Sáng-Thế-Ký, bài 45

Sáng-thế-ký 42:1–38

Có lẽ Gia-cốp thấy những người Ca-na-an đem lúa mì mua từ Ai-cập về, hay nghe hàng xóm láng giềng mách bảo nhau về nơi có bán lúa. Vì vẫn thường có những đoàn thương buôn đi đi về về giữa Ca-na-an với Ai-cập.

Câu hỏi: “Sao các con cứ ngồi nhìn nhau vậy?” (1) Chứng tỏ rằng các anh của Giô-sép đang lúng túng không biết phải làm gì khi nạn đói kéo đến. Trước đây họ vốn lanh lợi và siêng năng làm việc, nhưng chắc vì nạn đói quá nghiêm trọng khiến họ không còn sáng suốt nữa.

Hơn nữa, có lẽ họ sợ phải đi đến Ai-cập, dù chắc chắn họ biết ở đó đang bán lúa mì, vì nơi ấy nhắc lại tội lỗi bán em của họ; biết đâu xuống Ai-cập gặp lại người em năm xưa thì tội lỗi sẽ bị bại lộ. Cho nên, họ cứ ngồi nhìn nhau không biết tính sao cho phải.

Nhưng họ phải lên đường đi Ai-cập vì bị cha sai đi mua lúa về cho cả nhà ăn (2–3).

Đối với Gia-cốp thì Benjamin là giọt máu còn lại của người vợ Rachel vô cùng yêu quý của ông; cho nên, “Gia-cốp không cho Benjamin, em Giô-sép, đi cùng các anh, vì ông sợ điều không hay xảy đến cho cậu” (4).

Các anh của Giô-sép cùng đi với đoàn người từ Ca-na-an xuống Ai-cập để mua lúa, “vì xứ Ca-na-an cũng rơi vào nạn đói” (5). Họ tới Ai-cập, ra mắt Giô-sép, vị tể tướng  đang làm nhiệm vụ bán lúa, sấp mình trước mặt người em mà họ đã đối xử tàn tệ khi xưa (6).

Giô sép có lẽ bị bất ngờ khi thấy các anh mình đến mua lúa. Ông thấy sự ứng nghiệm của chiêm bao tiên tri từ hơn hai mươi năm trước đang diễn ra, khi mười người anh quỳ mọp trước mặt ông. Ông nhận ra họ, “nhưng ông làm như người xa lạ đối với họ và hỏi họ một cách lạnh lùng: ‘Các ngươi từ đâu đến?’ Họ trả lời: ‘Từ xứ Ca-na -an đến để mua lương thực’” (7).

Nhớ lại chiêm bao năm xưa, Giô-sép giả vờ dọa nạt các anh mình. “Các ngươi là gián điệp đến đây để do thám những chỗ sơ hở của xứ nầy” (8–9). Về phần họ, vừa không nhận ra Giô-sép, vừa run sợ trước lời kết án nghiêm khắc từ vị tể tướng Ai-cập.

Mười người anh không gặp Giô-sép đã hai mươi năm. Lúc họ bán Giô-sép thì ông còn là một thiếu niên. Bây giờ, họ đến Ai-cập mua lúa thì Giô-sép đã ba mươi bảy tuổi, râu cạo sạch, ăn mặc uy nghi, nói ngôn ngữ Ai-cập; vì vậy họ không thể nhận ra Giô-sép, có lẽ khi đáp lời, họ cũng chẳng dám ngước lên nhìn vào mặt người đang nói với họ.

Họ tâu: Thưa ngài, không phải vậy! Các đầy tớ ngài chỉ đến đây để mua lương thực. Chúng tôi đều là con một cha, vốn là người lương thiện chứ không phải là gián điệp đâu” (10–11). Điều chắc chắn là Giô-sép muốn biết về tình trạng người cha và đứa em của mình.

Ông quả quyết: ‘Không! Các ngươi đến để dò xét những chỗ sơ hở của xứ nầy’” (12). Mười người anh quýnh lên: “Các đầy tớ ngài có mười hai anh em, con cùng một cha, ở đất Ca-na-an. Đứa em út hiện ở nhà với cha chúng tôi, còn một người mất tích” (13).

