Thư Hê-bơ-rơ, bài 17

Hê-bơ-rơ 10:26–39

Đây là sự cảnh cáo về vấn đề thứ tư trong thư Hê-bơ-rơ. Lời cảnh cáo về vấn đề thứ nhất ghi ở 2:1–4 nói tới sự trừng phạt đích đáng cho những người coi thường ơn cứu rỗi. Lời cảnh cáo về vấn đề thứ hai ghi trong 3:7 – 4:13, nói tới những người không được vào sự an nghỉ của Chúa. Vấn đề được cảnh tỉnh thứ ba là sự lười biếng không chịu học để trưởng thành, sẽ dẫn tới sự bội đạo rồi sẽ bị loại trừ và thiêu huỷ (5:11 – 6:20). Bây giờ, lời cảnh cáo về vấn đề thứ tư là, nếu ai cố ý phạm tội thì chắc chắn sẽ bị hình phạt kinh khiếp (25–31).

Mới nghe qua thì thái độ xao lãng, bỏ qua sự nhóm lại của một số tín đồ nào đó, có vẻ chỉ là việc nhỏ nhặt bề ngoài, không quan trọng. Nhưng tác giả thư Hê-bơ-rơ cho biết rằng thái độ đó là hành vi của người đã bội đạo, chắc sẽ bị hư vong vĩnh viễn. Việc tưởng là nhỏ, nhưng trước mặt Chúa thì Ngài không xem là nhỏ; bởi vì những người như thế đã khinh thường ý của Chúa muốn con dân Ngài nhóm lại để thờ phượng, tham dự các thánh lễ và đời sống tâm linh được gây dựng. Trong thực tế, những người bỏ sự nhóm lại với Hội-thánh khoảng vài tháng liền thì rất khó hồi phục nếp sinh hoạt tâm linh thanh sạch. Dù vẫn còn mang danh tín hữu, nhưng thực chất bề trong là trống rỗng vì đã manh nha lòng bội đạo. Bao nhiêu điều được học biết đã gần tiêu mất hết cả.

Điều tác giả muốn nói ở đây có thể áp dụng cho hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất là một số tín đồ gốc Do-thái-giáo, sau khi đã nhận Đức Chúa Giêxu là Đấng Mết-si-a phải đến như các lời tiên tri đã chép về Ngài trong Kinh-thánh Cựu-ước, thì họ đã tiếp nhận Ngài là Đấng Trung Bảo của Giao-ước mới, là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm làm Đấng Phục Vụ ở Nơi Chí Thánh, Đấng mở đường cho mọi con dân Ngài được vào Nơi Chí Thánh ấy. Nghĩa là họ đã từ bỏ cách thức thờ phượng theo giao ước cũ để nhờ Huyết Đức Chúa Giêxu rửa sạch lòng và lương tâm họ. Họ cũng bắt đầu nhờ Đức Thánh Linh là Thần Ân-điển dẫn dắt họ trên thiên trình. Nhưng nay, họ quay ra bỏ bê sự thờ phượng chung với Hội-thánh của Giao-ước mới, mà quay lại lối thờ phượng cũ.

Những người nầy đã hiểu biết cách chính xác và thấu đáo về chân lý. Sự hiểu biết đó do Đức Thánh Linh mở trí cho họ hiểu sự khác nhau sâu đậm giữa người giữ giao ước cũ với người theo giao ước mới. Tác giả nói rằng ấy là “những người đã được soi sáng” (6:4–5). Tuy nhiên, sự khai trí và sự biết rõ chân lý của những tín đồ ấy chỉ là biết qua lý trí, chứ chưa tiếp nhận chân lý qua tâm linh, tức là quyết tâm sâu trong tấm lòng. Vì không có rễ vững chắc, những người nầy khinh thường Huyết của Giao-ước mới, nghĩa là khước từ sự hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Giêxu, là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Họ trở lại nhờ huyết bò, dê để mong tội lỗi được che lấp. Họ đã khước từ Sinh-tế trọn vẹn nhất, nên không còn sinh tế nào tốt hơn để họ có thể được tha tội (26).

Trường hợp thứ nhì là lời Đức Thánh Linh áp dụng cho các giáo đồ của Hội-thánh từ xưa tới nay, mà nguồn gốc không phải từ Do-thái-giáo. Những người nầy cũng tiếp nhận ơn cứu độ bằng lý trí. Tức là trí phán đoán của họ bị thuyết phục về tính cách hữu lý của việc họ được tha tội bởi ơn hi sinh cao quý của Đức Chúa Giêxu. Nhưng con người bề trong của họ chưa được tái tạo, sự sống vĩnh cửu mới chỉ là một ý niệm chứ chưa trở thành một niềm tin thực nghiệm. Tín đồ thuộc nhóm nầy dù được soi sáng tâm trí, nhưng lòng họ chưa thực sự đầu phục Đức Chúa Trời. Bởi đó họ dễ cố ý phạm tội khi bị xác thịt hay bản ngã lôi kéo, xem thường huyết hi sinh của Đức Chúa Giêxu như chẳng có giá trị gì. Và vì chưa có Đức Thánh Linh ngự trong lòng, nên dễ dàng xúc phạm đến Ngài bằng lời nói khinh thị hay hành vi bất chính, mà lòng không chút áy náy (29).

Hai trường hợp nói trên được cảnh cáo rằng: “Không còn sinh tế nào chuộc tội được nữa, … chỉ còn run sợ chờ đợi sự đoán xét, và ngọn lửa hừng sẽ thiêu nuốt những người phản nghịch” (26–27). Dưới giao ước cũ, những ai bị hai hoặc ba nhân chứng xác nhận người ấy đã phạm luật Môi-se, thì phải bị xử tử chứ không được khoan hồng, dù người ấy chứng tỏ mình có ăn năn tội. Sự vi phạm các điều khoản của một giao ước chưa trọn vẹn mà còn bị như thế, huống chi sự xúc phạm ân sủng của Giao-ước mới chẳng những sẽ không được châm chước, mà còn bị hình phạt nặng hơn nhiều (28–29).

