Theo Dõi Dấu Hiệu Tận Thế, bài 01

Lê-vi-ký 25:8–12

Khi Đức Chúa Trời giải thoát dân Israel khỏi kiếp nô lệ, Ngài dẫn họ ra khỏi Ai-cập, vượt qua Biển Đỏ rồi đi vào hoang mạc. Đến tháng thứ ba sau khi rời Ai-cập, Chúa dẫn họ tới đồng bằng ở hoang mạc Sinaii (Xuất Ai-cập 19:1–2); họ đóng trại ở lại đó cho tới ngày 20 tháng 2 của năm thứ nhì mới ra đi hướng về miền đất hứa (Dân-số-ký 10:11–13). Trong thời gian ở dưới chân núi Sinaii, ngoài luật pháp được ban xuống cho Israel qua Môise, có một luật quan trọng khác được ban cho người Israel có ảnh hưởng trên sản nghiệp đất đai của họ ở vùng đất hứa và cả nước Do-thái sau nầy.

Luật ấy định rằng, cứ mỗi bảy tuần năm, tức là 49 năm, thì năm thứ 50 được gọi là năm hân hỉ, vì “các con phải làm cho năm thứ năm mươi nên thánh và công bố tự do cho mọi người dân trong khắp xứ. Đó là năm hân hỉ cho các con; mỗi người nhận lại cơ nghiệp mình, và mỗi người trở về với gia tộc mình” (Lê-vi-ký 25:10). Sau khi dân Israel vào nhận cơ nghiệp ở miền đất hứa, luật nầy được áp dụng suốt thời gian họ sống ở đó; luật về năm hân hỉ đã trở thành phong tục của người Israel qua rất nhiều thế hệ trước khi đất nước họ bị xâm lăng, lúc toàn dân chưa bị lưu đày.

Lịch sử của dân tộc Israel thật là bi thảm sau mấy thế kỷ không vâng lời kêu gọi của Đức Chúa Trời qua nhiều vị tiên tri mà Ngài đã kiên nhẫn sai đến nhắc nhở họ. Cuối cùng thì họ bị hoàng đế La-mã Hadrian vừa tàn sát, vừa đày đi khắp thế giới để bị bán làm nô lệ. Đúng như lời Chúa đã đe dọa họ từ mười bốn thế kỷ trước: “Đức Giêhôva sẽ phân tán anh em giữa mọi dân tộc, từ đầu nầy đến cuối đầu kia của địa cầu” (Phục Truyền 28:64). Từ năm AD 135, ngoại trừ tên Israel trong Kinh Thánh, qua suốt hơn mười sáu thế kỷ, thế giới không còn nghe ai nhắc tới tên Israel nữa.

Người ra tưởng rằng những luật lệ được ban từ thiên thượng có lẽ cũng biến mất theo số phận hẩm hiu của người Do-thái. Nhưng nhiều biến cố xảy ra trong suốt thời gian xứ Do-thái hầu như bị bỏ hoang, là những việc tưởng như hoàn toàn chẳng liên hệ gì với nhau, đã được nối kết lại, dẫn tới sự tái thành lập quốc gia Do-thái. Cho nên, một chuỗi các sự kiện ấy cho thấy rằng điều gì đã được Đức Chúa Trời định ra luật để áp dụng cho những người được hưởng lời hứa của Ngài, thì luật lệ ấy vẫn được hoàn thành theo ý muốn và thời điểm mà Chúa đã định trước.

Khi người ta xem xét rồi khám phá được rằng: Biết bao biến cố lịch sử xoay quanh khu vực cổ xưa ấy đều có mối liên hệ với nhau, như những mắt xích không thể thiếu của chuỗi lịch sử, đã diễn ra, thì người nghiên cứu mới nhận ra rằng, loài người không hề biết Đức Chúa Trời đã âm thầm thực hiện chương trình kỳ diệu của Ngài để hoàn thành các điều bí ẩn của luật về năm hân hỉ cho dòng dõi của Abraham, thực hiện lời Ngài đã hứa từ hơn ba mươi lăm thế kỷ trước: “Ta ban cho dòng dõi con đất nầy, từ sông Ai-cập cho đến sông lớn kia, tức sông Euphrates” (Sáng thế 15:18).