Giô-sép lập kế buộc các anh phải đem Benjamin xuống cho ông gặp: “Như ta đã nói, các ngươi là gián điệp. Nhưng đây là cách ta sẽ thử các ngươi: Ta lấy mạng sống của Pha-ra-ôn mà thề rằng, các ngươi sẽ không được rời khỏi nơi nầy nếu người em út của các ngươi không đến đây. Hãy cử một người trong các ngươi về đưa cậu em út xuống, những người còn lại thì phải ở tù tại đây. Lời các ngươi phải được thử nghiệm xem có đúng sự thật hay không. Nếu sai sự thật thì ta chỉ mạng sống Pha-ra-ôn mà thề rằng các ngươi là gián điệp.’ Rồi ông giam họ vào ngục ba ngày” (14–17).

Sau khi để cho mười người anh bị lo lắng, sợ hãi trong hai ngày, “đến ngày thứ ba, Giô-sép bảo họ: ‘Vì ta kính sợ Đức Chúa Trời, nên các ngươi muốn sống thì phải làm thế nầy. Nếu các ngươi là người lương thiện thì hãy để một người ở lại trong ngục nầy, còn những người khác thì đem lương thực về cứu đói gia đình. Sau đó, các ngươi phải đưa người em út xuống gặp ta để minh chứng lời các ngươi là thật, và các ngươi sẽ không phải chết.’ Họ đồng ý như vậy” (18–20).

Bất thình lình bị rơi vào một cơn khủng hoảng, tức là một thứ hoạn nạn vượt quá khả năng giải quyết của họ, các anh của Giô-sép đành phải chấp nhận giải pháp tốt lành bất ngờ, thay vì cả bọn bị giam giữ hay bị giết.

Trong nỗi khổ đau khi tai họa giáng xuống thình lình, các anh của Giô-sép mới biết tỉnh ngộ về việc bán em mình đi do lòng thù hằn, ganh ghét. Họ cũng cho rằng hoạn nạn hiện thời là hậu quả việc làm ác độc của họ đối với Giô-sép năm xưa.

Họ bảo nhau:“Thật chúng ta có lỗi với em chúng ta. Chúng ta đã thấy nỗi khổ đau trong tâm hồn nó, khi nó năn nỉ chúng ta mà chúng ta không đoái hoài đến. Vì vậy ngày nay chúng ta phải chịu nỗi khổ đau nầy” (21).

Reuben lên tiếng trách móc các em đã không nghe lời khuyên can của mình. Ông chua chát kết luận: “Bây giờ thì phải đền nợ máu nó thôi!” (22).

Vì Giô-sép dùng một người thông dịch, cho nên các anh của ông không biết ông hiểu hết mọi lời họ nói (23).

Tình yêu thương các anh và nỗi nhớ cha của Giô-sép khiến ông không ngăn được cảm xúc mãnh liệt trong lòng. Ông phải đi tránh chỗ khác để khóc. Tuy vậy, để thực hiện mưu kế buộc các anh phải đem Benjamin xuống Ai-cập cho ông gặp, Giô-sép “truyền bắt Si-mê-ôn ra và trói lại trước mặt họ” khiến họ thêm khiếp đảm (24). Có lẽ Si-mê-ôn là người nặng tội hơn hết trong việc bán Giô-sép.

Giô-sép không muốn lấy tiền của cha và cũng không thể công khai trả lại số tiền mua lúa của các anh mà không giải thích lý do; cho nên ông “truyền xúc lúa mì đổ đầy các bao và trả tiền lại; tiền của ai thì để trong bao người nấy, đồng thời cũng cấp thêm lương thực đi đường. Người ta làm đúng như vậy” (25).

Được phép đem lúa mì về và ra khỏi nơi quan quyền bán lúa, mấy người anh của Giô-sép riu ríu vâng lời. Nhưng khi một người mở bao lấy lúa cho lừa ăn nơi quán trọ và “thấy tiền của mình nằm ở miệng bao,” rồi báo cho mấy người kia, thì tất cả “như người mất hồn … run sợ nói với nhau: ‘Đức Chúa Trời đã làm gì cho chúng ta thế nầy?’” (26–28).