Giày đạp Con Đức Chúa Trời” có nghĩa là từ khước, không nhận Đức Chúa Giêxu là Đấng Cứu Thế, khinh thường uy quyền và thẩm quyền của Ngài, công khai hay âm thầm phá hoại công tác mở mang của Hội-thánh bởi cách sống đồi bại, khiến người chưa tin báng bổ đạo Chúa. “Coi thường huyết của giao ước, là huyết đã thánh hoá họ,” nghĩa là không xem Huyết Chúa là thánh khiết, mà nhờ đó họ được giải thoát khỏi xiềng xích của ma quỷ. Ý nghĩa của chữ “thánh hoá” ở chỗ nầy nói về sự được tha tội, mà người được dự phần có thể bị sa ngã về sau. Mặc dầu lúc ban đầu bề ngoài người ấy có vẻ kỉnh kiền, được ân sủng và ân tứ; lúc đầu thì rất tôn trọng huyết Chúa, nhưng về sau lại không xem huyết ấy là đáng kính trọng, chỉ vì một chút lợi lộc nào đó.

Xúc phạm Thần Ân-điển” tức là chống cự, dập tắt, làm buồn lòng, thậm chí khinh bỉ Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Tâm lý của loại người bội đạo là tìm đủ lý lẽ để biện minh cho hành vi bội đạo của mình. Bội đạo không có nghĩa chỉ là bỏ đạo Chúa để theo một tôn giáo khác; bội đạo còn có nghĩa là không xem sự hiện diện, những công việc và các sự biểu lộ của Đức Thánh Linh là đáng quý trọng; chỉ vì một chút bất mãn nào đó là sẵn sàng lìa bỏ hội chúng đã gây dựng mình hiểu biết nhiều thêm về Đức Chúa Trời. Sự trừng phạt cho các tội nầy là rất nặng.

Mức độ phạm tội ở chỗ nầy nặng hơn sự “cố ý phạm tội” trong lời cầu xin của Đa-vít: “Xin Chúa giữ cho kẻ tôi tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội.” (Thi Thiên 19:13); và Chúa cho biết rằng Ngài sẽ báo trả thích đáng. Bị ma quỷ hãm hại thì còn có Chúa giúp đỡ, nhưng bị Chúa phạt thì sẽ không có chút hi vọng nào thoát khỏi hình phạt của Ngài (30–31). Tác giả khuyên các độc giả của thư tín là “hãy nhớ lại ngày trước, lúc anh em mới được soi sáng, anh em phải trải qua nhiều cuộc tranh chiến gian khổ” dù bị đàn áp, nhục mạ (32–33); còn tinh thần của Cơ-đốc-nhân là luôn cảm thông “với những người bị cầm tù, vui lòng để cho người ta tước đoạt của cải, vì biết mình có của cải quý giá hơn còn lại mãi mãi” (34). Bởi vì hạnh phúc của các thánh đồ trong nước trời là rất thật và có giá trị vĩnh viễn; còn những lợi lộc vật chất ở thế gian chỉ là tạm bợ mà thôi.

Tác giả thúc giục các con dân chân thật của Chúa “đừng để mất lòng tin tưởng, vì nhờ lòng tin tưởng đó, anh em sẽ nhận được phần thưởng lớn” (35). Chẳng lẽ trước kia đã bị chịu khổ trăm bề mà vẫn vững vàng, bây giờ lại mất lòng tin vì những sự cám dỗ không đáng kể hay sao? Lòng tin thánh khiết vững vàng được hứa sẽ có phần thưởng rất lớn trong tương lai. Dù vậy, đang lúc ở thế gian nầy đã có phần thưởng được ban cho những người tin là sự bình an và vui mừng thánh thiện; hơn nữa, sự hiện diện của Chúa và quyền phép Ngài luôn ở với mọi người tin. Sự nhẫn nại là cần thiết đối với tất cả chúng ta. Bởi vì phần lớn nhất của hạnh phúc dành cho các thánh đồ là sẽ đến trong lời hứa. Họ chỉ nhận được toàn thể hạnh phúc ấy sau khi thực hiện trọn ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống mình ở thế gian (36).

Ý muốn của Chúa là con dân Ngài làm nguồn phước cho muôn người đang sống quanh mình trong cuộc sống mỗi ngày. Chúng ta phải là muối của đất và ánh sáng cho thế gian (Ma-thi-ơ 5:13–14). Sự nhẫn nại chờ đợi sẽ được đền bù thoả đáng. Tâm lý của rất nhiều tín hữu là muốn tận mắt thấy Đức Chúa Giêxu hiện đến giữa sự vinh quang trong lúc họ đang còn sống trên thế gian. Rất ít người hiểu biết rằng lúc họ qua đời là ngày được gặp mặt Chúa vinh quang. Nếu chúng ta biết tự trang bị mình bằng tâm tình nầy, thì chúng ta sẽ thoả lòng dù trong khó khăn, hoạn nạn.

Chúng ta, những người công chính của Chúa sẽ sống bởi đức tin vì biết Chúa không trì hoãn ngày Ngài trở lại thế gian tiếp rước Hội-thánh của Ngài. Chúng ta cũng không lùi bước để bị hư vong; vì Chúa sẽ không vui lòng về sự yếu đuối của chúng ta (37–38). Ngài muốn chúng ta vững vàng trong đức tin, để linh hồn được cứu rỗi (39).

ThuHeboro17.docx

Rev. Dr. CTB