Vậy, những bí ẩn đó đã diễn ra như thế nào? Người ta thấy trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời có hứa với dân Israel “Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ giải cứu anh em khỏi cảnh lưu đày, sẽ thương xót anh em và sẽ tập hợp anh em từ mọi dân tộc mà Ngài đã phân tán anh em” (Phục Truyền 30:3). Người Do-thái bị Đức Chúa Trời rải ra khắp thế giới vì vô số tội lỗi họ đã phạm các điều luật mà Ngài đã dặn đừng vi phạm; vì họ đã vi phạm qua rất nhiều thế hệ. Nhưng việc họ được trở về quê hương của tổ tiên là bí ẩn của luật “năm hân hỉ” ở mức độ vượt quá mọi sự hiểu biết của loài người.

Khi Israel vượt khỏi hoang mạc sau gần bốn mươi năm lang thang, họ đóng trại ở đồng bằng Moab và tái lập giao ước với Đức Chúa Trời, Môise ghi lời ngăm đe rằng, họ sẽ bị tai ương nếu vi phạm giao ước và xứ họ sẽ bị bỏ hoang: “Con cháu tiếp nối anh em trong các thế hệ tương lai và người nước ngoài từ phương xa đến sẽ thấy những tai ương mà Đức Giê-hô-va đã giáng trên đất cũng như các dịch bệnh mà Ngài dùng để trừng phạt xứ nầy. Toàn xứ chỉ là đồng khô cỏ cháy với diêm sinh và muối, không gieo trồng, không canh tác, không có cây cối đâm chồi, không có rau cỏ mọc lên, giống như cảnh điêu tàn của Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Át-ma và Sê-bô-im là các thành đã bị Đức Giê-hô-va tiêu diệt trong cơn thịnh nộ kinh khiếp của Ngài(Phục Truyền 29:22–23).

Sẽ không có bằng cớ chứng minh cảnh tượng ấy đã xảy ra nếu ‘người nước ngoài từ phương xa‘ không đến và không ghi lại những gì tai nghe, mắt thấy. – Vào năm 1867, văn sĩ Hoa kỳ Mark Twain, một người không theo đạo Chúa, đã đến thăm Xứ Thánh. Khi trở về, ông đã xuất bản quyển bút ký rất nổi tiếng: “The Innocents Abroad.” Trong đó ông miêu tả thành Jerusalem ở xứ Do-thái cùng với cảnh vật khắp xứ đều là hoang tàn và vắng vẻ đến mức vô cùng buồn chán. – Trước khi Đức Chúa Trời hoàn thành sự hồi phục năm hân hỉ, phải có những dấu hiệu diễn ra. – Cũng trong năm 1867, một sĩ quan quân đội hoàng gia Anh, một kỹ sư xây dựng, đã được sai đến xứ Do thái để đo đạc thành Jerusalem, tìm kiếm nền cũ của nó mà thời Kinh Thánh có miêu tả cẩn thận.

Một thị tượng tiên tri thời Cựu Ước chép “Tôi lại ngước mắt lên nhìn, và nầy, có một người cầm dây đo trong tay. Tôi hỏi người ấy: Ông đang đi đâu? Người ấy đáp: Đi đo Jerusalem, để xem chiều rộng và chiều dài của thành ấy là bao nhiêu(Xachari 2:1–2). Mark Twain, văn sĩ Mỹ và Charles Warren, kỹ sư hoàng gia Anh chẳng biết gì về nhau, nhưng họ đồng có mặt ở Jerusalem đúng ngày, tháng, năm, và phòng trọ của họ ở chung một khách sạn. Hai người, hai công việc khác nhau hoàn toàn, nhưng Đức Chúa Trời đã sắp xếp họ đến để làm ứng nghiệm những lời tiên tri đã được chép từ nhiều ngàn năm trước. Tuy vậy, cả hai chẳng có chút ý thức nào về các lời tiên tri.

Trước khi trả lại sản nghiệp cho chủ hợp pháp của sản nghiệp ấy, phải có điều gì chứng minh người được hoàn trả là sở hữu chủ hợp pháp. Thời gian đã vùi lấp lịch sử và chứng cớ. Gần hai ngàn năm trôi qua, Jerusalem qua tay nhiều đế quốc. Phải có bằng cớ không thể chối cãi được nó là sở hữu của dân Israel. Trước khi Hadrian đày dân Israel khỏi xứ sở của họ, ông đổi tên Jerusalem thành Aelia Capitolina; sau khi đuổi người Do-thái đi hết rồi, Hadrian đổi tên xứ thành Palaestina, tức là xứ của người Philistine theo tiếng Latinh. Vì thế, để có thể chứng minh đây là xứ của dân Israel và kinh đô Jerusalem là của họ gần hai chục thế kỷ trước thì không phải là điều đơn giản.

Charles Warren vừa là kỹ sư hoàng gia Anh vừa biết khảo cổ. Trong nỗ lực đào bới, tìm kiếm nền cũ của Jerusalem, ông đã tìm ra một bằng cớ vô giá không ai phá hủy được: Đường hầm quyên qua đá để người trong thành xuống lấy nước. Đường hầm ấy được ghi chép trong lịch sử của Kinh Thánh Cựu Ước (2Samuel 5:8). Và Charles Warren khám phá ra đường hầm ấy vào năm 1867. Như vậy, năm 1867 là một năm rất đặc biệt. Luật năm hân hỉ quy định về hoàn trả đất cho chủ cũ: “Trong năm hân hỉ, đất ấy sẽ ra khỏi tay người mua và trở về nguyên chủ(Lêvi 25:28b).

Trước năm 1867 thì xứ Palaestina do đế quốc Ottoman Thổ-nhĩ-kỳ cai trị. Trước đó, một vụ mất trộm dẫn tới chiến tranh. Ngôi sao Bethlehem bằng kim khí tại nhà thờ Giáng Sinh Bethlehem biến mất cách bí mật. Tăng lữ Chính Thống Giáo Hy-lạp, được Nga hậu thuẫn, tranh chấp vụ đó với tăng lữ Latinh, được đế quốc Ottoman, Pháp, Anh, và Sardinia hậu thuẫn. Cuộc tranh chấp dẫn tới trận chiến tranh Crimea. Ottoman tham chiến và phải vay nợ các nước Âu-châu. Trước đó, luật đất đai của Ottoman là dân ngoại không được sở hữu đất. Nhưng vì nợ nần, nên họ đổi luật cho phép người ngoại quốc được mua đất. Luật ấy bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10 tháng Sáu, 1867. Nhà văn Mark Twain khởi hành cuộc hành trình của mình vào ngày 8 tháng Sáu, 1867.

Đức Chúa Trời đã sắp xếp mọi việc một cách hoàn hảo, để khi thời điểm đến, thì mọi việc sẽ hợp lại đúng theo ý Ngài muốn. Nếu tác giả “The Innocent Abroad” không phải là Mark Twain thì chẳng ai biết xứ Palaestina hoang vu. Nếu Charles Warren không đến đúng lúc đo đạc Jerusalem, thì chưa ai khám phá đường hầm bị thời gian vùi lấp. Nếu ngôi sao Bethlehem không bị mất khiến nổ ra chiến tranh, thì Luật Đất đai Ottoman chưa thay đổi. Có biết bao điều kỳ diệu khác nữa phải xảy đến sau đó, để Israel có thể trở lại làm chủ miền đất hứa và thành Jerusalem yêu quý của họ.

TheoDoiDauHieuTanThe01.docx

Rev. Dr. CTB