Sáng Thế Ký, bài 47

Sáng-thế-ký 44:1–45:28

Giô-sép vừa muốn giữ Benjamin ở lại với mình, vừa muốn thử lòng các anh xem họ có ghét người con khác của Rachel như họ đã ghét Giô-sép chăng. Vì thế, Giô-sép bảo quản gia, ngoài việc đổ đầy lương thực vào các bao của anh em Giô-sép theo sức chở của họ và trả lại tiền mua lúa của người nào vào bao người nấy, ông ta còn phải để cái chén bạc của Giô-sép “vào bao của người em út, chung với tiền mua lúa của nó.

Người quản gia bèn làm đúng lời dặn của Giô-sép (1–2). Sau một ngày ăn uống no say bất ngờ, một đêm ngủ nghỉ ngon giấc, “vừa rạng sáng hôm sau, người ta để cho anh em của Giô-sép cùng với lừa của họ ra đi” (3).

Nhưng anh em của Giô-sép lại bị một phen kinh hoảng khi bị người quản gia rượt theo khám xét tất cả các bao lúa để tìm cái chén bạc (3–6).

Họ phân trần là không ai trong đám họ làm điều tệ hại ấy, lý do là tiền mua lúa lần trước họ còn đem xuống trả lại, chứng minh rằng họ là những người lương thiện và ngay thẳng (7–8), rồi thề độc: “Nếu vật đó được tìm thấy nơi người nào thì người ấy phải chết, còn chúng tôi sẽ làm nô lệ cho Ngài” (9).

Có lẽ ông quản gia vừa nói vừa cười thầm: “Được, hãy làm như lời các người nói. Nếu tìm thấy chén nơi người nào thì người ấy sẽ làm nô lệ cho tôi, còn những người khác thì vô tội” (10).

Các anh em vội hạ bao mình khỏi lưng lừa và mở ra để bị lục soát, từ người anh cả tới em út. Đương nhiên là cái chén được tìm thấy trong bao của Benjamin. Họ chẳng biết phải nói sao; bởi vì trở về Ca-na-an mà thiếu Benjamin thì không được. “Họ xé áo mình, mỗi người chất đồ lên lưng lừa rồi trở lại thành” (11–13).

Theo phong tục của người vùng Trung-Đông, thì xé áo là cách biểu lộ sự đau khổ tột cùng mà không thể dùng cái gì để giải quyết được.

Khi Giu-đa và các anh em vào đến nhà Giô-sép thì ông vẫn còn ở đó. Họ sấp mình xuống đất trước mặt ông” (14). Họ không cúi đầu hay gập mình để bày tỏ lòng tôn kính theo lẽ thường, mà là sấp mình nằm sát đất, một tư thế biểu lộ sự nhận tội, một tội vô cùng nhục nhã (15).

Điều rõ ràng là lòng của các anh Giô-sép lâu nay bị dằn vặt vì tội bán em mình, rồi lừa dối bằng cách gửi cái áo của em đã nhúng máu dê, khiến cha tin rằng đứa con cưng của ông đã bị thú dữ xé xác. Họ cho rằng những điều rủi ro xảy đến cho họ là vì Đức Chúa Trời vạch tội lỗi của họ (16).

Giữ đúng lời thề, các anh em của Giô-sép sẵn lòng làm nô lệ. Giô-sép cứ giả vờ nghiêm khắc giữ Benjamin lại để thử xem mấy người anh của mình đối phó với việc ấy ra sao (17).

Giô-sép dùng điều nầy để thử xem các anh có vì ghét Benjamin, nhân cơ hội nầy, bỏ em lại mà đi về chăng? Nhưng họ chứng tỏ đã thay đổi tâm tính, biết yêu thương cha và em út mình.

Bài học thấm thía nầy dạy chúng ta đừng căn cứ vào những điều người khác làm trước đây rồi phán xét việc làm của họ hiện nay; cũng đừng đinh ninh rằng, vì những gì họ đã làm trong quá khứ, thì họ sẽ tiếp tục làm trong tương lai. Sự ăn năn thật khiến người ta thay đổi.

Còn nếu người nào vẫn tánh nào tật nấy, thì người ấy chưa bao giờ ăn năn để được biến đổi tâm linh và tâm tánh.

Giu-đa giữ lời đã hứa với cha, nên liều lĩnh lết đến gần Giô-sép xin được giãi bày vài lời, dù ông biết hành động của mình có thể bị xem là thất lễ, vì Giô-sép ngang hàng với Pha-ra-ôn (18).

Hơn nữa, Giu-đa nhận thấy vị tể tướng nầy thường dùng lời tử tế hỏi thăm sức khoẻ cha già của các anh em; cho nên, ông vừa trình bày sự thật, vừa đem tình cảnh cha mình gắn bó với đứa con trai út, để nài xin lòng thương xót của vị tể tướng cho phép ông được thay Benjamin ở lại làm nô lệ cho Giô-sép, hầu cho cha mình không bị chết trong sự đau khổ (19–34).

Những lời trần tình hết sức hiếu thảo và cảm động của Giu-đa về người cha già, rồi việc Giu-đa sẵn sàng hi sinh sự tự do của mình để Benjamin được về với cha, làm cho Giô-sép khó giấu được cảm xúc đang bị khuấy động mãnh liệt trong lòng (45:1); vì nghe nhắc tới cha già thì lòng thương nhớ cha giữ kín bấy lâu nay có dịp tuôn trào ra.

Giô-sép đuổi hết gia nhân ra khỏi phòng rồi mới tỏ thật cho các anh em biết mình chính là đứa em bị các anh bán cho các lái buôn Ma-đi-an làm nô lệ hơn hai mươi năm trước. “Ông bật khóc lớn đến nỗi những người Ai-cập và cả hoàng gia Pha-ra-ôn đều nghe. Giô-sép nói với các anh em: ‘Tôi là Giô-sép đây! Cha tôi còn sống không?’ Nhưng trước mặt ông, các anh em đều sợ hãi, không thốt nên lời” (45:2–3).

Nếu cả hoàng gia Pha-ra-ôn đều nghe tiếng Giô-sép khóc, thì tư dinh của Giô-sép phải ở gần sát bên hoàng cung. Sợ hãi, kinh ngạc, bỡ ngỡ, hi vọng, nghẹn ngào, và vui mừng là tâm trạng của các anh em Giô-sép vào lúc ấy. Có lẽ họ không dám tin ở tai mình khi nghe những lời vị tể tướng vừa nói, họ cũng không thể tưởng tượng nổi sự việc đang diễn ra trước mắt là sự thật; một kết cục vui mừng khôn tả.

Người đọc phải dừng lại để suy gẫm về sự kiện nầy. Mặc dù cuộc đời của Giô-sép từ khi rời khỏi nhà cha cho tới thời điểm ấy vẫn chưa được xem là tiêu biểu cho thánh vụ của Đấng Christ, nhưng toàn thể sự diễn tiến về lòng tha thứ và tình yêu thương anh em của Giô-sép giống như sự tha thứ của Đức Chúa Trời áp dụng cho chúng ta ngày nay vậy.

Vì Giô-sép mong mỏi được thấy sự ăn năn hối cải của các anh mình, để sự nôn nao của lòng muốn tha thứ cho các anh có bằng cớ để biểu lộ.

Cũng như kho tàng vô tận của tình yêu thương Đức Chúa Trời luôn có sẵn, Ngài vẫn mong chờ tội nhân ăn năn hối cải để Ngài có thể tha tội cho họ. Tuy nhiên, đối với những ai chưa chịu ăn năn từ bỏ con người gian ác bên trong mình, thì sự tha thứ sẽ không đến.

Để cho các anh mình khỏi phải lo lắng hay sợ hãi, Giô-sép bảo họ đến gần mình, vì có lẽ họ chỉ dám sấp mình xuống đất trước mặt Giô-sép từ đằng xa (45:4).

Ông bảo họ đừng đau buồn hay tự trách về lỗi lầm của họ; bởi vì mọi việc là do Đức Chúa Trời sắp xếp để bảo toàn sự sống cho cả gia tộc (5–8).

Ông bảo họ hãy mau mau về rước cha già và tất cả gia đình hãy dọn xuống kiều ngụ tại Ai-cập (9), vì “sẽ còn năm năm không cày cấy, không gặt hái” gì được (6).

Giô-sép nhờ các anh thưa với cha: “Giô-sép, con của cha, nói thế nầy: Đức Chúa Trời đã lập con làm chúa của toàn cõi Ai-cập. Xin cha xuống đây với con, xin đừng chậm trễ. Cha sẽ cư ngụ trong đất Gô-sen và ở gần con. Cha sẽ ở với các con, các cháu của cha, bầy chiên, bầy bò cùng tất cả những gì thuộc về cha. Ở đó con sẽ phụng dưỡng cha, vì còn năm năm đói kém nữa, để cha, gia đình cha, và tất cả đàn gia súc của cha không rơi vào cảnh đói khát” (9–11).

Giô-sép cũng bảo các anh em hãy thuật cho cha biết về mọi vinh quang của mình tại Ai-cập. Giô-sép và Benjamin ôm nhau mà khóc. Giô-sép cũng “ôm hôn các anh và khóc với họ” (12–15).

Vua Ai-cập và quần thần đều vui mừng khi biết Giô-sép đã gặp lại anh em mình. Ông bảo Giô-sép sai các anh về Ca-na-an rước cả nhà xuống Ai-cập. Ông sẽ ban cho họ “phần tốt nhất trong xứ” (16–18). Ông cũng bảo Giô-sép cấp xe cộ và lương thực cho họ dùng lúc đi đường, và bảo họ “đừng tiếc tài sản mình, vì những gì tốt nhất của xứ Ai cập sẽ thuộc về các ngươi” (19–20).

Giô-sép tặng cho các anh “mỗi người một bộ quần áo, còn Benjamin thì ông tặng ba trăm miếng bạc và năm bộ quần áo. Ông cũng gửi về cho cha mười con lừa chở đầy các vật quý nhất trong xứ Ai-cập, mười con lừa cái chở lúa mì, bánh và lương thực để cha dùng trong lúc đi đường. Rồi Giô-sép tiễn anh em mình lên đường. Ông dặn họ: ‘Đừng cãi cọ nhau dọc đường’” (21–24).

Khi các anh em từ Ai-cập về tới nhà ở Ca-na-an, họ báo tin mừng cho cha mình biết là “Giô sép vẫn còn sống và đang cai trị toàn cõi Ai-cập!” (25–26).

Nhưng sự đau khổ lâu ngày vì bị mất đứa con trai yêu quý nhất khiến lòng Gia-cốp dửng dưng trước tin mừng, vì ông không tin lời họ nói.

Hoặc do sự khổ đau mấy chục năm qua mà tin mừng đến bất ngờ khiến tâm trí Gia-cốp tê liệt, bềnh bồng trong một cõi khác, hoặc ông nghĩ là các con ông nói dối để an ủi mình.

Nhưng khi họ kể lại cho ông tất cả những lời Giô-sép đã nói với họ, và khi thấy xe cộ mà Giô-sép gửi về để rước mình, thì tâm thần Gia-cốp, cha họ, mới hồi tỉnh. Israel nói: ‘Thế là đủ rồi! Giô-sép, con trai ta, vẫn còn sống. Ta sẽ đi thăm nó trước khi ta qua đời’” (27–28).

Một kết cuộc đầy vui mừng.

SangTheKy47.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký