Theo Dõi Tận Thế, bài 02

Êsai 62:4

Trong dòng lịch sử thế giới, năm 1867 đã lặng lẽ trôi qua và đi vào quá khứ. Thế nhưng, rất ít người biết năm đó là một mốc rất quan trọng trong thánh sử tuyển dân của Đức Chúa Trời! Theo luật Chúa định, cứ mỗi 50 năm, dân Israel sẽ giữ một năm hân hỉ để sản nghiệp Chúa ban cho tổ phụ, dù đã bán đi, phải trở về nguyên chủ, nô lệ người Israel được tự do trở về nhà mình.– Sau khi bị vua Babylon Nebuchadnezzar đánh bại vào năm 586 BC, toàn dân Giu-đa đều bị lưu đày xa xứ. Bảy mươi năm sau, họ được hoàng đế Ba-tư Cyrus cho phép trở về quê cũ xây dựng lại Jerusalem và xây cất ngôi Đền Thờ thứ nhì cho Đức Chúa Trời. Israel lại có cơ hội mừng năm hân hỉ.

Nhưng tới năm 331 BC, xứ Judea và các lân bang bị Alexander đại đế của Hy-lạp chinh phục. Rồi năm 167 BC, đại đế Epiphane IV chiếm Đền Thờ ở Jerusalem và dâng tế lễ bằng con heo để làm ô uế Đền Thờ ấy. Mọi lễ nghi của Do-thái-giáo đều không còn. Tới năm 63 BC, đế quốc La mã xâm chiếm và bắt đầu cai trị Xứ Thánh. Năm AD 30, Đức Chúa Jesus hi sinh trên thập tự giá của quân đô hộ La-mã, và Hội Thánh của Chúa được thành lập vào năm đó. Tới AD 70, tướng La mã Titus dẹp tan cuộc khởi nghĩa của người Do-thái, Đền Thờ bị thiêu hủy chung với Jerusalem.

Cuộc khởi nghĩa của dân Do-thái chống La mã do Bar Khokhba lãnh đạo năm AD 132 bị dìm trong biển máu. Năm AD 135 Hoàng đế La mã Hadrian ra lệnh đày hết người Do thái khỏi quê hương họ và bán làm nô lệ khắp thế giới. Từ đó, người Israel không còn còn cơ hội nào mừng năm hân hỉ theo luật pháp Môise. Quê hương của họ bị sang tay qua nhiều đế quốc cai trị. Đến thế kỷ AD 7, vua Umar hồi giáo chiếm xứ. Ngoại trừ lúc quân Thập Tự Chinh Âu Châu đoạt Xứ Thánh từ tay Hồi giáo và cai trị vài năm ngắn ngủi, thời gian còn lại đều do Hồi giáo cai trị cho tới khi hoàng đế Selim đệ I của Ottoman đánh bại quân Mamluks Ai-cập và chiếm xứ vào năm 1517.

Có thể nói rằng năm 1517 là lần cuối cùng quyền sở hữu Đất Thánh chuyển vào tay chủ mới. Vì cứ mỗi năm mươi năm tới một năm hân hỉ, quyền sở hữu đất chuyển sang chủ khác; cho nên quyền sở hữu Đất Thánh chuyển sang tay đế quốc Ottoman vào năm 1517 được đặc biệt chú ý để tính những sự việc diễn ra năm mươi năm sau đó. Biến cố cải cách Tây giáo hội Cơ-đốc-giáo vào năm 1517, đem Hội Thánh của Chúa trở lại niềm tin nguyên thủy của Kinh Thánh càng làm cho mốc thời gian nầy trở nên một thời điểm cực kỳ quan trọng trong lịch sử giáo hội và thế giới. Bởi vì tất cả các lý tưởng tự do, dân chủ và quyền bình đẳng đang có hiện nay đều từ đó mà ra.

Nhưng đối với người Israel, tuyển dân của Đức Chúa Trời, thì năm 1867 trở nên mốc thời gian quan trọng; vì vài sự kiện xảy ra có vẻ rất tình cờ lại ứng nghiệm các điều kiện của lời tiên tri từ ngàn xưa, khiến những người nghiên cứu lịch sử phải chú ý đặc biệt tới thời điểm 1867. Năm hân hỉ của Israel bị gián đoạn hàng ngàn năm qua. Vùng đất Đức Chúa Trời hứa ban cho họ làm sản nghiệp vĩnh viễn đã bị chuyển qua tay nhiều chủ nhân thuộc dân ngoại. Nếu tính ngược trở lại từ 1867 tới lần miền đất hứa ấy bị chuyển giao cho chủ mới là năm 1517, thì đã 350 năm; tức là bảy lần năm hân hỉ. Vậy, 1867 là năm hân hỉ thứ bảy, năm khởi đầu cho một thời kỳ ngoạn mục mới.

Việc xuất bản quyển bút ký “The Innocents Abroad” đã đẩy danh tiếng của Mark Twain khắp thế giới, vô số người được biết những lời Đức Chúa Trời ngăm đe trừng phạt xứ sở của dân Israel đã ứng nghiệm. Còn việc Charles Warren khám phá đường hầm David ở Jerusalem đã lập nền tảng khôi phục thêm thành phố cổ đại ấy. Những điều đó mở đường cho người ta tìm ra lãnh thổ Israel cũ từ Dan tới Beer-Sheba, xác nhận những điều Kinh Thánh Cựu Ước đã ghi chép từ xưa về lịch sử của họ, tạo tiền đề cho dân tộc ấy hồi phục mạnh mẽ hơn trong thế kỷ kế tiếp.

Sau khi đo đạc Jerusalem và khám phá đường hầm cổ danh tiếng, Charles Warren trở về nước Anh. Ông viết viễn tượng của ông về tương lai của vùng đất ấy trong một kế hoạch mà ông gọi là “Đất của Lời Hứa.” Cảnh vật ở xứ Thánh làm ông ưu tư là những đồi trọc, hoang vu, vắng vẻ, khô cằn. Ông viết về dự trù của ông là món tiền mà đế quốc Ottoman đang thiếu nợ và phải trả thì có thể dùng để đem người Do-thái trở về tổ quốc của ông cha họ. Viễn tượng của ông là dân Do-thái sẽ học cách để trở lại tiếp tục canh tác trên đất ấy. Ông tin rằng có thể tưới nước vùng đất nầy, trồng cây, làm biến đổi hệ sinh thái của cả xứ. Viễn tượng của ông là sa mạc sẽ lại trổ hoa.

Vùng đất mà Mark Twain mô tả không đủ nuôi sống một nhúm người nghèo khổ, thì Warren lại có viễn kiến về tương lai miền đất ấy có thể cung cấp đủ vật thực cho hàng triệu người Do-thái. Như Kinh Thánh từ ngàn xưa miêu tả đó là một vùng đất trù phú đượm sữa và mật (Dân-số-ký 13:27). Lúc Mark Twain và Charles Warren tới Jerusalem vào năm 1867, thì người Do-thái ở địa phương là một thiểu số ít ỏi; nhưng chỉ bốn năm sau khi Mark Twain tới thăm, thì nơi đó đã có một trường canh nông tên là Mikveh Yisrael dạy cho người Do-thái. Ấy là lần đầu tiên sau gần hai ngàn năm vắng bóng, người Do-thái từ xa trở về được dạy về cách thức canh tác đất đai.

Trong thập niên 1870, các khu định cư nông nghiệp của người Do-thái được thiết lập sau khi vắng mặt mấy ngàn năm. Rồi khi đế quốc Nga mở cuộc bách hại người Do-thái dữ dội, thì họ phải chạy trốn tới nơi khác để lánh nạn; cho nên, đầu thế kỷ 20 là lúc dân Do-thái lìa bỏ nhà cửa ở Âu-châu chạy trốn về cố quốc, làm ứng nghiệm lời tiên tri; mặc dù nhiều đời tổ tiên họ sinh trưởng ở Âu châu và xem nơi đó như quê quán của họ. Gần cuối đời của Mark Twain, ông kết bạn với một ký giả và kịch tác gia tên là Theodor Herzl, người sáng lập đảng chính trị chủ nghĩa Zion.

Zion là tên cổ của Jerusalem; đàng chính trị nầy là phong trào thúc giục người Do-thái trở về đất cũ tiến tới tái lập nước Do-thái. Mark Twain làm ứng nghiệm lời tiên tri thứ nhất (Phục Truyền 29:22–23). Theodor Herzl làm ứng nghiệm lời tiên tri thứ nhì (Phục Truyền 30:3). Twain và Herzl gặp nhau tại Paris vào năm 1894, lúc Herzl thành lập đảng chính trị Zion. Sự thành lập đảng nầy là tiền đề làm ứng nghiệm lời tiên tri: “Người ta sẽ không còn gọi ngươi là ‘kẻ bị ruồng bỏ,’ chẳng gọi đất ngươi là ‘đất hoang vu’ nữa; nhưng ngươi sẽ được gọi là ‘người mà Ta vui thích’” (Êsai 62:4). Không mấy ai để ý, nhưng người Do-thái đã rỉ rả di cư về đất cũ, trồng cây, xây dựng đường xá.

Tuy nhiên, lúc đó xứ Thánh đang ở dưới sự cai trị của đế quốc Ottoman từ 1517. Năm hân hỉ 1867 đã khởi động người Do-thái hồi hương từ các xứ tổ tiên họ bị lưu đày. Để vấn đề chuyển chủ quyền đất vào năm hân hỉ kế tiếp 1917 có thể được thực hiện, một biến cố lớn nữa phải diễn ra ba năm trước đó để làm ứng nghiệm huyền nhiệm năm hân hỉ ấy. Ấy là trận Đại Chiến Thế Giới lần thứ nhất khởi động vào năm 1914; nguyên nhân là Đại công tước Franz Ferdinand, vua Áo-Hung bị một người Bosnian Serb ám sát chết tại Sarajevo của Serbia vào ngày 28 tháng 6, 1914.

Quân đội Áo-Hung tràn qua đánh Serbia. Quân Nga kéo sang bênh vực Serbia. Đức bèn tuyên chiến với Nga. Pháp đồng minh với Nga chống phe Đức-Áo-Hung. Đức quay sang tấn công Bỉ, nước Bỉ thất kinh cầu cứu Anh quốc, thế là nước Anh nhập trận. Chiến thuyền của Ottoman thuộc phe Đức bất thần tấn công căn cứ hải quân của Nga ở Hắc Hải ngày 29 tháng 10. Ngày 2 tháng 11, Nga tuyên chiến với Ottoman; ngày 5 và 6 tháng 11, Anh và Pháp tuyên chiến với Ottoman. Hai đế quốc lớn và hùng mạnh là Anh và Ottoman bị kéo vào cuộc chiến tranh lan rộng. Mỗi bên giữ một vai trò trong sự ứng nghiệm lời tiên tri Chúa đã phán từ nhiều ngàn năm trước.

Ngày nay người ta nhìn lại lịch sử thế giới và quan sát những biến động quân sự và chính trị trong khu vực, thì mới thấy rằng những gì đã được Đức Chúa Trời định trước, mà Ngài đã sai các vị tiên tri thông báo từ ngàn xưa, đều phải diễn ra để chương trình và kế hoạch của Ngài được thực hiện theo ý Ngài muốn. Những biến cố tưởng chừng tình cờ dẫn tới xung đột quân sự, giải quyết những nút thắt không ai ngờ được, đều là các việc phải xảy ra để huyền nhiệm về luật năm hân hỉ mà Đức Chúa Trời đã định sẽ được hoàn thành một cách diệu kỳ.

TheoDoiTanThe02.docx

Rev. Dr. CTB