Về tới nhà, họ kể hết mọi chuyện cho Gia-cốp nghe về người đang làm chúa tể xứ Ai-cập có thái độ gay gắt và nghi ngờ họ là gián điệp; về việc họ thành thật trình bày bối cảnh gia đình của mười hai anh em con cùng một cha, để chứng minh họ là những người lương thiện chỉ tới Ai cập để mua lúa, chứ không phải gián điệp của dân tộc nào; rồi bị người ấy đòi phải đem em út xuống Ai cập cho người ấy thấy để chứng minh lời họ khai là sự thật, thì mới được tha và được tiếp tục mua lúa (29–34).

Nhưng “Khi trút lúa ra khỏi bao, họ thấy trong bao người nào cũng có gói tiền của mình. Thấy những gói tiền, họ và cả người cha đều rất sợ hãi” (35). Họ không hiểu việc nầy có phải là do Đức Chúa Trời gây ra hay không, và dấu hiệu ấy lành hay dữ?

Gia-cốp, trong tuổi già, thấy các sự kiện hung hiểm diễn ra quá bất ngờ, nỗi nhớ thương Giô-sép chưa nguôi, nay Si-mê-ôn lại bị giam giữ; ông nghĩ rằng những điều dữ sẽ tiếp tục xảy ra nếu ông bằng lòng cho Benjamin theo các anh xuống Ai-cập trình diện vị chúa tể ở đó.

Ông than vãn: “Chúng mầy đã cướp đi các con ta! Giô-sép mất tích, Si-mê-ôn không còn, bây giờ lại còn muốn dẫn Benjamin đi nữa! Mọi chuyện đều đổ lên đầu ta hết!” (36) Ý của Gia-cốp muốn nói là mọi sự đau khổ vì mất con thì chỉ một mình ông phải mang thôi.

Con cái Chúa ngày nay vẫn thường suy nghĩ giống như Gia-cốp. Khi thấy những sự tổn thương xảy ra cho thân thể, tài sản, danh dự, hay các mối liên hệ gần gũi với mình, thì chúng ta thường tin rằng những sự tổn thương ấy chỉ nhằm chống lại mình, mà không biết rằng nhiều khi những việc ấy, thật ra, là sự chuẩn bị của Đức Chúa Trời cho ích lợi của chúng ta.

Reuben, người con cả, đứng ra bảo lãnh Benjamin; nhưng hình phạt ông đề nghị, nếu không đem được Benjamin về trả lại cho cha, thì Gia-cốp không thể thực hiện được (37). Thật ra ý ông muốn cha mình biết là ông sẽ quyết tâm bảo vệ Benjamin. Nhưng Gia-cốp thì biết rằng chẳng đứa con nào của mình có thể chống nổi vị chúa tể xứ Ai-cập.

Gia-cốp nói: “Con út của ta sẽ chẳng xuống đó với các con đâu, vì anh nó đã chết rồi, chỉ còn lại một mình nó thôi. Nếu dọc đường nó gặp phải tai họa, thì các con làm cho kẻ đầu bạc nầy đau lòng xót dạ mà xuống âm phủ” (38).

Những lời nói nầy chứng tỏ tình yêu của Gia-cốp dành cho Rachel sâu đậm biết bao! Hai con trai do Rachel sinh cho Gia-cốp là hoa trái của tình yêu, khác với các con trai do Leah và hai nữ tì sinh ra là do bổn phận và tình dục chứ không phải là tình yêu.

Vì Rachel đã qua đời sau khi sinh Benjamin, Giô-sép thì tưởng đã chết, nên Gia-cốp không muốn chứng cớ tình yêu còn lại giữa ông với Rachel gặp rủi ro mất đi khi ra khỏi nhà; vì thế, ông nhất quyết không cho các con mình đem Benjamin đi theo xuống Ai-cập.

SangTheKy45.docx (07/24/2015)

Re. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký