạy cho biết các thứ thú nào sạch, và thú nào không thanh sạch; cho nên, sự định nghĩa về thú thanh sạch và không thanh sạch phải căn cứ trên quy định của luật pháp Môi-se để người thời nay có thể hiểu (Lê-vi-ký 11:3–7).

Mặc dù lời ghi chép ở chỗ nầy không nói rõ, nhưng chắc hẳn Đức Chúa Trời cũng đã chỉ dẫn cho Nô-ê biết tính chất thanh sạch hay không thanh sạch của các loài thú rồi (2).

Nô-ê khởi công đóng chiếc tàu từ khi nào thì không rõ ràng. Sách Jasher ghi rằng ông bắt đầu đóng chiếc tàu lúc đã 595 tuổi (Jasher 5:34); và cũng năm đó ông cưới vợ cho ba con trai là ba con gái của Êliakim, con của Mê-tu-sê-la (Jasher 5:35).

Kinh-thánh nói đến Nô-ê khi ông được 500 tuổi. Đức Chúa Trời bảo Nô-ê đem gia đình vào trong tàu lúc ông được 600 tuổi. Thế thì ông phải đóng chiếc tàu trong khoảng cách thời gian 100 năm đó.

Với kỹ thuật, dụng cụ xẻ gỗ và khả năng của người ta vào thời ấy, không thể nào Nô-ê hoàn thành chiếc tàu khổng lồ trong khoảng thời gian 5 năm. Chắc chắn ông phải tốn rất nhiều thì giờ để đốn gỗ và vận chuyển về chỗ đóng chiếc tàu đầu tiên trong đời ông.

Hơn nữa ông cũng phải mất nhiều thời gian thu góp lương thực cho chừng ấy thú vật sẽ ở chung trong chiếc tàu với gia đình ông.

Vâng lời Chúa đóng một chiếc tàu để cứu gia đình mình khỏi cơn nước lụt mà ông chưa bao giờ thấy hoặc biết, điều đó đòi hỏi Nô-ê một đức tin rất lớn: “Bởi đức tin, Nô-ê được Chúa cảnh báo về những việc chưa thấy, và ông thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu cả nhà mình. Bởi đó ông lên án thế gian và trở nên người thừa kế sự công chính đến từ đức tin vậy” (Hê-bơ-rơ 11:7).

Sách cổ Enoch 1 ghi rằng Đức Chúa Trời sai thiên sứ Uriel đến gặp Nô-ê báo tin nạn lụt sẽ đến, nhân danh Ngài mà truyền và chỉ dẫn cho ông những điều phải làm để cứu mạng ông và cả gia đình (1Enoch 10:1–3).

Sự vâng lời của Nô-ê chứng minh cho đức công chính mà Chúa đã khen ngợi: “… trong thế hệ nầy Ta thấy con là người công chính duy nhất trước mặt Ta” (1).

Khi Nô-ê và cả gia đình vào tàu cùng với tất cả các loài chú vật, chim trời được Chúa sai đến thì ông đã được 600 tuổi. Nước lụt tràn tới trên đất bảy ngày sau khi Đức Chúa Trời đóng cửa tàu (6–10). Ngày đó là ngày 17 tháng 2 năm thứ 600 của đời Nô-ê (11); tức là năm 1656 kể từ ngày A-đam được Chúa dựng nên từ bụi đất.

Sách Sáng-thế-ký và sách Jasher đều chép ngày Nô-ê vô tàu là 17 tháng 2. Riêng sách Jubilees thì ghi ngày vô tàu tính theo lịch của số kỳ hân hỷ.

Chẳng phải Nô-ê chỉ sống công chính, mà ông còn truyền giảng về sự công chính (2Phi-e-rơ 2: 5). Người ta tin rằng trong suốt thời gian đóng chiếc tàu, Nô-ê không ngừng rao giảng về sự công chính cho thế hệ đồng thời với ông, mà khoảng thời gian ấy có thể kéo dài tới 100 năm.

Điều rất rõ ràng là không ai chịu nghe ông cả. Sự kiện ấy chứng tỏ việc Đức Chúa Trời quyết định trừng phạt thế gian là không sai lầm. Và lời xác nhận của Ngài rằng Nô-ê là người công chính duy nhất là hoàn toàn chính xác.

Trước đó thì Enoch ông tổ ba đời trước Nô-ê, và bảy đời sau A-đam cũng rao giảng về sự công chính. Sách Jubilees 4:17–18 chép rằng Enoch là người đầu tiên được dạy dỗ về chữ viết và học thức, biết tính mùa, năm và tháng cùng chép lời chứng thành sách.

Sau khi Mê-tu-sê-la qua đời trong năm thứ 600 của đời Nô-ê, thì Nô-ê được lệnh đem cả gia đình của ông vào trong chiếc tàu đã đóng xong.

Cả sách Sáng-thế-ký lẫn hai sách ngoại truyện, là JubileesJasher, đều mô tả giống nhau: “Các nguồn của vực lớn nổ tung, và các cửa đập trên trời mở toang. Mưa trút xuống đất bốn mươi ngày và bốn mươi đêm” (11–12).

Riêng sách Jasher chép là đúng vào ngày Chúa cho mưa đổ xuống đất, thì toàn trái đất rung chuyển kịch liệt, tất cả các nguồn nước dưới đất vỡ ra làm nước trào lên, các hiện tượng mà loài người chưa bao giờ trải qua (Jasher 6:11).

Thêm vào đó, các cửa đập trên trời cũng mở ra cho nước tuôn xuống. Chi tiết đó cũng khiến người đọc thắc mắc nhiều, bởi vì trên không trung chẳng có đập nước nào hết.

Nhưng nếu đọc lại lịch sử ngày thứ nhì và ngày thứ ba của công cuộc sáng tạo, thì Đức Chúa Trời khiến “phải có một cái vòm giữa khối nước để phân cách nước ở dưới vòm với nước ở trên vòm. …… nước dưới bầu trời phải tụ lại một nơi …” (Sáng-thế 1:6,9).

Nghĩa là nước phía trên vòm trời bắt đầu tuôn xuống đất qua hiện tượng trời mưa được cho là các đập nước ở trên trời.

Tuy nhiên, nguồn nước chính tạo thành cơn lụt là khối lượng nước rất lớn bao phủ toàn thể trái đất trước khi Chúa dựng nên thế gian, theo lệnh của của Chúa, nước đã rút xuống những túi nước ngầm cực lớn bên dưới mặt đất.

Bây giờ bởi sức ép vô cùng mạnh của các trận địa chấn, nước đã phun lên, mà Kinh-thánh mô tả chúng như “các nguồn vực lớn nổ tung” (11).

Nước cứ dâng cao dần trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm mưa như trút nước không dứt. Nước đã lên tới chỗ chiếc tàu được đóng trên đất liền và nâng chiếc tàu lên khỏi mặt đất (12–18). Con tàu bồng bềnh trôi nổi trên mặt nước đã dâng cao hơn tất cả các đỉnh núi của thời kỳ ấy (19–20).

Mọi sinh vật sống nhờ thở khí trời đều bị chết đuối cả, từ loài người tới loài thú và loài chim. Chỉ có loài cá và các loại thuỷ sinh vật là còn tồn tại từ ngày tổ tiên chúng được tạo thành (21–23).

Vì nước lụt phủ khắp mặt đất suốt một trăm năm mươi ngày (24), cho nên chẳng sinh vật nào phải thở khí trời còn sống được cả. Không ai biết số người đã bị chết trong nạn lụt.

Với thời gian khá dài hơn 16 thế kỷ, với tốc độ sinh sôi nẩy nở của loài người không hạn chế, thì dân số cả thế giới lúc đó có thể đã lên tới vài trăm triệu người; nhưng ngoài gia đình Nô-ê thì tất cả đều đã bị tiêu diệt trong cơn hồng thuỷ.

Về thời điểm trận lụt xảy ra nếu tính từ thời nay trở về trước, thì có hai bản văn cổ của Kinh-thánh ghi chép có phần khác nhau.

Bản Masoretic tiếng Hê-bơ-rơ nói là trận lụt xảy ra khoảng 2500 năm trước công nguyên. Bản Septuagint tiếng Hy-lạp thì ghi rằng nó xảy ra khoảng 3400 năm trước Chúa giáng sinh.

Người học Kinh-thánh thời nay dè dặt cho rằng việc đó xảy ra trong khoảng từ 2500 năm tới 3400 năm trước Chúa giáng sinh.

Tai hoạ kinh hoàng toàn cầu nầy đã thực sự xảy ra cách nay nhiều ngàn năm trước, dù đời nay nhiều người không tin nó đã diễn ra. Nó vẫn là bài học hết sức bổ ích cho những người đang ở trong Hội-thánh của Chúa.

Những dữ kiện thống kê về dân số và các dấu hiệu thời đại đã dẫn tới một kết luận không thể tránh là: Trái đất của chúng ta đã đạt tới thời điểm nghiêm trọng trong lịch sử thế giới mà Kinh-thánh đã tiên báo là một cuộc phán xét kinh hoàng ở phía trước đang chờ nhân loại tiến tới.

Trong thời Nô-ê, Đức Chúa Trời đã sắm sẵn một chiếc tàu; ngày nay, Ngài đã cung cấp một cái bến an toàn qua mối liên hệ tương giao thân mật với Đức Chúa Giêxu. Mọi dân trên đất đều được mời gọi vào bến ấy. Đáp ứng hay không là quyết định của mỗi người.

SangTheKy14.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký